Saturday, December 11, 2010

Điếu Cày giữa thời thổ tả

Điếu Cày giữa thời thổ tả


Tưởng Năng Tiến

Nhạc sĩ Châu Kỳ là tác giả của nhiều bài ca (rất) sến. Không tin, xin nghe Tuấn Vũ chơi thử một bài – Bỏ Phố Lên Rừng:

Người xót xa buồn lắm phải không?
Không sao lại bỏ phố lên rừng
Đi làm mây cao trên đèo vắng.
Trời vào đông có chạnh lòng?

Ông Lữ Phương (nguyên) thứ trưởng Bộ Văn hoá của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thì không hề làm nhạc sến, cũng không ca nhạc sến bao giờ, chỉ trải qua một kinh nghiệm sống (hơi) hao hao sến. Năm 1967, không biết vì xót xa buồn lắm chuyện chi mà (khi khổng khi không) ổng … lại bỏ phố lên rừng!

Bốn mươi mốt năm sau, phóng viên Ánh Nguyệt đã có cuộc nói chuyện với ông Lữ Phương – nghe được qua RFI, vào ngày 22 tháng 08 năm 2008 – xoay quanh cuốn bút ký “Những Chuyến Ra Đi,” với lời giới thiệu (có phần hơi cường điệu, và không được mạch lạc gì cho lắm) về tác giả, như sau:

“Một thanh niên miền Nam lớn lên được hun đúc bằng lòng yêu nước và lý tưởng đã quyết định dấn thân vào cuộc phản kháng chống lại cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Vấn đề không bình yên về tinh thần mà anh nhận ra qua cuộc dấn thân ấy là sự sai biệt giữa lý tưởng và thực tế. Anh vẫn giữ nguyên ý nghĩa sự chọn lựa ban đầu của mình là không chấp nhận sự can thiệp tàn bạo của Mỹ vào đất nước và điều đó khiến anh vẫn còn là bạn đường của những người cộng sản, nhưng trong những năm tháng sống với họ qua cuộc chiến đấu chung ấy trong chiến khu, mặc dù đã vào Đảng rồi anh vẫn thấy lạc lõng trong cái không khí ý thức hệ và văn hoá do Đảng tạo ra, những điều đó là xa lạ với tính cách của anh, có phần đi ngược lại với cả cái lý tưởng mà anh ấp ủ. Sự rạn nứt đó đã giằng xé tâm thức và trở thành cái chủ đề của bút kí ‘Những chuyến ra đi.’ Một bút kí thể hiện sự khắc khoải của một con người đi vào máu lửa để tìm kiếm một thứ ý nghĩa chung cuộc cho đời sống. Các sự kiện lịch sử được kể ra ở đây chỉ là những chất liệu qua đó tác giả bộc lộ những suy nghiệm về bản thân trong quá trình dấn thân tìm hiểu đời sống trong cái hiện thực sần sùi khốc liệt của nó. Một sự bộc lộ tiêu biểu cho thái độ của một số trí thức ‘khuynh tả’ xuất hiện ở miền Nam sau 1954”.

Sau 1975, sau khi “Mỹ cút,” ở Việt Nam xuất hiện “một lớp trí thức khuynh tả khác.” Họ cũng được “hun đúc bằng lòng yêu nước” và cũng “quyết định dấn thân.” Sự khác biệt chỉ ở điểm là thay vì “không chấp nhận sự can thiệp tàn bạo của Mỹ vào đất nước” (như lớp ông Lữ Phương, ngày trước) họ “không chấp nhận sự can thiệp tàn bạo” của người Tầu vào lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cầy, là “một sự bộc lộ tiêu biểu” cho thái độ này.

Để thực hiện lý tưởng của mình ông Lữ Phương đã bỏ phố lên rừng, hay còn gọi (một cách ít lãng mạn, và đỡ sến hơn) là … nhẩy núi. Trong cuốn bút kí thượng dẫn, nơi trang 56 và 57, có mấy đoạn thế này:

“Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi!”

“Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn): chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen ‘chính trị hoá’ mọi quan hệ xã hội.”

Quá trình chống Mỹ của ông Lữ Phương, ngó bộ, cũng không “sần sùi” hay “khốc liệt” gì cho lắm. Ông ra đi nơi này vẫn thế. Bà nhà “ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh,” và “được mọi người quen biết (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn) hết lòng giúp đỡ và che chở.” Và dù ông đã nhất định quên tình riêng “đi vào máu lửa để tìm kiếm một thứ ý nghĩa chung cuộc cho đời” nhưng vợ, con, em út, cháu chắt … vẫn vô (bưng) thăm hỏi tưng bừng – “lúc nhúc một đoàn” đông hết biết luôn! Nói dại, và nói đại, lỡ ông Lữ Phương có hai hay ba bà vợ và cũng xin cơ quan để được liên hệ với những gia đình còn lại thì bà Hai cũng như bà Ba – hổng chừng – cũng dám đã có mặt ở chiến khu, y như bà Cả vậy!

Chuyện chống Tầu của ông Nguyễn Văn Hải, xem ra, có phần vất vả hơn chút xíu. Ổng không vô bưng mà lại vô tù; đã thế, vợ con, dù đã làm giấy tờ ly dị, vẫn cứ bị vô số những chuyện lôi thôi và rắc rối với … Chính Quyền Cách Mạng! Bức thư của bà Dương Thị Tân, vợ (cũ) ông Điếu Cầy, viết ngày 2 tháng 12 năm 2010 mà chúng tôi xin ghi lại nguyên văn dưới đây nói lên (phần nào) những sự kiện vô cùng ti tiện, bẩn thỉu, và hạ cấp trong vụ việc này:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_______________________

THƯ TỐ CÁO

Kính gởi: – Ông Nguyễn Chí Thành – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh
- Ông Lê Hồng Anh – Bộ trưởng Bộ Công an
- Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam
- Ông Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Đồng kính gởi: – Các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, những bạn bè thân
hữu quan tâm đến vụ việc.

Tôi tên: Dương Thị Tân, hiện ngụ tại số nhà 57/31 Phạm Ngọc Thạch, phường 6 quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi gửi thư này đến các ông tố cáo những sự việc mà trong thời gian qua chính quyền (cụ thể là Cơ quan ANĐT Công an TPHCM) đã gây ra cho gia đình tôi như sau:

Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2006 đến tháng 12/2008, tôi và chồng cũ của tôi là ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) có bị Tòa án nhân dân TPHCM xử 2 năm 6 tháng tù giam về tội danh “trốn thuế” cộng với mức tiền phạt gần 900 triệu đồng + gần 40 triệu đồng tiền lãi.

Đau đớn vì bị oan ức, tôi tìm hiểu nguyên nhân và được biết, sở dĩ có vụ án oan này là do chồng cũ của tôi (ông Nguyễn Văn Hải) vào ngày 16/12/2007 và ngày 19/1/2008 có tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đất và chiếm 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam nên Công an TPHCM đã bắt giữ. Theo lời của Thiếu tá Nguyễn Văn Long (tên gọi khác là Hoàng, tự xưng là Đội trưởng Đội điều tra chống bạo động) thì không thể quy kết ông Nguyễn Văn Hải tội biểu tình nên mới phải dùng tội danh “trốn thuế” mặc dù tội danh này cũng không có bằng chứng. Và cũng theo lời một số cán bộ khác của Cơ quan An ninh điều tra thì “nếu không bắt ông Hải sẽ làm mích lòng Trung Quốc, vì Trung Quốc là nước lớn, nếu không được hài lòng thì sẽ có chiến tranh”.

Thưa các ông!
Tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, một mình tôi phải nuôi dạy các con đang tuổi học hành điều đó với tôi cũng đã là quá sức. Tôi không quan tâm nhiều đến chuyện kẻ nào bán đất và kẻ nào bán đảo, nhưng để bắt giữ cho bằng được ông Nguyễn Văn Hải, cơ quan Công an và Tòa án đã quy chụp cho chúng tôi tội danh mà chúng tôi không hề phạm phải, tuyên phạt tôi 18 tháng tù treo, 18 tháng quản chế tại địa phương cộng với một số tiền quá lớn. Sau vụ đó, họ giải thích cho tôi rằng: “Vì lợi ích quốc gia nên mong chị cố gắng chịu đựng”.

Chuyện tưởng như đã xong, bình an sẽ trở lại với gia đình tôi thì bỗng dưng vào các ngày 13- 14- 15- 16 tháng 5/2009 Cơ quan an ninh điều tra lại liên tục cho gọi tôi lên thẩm vấn với nội dung: Bắt tôi cam kết không được cho 2 người quen ở nhờ trong căn nhà số 84D Trần Quốc Toản (phường 8, quận 3) mà tôi và ông Nguyễn Văn Hải là đồng sở hữu, đồng thời bắt tôi cam kết không được trả lời phỏng vấn hoặc nói chuyện với bạn bè khi họ hỏi thăm chuyện bị giam giữ, sức khỏe của ông Hải hay chuyện cuộc sống của mẹ con tôi. Quá ngạc nhiên vì những điều vô lý mà Công an đưa ra, tôi có hỏi lại họ rằng: “Tài sản của tôi, tôi có quyền quyết định hay không? Chuyện của gia đình tôi, tôi có được kể hay không? Tôi làm như vậy thì có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì vi phạm điều khoản nào trong pháp luật nhà nước?”. Tôi hỏi nhiều lần với những người thẩm vấn tôi hôm đó, cụ thể là: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Minh Mẫn, Nguyễn Văn Hưng…. Nhưng thay vì trả lời cho tôi rõ thì Nguyễn Văn Long (Hoàng) còn lớn tiếng nạt nộ: “Sẽ kiếm chuyện ép bằng được con mẹ này, cho tù thêm 5 năm nữa. Sẽ có đủ người, đủ thời gian để làm việc với nó nhiều lần”, v.v…

Sự việc vẫn không dừng tại đó. Vào ngày 20/10/2010 vừa qua, khi thời hạn tù giam của ông Hải kết thúc, tôi thuê một chiếc xe để đi đón ông Hải tại trại giam Xuân Lộc vào lúc 5 giờ sáng. Khi tôi bắt đầu lên xe thì có một tốp khoảng 20 người gồm cả Công an mặc sắc phục và mặc thường phục xông ra chặn đầu xe không cho xe chạy rồi yêu cầu tôi phải về Công an làm việc. Bất bình vì những người này không đưa ra được bất cứ lý do gì chính đáng biện minh cho hành vi cản trở quyền tự do đi lại của tôi nên tôi nói rõ cho họ biết rằng “Bây giờ mới 5 giờ sáng, không một cơ quan nào làm việc vào giờ này, hơn nữa tôi không vi phạm pháp luật, không ai có quyền cản trở hay bắt giữ tôi”. Một Công an tên Bình hô to: “Tôi đại diện cho pháp luật, đại diện cho tám mươi mấy triệu dân yêu cầu chị về Công an làm việc”. Tức cười cho kiểu “đại diện” ngô nghê, tôi quay trở lên nhà thì một số người mặc thường phục ra lệnh cho khoảng 8 người vừa Công an vừa dân phòng của phường 6 quận 3 chạy theo lôi kéo, bẻ quặt tay chân tôi quăng vào xe. Bất bình, đau đớn, tôi la lên thì lập tức những cùi chỏ thúc mạnh vào họng, vào ngực, thậm chí họ còn đánh đập, dùng sức nặng của họ đè cả lên người tôi khi ở trong xe Công an.

Tại Công an phường 6, từ sáng đến gần trưa Công an liên tục yêu cầu tôi phải giao tư trang cá nhân cho họ. Tôi từ chối thì Nguyễn Văn Long ra lệnh cho thuộc cấp xông vào bẻ giật cánh khủy tay tôi ra sau treo lên cho những tên khác thò tay vào lục soát trong người tôi lấy hết tư trang gồm tiền và điện thoại di động cá nhân (V9) mà không có lệnh khám xét, không lập biên bản khám xét cũng như thu giữ tài sản của tôi. Khi bọn chúng giở trò hành xử côn đồ với tôi, thì Nguyễn Minh Mẫn lấy điện thoại di động của Mẫn ra quay phim lại.

Trong khi tôi đang bị khống chế, bắt giữ trái phép tại Công an phường 6 quận 3, thì tại nhà tôi Công an cử nhiều người ngồi chặn hết các cửa ra vào không cho các con tôi được ra khỏi nhà đi học (ngày đó con gái tôi phải thi học kỳ 3 môn).

Đầu giờ chiều ngày 20/10/2010, từ Công an phường 6 lại diễn ra màn trấn áp tiếp theo áp giải tôi về nhà để bắt đầu một cuộc “càn quét” vô cùng khủng khiếp. Các con tôi từ sáng đã bị giam giữ trong nhà đến lúc này bắt đầu hoảng loạn, la khóc khi Công an đập phá khóa cửa để vào nhà. Không phá được khóa, bọn họ đập cửa kính, mảnh kính bắn tứ tung vào người mẹ con tôi khiến ai cũng bị đứt da chảy máu.

Khi phá được cửa họ lại “ào ào như sôi” tràn vào nhà lục xét mọi xó xỉnh, ngóc ngách, tìm kiếm, bươi moi. Tôi yêu cầu cho tôi biết lý do khám xét thì người mặc sắc phục đeo bảng tên Đại tá Trần Văn Cống mới đọc cho tôi nghe tờ giấy gọi là “lệnh khám xét nơi ở của ông Nguyễn Văn Hải” và ông Trần Văn Cống là người được ủy quyền chủ trì thi hành lệnh. Tôi phản đối lệnh khám xét trái pháp luật này vì nơi đây từ nhiều năm nay là nhà riêng của tôi, không phải “nơi ở của Nguyễn Văn Hải”, nhưng đã 2 lần họ viện lý do khám xét “nơi ở của Nguyễn Văn Hải” để khám xét nhà riêng của tôi. Đã 3 năm qua, ông Hải không qua đây thăm con vì bị giam giữ tại các trại giam của Công an, nên muốn khám xét các người phải đến trại giam mới đúng. Ông Cống nói: “Chúng tôi biết hết, biết tất cả, nhưng đây là lệnh chúng tôi phải thi hành”. Khi rút đi họ mang theo của con tôi 2 bộ máy vi tính để bàn, 1 máy tính xách tay, một số thiết bị nghe nhạc và một số đĩa ghi hình ảnh kỷ niệm gia đình.

Ngày 28/10/2010, Cơ quan ANĐT CATPHCM triệu tập con tôi là Nguyễn Trí Dũng đến trụ sở (số 4 Phan Đăng Lưu) để kiểm tra đồ vật thu giữ. 3 giờ chiều cùng ngày, biên bản được lập với nội dung ghi rõ: “không tìm thấy tài liệu liên quan” nhưng đến hôm nay (02/12/2010) tài sản cá nhân và phương tiện học tập của các con tôi vẫn không được Công an trả lại.

Thưa các ông!
Những điều tôi tóm tắt sơ lược trên đây chỉ là một số trong vô số các hành vi mà chính quyền và CA TPHCM đã hành xử bất công, thô bạo, vô đạo đức và coi thường pháp luật đối với bản thân tôi, với ông Nguyễn Văn Hải và các con của chúng tôi.

- Bất công là cột buộc cho chúng tôi tội chúng tôi không vi phạm rồi phạt tù, phạt tiền, công khai cướp tài sản (căn hộ số 9/3, chung cư 17 Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) khi chúng tôi đang mua bán bằng giấy tay mà chưa kịp chuyển quyền sử dụng. Khi được hỏi về việc này, đại tá Trần Tiến Tùng có trả lời: “Ai bảo mua bán trái pháp luật”. Xin thưa, việc mua bán nhà giấy tay dù chứa đựng nhiều rủi ro cho người mua nhưng không có nghĩa là nhà nước cấm vì nó diễn ra công khai với đa phần nhà hóa giá.

- Vô đạo đức là hành xử dã man, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của tôi, của ông Nguyễn Văn Hải và các con tôi. Con tôi đã 2 lần bị chận đánh ngoài đường, gây thương tích (có người chứng kiến). Bản thân tôi cũng bị chận đánh nhiều lần. Ông Nguyễn Văn Hải từng “được” Trung tá Hoàng Trọng Dũng (An ninh CA TPHCM) nghênh ngang tuyên bố: “Đánh để bác sĩ nhìn không ra, luật sư tìm không thấy, đánh cho mất khả năng đàn ông, chích cho lây nhiễm AIDS, làm cho suy kiệt mà chết”. Nhà tôi từng bị cột cửa bên ngoài nhiều lần vào các ngày 8/3/2010, 11/3/2010, 13/3/2010 và 22/10/2010 khi các con tôi đang ở bên trong. (Ngày 13/3/2010 tôi có lên CAP8 quận 3 trình báo sự việc 4 lần nhưng CAP8 quận 3 không xuống xem xét và giải quyết).

Trong cuộc sống, gia đình tôi không gây thù chuốc oán, chính quyền địa phương chưa một lần phải xử lý về vấn đề gì, thì tại sao giờ này bản thân ông Hải, tôi (Dương Thị Tân, người luôn được Cơ quan Công an nói rằng “không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến ông Hải”) và các con của chúng tôi luôn bị đe dọa đến mạng sống, các con tôi còn bị tước đi quyền được đi học, thi cử một cách tùy tiện, trái pháp luật (cả 2 cháu đều bị nhiều lần). Điều đáng nói là những việc làm vô nhân đó lại được một bộ phận người khi hành động luôn luôn nhấn mạnh rõ ràng: “Chúng tôi là CAND đang làm nhiệm vụ theo lệnh của cấp trên”, luôn luôn tự nhận họ “đại diện cho luật pháp”, “đại diện cho nhân dân”. Họ hành động và hò hét như thể họ được “miễn dịch” với luật pháp, hay họ là một thế lực được luật pháp bảo kê. Tất cả những việc xảy ra đó được một số cán bộ Công an lý giải một cách đơn giản khi tôi hỏi họ tại sao, họ trả lời: “Tại vì ông Hải. Tại vì ông Hải không biết lượng sức mình, tại vì ông Hải dám nói đến biển đảo, đất liền bị mất trong khi nhà nước chưa nói”, v.v… Tất cả cán bộ Công an mà tôi đã từng tiếp xúc không một người nào không nói như vậy (tôi còn nhớ rõ từng người).

Thưa các ông!
Vậy thì đã rõ. Một người như ông Nguyễn Văn Hải đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, đã hy sinh một phần tuổi trẻ cho đất nước mà chưa một lần đòi hỏi, kể công. Một người có lương tri biết đau trước nỗi đau Tổ quốc bị xâm chiếm, trước quốc nạn tham nhũng mà nói lên tiếng nói của chính nghĩa thì không có lý do gì để phải bị cầm tù và bị đối xử tàn nhẫn bởi chính cái đất nước mà ông Nguyễn Văn Hải đã ra sức bảo vệ. Gia đình và người thân ông Hải cũng không có lý do gì phải chịu sự trả thù của một bộ phận người luôn lấy sức mạnh của chính quyền để khủng bố, đe dọa người dân lương thiện, luôn nhân danh công lý để che đậy sự nhỏ nhen hèn nhát của lương tâm mình.

Thưa các ông!
Thư này gửi tới các ông với yêu cầu chính đáng trả lại tài sản cho gia đình tôi để các con tôi có phương tiện học tập, yêu cầu chấm dứt mọi sự đe dọa, khủng bố tinh thần đối với gia đình tôi. Đồng thời không đối xử thô bạo với ông Nguyễn Văn Hải hiện đang bị Công an giam giữ, vì cho đến thời điểm hiện tại (02/12/2010) gia đình tôi vẫn không được biết ông Hải đang bị giam ở đâu và không được gởi quà thăm nuôi. Cán bộ tiếp dân chỉ giải thích là “theo yêu cầu của Cơ quan điều tra không cho gởi đồ thăm nuôi” là một hình thức khủng bố tinh thần, làm suy kiệt sức khỏe ông Hải, trái với Nghị định 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 của Chính phủ (khoản 1 Điều 26 của Quy chế về tạm giữ, tạm giam).

Với tinh thần cầu thị, mong rằng mọi yêu cầu của tôi không rơi vào im lặng, và luật pháp cần phải được tôn trọng để những người dân thấp cổ bé miệng như chúng tôi hiểu đúng về cụm từ “Tự do – Hạnh phúc” trong một đất nước có pháp quyền.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02/12/2010
Nay kính thư!
(đã ký)
Dương Thị Tân

Sự việc, nghĩ cho cùng, chả qua chỉ là thời vận. Ông Lữ Phương may mắn vì chống Mỹ đúng nơi và đúng lúc. Cái lúc mà nửa phần đất nước vẫn còn có kỷ cương và hiến pháp. Cái hiến pháp của chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, tuy có vẻ ọp ẹp và yếu ớt, vẫn là đồ thật (chớ) không phải đồ sơn. Nó đã bảo vệ thân nhân, gia đình và vợ con của ông Lữ Phương thoát khỏi những đòn thù ti tiện, bẩn thỉu và hạ cấp của những kẻ tiểu nhân – nếu có – vào thời điểm đó!

Ông Điếu Cầy, tiếc thay, không được sự may mắn tương tự. Ông chống Tầu không đúng nơi và cũng chả đúng thời. Cái nơi mà ông vẫn ngỡ là quê hương xứ sở của mình thật ra đang bị âm mưu bán đứng, và cái thời của ông – như chúng tôi đã có dịp đề cập trong một bài viết trước – là Thời đại Bất Nhân, hay còn gọi một cách bỗ bã hơn, theo cách nói của những blogger ở Việt Nam, là Thời Đồ Đểu hay Thời Thổ Tả!

© Tưởng Năng Tiến

Saturday, July 17, 2010

Văn tế bọn nằm vùng

VĂN TẾ CÁC NHÀ VĂN NHÀ BÁO NẰM VÙNG CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Văn Tế "Đám Thượng Tá" Nằm Vùng


Than ôi! Trời Âu, Úc vận qua Mỹ Quốc, nhờ ơn bác đảng mới được tên tuổi ngày nay. Nhớ linh xưa, lùng kiếm khắp kim cổ đông tây tên tuổi ấy đố có ma nào mà biết.


Nước Hồng Hà chảy xiết, vịnh Hạ Long thương tiếc ngọn nghành, nhớ lúc lang thang từ thuở mới sanh, Hà Nội, Nam Định rồi trôi dạt vào Xoài Rạp, Long Xuyên dốc lòng theo gót cha ông phục tùng cách mạng cho trọn tình nhà, nợ nước.

Xót thay! Tình dưới thanh mao, phận trong chướng vật. Sau bảy lăm họp bầy đoàn thê tử, được phân công mai phục nằm vùng; trước bảy lăm đội lớp ký giả, văn sĩ chui sâu, quyết trốn lính cho tròn ơn kháng chiến.

Dấn thân cho đảng, son sắt một lòng; nối nghĩa cùng thầy, tuyết sơn mấy độ.

Tiếng súng vừa êm, nhờ xảo trá gian manh đảng đã giành thắng lợi. Vẫn biết niềm tin dân chúng là cái gốc rễ sâu bền, nay niềm tin của dân đối với đảng quá chông chênh nên mặt trận đánh bóng tuyên truyền lừa bịp dư luận trong ngoài, đảng phải chọn là mục tiêu hàng đầu, mũi nhọn.

Trong nước, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị phải quốc doanh, kẻ cầm trịch phải có nòi đảng tịch. Ngoài nước, muốn khống chế đám việt kiều yêu quái cho hướng về quốc tổ quê cha, báo chí yêu ma, kẻ tận trung, đảng phải sắp đặt sao cho màn kịch chính trị vẫn là thống soái .

Đảng ta nay ở thế, xiêu xiêu trên dốc, chỉ cần một cơn gió lốc là đảng sẽ tan tành, mau chuyển hướng đấu tranh, cài trận thế văn chương, tuyên truyền láo khoét cho hướng gió thổi tốc về Hải Ngoại .

Kịp thời theo đám người cơ hội chạy sang miền khách địa, hăm hở mài nanh giũa vút, chỉ Miền Nam thề chẳng đội trời chung; dẫu đúng sai cứ đánh phá lung tung, du kích chiến cầm chưng, khiến giặc Ngụy không biết đường mà đỡ.

Dùng văn nô công an-bộ đội, ấn bản phát hành trong nước, chưởi Mỹ Ngụy là xưa; nay truyền thông đã sẵn, internet dễ dàng, chuyển bài vở, tài liệu, thông tin dùng kẻ nằm vùng giả địch bêu xấu địch mới đúng là sáng tạo.

Bài vở đã có người đúc sẵn, chỉ cần cắt ráp, nối đoạn này qua đoạn nọ cho hợp chủ đề cách mạng, bôi lem luốc bộ mặt quốc gia, phô trương chính nghĩa việt cọng gian tà, quyết đánh trúng tim đen óc tò mò giới trẻ.

Văn thì đã có các đồng chí văn nô ngồi đây viết sẵn. Được hổ trợ hơn 700 tờ báo cùng cất nhịp, mớm tin thổi kẻ dốt cho mau thành văn hào, học sĩ. Nguồn tài liệu dồi dào vô tận bỡi hàng khối cán bộ nghiên cứu ngồi dính đít lãnh lương, nghìn người góp nhặt vẫn nhiều hơn một người ra sức; nhờ ơn phúc đức chỉ cần hạ bút ký tên, biến kẻ thiến heo cũng thành học giả thông kim quán cổ.

Văn chương là lựu đạn, bút mực súng AK, đánh cho đám nội ngoại căm thù cọng sản tan ra thành cám nhỏ. Dùng luật pháp phưong Tây ghép chúng bằng trò hề khủng bố, cầm chân mấy tên lố nhố cho mút chỉ trong chốn lao tù. Bao vây, phân tán chúng ra tứ phía trước sau, không để chúng có cơ hội tập hợp lại cùng nhau, thế bị động làm sao gây sóng gió.

Trong nước đánh bằng còng 88, ngoài nước đánh phủ đầu bằng mặt trận truyền thông, sau tiến lên kết hợp tây đông gom lũ dân hải ngoại thành bầy tôi tớ mới. Dụ cho chúng rán chuyển tiền về nước cho quan cho đảng mặc sức làm giàu. Dùng sức địch, bao vây, diệt địch; địch mới trúng đòn đau: đúng bài bản của Binh Thơ Mao Chủ Tịch.

Dụ chúng bằng thơ cho mùi cho ướt: - Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, nay nằm trong tay quỉ dữ, con đừng cao chạy xa bay. Hễ con chạy đến đâu đảng cũng sẽ quyết theo nắm đầu con đến đó.

Trong quốc nội, rải truyền đơn chống đối bắt đặng thì cùm đầu, giăng biểu ngữ đấu tranh cho đi tù không có ngày ra khám, dùng vũ khí giết công an thì đưa ra xử trảm còn ma nào dám chống lại đảng ta. Nếu chúng còn dám kêu la, giả dạng dân oan kêu khóc thiết tha cứ cho xã hội đen lẫn công an đem cứt tiểu vung vãi đầy nhà, còn chưởi nữa mần thịt chúng phơi khô đem về làm mồi nhậu.

Ngoài hải ngoại tìm cho được những nhà văn chiến đấu, chuyên chưởi mờ cả nhật nguyệt càn khôn, mau lập website cho chúng đứng tên hề, phí domain đã có đảng chi tiền, báo đài đảng phải đưa lên trang nhất, cờ ba que treo chi thêm chật, quăng xuống hầm cầu tiểu là xong.

Lãnh tụ Miền Nam là đám đi đong, thất thế già nua, như cua gãy càng, mặc sức chưởi đừng chừa ra một móng. Thiệu Kỳ Khiêm Quang quyết đập nát thành than, đưa bọn Ngụy phải trở về gốc Ngụy.

Đối phó giặc thầy chùa, cho công an xuống tóc giả chơn tu, hình lõa thể treo to ngay Chánh Điện. La to lên cho thiên hạ biết: - Đây chính là một đám hổ mang sư.

Truy bức giặc áo đen, đem an ninh bịt mồm bịt miệng nạn nhân trước vành móng ngựa. Bố cáo cùng bốn biển năm châu: - Đưa phản động ra trước tòa công lý.

Ai xưng giỏi lên đây tỉ thí, lôi đài đã có đám Văn Nô. Bút dẫu cùn, mực dẫu cạn nhưng sức lực vẫn còn thâm, chưởi cho địch thủ khiếp oai, sau lưng có bác đảng hà hơi tiếp sức.

Cùng Việt cộng nằm gai nếm mật, chung nỗi ân ưu; diệt cho hết đám Ngụy quân, trí tâm lao khổ. Phận dù chưa viết lách bằng ai; nhưng vẫn xưng là học giả thông kim, nhà văn quán cổ.

Trước cùng bọn Phạm Xuân Ẩn, Lý Quí Chung tụ tập vùng Nguyễn Huệ, Tự Do đội lớp lượm tin xe cán chó, phóng sự nhựt trình nhưng thực kiếm xu bằng nịnh hót. Sau theo đám Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ ra tuồng ra vẻ quân sư quốc sự chính chị, chính em nhưng thực chất là kẻ luồn trôn, làm người dưới háng.

Phận làm đầy tớ, ngẫm lại cũng cơ duyên; phường xảo trá thường xưng mình là tiến sĩ, kỹ sư tên tuổi luôn có bằng cấp cao treo trước.

Quốc Dân Đảng, Đại Việt chui sâu tận Trung Ương, quyết diệt cho hết cháu con Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh cho thõa lòng mong ước. Văn Bút Hải Ngoại trèo cao làm Chủ Tịch phá tan hàng đám thợ viết lăng nhăng, viết dở viết dai, viết cuội viết trăng, khi hết chuyện, quay sang là chưởi cọng.

Hồn bồi bút biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương; mặt chai lì khôn vẽ nét lưu manh, lập lòe nửa đỏ nửa xanh, múa bút tuồng ra vẻ ta đây cũng là học giả, nhà văn hầu đánh lừa người nhẹ dạ.

Ôi! Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu, ngoài thằng Hồ, thằng Đặng, thằng Phạm, thằng Lê, giòng giống Việt lại thêm lắm thằng quỉ đỏ.

Đoái là đảng biết công lao dường ấy, nhưng miếng chanh đã thành hôi thúi đảng phải đành phải vứt bỏ cho xong; những là khen con đĩ thập thành, lộ nguyên hình là đám Việt gian cọng sản bán nước nằm vùng mà còn dám ngang nhiên hăm he người nọ, kẻ kia; bị lật tẩy là những tên phản quốc, giả trá văn chương còn dám lên cẳng lên chân, dở thói lên gân, du côn chợ Cầu Ông Lãnh.

Tài viết lách ở nơi hải ngoại khỏi cần phải nói, chỉ cần gào thét chưởi cọng cho nhiều thì được danh là quân tử kiếm. Đảng rất mừng, đây là cơ hội hiếm, càng chưởi càng mắc mưu chia rẽ của đảng ta. Nghị quyết đã dặn rằng phải dấy lên phong trào chưởi cho hăng, quậy cho bùn non văng tứ phía; người tử tế sẽ co vò rụt cẳng, chẳng còn thiết đâu nghĩ tới chuyện dựng nghĩa cờ vàng; kẻ vô tâm chỉ ra sức kiếm tiền chẳng hơi đâu mà đấu tranh chống đảng.

Đám Ngụy kia là cát vùng sa mạc, khi hợp khi tan chỉ cần ai dám đứng ra phất cờ chưởi là chúng bay tứ phía. Đảng đã quyết tâm dàn trận địa, bắt đầu cầu khắp bốn biển năm châu, tiền của, chất xám kiều bào phải hút cho sát cho sâu, văn nghệ sĩ, những kẻ đi đầu phải cần chiêu dụ trước.

Nói là làm, kế hiểm sâu phải thực hành cho được. Đánh cho tan các lực lượng đấu tranh, nhóm cựu quân nhân, các đảng phái, khối Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành tiên hạ thủ vi cường, quyết ra tay chặt trước.

Làm là làm cho bằng được, cứ ra công khích tướng cho đám Ngụy chưởi nhau, nón cối tung cho nhiều, chẳng biết trúng đâu, nhưng kết quả cũng u đầu sứt trán. Ta mau giả đổi thù thành bạn dụ dỗ phường ham lợi ham danh. Bọn Ngụy kia càng chưởi càng phô bày bản chất gian manh, càng làm cho những kẻ không ưa việt cọng lại mau thành việt cọng.

Ngụy nay đã đến hồi tuyệt vọng. Chúng muốn hưng binh phạt Trụ, nhưng chẳng ma nào dám chém tướng đoạt thành; quần áo rằn ri, mũ đỏ, mũ xanh, cả bầy chỉ biết quẩn quanh, xách cờ vàng phản đối, biểu tình không làm rụng lông chơn con khỉ đảng. Lâu lâu đảng ị cho một mảng, cả bầy vừa hốt lại vừa la. Múa bút, vung gươm chúng thề dẹp tan lũ cọng sản gian tà, càng múa bút càng vung gươm chúng chỉ thấy xung quanh đâu đâu cũng là việt cọng.

Ta đang thế trên đầu ngọn sóng; cán bộ, du sinh ồ ạt đổ ra ngoài, sẽ cân bằng lực lượng ở tương lai, lúc đó hải ngoại quốc nội mới thực sự hoàn toàn giải phóng.

Nay ta ra tay nới lỏng cho bọn Ngụy mặc tình la. Mặc tình cho chúng ba hoa, đúng là một lũ ngu có chính nghĩa nhưng chẳng biết nâng niu, không biết phô trương mình là chính nghĩa. Chúng bây giờ như bầy ba khía, con nào lúc nhúc chờ đảng bỏ vào giỏ làm mắm là xong.

Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui; dịp trống dồn hoa; chốn tươi chốn ủ. Đã biết rằng gian hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường bại liệt, cái danh không, sĩ diện cũng là không; nhưng tiếc cho tạo hóa khéo vô tình, ngàn năm một hội tao phùng, phận dưới háng vẫn nằm ngay dưới háng.

Bản chức nay phụ trách ngoại giao, kiều vận, chạnh niềm cố cựu; dưới trướng nức mùi chung đỉnh, rượu ngon gái đẹp ê hề, áo quần xa mã nói chung đều là hàng hiệu. Tiền tham nhũng, vàng hối lộ thâu vào không kịp đếm. Ngân Hàng Thụy Sĩ đầy ắp đô la bòn mót của dân đen ngu quá lợn. Sực nhớ khi kề vai sát cánh diệt đám Ngụy quân Ngụy quyền; trong nhà chỉ có áo rách, quần bâu, trốn tránh chúng như chuột chù chui miệng cống.

Nền phủ định tới đây còn xốc nỗi, vu lòng một lễ, chén rượu thoi vàng; chữ tương đồng ngẫm lại vốn đinh ninh, khắp mặt ba quân, cờ hồng nón cối, có cảm thông thì tới đó khuyên mời; dù linh thinh hãy nghe lời đảng dặn.

Buổi chinh chiến đã lập công to lớn nay quân hàm Thượng Tá được đảng phong cho. Nay gặp buổi thanh bình ra sức chưởi đám tị nạn, lưu vong là đồ đĩ bợm. Chưởi lung tung cho thời thế loạn, đâm bị thóc, thọc bị gạo cho bọn chúng đổi bạn thành thù. Viện hai chữ Tự Do, khích nhóm này đánh nhóm kia cho kẻ địch giết nhau chơi mình tọa sơn quan hổ đấu.

Đảng ta là đảng cầm quyền chớ nề kẻ trước người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu, gắn huy chương tổ quốc ghi công; hội thăng bình đừng có nghĩ rằng không, dù ai còn cha già, mẹ yếu, vợ góa, con côi, an tập hết, cũng ban bằng liệt sĩ.

Hồn phách đâu đều ngày tháng Mác Lê; hài cốt đó cũng thơm lừng nước non Liên Xô, Trung Quốc.
Cơ huyền diệu hoặc thâm trầm chưa rõ, thiêng thời về cố quốc, để hương thơm lửa sáng, kiếp tái sinh nhận lại thẻ đảng viên; niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề, linh thời phò hộ cọng sản Việt Nam cho bể lặng sóng trong, duy vạn kỷ cho Việt Nam sớm thành Tàu Cọng.



Nguyễn Thanh Sơn, phụng thảo

(*) Thể theo “Văn Tế Trận Vong Chiến Sĩ” của Nguyễn Văn Thành