Tuesday, March 29, 2016

Lệnh tấn công tết Mậu Thân của cộng sản

Lệnh tấn công tết Mậu Thân của cộng sản
Trần Gia Phụng - Chiến tranh bùng nổ từ năm 1960. Khi khởi sự cuộc chiến, lực lượng cộng sản (CS) sử dụng chiến thuật du kích, đánh phá khắp nơi trong nước. Do địa hình rừng núi ở Đông Dương, Bắc Việt Nam (BVN) là hậu cứ lớn, đưa người và tiếp liệu võ khí, quân nhu và cả thực phẩm cho quân CS ở Nam Việt Nam (NVN). Đến cuối năm 1967, lực lượng CS ở NVN khá lớn mạnh, và CS nghĩ rằng đã đến lúc tổng tấn công để tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trước khi tìm hiểu lệnh tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của CS, xin mời theo dõi sơ lược tương quan lực lượng giữa các bên tham chiến trong trận Tết Mậu Thân (1968).

1. Tương quan lực lượng

Theo thống kê, vào tháng 12-1967, tổng cộng quân chính quy, nghĩa quân, địa phương quân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là 678,728. (Web:-RVNAF Table.pdf Spreadsheet on troop levels and other information (*), gồm 4 quân đoàn, đóng ở 4 vùng chiến thuật. Tổng số quân trên đây gồm có lực lượng tác chiến và thành phần phụ trách hậu cứ, hành chánh, tiếp liệu quân nhu, quân y… 

Quân đội VNCH cho đến cuối năm 1967 chưa được trang bị võ khí mới, mà vẫn còn sử dụng những loại võ khí cũ như súng Carbine M1 và Carbine M2 hay súng Garant M1. Các loại súng nầy được sử dụng từ thời thế chiến thứ hai (1939-1945) ở Âu Châu. Chỉ một số ít đơn vị đặc biệt mới có súng M16. Máy bay của Không quân VNCH không thể ở lâu trên không trung nên không thể bay xa để tấn công. Nói chung, sức mạnh quan trọng trong chiến tranh hiện đại là hỏa lực của quân đội VNCH chưa được mạnh mẽ. 

Quân đội VNCH chỉ bảo vệ NVN, phòng thủ diện địa, chống trả những đợt tấn công của CS trên toàn lãnh thổ NVN. Quân đội VNCH phải dàn trải lực lượng khắp nơi để bảo vệ đất đai. Chiến thuật du kích và khủng bố của CS tuy gây thiệt hại mỗi nơi một ít, mỗi ngày một ít, nhưng tổng số thiệt hại của quân đội VNCH và quân đội Hoa Kỳ càng ngày càng nhiều.

Quân đội Hoa Kỳ có mặt trên chiến trường NVN từ đầu năm 1965, càng ngày càng đông. Vào cuối năm 1967, số quân Hoa Kỳ ở NVN là 486,000 người. (Đoàn Thêm, 1967 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 322). Quân đội Hoa Kỳ được trang bị tối tân và đầy đủ, hỏa lực rất mạnh cả trên bộ lẫn trên không. 

Khác với chiến tranh Triều Tiên, ở Việt Nam Hoa Kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn (limited war), chỉ hành quân giữ thế thủ ở NVN, không đưa bộ binh tấn công BVN, tránh đụng chạm đến TC. Hoa Kỳ chọn lựa chiến lược nầy do Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ chủ trương tránh đụng độ với Trung Cộng ở Việt Nam. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 306.) Hoa Kỳ lo ngại nếu đánh ra BVN, thì TC sẽ can thiệp như đã từng can thiệp ở Triều Tiên năm 1951. 

Với chiến lược phòng thủ, chỉ chống trả những đợt tấn công của lực lượng CS, mà không tấn công hang ổ hậu cứ của CS ở BVN, chận đứng nguồn tiếp liệu cho quân đội CS từ BVN xuống NVN, như Hoa Kỳ đã từng đánh ra BTT mới chận đứng được CS ở NTT, quân đội Hoa Kỳ cũng như VNCH khó thành công trong việc ngăn chận chiến thuật du kích và khủng bố tấn công liên tục khắp nơi trên lãnh thổ VNCH. 

Ngoài ra chính phủ Hoa Kỳ còn buộc quân đội của mình phải tuân thủ “quy tắc tham chiến” (rules of engagement) tức quy tắc ứng xử khi lâm chiến, như một thứ cẩm nang chiến tranh. Những quy tắc tham chiến giới hạn hoạt động của phi cơ, giới hạn hỏa lực yểm trợ trên chiến trường, làm giảm sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ. 

Đầu năm 1968, quân đội CS tại NVN lên đến khoảng 129,200 quân tác chiến, kể cả quân du kích. Khi bắt đầu tổng tấn công, lực lượng nầy tăng thành 147,200 người, đa số đều trẻ tuổi, đôi khi rất trẻ. Con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều. Đa số cán binh CS được gởi từ BVN vào NVN chiến đấu. (Trong lúc quân CS vào thành phố, dân chúng nghe rất nhiều cán binh CS nói giọng Bắc.)

Sinh năm 1959, nhập ngũ năm 1968 (9 tuổi), chết năm 1971 (12 tuổi).
Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phía bắc tỉnh Quảng Trị. (Nguồn Internet)

Lúc đầu CS áp dụng chiến thuật du kích, nay đánh chỗ nầy, mai phá chỗ khác, gây tiêu hao mỗi ngày một nhiều. Khi thấy lực lượng đủ mạnh ở một nơi nào đó, hoặc một thời điểm nào đó, CS mới chuyển từ du kích chiến qua vận động chiến, như trường hợp tổng tấn công Tết Mậu Thân.

Quân đội CS theo kỷ luật sắt, dưới quyền điều khiển của những chính ủy CS, tức ủy viên chính trị của đảng Lao Động. Riêng tại Huế, có nơi CS xích chân bộ đội vào các cổ súng máy, không thể bỏ trốn, phải chiến đấu cho đến khi bị bắn chết tại chỗ. (Nhiều tác giả, Technology and the Air Force: A Retrospective Assessement, Washington D.C: Air Force History and Museums Program, United States Air Force, 1997, tr. 129.) (Sau khi quân đội VNCH tái chiếm Huế, người viết nghe kể quân CS bị xích chân vào các khẩu súng trung liên trấn giữ trên các dãy hoàng thành chung quanh Đại nội ở Huế và bị máy bay bắn chết.)

Ngày 26-1-1968, một số cán binh CS hồi chánh tại Quảng Trị đã khai rằng BVN đưa quân vào NVN, nên BVN phải sử dụng thanh niên trong tuổi nghĩa vụ quân sự, tổ chức thành các đơn vị bảo vệ miền BVN. Thực tế từ tháng 6-1965, khoảng 320,000 viện binh Trung Quốc đã vào BVN, bảo vệ các tỉnh phía bắc Hà Nội, để quân BVN tiến xuống đánh NVN. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 135.)


Võ khí quân CS sử dụng trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân khá tối tân như súng AK 47, xe tăng T54 đều do Liên Xô viện trợ. Lãnh đạo quân cộng sản lúc đó tại NVN gồm Phạm Hùng, ủy viên bộ Chính trị đảng Lao Động, làm chính ủy, tư lệnh là trung tướng Hoàng Văn Thái (mới thay trung tướng Trần Văn Trà năm 1967), tham mưu trưởng là đại tá Lê Đức Anh.

2. Lệnh tấn công của cộng sản

Nhân dịp đầu năm dương lịch 1968, Hồ Chí Minh (HCM) gởi đến Ngoại giao đoàn ở Hà Nội, cùng các nhân viên cao cấp của đảng LĐ và nhà nước Hà Nội một thiệp chúc Tết màu hồng, trên có in bài thơ “Mừng xuân 1968” của HCM. Bài thơ nầy còn được phổ biến rộng rãi trên báo chí và trên đài phát thanh Hà Nội vào ngày Tết dương lịch (1-1-1968).

Đúng giao thừa Tết âm lịch ở BVN theo lịch mới của BVN (tối 28 rạng 29-1-1968), nghĩa là 24 giờ trước tối giao thừa ở NVN theo lịch NVN (tối 29 rạng 30-1-1968), bài thơ “Mừng xuân 1968” do HCM viết và chúc Tết dương lịch (1-1-1968), được phát lại trên đài phát thanh Hà Nội, nói là để chúc Tết đồng bào nhân dịp năm mới âm lịch, như sau: 

“Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua, 
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! 
Toàn thắng ắt về ta.”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12: 1966-1969, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 333-334.) 

Khi đọc bài thơ trên, đến câu thơ chót (Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta), HCM đã dùng sức hét lên thật to, rất khác thường hai chữ "Tiến lên!". Sau nầy người ta mới hiểu bài thơ nầy được CS dùng làm mật khẩu ra lệnh tổng tấn công ở NVN.  
Bài thơ nầy được đài phát thanh Hà Nội lập đi lập lại nhiều lần từ đêm giao thừa đến suốt ngày mồng Một tháng giêng âm lịch (Tết) ở BVN (29-1-1968), tức là ngày 30 tháng chạp năm đinh mùi ở NVN. Như thế, trong suốt ngày hôm đó (29-1-1968), một ngày trước Tết ở NVN, quân đội cộng sản ở khắp NVN đều nghe bài nầy và biết đó là hiệu lệnh của Hồ Chí Minh chuẩn bị ra quân tấn công vào đêm giao thừa ở NVN (đêm 29 rạng 30-1-1968.).

Tại NVN, trước giờ xuất phát tấn công, bộ đội CS được nghe các cấp chỉ huy đọc nhật lệnh của bộ Tư lệnh các Lực lượng Võ trang MTDTGP. Trong lệnh đó, câu đầu tiên là câu của kết bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh: "Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”... Điều nầy càng xác định bài thơ chúc Tết của HCM là lệnh xuất quân chiến dịch “Tổng công kích và tổng khởi nghĩa” của CS. (Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, sđd. tt. 75.) 

Bài thơ chúc Tết của HCM đầu năm 1968 và đầu năm Mậu Thân chính là lệnh tấn công của CSVN, và cũng là lệnh thảm sát đồng bào miền Nam Việt Nam trong Tết dân tộc năm 1968. (Còn tiếp bài 3: Cuộc chiến trên toàn lãnh thổ VNCH.)

Bài đã đăng:


(Toronto, 12-3-2016)

No comments: