Nguyễn Văn Bông – Luật Hiến pháp và Chính trị học (23)
Tháng 10 28, 2013
Xem kì 1, kì 2, kì 3, kì 4, kì 5, kì 6, kì 7, kì 8, kì 9, kì 10, kì 11, 12, kì 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22
PHỤ BẢN 3: HIẾN ƯỚC TẠM THỜI SỐ 1 NGÀY 4-11-1963
HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN CÁCH MẠNG
Xét rằng cuộc cách mạng chống độc tài đã hoàn thành với truyền thống hi sinh phục vụ Tổ quốc của Quân đội Việt Nam Cộng hòa để giành lại cho dân tộc nền dân chủ tự do;
Xét rằng Hiến pháp ban hành ngày 26 tháng 10 năm 1956 đã tạm ngưng áp dụng vì có nhiều điều khoản cần được duyệt lại;
Xét rằng trong khi chờ đợi sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan và tổ chức công quyền trong nước cần được quy định bởi một Hiến ước Tạm thời.
TUYÊN BỐ:
ĐIỀU 1 – Quốc gia Việt Nam vẫn là nước Cộng hòa.
ĐIỀU 2 – Trong khi chờ đợi sửa đổi Hiến pháp, các quyền Hành pháp và Lập pháp đều tập trung vào Hội đồng Quân nhân Cách mạng.
ĐIỀU 3 – Quyền hành Quốc trưởng sẽ do Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng đảm nhiệm.
Điều 4 – Quyền Hành pháp, được ủy nhiệm cho một Chính phủ Lâm thời do một Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo.
Thành phần Chính phủ Lâm thời do Hội đồng Quân nhân Cách mạng chỉ định.
Thành phần Chính phủ Lâm thời do Thủ tướng Chính phủ ấn định với ưng thuận của Hội đồng Quân nhân Cách mạng.
ĐIỀU 5 – Quyền Lập pháp được ủy nhiệm cho Chính phủ Lâm thời ngoại trừ việc ban hành Ngân sách Quốc gia và việc thiết lập các sắc thuế cùng những vấn đề liên quan đến nền an ninh quốc phòng.
ĐIỀU 6 – Các đạo luật và pháp lệ hiện hữu vẫn được tạm thời áp dụng ngoại trừ những điều khoản nào trái ngược với tinh thần của cuộc Cách mạng ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Hiến ước Tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày được tuyên bố.
Saigon, ngày 4 tháng 11 năm 1963
Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng
Trung tướng DƯƠNG VĂN MINH
_________________
PHỤ BẢN 4: HIẾN ƯỚC TẠM THỜI SỐ 2 NGÀY 7-2-1964 TU CHỈNH HIẾN ƯỚC TẠM THỜI SỐ 1 NGÀY 4-11-1963
HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN CÁCH MẠNG
Chiếu tuyên cáo ngày 30 tháng giêng năm 1964 của Hội đồng Quân nhân Cách mạng;
Chiếu Hiến ước Tạm thời số 1 ngày mồng 4 tháng 11 năm 1963;
Xét tình trạng chính trị hiện tại đòi hỏi một sự phân nhiệm thích ứng để tăng cường hiệu năng của guồng máy quốc gia.
TUYÊN BỐ:
Điều thứ nhất – Hiến ước Tạm thời số 1 ngày mồng 4 tháng 11 năm 1963 thượng chiếu nay được tu chính như sau:
Điều thứ 2 – Quyền hành Quốc trưởng sẽ do Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng đảm nhiệm, hoặc ủy cho một nhân vật do Hội đồng Quân nhân Cách mạng đề cử.
Điều thứ 3 – Những điều khoản có trước trái với Hiến ước này đều bãi bỏ.
Hiến ước Tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày được tuyên bố.
Saigon, ngày mồng 7 tháng hai năm 1964
Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng,
Trung tướng NGUYỄN KHÁNH
______________
PHỤ BẢN 5: HIẾN CHƯƠNG VIỆT NAM CỘNG HÒA NGÀY 16-8-1964
LỜI NÓI ĐẦU
Trung thành với quyền lợi tối cao của Tổ quốc Việt Nam và với lí tưởng Cách mạng thiêng liêng cao cả của toàn thể Quân lực Việt Nam Cộng hòa;
Tin tưởng ở truyền thống oai hùng và bất khuất của dân tộc, ở sự trường tồn bất diệt của quốc gia, ở tương lai huy hoàng của đất nước,
HỘI ĐỒNG QUÂN ĐỘI CÁCH MẠNG
Ý thức rằng trong giai đoạn cực kì nguy hiểm này, do tình hình quốc tế khẩn trương và chính sách đế quốc cộng sản bạo tàn gây nên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt buộc phải trực tiếp lãnh trách nhiệm trước lịch sử, đưa quốc dân đến chiến thắng cuối cùng;
Ý thức rằng phải gạt bỏ mọi mầm mống chia rẽ do những kẻ vong bản, phản bội và tay sai thực dân trung lập gây ra, để kết hợp tất cả các lực lượng quốc gia chân chính chống cộng, động viên toàn lực nhân dân, hầu sớm hoàn thành công cuộc xây dựng một quốc gia thái bình , tự do, dân chủ, thống nhất, phú cường;
Ý thức rằng mỗi công dân Việt Nam, không phân biệt nguồn gốc, tôn giáo, tại thành thị, cũng như ở thôn quê, mỗi đoàn thể, phải tích cực hi sinh để cứu Tổ quốc lâm nguy;
Ý thức rằng lí tưởng tự do, sự phát triển của người về mọi phương diện, cũng như nền độc lập và sự thịnh vượng của quốc gia chỉ có thể thực hiện được trong một chánh thể dân chủ;
Ý thức rằng trước tình trạng khẩn trương hiện tại do nội loạn và hiểm họa ngoại xâm, những tự do cá nhân căn bản cũng như những định chế dân chủ không thể sử dụng trọn vẹn và hoàn tất ngay, mà phải được tuần tự ban bố và thiết lập song song với sự tiến triển của tình thế;
Ý thức rằng chủ quyền về toàn dân nên nhiệm vụ lãnh đạo quốc dân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ lập tức chấm dứt khi tình thế cho phép, và sẽ được trao lại cho đại diện dân cử;
Hội đồng Quân đội Cách mạng đại diện toàn thể Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Sau khi thảo luận và đồng thanh chấp thuận,
Ban hành Hiến chương sau đây:
HIẾN CHƯƠNG
THIÊN THỨ NHẤT: ĐIỀU KHOẢN CĂN BẢN
Điều thứ nhất – Việt Nam là một nước Cộng hòa lãnh thổ bất khả phân.
Điều thứ 2 – Chủ quyền thuộc về quốc dân.
Điều thứ 3 – Sự phân nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan Lập pháp và cơ quan Tư pháp bảo đảm cho nền dân chủ.
Điều thứ 4 – Công dân Việt Nam không phân biệt nguồn gốc, sinh ra bình đẳng.
Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền tự do cá nhân căn bản.
Điều thứ 5 – Việt Nam Cộng hòa chấp nhận những nguyên tắc quốc tế pháp không trái với chủ quyền quốc gia, góp phần gây dựng, bảo vệ nền hòa bình và an ninh quốc tế duy trì và phát triển sự hợp tác với các quốc gia trên căn bản tự do và bình đẳng.
THIÊN THỨ HAI: QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CÔNG DÂN
Điều thứ 6 – Các quyền tự do dân chủ căn bản được công nhận và bảo đảm.
Điều thứ 7 – Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ, tù đày một cách trái luật.
Điều thứ 8 – Không ai có thể bị tra tấn hoặc chịu những cách đối xử tàn bạo, bất nhân, hoặc làm mất phẩm giá.
Điều thứ 9 – Đời tư, phẩm giá và thanh danh cũng như gia đình và gia cư của công nhân phải được tôn trọng.
Điều thứ 10 – Mọi công nhân có bổn phận làm việc và có quyền có công ăn việc làm.
Điều thứ 11 – Mọi công dân có quyền tự do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do hành giáo và truyền giáo.
Điều thứ 12 – Trong khuôn khổ luật lệ, công dân có quyền tự do hội họp và lập hội.
Điều thứ 13 – Mọi công dân có quyền bầu cử, ứng cử, theo luật định.
Điều thứ 14 – Quyền tư hữu được công nhận và bảo đảm. Quốc gia khuyến khích và tán trợ sự hữu sản hóa công dân.
Vì lí do công ích hoặc vì lợi ích xã hội, có thể trưng thu tư sản với điều kiện có bồi thường.
Điều thứ 15 - Quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được công nhận và phải được sử dụng theo luật định.
Điều thứ 16 – Trong các công sở cũng như trong các ngành liên quan đến quốc phòng, an ninh công cộng, hoặc liên quan đến các nhu cầu cần thiết của đời sống tập thể, quyền đình công không được thừa nhận. Nhưng quyền lợi của các nhân viên, công nhân trong các ngành ấy phải được bảo đảm như quyền lợi các nhân viên, công nhân cấp tương đương các ngành khác.
Điều thứ 17 – Chỉ có thể tạm thời hạn chế các quyền tự do dân chủ vì lí do an ninh quốc gia.
Điều thứ 18 – Mọi công dân có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, sự toàn vẹn lãnh thổ và Chánh thể Cộng hòa.
Mọi công dân có nhiệm vụ đóng góp vào sự chi tiêu công cộng tùy theo khả năng của mình.
THIÊN THỨ III: HỘI ĐỒNG QUÂN ĐỘI CÁCH MẠNG
Điều thứ 19 – Hội đồng Quân đội Cách mạng đại diện cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa là cơ quan tối cao có nhiệm vụ lãnh đạo quốc dân trong giai đoạn lịch sử hiện tại.
Điều thứ 20 – Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa.
Chiếu đề nghị của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa, Hội đồng Quân đội Cách mạng cử phó Chủ tịch.
Chiếu đề nghị của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa, Hội đồng Quân đội Cách mạng chấp thuận đơn từ chức hoặc chấm dứt nhiệm vụ của phó Chủ tịch.
Điều thứ 21 – Hội đồng Quân đội Cách mạng cử Chủ tịch, một hay nhiều phó Chủ tịch cùng các hội viên Quốc hội Lâm thời, theo thủ tục ghi ở điều 40.
Hội đồng Quân đội Cách mạng chấp thuận đơn từ chức hoặc chấm dứt nhiệm vụ của các vị này.
Điều thứ 22 – Hội đồng Quân đội Cách mạng cử Chủ tịch Thượng Hội đồng Thẩm phán.
Điều thứ 23 – Đặc biệt Pháp viện gồm có một số nhân viên do Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu ra trong số hội viên, sẽ xét xử Chủ tịch, phó Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa, Chủ tịch Quốc hội lâm thời, trong trường hợp các vị này can tội phản quốc hoặc các trọng tội.
Tổ chức và điều Hành pháp Đặc biệt Pháp viện cũng như thủ tục khởi tố trước Đặc biệt Pháp viện sẽ được ấn định sau.
THIÊN THỨ IV: CHỦ TỊCH VIỆT NAM CỘNG HÒA
Điều thứ 24 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa do Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quân đội Cách mạng và quốc dân.
Điều thứ 25 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có Phó Chủ tịch, các Bộ trưởng và các Thứ trưởng phụ tá.
Điều thứ 26 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm các Bộ trưởng, Thứ trưởng với sự chấp thuận của Hội đồng Quân đội Cách mạng.
Điều thứ 27 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa chấp nhận đơn từ chức hoặc chấm dứt nhiệm vụ các Bộ trưởng, Thứ trưởng với sự chấp thuận của Hội đồng Quân đội Cách mạng.
Điều thứ 28 – Nhiệm vụ của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa chấm dứt nếu có đơn từ chức được Hội đồng Quân đội Cách mạng chấp thuận hoặc do quyết định của Hội đồng Quân đội Cách mạng.
Điều thứ 29 – Trong trường hợp Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa mệnh chung hoặc không thể thi hành nhiệm vụ, và trước khi Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu Chủ tịch mới, phó Chủ tịch đương nhiệm thay thế.
Điều thứ 30 – Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa chủ tọa gồm có phó Chủ tịch, các Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Điều thứ 31 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa là Tổng Tư lệnh tối cao Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Điều thứ 32 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm theo luật lệ hiện hành:
- Các đại sứ, đặc sứ toàn quyền, và đặc phái viên hàng đại sứ hoặc đại sứ toàn quyền, và đặc phái viên hàng đại sứ hoặc đại sứ toàn quyền.
- Các thẩm phán tư pháp và hành chính;
- Các sĩ quan cấp tướng và các sĩ quan cấp tá thi hành nhiệm vụ cấp tướng.
Điều thứ 33 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm các nhân viên cao cấp theo luật lệ hiện hành.
Điều thứ 34 – Theo yêu cầu hoặc với sự chấp thuận của Hội đồng Quân đội Cách mạng, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa tuyên chiến hoặc kí hòa ước.
Điều thứ 35 – Theo yêu cầu hoặc với sự chấp thuận của Hội đồng Quân đội Cách mạng, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa tuyên bố tình trạng khẩn trương, tình trạng giới nghiêm hoặc tình trạng chiến tranh. Trong các tình trạng này, một số luật lệ hiện hành có thể bị ngưng áp dụng.
Một văn kiện sẽ ấn định điều kiện tuyên bố và hiệu lực của các tình trạng ấy.
Điều thứ 36 – Với sự chấp thuận của Hội đồng Quân đội Cách mạng, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa phê chuẩn các Hiệp ước quốc tế.
Điều thứ 37 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa ủy nhiệm đại sứ, đặc sứ toàn quyền, và đặc phái viên hàng đại sứ hoặc đại sứ toàn quyền của Việt Nam tại ngoại quốc và tiếp nhiệm các đại sứ, đặc sứ toàn quyền và đặc phái viên hay đặc sứ hoặc đặc sứ toàn quyền của ngoại quốc tại Việt Nam.
Điều thứ 38 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có quyền ân xá, ân giản, hoán cải hình phạt và huyền án.
Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa ban các loại huy chương.
Điều thứ 39 – Trong trường hợp nền độc lập quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa một cách trầm trọng và cấp bách cũng như việc điều hành các cơ cấu căn bản của Chính thể Cộng hòa hoặc việc thi hành những cam kết quốc tế bị ngăn trở nặng nề, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa ban hành mọi quyết định, mọi biện pháp thích ứng, sau khi hội kiến Chủ tịch Quốc hội lâm thời và với sự chấp thuận của Hội đồng Quân đội Cách mạng.
Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa thông báo quốc dân.
Các sắc luật sẽ được thông tri cho Quốc hội Lâm thời.
THIÊN THỨ V: QUỐC HỘI LÂM THỜI
Điều thứ 40 – Trong lúc chờ đợi Quốc hội dân cử, nay thiết lập một Quốc hội Lâm thời gồm 150 hội viên:
a. 100 hội viên dân sự:
- Một số do Hội đồng Quân đội Cách mạng chỉ định trong số hội viên hội đồng nhân dân tỉnh, thị xã hay đô thành, chiếu đề nghị của các hội đồng này, mỗi đơn vị đề cử một hội viên.
- Số còn lại do Hội đồng Quân đội Cách mạng chỉ định trong các nhân vật ở trong hoặc ngoài các đoàn thể chính trị.
b. 50 hội viên đại diện Quân đội Việt Nam Cộng hòa do Hội đồng Quân đội Cách mạng chỉ định
Điều thứ 41 – Quốc hội Lâm thời biểu quyết các đạo luật.
Quốc hội Lâm thời có thể biểu quyết những khuyến cáo về chính sách căn bản quốc gia. Các khuyến cáo này không có tính cách bó buộc.
Quốc hội Lâm thời xét các dự thảo luật do Chính phủ đề nghị, hoặc các dự án luật hay dự án khuyến cáo do ít nhất 20 hội viên đề nghị.
Điều thứ 42 – Trong thời hạn 5 ngày tròn sau khi được Quốc hội Lâm thời biểu quyết, các đạo luật sẽ được chuyển tới Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa.
Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa sẽ hỏi ý kiến ủy ban pháp lí dự liệu ở điều 37 về các đạo luật ấy cũng như về các dự án sắc luật.
Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa ban hành các đạo luật trong thời hạn 45 ngày tròn kể từ khi tiếp nhận. Trong trường hợp khẩn cấp, do Quốc hội Lâm thời yêu cầu, thời hạn ban hành sẽ là 15 ngày tròn.
Điều thứ 43 – Trong thời hạn ban hành, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có thể yêu cầu Quốc hội Lâm thời phúc nghị một hay nhiều điều khoản của đạo luật.
Khi phúc nghị, nếu Quốc hội Lâm thời từ khước sửa đổi theo yêu cầu của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa thì Quốc hội Lâm thời sẽ chung quyết sau một cuộc minh danh đầu phiếu với đa số ¾ tổng số hội viên.
Điều thứ 44 – Dự án ngân sách quốc gia phải được gởi tới văn phòng Quốc hội Lâm thời trước ngày mồng 1 tháng mười và phải được chung quyết trước ngày 31 tháng chạp.
Điều thứ 45 – Hội viên đề khởi các khoản chi mới, phải đề nghị các khoản thu mới tương đương.
Điều thứ 46 – Trong trường hợp khẩn cấp, chiến tranh, nội loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính, Quốc hội Lâm thời có thể ủy cho Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa quyền kí sắc luật trong phạm vi và trong thời hạn ủy quyền. Các sắc luật phải được chuyển tới Quốc hội Lâm thời ngay sau khi kí.
Trong khóa họp thường lệ tiếp sau ngày mãn thời hạn ủy quyền, nếu Quốc hội Lâm thời không bác bỏ, các sắc luật này đương nhiên được coi như những đạo luật.
Điều thứ 47 – Giữa lúc các khóa họp Quốc hội Lâm thời theo nhu cầu khẩn cấp, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có thể kí các sắc luật. Các sắc luật này phải được chuyển tới Quốc hội Lâm thời ngay sau khi kí.
Trong khóa họp thường lệ tiếp cận, nếu Quốc hội Lâm thời không bác bỏ, các sắc luật này sẽ đương nhiên được coi như những đạo luật.
Điều thứ 48 – Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay kết án một hội viên vì những lời phát biểu hoặc vì những sự biểu quyết tại Quốc hội Lâm thời hoặc tại các ủy ban Quốc hội Lâm thời.
Ngoại trừ trường hợp đương trường phạm pháp, không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một hội viên trong suốt thời gian các khóa họp Quốc hội Lâm thời kể cả thời gian đi họp và họp về.
Điều thứ 49 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có thể gởi thông điệp cho Quốc hội Lâm thời và tuyên bố tại Quốc hội Lâm thời.
Bộ trưởng, Thứ trưởng có thể hội kiến với Chủ tịch, phó Chủ tịch và trưởng ban các ủy ban Quốc hội Lâm thời.
Với sự chấp thuận của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa, Chủ tịch Quốc hội Lâm thời có thể mời các Bộ trưởng, Thứ trưởng đến các ủy ban để giải thích về các dự thảo luật.
Điều thứ 50 – Mỗi năm, Quốc hội âm thời họp hai khóa thường lệ.
Một khóa bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên tháng tư và không dài quá hai tháng.
Một khóa bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên tháng mười và không quá ba tháng.
Điều thứ 51 – Giữa các phiên họp thường lệ, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có thể triệu tập Quốc hội Lâm thời họp khóa bất thường. Trong trường hợp này, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa ấn định nghị trình.
Điều thứ 52 – Quốc hội Lâm thời họp công khai. Vì những lí do đặc biệt, Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa hoặc văn phòng Quốc hội Lâm thời có thể yêu cầu họp kín.
Điều thứ 53 – Bản tường thuật các cuộc thảo luận sẽ được đăng vào Công báo, ngoại trừ trường hợp, Quốc hội Lâm thời họp kín.
THIÊN THỨ VI: TƯ PHÁP
Điều thứ 54 – Thẩm phán xử án theo lương tâm, với tinh thần vô tư, trong sự tôn trọng pháp luật.
Điều thứ 55 – Để bảo đảm tinh thần độc lập của các thẩm phán xử án, việc thuyên chuyển, trừng phạt, kỉ luật do Thượng Hội đồng Thẩm phán quyết định.
Hội đồng Quân đội Cách mạng chỉ định Chủ tịch Thượng Hội đồng thẩm phán.
Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm và thăng thưởng các thẩm phán xử án chiếu đề nghị của Thượng Hội đồng thẩm phán.
Điều thứ 56 – Một đạo luật sẽ ấn định thành phần, tổ chức và điều hành của Thượng Hội đồng thẩm phán theo nguyên tắc sau đây: Chủ tịch Thượng Hội đồng thẩm phán do Hội đồng Quân đội Cách mạng cử, các hội viên do các thẩm phán xử án các cấp bầu cử.
THIÊN THỨ VII: CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN
Điều thứ 57 - Ủy ban pháp lí có nhiệm vụ cho ý kiến về các đạo luật, dự án sắc lệnh và nghị định do Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa chuyển đến.
Một văn kiện sẽ ấn định thành phần, tổ chức và điều hành ủy ban pháp lí.
Điều thứ 58 – Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa có thể thiết lập những cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ trình bày sáng kiến, soạn thảo dự án kế hoạch về những vấn đề Chính phủ nêu ra.
THIÊN THỨ VIII: ĐIỀU KHOẢN CHUNG KẾT
Điều thứ 59 – Trong khi chờ đợi bầu cử các Hội đồng nhân dân tỉnh, thị xã, do Hội đồng Quân đội Cách mạng sẽ chỉ định hội viên Quốc hội Lâm thời trong thành phần đại diện các địa phương, chiếu đề nghị của tỉnh trưởng, thị trưởng, đô trưởng.
Nhiệm kì của hội viên này đương nhiên chấm dứt khi có hội viên được chỉ định theo thể thức ghi ở điều 40.
Điều thứ 60 – Một Thượng Hội đồng Thẩm phán Lâm thời gồm có bốn nhân viên do Hội đồng Quân đội Cách mạng chỉ định.
Thượng Hội đồng này sẽ lập một danh sách các thẩm phán xử án và đề nghị Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm chiếu điều 55 của Hiến chương này.
Nhiệm vụ của Thượng Hội đồng Thẩm phán Lâm thời chấm dứt khi Thượng Hội đồng Thẩm phán Thực thụ được thiết lập theo luật định.
Điều thứ 61 – Những cơ cấu quốc gia trên đây sẽ được thiết lập và hoạt động chậm nhất là một tháng kể từ ngày ban hành Hiến chương.
Điều thứ 62 – Hiến ước Tạm thời số 1 ngày mồng 4 tháng mười một năm 1963 và số 2 mồng 7 tháng hai năm 1964 đều bãi bỏ.
Các luật lệ hiện hữu vẫn được áp dụng ngoại trừ những điều khoản trái với Hiến chương này.
Hiến chương này có hiệu lực kể từ ngày được ban hành.
Làm tại Sàigòn, ngày 16 tháng 8 năm 1964
HỘI ĐỒNG QUÂN ĐỘI CÁCH MẠNG
___________________
PHỤ BẢN 6: HIẾN CHƯƠNG LÂM THỜI NGÀY 20-10-1964
LỜI NÓI ĐẦU
Quân đội ngày mồng 1 tháng mười một năm 1963 đã anh dũng đứng lên lật đổ một chế độ độc tài gia đình trị, đó là một kì công mà toàn dân vẫn nhớ và ghi ơn.
Nhưng, sau một thời gian tạm giữ Chính quyền, Quân đội, xuyên qua các tuyên cáo và hiệu triệu, đã nhận xét chí lí rằng, muốn phục vụ hữu hiệu Quốc gia và đáp đúng nguyện vọng của toàn dân, cần phải trở về cương vị quân sự thuần túy, và lần lượt trao lại quyền cho một Chính phủ dân sự.
Thượng Hội đồng Quốc gia được triệu tập để soạn thảo và ban hành một Hiến chương Lâm thời, với mục đích tổ chức công quyền trong giai đoạn chuyển tiếp, và để tuần tự thực hiện sự chuyển hoàn chính quyền từ quân sự qua dân sự.
Soạn thảo trong một tình trạng chiến tranh và hỗn loạn trong một thời gian cấp bách để sớm chấm dứt những nguy cơ của một chính quyền thiếu cơ bản pháp lí, Hiến chương này, dù là lâm thời, vẫn có những yếu tố của một chế độ dân chủ:
- Phân quyền;
- Tôn trọng những tự do căn bản;
- Chủ trương công bằng xã hội.
Ngoài ra, Hiến chương còn nhắm vào mục đích xây dựng một chính quyền vững chãi và giải quyết mau lẹ, êm dịu, những khủng hoảng chánh trị có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trước những đòi hỏi khẩn thiết của tình thế, một ít hạn chế không thể không dự định để bảo đảm quyền lợi tối cao của Tổ quốc cùng tiện việc vãn hồi và duy trì an ninh công cộng.
Sự giao quyền cho Thượng Hội đồng Quốc gia, trong khi chờ đợi triệu tập Quốc dân Đại hội, là một giải pháp tạm thời, thực tế và cần thiết để ứng phó với những khó khăn mà Quốc gia đang phải đương đầu, cũng như để cho sự chuyển quyền được thực hiện đúng theo ngày của đương kiêm Chính phủ tuyên bố.
HIẾN CHƯƠNG LÂM THỜI
THIÊN THỨ NHẤT: ĐIỀU KHOẢN CĂN BẢN
Điều thứ nhất – Việt Nam là một nước Cộng hòa, lãnh thổ bất khả phân.
Điều thứ hai – Chủ quyền thuộc về toàn dân và sẽ được hành sử bởi những đại biểu do dân cử.
Hiên nay, vì tình thế đặc biệt của nước nhà, một Quốc dân Đại hội sẽ được triệu tập theo những thể thức ấn định trong một đạo luật sẽ ban hành sau khi có Hiến chương này.
Điều thứ ba – Việt Nam Cộng hòa chấp nhận những nguyên tắc quốc tế pháp không trái với Chủ quyền Quốc gia và với lập trường chống cộng, chống lrung lập.
THIÊN THỨ HAI: QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CÔNG DÂN
Điều thứ tư – Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nam nữ, nguồn gốc và tôn giáo.
Điều thứ năm – Những quyền tự do căn bản được bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc xác nhận, như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hành giáo và truyền giáo, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, đều được bảo đảm trong khuôn khổ luật định; với điều kiện tôn trọng quyền của người khác và không nguy hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng.
Quyền tự do ngôn luận không được lạm dụng để vu cáo, phỉ bang, xâm phạm đến thuần phong mĩ tục, trật tự công cộng, tuyên truyền cho cộng sản và trung lập.
Điều thứ 6 – Quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được nhìn nhận, nhưng phải hành sử trong khuôn khổ luật định, không nguy hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng.
Công chức cũng như nhân viên và công nhân trong các ngành hoạt động liên quan đến quốc phòng, an ninh công cộng, các nhu cầu cần thiết cho đời sống quốc dân như điện, nước, chuyên chở công cộng không có quyền đình công. Luật lệ sẽ ấn định những quy chế đặc biệt nhắm vào sự bảo vệ quyền lợi chính đáng các công chức, nhân viên và công nhân ấy.
Điều thứ 7 – Không ai có thể bị bắt, giam cầm trái phép. Mọi sự tra tấn bị cấm hẳn. Đời tư gia đình, phẩm giá, gia cư của tư nhân phải được tôn trọng.
Điều thứ 8 – Quốc gia Việt Nam nhìn nhận và bảo đảm quyền tư hữu, chủ trương hữu sản hóa nhân dân và thực thi công bằng xã hội.
Trong trường hợp công ích Quốc gia có thể trưng dụng tư sản, nhưng phải theo thể thức luật định và bồi thường tương xứng.
Điều thứ 9 – Tất cả công dân đều có bổn phận tôn trọng kỉ luật Quốc gia, bảo vệ Tổ quốc bằng cách làm tròn nhiệm vụ quân dịch, đóng góp vào sự chi tiêu công cộng tùy theo khả năng.
THIÊN THỨ BA: QUỐC TRƯỞNG
Điều thứ 10 – Quốc trưởng sẽ được tuyển lựa theo thể thức do Quốc dân Đại hội chấp thuận.
Thủ tướng đề cử phó Thủ tướng, Tổng trưởng và Thứ trưởng cho Quốc trưởng bổ nhiệm.
Quốc trưởng chấm dứt nhiệm vụ của Thủ tướng và các nhân viên Chính phủ, trong trường hợp đơn từ chức được Quốc dân Đại hội chấp thuận hoặc trong những trường hợp dự liệu nơi điều 32 và 33 kể sau.
Trong trường hợp Quốc dân Đại hội không chấp thuận liên tiếp hai (2) vị Thủ tướng mà Quốc trưởng đề nghị để thay Thủ tướng từ chức, Quốc dân Đại hội có bổn phận đưa một danh sách ba (3) vị để Quốc trưởng lựa chọn.
Điều thứ 12 – Quốc trưởng, theo đề nghị của Chính phủ bổ nhiệm tại Hội đồng Tổng trưởng:
- Sứ thần các hạng;
- Viện trưởng đại học;
- Bộ trưởng.
Quốc trưởng bổ nhiệm và thăng cấp, tại Hội đồng Tổng trưởng, các thẩm phán xử án, theo đề nghị của Thượng Hội đồng thẩm phán.
Quốc trưởng bổ nhiệm và thăng cấp các sĩ quan cấp tướng và các sĩ quan cấp tá lên cấp tướng theo đề nghị của Tổng Tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, sau khi hội ý với Thủ tướng.
Điều thứ 13 – Quốc trưởng là vị lãnh đạo tối cao Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Quốc trưởng bổ nhiệm Tổng Tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa với sự tham khảo ý kiến của Thủ tướng.
Điều thứ 14 – Quốc trưởng ban huy chương và sử dụng quyền ân xá.
Điều thứ 15 – Quốc trưởng luôn luôn phải được Chính phủ thông báo những thương thuyết quốc tế và, với sự chấp thuận của Quốc dân Đại hội, Quốc trưởng tuyên chiến, đình và ký hòa ước.
Quốc trưởng tiếp nhận ủy nhiệm thư và thay mặt cho Quốc gia trong bang giao quốc tế.
Điều thứ 16 – Chiếu đề nghị của Hội đồng An ninh Quốc gia và với sự chấp thuận của Quốc dân Đại hội, Quốc trưởng tuyên bố tình trạng khẩn trương, tình trạng thiết quân luật, hoặc tình trạng chiến tranh, có hiệu lực đình chỉ sự áp dụng một số luật lệ hiện hành trên một phần hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trong những tình trạng nói trên, và khi nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Quốc gia bị đe dọa trầm trọng, Quốc dân Đại hội, sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng An ninh Quốc gia, có thể biểu quyết một đạo luật ủy nhiệm cho Chính phủ, trong một thời gian và lãnh vực hạn định, quyền ban hành sắc luật do Quốc trưởng ký tại Hội đồng Tổng trưởng để áp dụng những biện pháp cấp bách cần thiết.
Tất cả sắc luật sẽ được thông tri cho Quốc dân Đại hội sau khi ký. Ba mươi (30) ngày sau khi mãn thời gian ấn định trong đạo luật ủy quyền, các sắc luật nào mà Quốc dân Đại hội không bãi bỏ được coi hẳn như những đạo luật.
Điều thứ 17 – Trong trường hợp ngân sách chưa được Quốc dân Đại hội chung quyết khi đến ngày phải thi hành, Quốc trưởng theo đề nghị của Chính phủ, có thể ký sắc luật cho thi hành một phần (1/4) ngân sách cho ba (3) tháng sắp tới, và như vậy tới khi nào ngân sách được Quốc dân Đại hội chung quyết.
Điều thứ 18 – Quốc trưởng chủ tọa Hội đồng Tổng trưởng.
Tất cả những văn kiện do Quốc trưởng ký, trừ trường hợp bổ nhiệm Thủ tướng, đều phải được Thủ tướng và các vị Tổng trưởng liên hệ phó thự.
Điều thứ 19 – Quốc trưởng ban hành các đạo luật theo thể thức ấn định nơi thiên thứ năm.
Điều thứ 20 –Trong trường hợp Quốc trưởng mệnh chung hoặc bị cản trở không thi hành nhiệm vụ được, Chủ tịch Quốc dân Đại hội sẽ thay thế với điều kiện là trong vòng sáu mươi (60) ngày sau, phải có một vị Quốc trưởng mới.
Phó Chủ tịch Quốc dân Đại hội sẽ thay thế Chủ tịch để điều khiển Viện này.
Điều thứ 21 – Quốc trưởng chỉ có trách nhiệm trong trường hợp can tội phản quốc và sẽ do Đặc biệt Pháp viện xét xử.
THIÊN THỨ TƯ: CHÍNH PHỦ
Điều thứ 22 – Thủ tướng chủ tọa Hội đồng Chính phủ định đoạt và thực hiện chính sách Quốc gia.
Thủ tướng đảm nhận thi hành luật lệ với quyền ký sắc lệnh.
Trong trường hợp có luật ủy quyền của Quốc dân Đại hội dự liệu nơi điều 16, Thủ tướng có nhiệm vụ soạn thảo sắc luật:
Thủ tướng sử dụng quân lực và tổ chức quốc phòng chiếu theo quyết định của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Thủ tướng bổ nhiệm nhân viên các cấp dân và quân, trừ những chức vụ ghi nơi điều 11, 12 và 13. Thủ tướng có thể ủy một phần quyền này cho phó Thủ tướng và các Tổng trưởng.
Điều thứ 23 – Những văn kiện do Thủ tướng ký đều phải được các Tổng trưởng liên hệ phó thự.
Điều thứ 24 – Thủ tướng và Tổng trưởng, trước Quốc dân Đại hội, chịu trách nhiệm liên đới về chính trị chung của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân về những hành vi chức vụ của mỗi người.
Thủ tục kiến nghị khiển trách và vấn đề tín nhiệm sẽ ấn định nơi thiên thứ năm.
Điều thứ 25 – Chính phủ có quyền đề nghị thảo luật và lập dự án ngân sách.
THIÊN THỨ NĂM: QUYỀN LẬP PHÁP
Điều thứ 26 – Quyền lập pháp là quyền của Quốc dân Đại hội.
Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay kết án một hội viên Quốc dân Đại hội vì những ý kiến hoặc những biểu quyết tại Viện này.
Ngoại trừ trường hợp quả tang, không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một hội viên Quốc dân Đại hội trong suốt nhiệm kì.
Sự truy tố và giam giữ một hội viên sẽ đình chỉ, nếu Quốc dân Đại hội yêu cầu.
Quốc dân Đại hội có thể, với đa số ba phần tư (3/4) tổng số hội viên, biểu quyết tạm ngưng quyền bất khả xâm phạm của một hội viên.
Trong lúc hành sử quyền lập pháp tại Quốc dân Đại hội, các hội viên công chức và quân nhân phải xin nghỉ dài hạn, trừ ra các giáo sư cấp bực đại học và kĩ thuật cao đẳng. Các hội viên và người phối ngẫu không được dự vào những cuộc đấu thầu hoặc ký hợp đồng cung cấp cho các cơ quan chính quyền.
Điều thứ 27 – Quốc dân Đại hội biểu quyết các đạo luật.
Quốc dân Đại hội biểu quyết những khuyến cáo Chính phủ khi cần thiết.
Điều thứ 28 – Chính phủ đề nghị dự thảo luật, Hội viên Quốc dân Đại hội có quyền đề nghị dự án luật.
Bốn mươi tám (48) giờ sau khi được Quốc dân Đại hội biểu quyết các đạo luật sẽ được chuyển tới Quốc trưởng để ban hành trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ khi tiếp nhận.
Trong thời gian mười lăm (15) ngày nói trên, Quốc trưởng có thể yêu cầu Quốc dân Đại hội phúc nghị một hay nhiều điều khoản của đạo luật.
Khi phúc nghị, nếu Quốc dân Đại hội không đồng ý sửa đổi theo đề nghị của Quốc trưởng, Quốc dân Đại hội sẽ chung quyết với đa số hai phần ba (2/3) tổng số hội viên.
Nếu quá thời hạn dự định cho việc ban hành, Quốc trưởng không ban hành hoặc không chuyển hoàn đạo luật về Quốc dân Đại hội để phúc nghị, đạo luật sẽ đương nhiên có hiệu lực và sẽ do Chủ tịch Quốc dân Đại hội ban hành.
Điều thứ 29 – Trong trường hợp Quốc dân Đại hội tuyên bố khẩn cấp, thời hạn ban hành sẽ rút ngắn còn một (1) ngày tròn.
Điều thứ 30 – Quốc dân Đại hội biểu quyết ngân sách do Chính phủ đề nghị. Dự thảo ngân sách phải chuyển giao đến Quốc dân Đại hội ít nhất ba (3) tháng trước ngày định thi hành.
Quốc dân Đại hội có quyền đề nghị các khoản chi mới, nhưng cùng một lúc phải đề nghị các khoản thu tương đương.
Nếu đến ngày ngân sách phải thi hành, Quốc dân Đại hội chưa chấp thuận dự án, Quốc trưởng sẽ ký sắc luật cho thi hành một phần tư (1/4) ngân sách cho ba (3) tháng tới như đã nói trên.
Điều thứ 31 - Quốc dân Đại hội có quyền yêu cầu Thủ tướng, Phó Thủ tướng hoặc các vị Tổng trưởng, Thứ trưởng đến để trình bày về mọi vấn đề cho biết trước bằng văn thơ ít nhất một tuần, và trong trường hợp khẩn cấp, ít nhất ba (3) ngày.
Trái lại, Thủ tướng, phó Thủ tướng, các vị Tổng trưởng, Thứ trưởng có quyền yêu cầu ra trước Quốc dân Đại hội để giải bày về một vấn đề nhất định.
Chính phủ có quyền đến trước Quốc dân Đại hội với những ủy viên phụ trợ.
Các vị Tổng trưởng, Thứ trưởng có quyền đến và có thể được mời đến các ủy ban để trình bày hoặc tham khảo ý kiến về một vấn đề, với những điều kiện như trên.
Điều thứ 32 - Quốc dân Đại hội với hai phần ba (2/3) tổng số hội viên, có quyền biểu quyết khiển trách một hay nhiều Tổng trưởng, Thứ trưởng, Vị Tổng trưởng hay Thứ trưởng bị khiển trách sẽ coi như đương nhiên từ chức.
Quốc dân Đại hội với đa số trên đây, cũng có quyền biểu quyết khiển trách Thủ tướng, luôn với tất cả Chính phủ. Nhưng, cùng một lượt với quyết nghị khiển trách, Quốc dân Đại hội phải đề cử, sau khi thỏa thuận với Quốc trưởng, một vị Thủ tướng khác để thay thế. Thủ tướng bị khiển trách phải được coi như đương nhiên từ chức với tất cả Chính phủ. Quốc trưởng sẽ bổ nhiệm vị Thủ tướng được Quốc dân Đại hội đề cử. Trong thời gian Chính phủ mới chưa thành lập, Chính phủ cũ xử lý thường vụ.
Điều thứ 33 – Thủ tướng, sau khi thảo luận tại Hội đồng Tổng trưởng, có quyền đặt vấn đề tín nhiệm trước Quốc dân Đại hội.
Nếu Quốc dân Đại hội, với đa số hai phần ba (2/3) tổng số hội viên bỏ thăm bất tín nhiệm, Chính phủ coi như đương nhiên từ chức, sau khi Quốc dân Đại hội biểu quyết đề cử một vị Thủ tướng mới để thay thế, với sự ưng thuận của Quốc trưởng.
Điều thứ 34 – Những quyết nghị khiển trách hoặc bất tín nhiệm Thủ tướng chỉ biểu quyết bốn mươi tám (48) giờ sau khi thảo luận.
Điều thứ 35 – Nếu trong vòng (12) tháng xảy ra (2) cuộc khủng hoảng Chính phủ do sự áp dụng điều 32 và 33 trên đây, Quốc dân Đại hội có thể bị Quốc trưởng giải tán, với sự đồng ý của Thủ tướng và sau khi tham khảo ý kiến Chủ tịch Quốc dân Đại hội; nhưng Quốc trưởng phải triệu tập Quốc dân Đại hội mới trong vòng (30) ngày.
Quốc dân Đại hội mới không thể bị giải tán trong vòng (1) một năm kế đó.
THIÊN THỨ SÁU: QUYỀN TƯ PHÁP
Điều thứ 36 – Thẩm phán xử án phán quyết theo lương tâm, với tinh thần vô tư, trong sự tôn trọng luật pháp và quyền lợi Quốc gia.
Thẩm phán công tố, dưới sự kiểm soát của Bộ Tư pháp, trông coi và theo dõi sự áp dụng luật pháp trong tinh thần tôn trọng đạo lí và an ninh công cộng.
Điều thứ 37 – Để bảo đảm sự độc lập của các thẩm phán xử án, việc thuyên chuyển, trừng phạt kỉ luật sẽ do Thượng Hội đồng Thẩm phán quyết định.
Quốc trưởng bổ nhiệm và thăng trưởng các thẩm phán xử án, chiếu các đề nghị của Thượng Hội đồng Thẩm phán.
Điều thứ 38 – Một đạo luật sẽ ấn định tổ chức, điều hành và quyền hạn Thượng Hội đồng Thẩm phán.
Điều thứ 39 – Sự xét xử Thủ tướng, Chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc gia và Chủ tịch Quốc dân Đại hội can tội phản quốc hay trọng tội, thuộc thẩm quyền Đặc biệt Pháp viện mà sự tổ chức, điều hành cũng như thủ tục khởi tố sẽ do một đạo luật ấn định sau.
THIÊN THỨ BẢY: HỘI ĐỒNG KINH TẾ XÃ HỘI
Điều thứ 40 – Một Hội đồng Kinh tế và Xã hội sẽ thành lập với nhiệm vụ:
- Phát biểu ý kiến về những dự luật, dự án, kế hoạch do Chính phủ hoặc Quốc dân Đại hội đưa qua, nếu xét thấy cần;
- Trình bày sáng kiến, soạn thảo những kế hoạch về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Kinh tế và Xã hội để đưa lên cho Quốc dân Đại hội xét định.
Ngoài ra, Quốc dân Đại hội và Chính phủ phải tham khảo ý kiến Hội đồng Kinh tế và Xã hội về tất cả các kế hoạch, dự thảo và dự án luật có tính cách kinh tế hay xã hội.
THIÊN THỨ TÁM: HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
Điều thứ 41 – Một Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ được thành lập với nhiệm vụ:
- Đề nghị tuyên chiến, đình chiến hay ký hòa ước;
- Đề nghị tuyên bố tình trạng chiến tranh;
- Đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn trương hoặc thiết quân luật trên một phần hay trên toàn lãnh thổ Quốc gia;
- Duyệt xét và phê chuẩn chính sách quốc phòng;
- Cố vấn và giúp đỡ Chính phủ trong các kế hoạch liên quan đến an ninh Quốc gia.
Điều thứ 42 – Hội đồng An ninh Quốc gia gồm có:
- Quốc trưởng: Chủ tịch;
- Thủ tướng: Phó Chủ tịch;
- Tổng trưởng Quân lực: Hội viên;
- Tổng Tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa: Hội viên.
Điều thứ 43 – Một đạo luật sẽ ấn định tổ chức và điều hành của Hội đồng An ninh Quốc gia.
THIÊN THỨ CHÍN: ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
Điều thứ 44 – Trong thời gian chuyển tiếp, cho đến khi có Quốc dân Đại hội, Thượng Hội đồng Quốc gia, thành lập do quyết định số 7 ngày 8-9-1964 của ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực, đảm nhiệm những quyền hạn ấn định cho Quốc dân Đại hội trong bản Hiến chương này.
Điều thứ 45 – Khi Quốc dân Đại hội đã được triệu tập, Thượng Hội đồng Quốc gia sẽ trở thành một cơ cấu tương đương với Thượng Nghị viện trong chế độ lưỡng viện. Một đạo luật sẽ ấn định nhiệm vụ và quyền hạn của Viện này.
Điều thứ 46 – Cho tới khi có Hiến pháp, những cơ cấu Quốc gia do Thượng Hội đồng Quốc gia thiết lập với tư cách dự định nơi điều 44, sẽ tiếp tục hành sự theo các điều khoản của bản Hiến chương này.
THIÊN THỨ MƯỜI: ĐIỀU KHOẢN CHUNG KẾT
Điều thứ 47 – Quốc trưởng, Thủ tướng hay phân nửa (1/2) hội viên Quốc dân Đại hội có thể đề nghị sửa đổi Hiến chương. Đề nghị sửa đổi phải viện dẫn lí do và nạp tại Văn phòng Quốc dân Đại hội.
Đề nghị sửa đổi chỉ được chấp thuận, nếu ba phần tư (3/4) tổng số hội viên Quốc dân Đại hội tán thành, và sẽ ban hành như một đạo luật.
Điều thứ 48 – Hiến ước Tạm thời số 1 ngày 4-11-1963, Hiến ước Tạm thời số 2 ngày 7-2-1964 và Hiến chương ngày 16-8-1964 bị hủy bỏ.
Các luật lệ hiện hữu đều được tiếp tục áp dụng, ngoại trừ những điều khoản trái ngược với Hiến chương này.
Điều thứ 49 – Hiến chương này có hiệu lực kể từ ngày biểu quyết cho tới khi có Hiến pháp.
Biểu quyết tại Saigon, ngày 20 tháng 10 năm 1964
THƯỢNG HỘI ĐỒNG QUỐC GIA
______________
PHỤ BẢN 7: ƯỚC PHÁP TẠM THỜI NGÀY 19-6-1965
LỜI NÓI ĐẦU
Trong cơn nguy biến, vì quyền sống của Dân tộc vì uy danh Tổ quốc, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã can đảm lãnh trách nhiệm trước Quốc dân và lịch sử.
Để hoàn thành sứ mạng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không lấy mị dân làm phương châm mà lấy an dân làm chính sách.
Quốc dân Việt Nam trải bao nhiêu hy sinh, vẫn hoài bão một tổ quốc hùng cường trong thanh bình và tự do.
Nhiệm vụ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là thực hiện cho bằng được hoài bão tha thiết ấy, dù phải trả bất cứ giá nào. Muốn vậy, muôn người như một phải thống nhất ý chí và hành động, dốc mọi nỗ lực cho tiền tuyến, và tiêu diệt xâm lược cộng sản. Muốn vậy hậu phương phải ổn định để lần lần kiến tạo cơ sở vững bền cho một truyền thống dân chủ tự do có điều kiện nẩy nở trong cách mạng và trong chiến đấu.
Rút kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, Ước pháp Tạm thời dưới đây qui định những cơ cấu căn bản tổ chức Quốc gia, nhằm thực hiện những mục tiêu nói trên.
ƯỚC PHÁP
THIÊN THỨ NHẤT: TỔNG TẮC
Điều thứ nhất – Việt Nam là một nước Cộng hòa, lãnh thổ thống nhất và bất khả phân.
Điều thứ 2 – Trong khi chờ đợi một Hiến pháp thiết lập chủ quyền Quốc gia, lâm thời do Đại hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đảm nhiệm.
Điều thứ 3 – Việt Nam Cộng hòa chấp nhận và tôn trọng các nguyên tắc quốc tế công pháp, với điều kiện là các nguyên tắc này không trái nghịch với chủ quyền Quốc gia và với cuộc chiến đấu hiện tại của Dân tộc.
THIÊN THỨ HAI: ĐẠI HỘI ĐỒNG QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Điều thứ 4 – Đại hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa gồm có:
- Sĩ quan cấp Tướng trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa;
- Tư lệnh các quân, binh chủng;
- Tư lệnh các vùng chiến thuật và tư lệnh biệt khu thủ đô;
- Tư lệnh các sư đoàn.
Điều thứ 5 – Đại Hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều hành theo một nội quy được ấn định riêng.
Điều thứ 6 – Theo thể thức của nội quy, Đại Hội đồng thiết lập một ủy ban Lãnh đạo Quốc gia gồm:
- 1 Chủ tịch;
- 1 Tổng thư kí;
- 1 Ủy viên điều khiển Hành pháp;
- 7 Ủy viên khác là: Ủy viên Quốc phòng trong Hành pháp, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực, 4 Tư lệnh vùng chiến thuật và Tư lệnh biệt khu thủ đô.
THIÊN THỨ BA: ỦY BAN LÃNH ĐẠO QUỐC GIA
Điều thứ 7 - Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia được ủy nhiệm hành sử chủ quyền và điều khiển mọi công việc Quốc gia. Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia chịu trách nhiệm trước Đại Hội đồng Quân lực về mọi quyết định của Ủy ban.
Điều thứ 8 – Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia đảm trách việc đại diện Cộng hòa Việt Nam đối nội và đối ngoại. Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia bổ nhiệm tại Hội đồng ủy viên Hành pháp bằng sắc lệnh theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương:
- Sứ thần các hạng;
- Viện trưởng đại học;
- Đô trưởng.
Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia bổ nhiệm và thăng cấp tại Hội đồng ủy viên Hành pháp, các thẩm phán xử án theo đề nghị của Thượng Hội đồng thẩm phán. Theo quyết định của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia bổ nhiệm và thăng cấp các sĩ quan cấp tướng và các sĩ quan cấp tá lên cấp tướng, chiếu đề nghị của ủy viên Quốc phòng.
Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia bổ nhiệm, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, các Tổng ủy, ủy viên và Thứ ủy trong Nội các.
Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, chiếu theo quyết định của Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn trương, tình trạng thiết quân luật hoặc tình trạng chiến tranh, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, chiếu quyết định của Đại Hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tuyên chiến, đình chiến, ký hòa ước và hiệp ước quốc tế. Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia ban hành các văn kiện lập pháp và công thức chấp hành cho các bản án của các tòa án tư pháp và hành chính.
Điều thứ 9 - Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia ban huy chương và hành xử quyền ân xá.
Điều thứ 10 – Trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia mệnh chung hoặc bị cản trở không thi hành nhiệm vụ được, Tổng Thư ký Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia sẽ thay thế với điều kiện là trong vòng mười (10) ngày tròn, Đại Hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa phải chỉ định một vị Chủ tịch mới.
Điều thứ 11 – Tổng thư ký Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu và hoạch định các chính sách chủ trương và đường lối tổng quát của Quốc gia;
- Với sự thỏa hiệp của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, soạn thảo và đề nghị ban hành các văn kiện lập pháp để thực hiện các chính sách chủ trương và đường lối của Quốc gia;
- Triệu tập Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia họp các phiên họp định kỳ hoặc bất thường.
Điều thứ 12 – Tổng Thư ký có nhiệm vụ tổ chức văn phòng Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và nếu cần; thiết lập các ban chuyên môn để phụ giúp trong các nhiệm vụ liệt kê trong điều 11.
Điều thứ 13 - Ủy viên điều khiển Hành pháp lãnh nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương để chấp hành chính sách chủ trương, đường lối hoặc kế hoạch do Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia đề xướng.
Điều thứ 14 – Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương có toàn quyền:
- Tổ chức cơ cấu guồng máy hành pháp;
- Lựa chọn và thay thế các nhân viên công quyền.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương phải có sự chấp thuận của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia khi có quyết định liên quan tới những cơ cấu từ cấp tỉnh hoặc tổng nha trở lên, và những nhân sự từ cấp Thứ ủy Hành pháp trở lên.
Điều thứ 15 - Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia chỉ định trong số các ủy viên Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia một người thay thế Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương trong trường hợp ủy viên này mệnh chung hoặc bị cản trở không thi hành nhiệm vụ được với điều kiện là trong vòng mười (10) ngày tròn, Đại hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa phải chỉ định một ủy viên điều hành Hành pháp mới.
THIÊN THỨ TƯ: HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
Điều thứ 16 – Hội đồng an ninh Quốc gia gồm có:
- Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia: Chủ tịch;
- Tổng Thư ký Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia: Hội viên;
- Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương: Hội viên;
- Ủy viên Quốc phòng: Hội viên;
- Ủy viên Ngoại giao: Hội viên;
- Tổng Tham mưu trưởng: Hội viên.
Điều thứ 17 – Hội đồng An ninh Quốc gia có nhiệm vụ: Đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn trương tình trạng quân luật hoặc tình trạng chiến tranh trên một phần hay toàn lãnh thổ Quốc gia.
Điều thứ 18 – Một sắc luật sẽ ấn định thể thức điều hành nhiệm vụ của Hội đồng An ninh Quốc gia.
THIÊN THỨ NĂM: HỘI ĐỒNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
Điều thứ 19 – Một Hội đồng Kinh tế và Xã hội sẽ thành lập với nhiệm vụ:
- Trình bày sáng kiến, soạn thảo kế hoạch về các vấn đề kinh tế và xã hội để đưa lên Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia;
- Phát biểu ý kiến về những dự án, kế hoạch có liên quan tới các vấn đề kinh tế và xã hội do Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia soạn thảo.
Điều thứ 20 – Một sắc luật sẽ ấn định tổ chức và điều hành của Hội đồng Kinh tế và Xã hội.
THIÊN THỨ SÁU: THƯỢNG HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
Điều thứ 21 – Một Hội đồng Thẩm phán sẽ được lập với mục đích bảo đảm sự độc lập của các thẩm phán xử án. Thượng Hội đồng Thẩm phán quyết định và đề nghị lên Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia các ý kiến liên hệ tới các việc bổ nhiệm thuyên chuyển, trừng phạt kỉ luật, thăng thưởng và bãi chức các thẩm phán xử án.
Điều thứ 22 – Một sắc luật sẽ ấn định tổ chức và điều hành của Thượng Hội đồng Thẩm phán.
THIÊN THỨ BẢY: ĐIỀU KHOẢN CHUNG KẾT
Điều thứ 23 – Phân nửa (1/2) hội viên trong Hội đồng Quân lực hoặc phân nửa (1/2) ủy viên trong Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia có thể đề nghị sửa đổi Ước pháp này.
Điều thứ 24 – Đề nghị sửa đổi Ước pháp phải dẫn lí do và chỉ được chấp thuận nếu hai phần ba (2/3) ủy viên trong Đại Hội đồng Quân lực tán thành.
Điều thứ 25 – Ước pháp này có hiệu lực kể từ ngày ban hành cho tới khi có Hiến pháp thiệt thọ.
Hiến ước Tạm thời số 1 ngày 4-11-1963,
Hiến ước Tạm thời số 2 ngày 7-2-1964,
Hiến chương ngày 16-8-1964,
Hiến chương Lâm thời ngày 20-10-1964 cùng mọi văn kiện hoặc luật lệ ngược với Ước pháp này đều bị hủy bỏ.
Saigon, ngày 19 tháng 6 năm 1965
ĐẠI HỘI ĐỒNG QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
(Còn tiếp)Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.