Saturday, April 23, 2016

Còn Cộng sản thì còn Quốc hận

Còn Cộng sản thì còn Quốc hận
Trần Gia Phụng - Vui, buồn, thương, ghét, oán, hận là tâm lý thông thường của con người, và cũng theo tâm lý thông thường, qua thời gian, lòng người nguôi ngoai dần, sẽ bớt vui, bớt buồn, bớt thương, bớt ghét, bớt hận. Lâu hơn nữa, thời gian có thể xóa hết chuyện vui, buồn, giận, ghét, hận nơi con người, để rồi tất cả đi vào kỷ niệm… Tuy nhiên, riêng quốc hận 30-4, cho đến nay lòng người Việt không thể nguôi ngoai được mà mối quốc hận càng ngày càng tăng cao, càng đậm nét. Cứ mỗi độ đến ngày 30-4, người Việt lại sôi sục mối hận không nguôi. Đây là một hiện tượng rất đặc biệt chỉ vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN), sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam (NVN), càng ngày càng lộ ra bản chất tham lam, gian manh, tàn bạo, độc tài, đi vào con đường tội lỗi, phản quốc, lệ thuộc Trung Cộng, làm cho đất nước càng thêm suy đồi cùng kiệt, làm cho lòng người càng thêm uất hận.

1. Việt Nam sau năm 1975 càng ngày càng bệ rạc

Sau năm 1975, về mặt xã hội, đầu tiên dễ nhận thấy là giềng mối gia đình Việt Nam càng ngày càng lỏng lẻo, lung lay. Trong khi cha mẹ tất bật lo cuộc sống, con cái thiếu hướng dẫn, lại bị nhiễm nền giáo dục CS. Cộng sản chủ trương “Giáo dục phục vụ chính trị”, tức phục vụ chế độ, phục vụ đảng CS, đào tạo những con người “hồng” hơn chuyên, mang tính đảng nhiều hơn tính chuyên môn. Vì vậy, nền giáo dục suy thoái trầm trọng, trình độ học sinh sút kém. “Báo Thanh Niên viết tựa: “Học sinh lớp 6 ở Bạc Liêu chưa biết đọc!” Báo Tiền Phong kể chuyện từ Kiên Giang tới Cà Mau: “Nhiều học sinh Trung Học Phổ Thông không đọc thông, viết thạo,” trong đó có: “Học sinh lớp 7 nhưng đọc chưa thạo,” có đăng cả hình em học sinh đó đang tập đánh vần. Báo Tuổi Trẻ: “Kontum: Học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo,” có 18 em như vậy. Báo này đăng hình một học sinh lớp 6 ở Phù Cát, Bình Ðịnh, đứng ngơ ngẩn trước tấm bảng đen vì không biết làm con tính chia đơn giản. Báo Sài Gòn Giải phóng cũng loan tin 26 học sinh lớp 6 ở một trường tỉnh Phú Yên chưa đọc chưa viết được chữ quốc ngữ và chưa biết làm 4 phép tính cơ bản. Có học sinh lớp 6 chưa biết đọc 24 chữ cái, vào lớp “cứ ngồi im thin thít.” Có em khác, cô giáo viết chữ cái lên bảng, bảo em chép lại, cũng không viết được! Một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng không viết được tên mình, làm bài toán cộng 7 + 3 cũng sai. Báo Sài Gòn Giải phóng còn kể chuyện có học sinh lớp 9 ở Việt Trì, Phú Thọ, cũng chưa biết đọc trôi chảy một đoạn trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. (Người Việt Online ngày 12-12-2006.) Không lo dạy chữ, mà nhà trường bắt học sinh thuộc lòng năm điều của Hồ Chí Minh, trong đó không có điều nào dạy con em phải có hiếu với cha mẹ, thương yêu anh chị em, kính trọng người lớn tuổi. Lại còn rêu rao: "Công cha như núi Thái Sơn,/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra./ Bác Hồ hơn mẹ hơn cha…” Thật là quái đản hết biết.

Ở bậc đại học, Việt Nam hiện có 24,000 tiến sĩ, nhưng cái ốc vít chưa chế biến được, đừng nói tới các thứ khác. Sau đây là câu ca dao được truyền tụng trong giới đại học Việt Nam hiện nay: “Ngày xưa các cụ đi thi / Trạng nguyên bảng nhãn vinh quy về làng / Bây giờ lắm trạng nghênh ngang / Ăn tục nói phét nghênh ngang với đời Nhưng mà thực chất bạn ơi / Bằng mua, bằng bán, tiền cười là xong / Có bằng lên chức mới nhanh / Không bằng đợi đấy ông hành mày cho…" (Trích báo trong nước: baodatviet.vn 25-2-2014, bài “GS.TS Trần Duy Quý: Nói “tiến sĩ giấy” cũng không oan”.) . 

Chẳng những không giảng dạy đức dục trong học đường, CS còn đàn áp tôn giáo, nhứt là những tôn giáo địa phương như đạo Cao Đài, đạo Phật giáo Hòa Hảo. Đối với những tôn giáo có nhiều liên hệ quốc tế như đạo Phật, các tông phái Ky-Tô giáo, thì CS không dám mạnh tay mà kiếm cách lồng người vào các giáo hội để lèo lái theo lệnh của CS. Lũng đoạn tôn giáo, CS xâm hại không ít đến đời sống tâm linh, đời sống đạo đức của người Việt, nhứt là các thế hệ trẻ. 

Do CS chủ trương giáo dục phục vụ đảng, rồi chủ trương tôn giáo cũng phục vụ đảng, nên xã hội càng ngày càng xuống cấp, hỗn loạn. Những video clip về cảnh cướp giựt công khai giữa ban ngày đưa lên hằng ngày thật khiếp đảm. Cướp giật lại là những tên côn đồ do công an tập hợp, bảo kê, dung dưỡng nhưng không có ngân quỹ trả lương cho chúng, nên công an thả rông cho chúng tự do cướp giật để sinh sống, công an không can thiệp. Công an sử dụng đội ngũ côn đồ để uy hiếp, trấn áp, đánh đập những ai chống đối, những nhà tranh đấu dân chủ, những người khiếu nại và kiện tụng (khiếu kiện) vì bị cướp đất, dân chúng biểu tình chống Trung Cộng, giống như loại kiêu binh thời chúa Trịnh ngày xưa được mô tả trong sách vở. 

Băng đảng hoạt động khắp nơi. Đĩ điếm công khai “tác nghiệp” (chữ của CS). Trộm cắp tràn lan từ trong cơ quan nhà nước ra ngoài xã hội, từ thành phố đến nông thôn. Ra nước ngoài cũng trộm cắp. Nổi tiếng nhứt là vụ bà Vũ Kiều Trinh qua Thụy Điển công tác 3 tuần trong tháng 2-2001. Ngày 11-2-2001, bà ăn cắp tại siêu thị thành phố Kalmar, bị cảnh sát bắt giam. Vì là con gái của một ủy viên Trung ương đảng CS, nên đại sứ CSVN tại Thụy Điển đã can thiệp để bà Kiều Trinh được thả ra ngày 16-2 và hai ngày sau bà phải rời Thụy Điển. 

Cán bộ CS đi đâu cũng ăn cắp. Qua Thái Lan cũng ăn cắp. Đến Thụy Sĩ cũng ăn cắp. Tại Đài Loan cũng ăn cắp. Tại Nhật Bản du học sinh Việt (CS) ăn cắp nhiều quá đến nỗi vào tháng 6-2013, một siêu thị ở Nhật Bản cho treo một bảng cảnh cáo nạn trộm cắp bằng tiếng Việt phía trên, tiếng Nhật phía dưới, mà không dịch qua các thứ tiếng khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ả Rập... Thực là nhục quốc thể

Còn đây là cảnh cáo công khai ở Đài Loan 
cũng chỉ bằng tiếng Việt ngoài tiếng địa phương.

Trong khi đó, ở trong nước, tham nhũng càng ngày càng lộng hành. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Trace International) có trụ sở ở Berlin, vị thứ tham nhũng (Corruption Perceptions Index) của Việt Nam trên thế giới từ 2010 cho đến nay là: 116/178 (năm 2010), 112/182 (năm 2011), 123/ 176 (năm 2012), 116/176 (năm 2013), 119/175 (năm 2014). (Wikipedia). 

Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn, nhiều nhứt trong các ngành nhà đất, hải quan, công an, giáo dục… Tham nhũng đất đai rất tàn bạo, cướp nhà, cướp đất, cướp ruộng vườn bán cho người ngoại quốc, gây ra phong trào dân oan khiếu kiện trên toàn quốc. Vì mất nhà sinh sống, mất đất canh tác nên dân chúng phải đi lang thang khiếu kiện, mà còn bị đối xử bất công, đàn áp, đánh đập. 

Đặc biệt cán bộ đảng viên CS tham nhũng được bảo vệ bằng Chỉ thị 15-CV/TW do bộ chính trị đảng CS ban hành ngày 7-7-2007, quy định như sau: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.” Như thế nghĩa là công an không được theo dõi điều tra đảng viên nếu chưa có sự chấp thuận của đảng uỷ cơ quan. (Vào google, ghi câu: “Công an không thể điều tra đảng viên”, 1 click, xem cuộc họp báo ngày 8-3-2016 của phó giám đốc công an TpHCM.)

Vì vậy, chẳng ai dám tố cáo tham nhũng vì sợ bị trả thù. Người chống tham nhũng yếu thế hơn bọn tham nhũng. Tham nhũng từ tổng bí thư đảng CS, thủ tướng chính phủ, thì đố ai mà dám chống. Nếu không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà xây dựng những nhà cửa, lâu đài nguy nga “hoành tráng” như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng?

Về kinh tế, theo báo Đời Sống & Pháp Luật (trong nước) ngày 29-8-2015, “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.” Còn nữa, cũng theo báo chí trong nước, hiện nay mức thu nhập trung bình của người Việt đang có dấu hiệu sẽ còn thấp hơn cả Lào và Cambodia. Hiện Cambodia dã vựợt qua Việt Nam về ngành lúa gạo và ngành kỹ nghệ xe hơi. (google.com.vn) 

Cần ghi nhận thêm là thu nhập trung bình theo đầu người không chia đều trên cả nước. Số người giàu có, thu nhập cao, đảng viên CS tập trung ở thành phố, trong khi nông thôn, miền núi rất nghèo đói. Thành phố Đà Nẵng có 5 cây cầu bắc qua sông Hàn (dư thừa), trong khi có nhiều vùng không có cả cầu khỉ cho học sinh đi học, mùa nước lụt phải lội qua sông hoặc phải đu giây rất nguy hiểm. Tại thành phố, dân giàu là cán bộ đảng viên, nhà cửa nguy nga trong khi người nghèo sống trong các ổ chuột thiếu tiện nghi.

Trên đây là những nét phác thảo rất sơ lược về xã hội Việt Nam hiện nay, chắc chắn còn quá sơ sài và còn thiếu sót rất nhiều. Tuy vậy, những nét phác thảo trên đây cũng đủ làm cho người Việt, vốn uất hận vì biến cố 1975, càng ngày càng chán ghét chế độ CS, càng thêm uất hận, vỉ khi cưỡng chiếm NVN, CS thừa hưởng cả một gia tài khổng lồ, phồn thịnh, mà dưới sự cai trị của CS, Việt Nam càng ngày càng bệ rạc hơn bao giờ cả, thua sút cả các nước láng giềng như Cambodia, thì thật là nhục nhã. 

2. Cộng sản khinh dân

Ai cũng biết, nhà cầm quyền CSVN độc tài, đảng trị, toàn trị. Điều nầy được HCM và đảng CS khẳng định ngay từ khi mới cướp chính quyền ngày 2-9-1945. Tại Hà Nội, ngày 11-9-1945, HCM triệu tập hội nghị Trung ương đảng CS, đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CS nắm độc quyền điều khiển mặt trận Việt Minh, điều khiển chính phủ, một mình thực hiện cách mạng. (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 143.) 

Về sau, CS chính thức quy định độc quyền lãnh đạo đất nước trong điều 4 hiến pháp năm 1992 và mới cà lăm lập lại trong điều 4 hiến pháp năm 2013 như sau: “Đảng Cộng Sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Hiến pháp này được Quốc hội CS khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013.

Trong thời đại dân chủ, điều 4 nầy hoàn toàn phản dân chủ. Đảng CS đã mạo nhận là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Trong lịch sử, không có khi nào đảng CS phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà CS chỉ lợi dụng công nhân và nhân dân lao động để phục vụ quyền lợi đảng CS. Hơn nữa, chẳng ai bầu hay chọn đảng CS làm “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Đảng CS lấy quyền gì mà tự xưng như vậy?

Theo điều 119 hiến pháp 2013, “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.” Tuy nhiên, trước khi hiến pháp được thông qua ngày 28-11-2013, trong buổi nói chuyện với cử tri hai quận Tây Hồ - Hoàn Kiếm, tại Hà Nội ngày 28-09-2013, viên tổng bí thư hiện nay của đảng CS là Nguyễn Phú Trọng lại khẳng định rằng: “Hiến Pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương Lĩnh của đảng.” Tại sao hiến pháp “có hiệu lực pháp lý cao nhất”, lại đứng sau cương lĩnh của đảng CS? Phản dân chủ trắng trợn đến thế là cùng?

Chẳng những thế, CS còn khinh thường dân chúng đến độ xem dân như không có, vì chính CS bày ra hiền pháp 2013, rồi cũng chính CS chà đạp lên hiến pháp do CS lập ra. Điều 71 hiến pháp 2013 quy định rằng: "nhiệm kỳ của mỗi khóa quốc hội là 5 năm, sáu mươi ngày trước khi quốc hội hết nhiệm kỳ, quốc hội khóa mới phải được bầu xong.” Theo nghị quyết của quốc hội số 1129/2016UBTVQH13 ngày 15-1-2016 về ngày bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ kế tiếp (2016-2021), thì ngày bầu cử sắp tới được ấn định là ngày 22-5-2016. Như thế là quốc hội hiện nầy vẫn còn làm việc ít nhứt đến tháng 6-2016 mới hết nhiệm kỳ, 

Điều đó cũng có nghĩa là chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ cũng đến tháng 6-2016 mới hết nhiệm kỳ, vì theo điều 87 (chương VI) và điều 97 (chương VII) của hiến pháp 2013, thì nhiệm kỳ của chủ tịch quốc hội, của chủ tịch nước, của thủ tướng chính phủ theo nhiệm kỳ của quốc hội. Những điều nầy rành rành ra thế, nhưng vì “Hiến Pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương Lĩnh của đảng”, nên tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho bãi nhiệm các chức sự trên đây trước khi mãn nhiệm kỳ để bầu lại người khác, theo sự sắp đặt của Nguyễn Phú Trọng và đảng CS.

Theo hiến pháp, chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ đều do quốc hội bầu. Đàng nầy, đảng CS ngang nhiên công khai chỉ định trước các chức vụ nầy trong đại hội làn thứ 12 đảng CS từ 20 đến 28-1-2016, rồi giao cho quốc hội hợp thức hóa. Như thế, CS công khai xem quốc hội chỉ là tay sai hay đầy tớ của đảng CS, sai bảo gì là phải vâng lệnh thi hành điều đó.

Đặc biệt, hiện nay chẳng những dân chúng Nam Việt Nam mà cả dân chúng Bắc Việt Nam cũng uất hận CS tàn bạo, nên quay qua cầu mong chính thể dân chủ VNCH trở lại. Một ví dụ mới xảy ra là thanh niên Nguyễn Viết Dũng, sinh năm 1986, tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, sinh viên Đại học Công nghệ Thông tin Đại học Bách Khoa Hà Nội, bị đuổi học năm 2006 vì tham gia biểu tình chống Trung Cộng. Năm 2014, Dũng tham gia tuần hành quanh Hồ Hoàn Kiếm bảo vệ cây xanh, bị bắt vì bận áo Lôi Hổ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và bị đưa ra tòa án quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử ngày 14-12-2014. Anh Dũng bị xử án 15 tháng tù giam. Ngay khi bước ra khỏi nhà tù, Dũng bận áo trắng, trên ngực mang cờ Việt Nam Cộng Hòa, trên tay xăm hai chữ SÁT CỘNG. 

Câu chữ Anh phía trên chữ “SÁT CỘNG” 
Governments should be afraid of their people
(xăm trên cánh tay)

Hai tấm hình trên đây nói lên tất cả uất hận chẳng những của Dũng Phi Hổ mà của toàn dân Việt Nam. Dũng uất hận đến tận cùng nên bất chấp nguy hiểm đang chờ chực, liều mạng bày tổ nỗi lòng của mình.

Ngày xưa, khi đối đáp với Tề Tuyên Vương, Mạnh Tử (372-289 TCN) nói: "Vua xem bầy tôi như đất, như cỏ, thì bầy tôi xem vua như giặc như thù.” (Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng, Sài Gòn: Trung Tân Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1971, tr. 217.) Chữ vua của Mạnh Tử dùng có thể xem là các nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền CS xem dân Việt như đất, như cỏ, thì dân Việt xem nhà cầm quyền CS như giặc, như thù, thì làm sao mà người Việt nguôi ngoai quốc hận cho được. Càng ngày quốc hận càng thêm sôi sục, tăng cao mà thôi.

3. Cộng sản xác nhận đã bán đứt Hoàng Sa và Trường Sa

Chuyện CSVN bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Tàu cộng là chuyện ai cũng biết và đã có nhiều người viết. Tuy nhiên, nhà cầm quyền CS cứ chối leo lẻo, chối quanh, chối co, hoặc biện minh một cách phi lý, để rồi cuối cùng CS “giấu đầu lòi đuôi”. Chuyện là như sau: 

Ngày 5-11-2015, Tập Cẩm Bình, tổng bí thư ban chấp hành trung ương đảng CS Trung Hoa, chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) đến Hà Nội, bắt đầu chuyến viếng thăm cấp nhà nước trong hai ngày 5 và 6-11-2016. Tập Cảm Bình hội đàm riêng lẻ với bộ tứ mã Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư đảng CSVN), Trương Tấn Sang (chủ tịch nước), Nguyễn Sinh Hùng (chủ tịch quốc hội) và Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng). Tập Cẩm Bình còn đọc diễn văn trước quốc hội CSVN.

Trong bài diễn văn trước quốc hội, Tập Cẩm Bình nói chuyện rất hoa mỹ và rất đãi bôi, có đoạn như sau: “Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen “hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi, “ hòa” trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi. Từ hơn 2400 năm trước, cổ nhân Trung Quốc đã nêu ra đường lối “Lễ chi dụng, hòa vi quý” (sử dụng lễ nghĩa thì lấy hài hòa, hòa thuận là quý trọng làm đầu). Nguyện vọng hòa bình được mọc rễ từ trong con tim của mọi người Trung Quốc, hòa nhập vào trong dòng máu của dân tộc Trung Hoa.” 

Đồng ý dân tộc Trung Hoa rất yêu hòa bình, nhưng những nhà lãnh đạo Trung Hoa từ trước đến nay, từ thời quân chủ đến thời CS đều hiếu chiến, tham lam, luôn kiếm cơ hội xâm lăng Việt Nam, bành trướng xuống phương nam. Dân tộc Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay là nhờ tổ tiên người Việt đã chiến đấu không ngừng chống lại các cuộc xâm lăng từ phương bắc. Ngay cả CSVN cũng đã nếm mùi xâm lăng của Trung Cộng năm 1979, gây tan nát cho 6 tỉnh biên giới, cho đến nay vẫn chưa phục hồi được. 

Tập Cẩm Bình còn tiếp: "Tháng 4 năm nay, trong thời gian Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc, tôi và ngài tổng bí thư đã tổng kết quá khứ, nhìn về tương lai. Chúng tôi đã đạt được nhận thức chung, mối quan hệ gắn bó Trung Việt đã được chủ tịch Mao Trạch Đông, thủ tướng Chu Ân Lai cùng với chủ tịch Hồ Chí Minh thế hệ lão thành tiền bối hai bên xây dựng nên, là tài sản quý báu của hai đảng, nhân dân hai nước, cần được quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng. “Tín giả, giao hữu chi bản” (lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn).

Chuyện gắn bó Trung-Việt thời Mao Trạch Đông, Tập Cẩm Bình quên nhắc chuyện năm 1939, lúc đó Hồ Chí Minh có mặt ở Trung Hoa và Mao Trạch Đông đang còn chống nhau với Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông đã viết rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Quốc. (Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, không đề tên tác giả, 1979, tr. 16.) Như thế có nghĩa là gắn bó theo kiểu Tàu đô hộ thời Tô Định, là điều mà dân tộc Việt Nam không bao giờ chấp nhận và sẵn sàng chống đánh quân Tàu xâm lược để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Phải chăng Tập Cẩm Bình muốn thực hiện lối quan hệ gắn bó theo kiểu Mao Trạch Đông, đặt Việt Nam phụ thuộc Tàu khựa?

Tập Cẩm Bình ăn nói ngược ngạo như thế mà các nghị gật CS ngồi im thin thít, chống tai lắng nghe cho được, không có một phản ứng nào cả. Trước khi Tập Cẩm Bình rời Việt Nam, hai bên CSVN và Trung Cộng đưa ra bản tuyên bố chung ngày 6-11-2016 gồm 11 điều với lời lẽ rất ngoại giao về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự; trong đó vấn đề gai góc giữa hai bên là chuyện Hoàng Sa và Trường Sa thì chỉ đề cập đến chuyện tuần tra Vịnh Bắc Bộ và quy tắc ứng xử ở Biển Đông một cách tổng quát, không đi vào chi tiết và không nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau đây là hai đoạn về nội dung vừa kể:

Điều 5 mục (iii): “Duy trì trao đổi cấp cao giữa hai quân đội, sử dụng tốt cơ chế Đối thoại chiến lược Quốc phòng, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung và đường dây thông tin điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng; tăng cường giao lưu hợp tác giữa quân đội hai nước trên các lĩnh vực như giao lưu hữu nghị biên phòng, đào tạo cán bộ, nghiên cứu học thuật quân sự, tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ và tàu hải quân thăm lẫn nhau; đi sâu trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển giữa Cảnh sát biển hai nước, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam với Cục Cảnh sát biển Trung Quốc.”

Điều 7: “Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.”

Ai cũng biết là Trung Cộng đã xâm lăng quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Sau đó, Trung Cộng mở đường xuống Biển Đông, xâm lăng quần đảo Trường Sa 1988. Hiện nay, ai cũng biết Trung Cộng đem dàn khoan di động cài đặt bất cứ nơi nào trong Biển Đông để dò tìm tài nguyên dưới lòng Biển Đông, làm như Biển Đông là của Trung Cộng, bất kể hải phận Việt Nam. Chẳng những thế, Trung Cộng còn tự động xây dựng thêm đảo nhân tạo trên các quần đảo đã chiếm và lập những phi đạo cho phi cơ hạ cánh. Đối với người Việt, Trung Cộng chẳng những là kẻ xâm lăng mà còn là những tên cướp đất, cướp biển. 

Không dám chống cự kẻ xâm lăng, lại không dám đánh đuổi những tên cướp, nhưng khi kẻ xâm lăng hay là những tên cướp đến tận nhà, thì ít nhứt cũng phải phản đối vài điều, hoặc ít ra cũng phải ghi nhận vài câu trong tuyên bố chung. Đàng nầy bộ tứ mã Sang, Trọng, Hùng, Dũng không dám lên tiếng, khúm núm chào mừng quan khách Tập Cẩm Bình, rồi cúi đầu im khe ký bản tuyên bố chung vô bổ, xạo que, không một phản ứng nào cả. Quốc hội và báo chí của CS cũng được lệnh của bộ tứ mã câm miệng hến, chẳng dám có một lời phát biểu. Nhục ơi là nhục. Nhục đến thế là cùng. 

Sự im lặng của CSVN khi tiếp kẻ xâm lăng có một ý nghĩa rất quan trọng cho người Việt Nam và các nước trên thế giới. Đó là CSVN chính thức xác nhận là đảng CSVN đã giao đứt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng, nên bộ tứ mã và quốc hội im lặng trước Tập Cẩm Bình, chấp nhận sự đã rồi, không còn gì để nói về hai quần đảo nầy với Tập Cẩm Bình. Nói cách khác, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã mất vào tay Trung Cộng, không còn gì để CSVN lên tiếng khi kẻ cướp đến nhà.

Điều khôi hài là khi Tập Cẩm Bình ra trước quốc hội CSVN, nói hươu nói vượn, thì không có dân biểu nào dám hó hé hỏi han gì cả. Đến khi Tập Cẩm Bình rời Việt Nam về nước khá lâu, thì có hai ông dân biểu, trước khi mãn nhiệm về vườn, lại hùng hổ múa may lên tiếng.

Ngày 1-4-2016, luật sư Trương Trọng Nghĩa, thuộc đoàn đại biểu TpHCM phát biểu: “Về bối cảnh tình hình, tôi nhất trí với đánh giá Báo cáo của Chính phủ là tình hình phức tạp, căng thẳng trên biển Đông đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước… Tôi đồng ý với đại biểu Võ Thị Dung ở thành phố Hồ Chí Minh, đất nước chúng ta đang có ngoại xâm và nội xâm, nghĩa là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng…

Vào buổi chiều cùng ngày 1-4-2016, đại biểu Lê Văn Lai thuộc đoàn Quảng Nam, nói thêm “Tôi rất ngạc nhiên khi mà trong tất cả báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan, hữu quan đều đánh giá biển Đông của chúng ta là đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia. Tôi rất ngạc nhiên về đánh giá này, đánh giá đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia, mà trong khi đó người ta biến từ đảo ngầm thành đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết chóc, người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như vùng nhận dạng phòng không, như dùng các chuyến bay cắt ngang tuyến bay truyền thống được quốc tế thừa nhận… Không biết khi nào chúng ta đánh giá là xâm phạm chủ quyền quốc gia là những hành vi nào, hệ lụy nào, hành động nào, trong khi đó trước đây người ta xâm phạm chúng ta với tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 lấy Đông Hoàng Sa, 1974 lấy Tây Hoàng Sa, năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, trong vòng cứ một vài năm lại có một sự kiện mới xâm lấn chúng ta. Thế chúng ta cứ nghiễm nhiên ngồi đây để đánh giá là chúng ta bảo đảm chủ quyền quốc gia, liệu điều đó đúng không?.”

Các ông nói đúng, “đất nước chúng ta đang có ngoại xâm và nội xâm, nghĩa là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…”“người ta biến từ đảo ngầm thành đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết chóc…” Thế thì tại sao hai ông không dám nói khi kẻ ngoại xâm có mặt ở quốc hội? Bây giờ hai ông nói cho sướng miệng, và cho sướng lỗ nhĩ của mấy ông nghị gật mà thôi, chẳng ích lợi gì cả.

Kết luận

Đã qua rồi 41 mùa quốc hận, nhưng mối quốc hận vẫn không hề phai lạt, mà càng ngày càng đậm nét vì chính những kẻ gây ra Quốc hận càng ngày lún sâu vào con đường phản bội dân tộc, làm cho quốc hận càng thêm sôi sục. Tiếp nhận một gia tài khổng lồ, phồn thịnh là miền Nam Việt Nam sau năm 1975, CS đã đưa đất nước đến chỗ bệ rạc, bế tắc về tất cả các mặt văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, khinh thường dân chúng một cách trắng trợn, và nhất là chỉ vì mưu cầu quyền lực và quyền lợi, tập đoàn lãnh đạo CS đang bí mật đưa Việt Nam vào con đường Hán hóa, bán đứt đất đai, biển đảo do tổ tiên để lại cho kẻ thù phương bắc. 

CỘNG SẢN PHẢN BỘI TỔ QUỐC ĐẾN THẾ LÀ CÙNG. CÒN CỘNG SẢN THÌ CÒN QUỐC HẬN.

(Toronto, 22-4-2016)

Trần Gia Phụng

Wednesday, April 20, 2016

Tổng kết cuộc chiến tết Mậu Thân (1968)

Tổng kết cuộc chiến tết Mậu Thân (1968)

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Gần đây, vào cuối năm 2012, ở trong nước xuất hiện bộ phim tài liệu dài 12 tập, mỗi tập dài 30 phút, nhan đề là “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan do Trung Tân Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Đài Truyền Hình Việt Nam, phối hợp với hãng phim Truyền Hình Bản Sắc Việt Nam sản xuất, đã trắng trợn chối bỏ sự thật, thay trắng đổi đen, nhằm xóa bỏ tội ác CS trong vụ tàn sát Tết Mậu Thân. Dư luận dân chúng Huế đã lên án gay gắt bộ phim nầy. Dù CS luôn luôn chủ trương bóp méo lịch sử để chạy tội; dù những nấm mồ dưới lòng đất có thể đã bị tiêu hủy qua thời gian; nhưng những nấm mồ trong tim dân chúng Huế và dân chúng Nam Việt Nam vẫn còn đó. Lịch sử vẫn còn đó. Làm sao CS chạy tội được trước lịch sử! “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”

*


1. Thiệt hại về nhân mạng và tài sản 

Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cho đến cuối tháng 3-1968, tổng số tử vong trên toàn lãnh thổ VNCH của các bên lâm chiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của cộng sản (CS) là:

VNCH: 4,954 sĩ quan và binh sĩ, 14,300 thường dân. (Trong số thường dân nầy, Huế mất khoảng trên 2,000 người.) 

Cộng sản 58,373 sĩ quan và binh sĩ. 

Hoa Kỳ: 3,895 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên Hoa Kỳ (gồm tất cả quân binh chủng).

Đồng minh: 214 sĩ quan và nhân viên Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái Lan trong các phái bộ viện trợ quân sự tại VNCH.(Phạm Văn Sơn, sđd. tr. 35.)

Số 14,300 thường dân tử nạn là những người đã được khai báo, kiểm kê, trong khi đó còn rất nhiều người mất tích, chết không được khai báo, kiểm kê, nhất là những người ở thôn quê, trong những vùng do cả hai bên (VNCH và CS) kiểm soát. 

Trong cuộc tổng tấn công của CS nhân dịp Tết Mậu Thân, tổng số thiệt hại về nhà cửa ở các thành phố ước lượng khoảng 4,5 tỷ đồng VNCH (lúc bấy giờ) theo đó: 84,983 nhà bị hư hại từ 50 đến 100%, 30,343 nhà thiệt hại tới 50%. Riêng tại Sài Gòn, 18, 507 nhà bị thiệt hại từ 50% đến 100%. (PTGDVNHN, sđd. tr. 222. Sách nầy trích số liệu trên đây từ sách The Vietcong Massacre at Hue của bác sĩ Elje Vannema, New York: Nxb. Vintage Press, 1976.) 

Theo Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ, sự thiệt hại trong khu vực kỹ nghệ lên tới 4,541,800,000 đồng đối với 84 cơ xưởng. Riêng ngành dệt, thiệt hại 2,985,400,000 đồng. (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, sđd. tr. 129.)

2. Quân sự

Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, khác với chiến tranh du kích, là sự đối đầu trực tiếp công khai giữa quân lực VNCH và lực lượng CS trong đó có bộ đội chính quy Bắc Việt Nam và MTDTGP. Cuộc tổng tấn công của CS thật sự đã đạt được yếu tố bất ngờ khá cao. (James J. Wirtz, sđd. tr. 28.) 

Dầu tổng tấn công bất ngờ, CS hoàn toàn thất bại, không chiếm được các thành phố như chủ trương ban đầu của CS. Nhiều nơi, CSVN phải rút về mật khu, bưng biền, rừng núi, hay tránh sang biên giới Lào và Cao Miên. 

Tài liệu CSVN sau nầy công khai xác nhận sự thất bại nặng nề của họ. “Cuối tháng 9 [1968], hoạt động quân sự của ta [CSVN] đã ngừng lại. Sau một thời gian dài liên tục tấn công vào đô thị - chỗ mạnh của địch trong điều kiện chúng đã bố phòng, lực lượng ta bị tiêu hao, bổ sung không kịp, tiếp tế khó khăn, phải rút về củng cố...” “Lực lượng vũ trang bị tiêu hao không được bổ sung. Tiếp tế lương thực rất khó khăn. Ở Tây nguyên, toàn bộ số gạo còn lại của năm 1968 chỉ còn phần ba so với số lượng tồn kho năm 1967. Dự trữ lương thực đến giữa năm 1969 chỉ đủ nuôi bộ đội ta trong khoảng một tuần...” (Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, tr. 35 và tr. 57. Lưu Văn Lợi là nhân viên phái đoàn BVN tại hội nghị Paris, sách viết ở trong nước. Bản in đưa bán ra nước ngoài, không đề nơi và năm xuất bản.)

Quân lực VNCH tuy lúc đầu bất ngờ, nhưng nhờ khả năng phản ứng nhanh lẹ, nên đã mạnh mẽ chận đứng được những đợt tấn công của CS khắp nước, gây thiệt hại lớn lao cho CS. Con số 58,373 cán binh CS tử thương có thể còn thấp so với số thực sự CSVN mất mát. 

Sau vụ Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington D.C., đã nhấn mạnh: “Các lực lượng võ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.” (Tường trình của tướng Earle G. Wheeler được tướng Yves Gras (người Pháp) trích dẫn trong bài "L'autre armée Vietnamienne, L'engagement des Vietnamiens dans la guerre d'Indochine (1945-1975)", đăng trong sách Indochine: Alerte à l'histoire của một nhóm tác giả, Académie des Sciences d'Outre-Mer [Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại], Institut de l'Asie du sud-est [Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á] và Association nationale des anciens d'Indochine [Hiệp Hội Quốc Gia Cựu Chiến Binh Đông Dương] đồng xuất bản, Paris, 1985, tr. 279.) 

Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, cũng đã viết: “Quân đội Nam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968." (Yves Gras, bài đã dẫn.) 

Phía CS cũng rất bất ngờ về sức chiến đấu bền bĩ của quân lực VNCH. (Leo J. Daugherty, Gregory Louis Mattson, NAM, a Photographic History, New York: MetroBooks, 2001, tr. 314.) Một viên tướng CS tham gia trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã thú nhận: “Nhưng mặt khác, trong Tết Mậu Thân, ta không đánh giá đúng về tương quan lực lượng ta địch cụ thể lúc ấy, không thấy hết khả năng còn lớn của địch và điều kiện còn hạn chế của ta, đề ra yêu cầu quá cao sức thực tế ta có...” (Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, TpHCM: Nxb. Văn Nghệ Thành Phố, 1982, tr. 57.)

Một điều tàn ác là sau khi CS rút lui, dân chúng phát hiện nhiều xác binh sĩ CS bị cột vào các ổ súng phòng không bằng xích sắt, đặt trên hoàng thành bao chung quanh thành nội Huế, nghĩa là binh sĩ CS không thể trốn chạy được, mà phải chiến đấu tại chỗ cho đến chết. (Nhiều người viết, Technology and the Air Force: A Retrospective Assessement, Washington D.C: Air Force History and Museums Program, United States Air Force, 1997, tr. 129.)

3. Chính trị

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của CS vào các thành phố VNCH tạo ra những phản ứng khác nhau tại Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Cộng sản vi phạm quyết định hưu chiến, mở cuộc tổng tấn công trong dịp Tết thiêng liêng trên toàn cõi miền NVN, tàn sát dân chúng vô tội làm cho dân chúng kinh sợ. Chẳng những dân chúng không hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của CSVN, mà dân chúng còn trốn tránh vùng CS tạm chiếm, bỏ chạy về phía quân đội VNCH và quân đội Mỹ. Uy tín của quân đội VNCH và chính phủ VNCH lên cao trong lòng dân chúng Việt Nam.

Ở ngoài nước, cuộc tổng tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân (1968) của CS đã gây một tiếng vang lớn trên thế giới, tạo một đòn tâm lý khá nặng đánh vào dân chúng Hoa Kỳ. Việc quân đội CS đột kích vào các thành phố NVN khiến cho dân chúng Hoa Kỳ, ở xa Việt Nam nửa vòng trái đất, nghĩ rằng tình hình quân sự VNCH quá xấu, nên họ lo ngại về số phận của thân nhân trong quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu tại Việt Nam. 

Đó là cơ hội tốt cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ hoạt động mạnh. Những gia đình có thân nhân thuộc thành phần động viên, tham gia tích cực các cuộc biểu tình, vận động rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Phong trào phản chiến Hoa Kỳ luôn luôn khuếch đại và bôi đen những hoạt động của quân đội Đồng minh và VNCH. 

Ví dụ tấm hình đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia xử tử tại chỗ ngày 1-2-1968 một cán binh CS trên đường Sư Vạn Hạnh Sài Gòn, gần chùa Ấn Quang. Đại tá Loan nổi giận vì nguyên cả gia đình của một sĩ quan Cảnh sát, thuộc quyền của ông, ngay trước đó đã bị cán binh nầy giết chết. (Leo J. Daugherty, Gregory Louis Mattson, NAM… sđd. tr. 266.) 

Tấm hình nầy do Eddie Adams chụp. Do tấm hình nầy, Eddie Adams được giải Pulitzer về báo chí ở Hoa Kỳ năm 1969. Tấm hình nầy gây những ảnh hưởng bất lợi về chính trị cho VNCH. Cộng sản và phản chiến Hoa Kỳ lợi dụng tấm hình nầy để tuyên truyền đòi Hoa Kỳ rút quân. 

Về sau, tác giả tấm hình, Eddie Adams đã viết trên tuần báo Time, số Chủ nhật 24-6-2001 như sau: “Bức ảnh này đã thực sự làm xáo trộn đời ông [Nguyễn Ngọc Loan]. Ông không bao giờ trách cứ tôi. Ông nói nếu tôi không chụp tấm hình này, thì người khác cũng sẽ chụp, nhưng tôi cảm thấy áy náy với ông và với gia đình ông trong một thời gian dài. Tôi vẫn giữ liên lạc với ông. Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau cách đây khoảng sáu tháng, khi ông rất yếu. Khi được tin ông mất, tôi gửi hoa phúng điếu và đã viết, "Tôi xin lỗi. Có những giọt nước mắt trong mắt tôi.[Tôi đang khóc ông.]" 

Trong khi đó, phong trào phản chiến Hoa Kỳ cố tình bỏ qua những cuộc khủng bố và tàn sát của CSVN, nhứt là vụ tùng xẻo dã man và chôn sống người tại Huế trong Tết Mậu Thân. Một ký giả Đức có mặt tại Huế, chứng kiến cảnh một toán phóng viên truyền hình Mỹ thờ ơ nhìn các mồ chôn tập thể. Khi có người hỏi tại sao không quay cảnh các mồ tập thể nầy thì một phóng viên Mỹ trả lời: “Chúng tôi đến đây không phải để quay phim tuyên truyền chống cộng.” (UweSiemon-Netto, Đức - A repoter’s love for a wounded people, California: 2013, tr. 252.)

Khi rút lui, quân CS đã đưa đi theo một số nhân vật tên tuổi như thượng tọa Thích Đôn Hậu (chùa Từ Đàm, Huế), các ông Lâm Văn Tết, Trịnh Đình Thảo (Sài Gòn)...

4. Những thay đổi quan trọng

Để tăng cường sức mạnh quân sự, tướng Westmoreland xin chính phủ Mỹ tăng viện khẩn cấp một trung đoàn TQLC và một lữ đoàn Nhảy dù thuộc sư đoàn 82. Ngày 13-2-1968, bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận tăng 10,500 quân. (John S. Bowman, sđd. tr.20.)

Mười ngày sau, khi đại tướng tham mưu trưởng Liên quân Earle Wheeler đến Việt Nam, ngày 23-2-1968, đại tướng Wesmoreland đưa ra đề nghị tăng thêm 206,000 quân đến Việt Nam, nhưng đề nghị nầy không được chấp thuận. (Stanley Karnow, Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 551.)

Cũng trong ngày 23-2-2968, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh thay hai tư lệnh quân đoàn cùng một lúc. Thiếu tướng Lữ Lan thay thiếu tướng Vĩnh Lộc làm tư lệnh Quân đoàn II, và thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng thay thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh giữ chức tư lệnh Quân đoàn IV. 

Ngày 27-2-1968, tướng Edward Lansdale (trở lại Việt Nam làm việc tại Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn từ 1965), đề nghị với đại sứ Mỹ là Bunker giúp củng cố quyền lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhằm chấm dứt tình trạng lưỡng đầu trong chế độ VNCH, tức bắt đầu giảm quyền của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. (Chính Đạo, Mậu Thân..., tr. 348.)

Trong tháng 2-1968, chính quyền VNCH ra lệnh “bảo vệ an ninh”, một hình thức giam lỏng, một số nhân vật chính trị, như thượng tọa Thích Trí Quang, đại đức Thích Hộ Giác, đại đức Thích Liễu Minh, luật sư Trương Đình Du, Âu Trường Thanh, Trần Thúc Linh, Hồ Thông Minh (mới từ Pháp về), nhằm tránh bị CS lợi dụng, theo giải thích của chính quyền. Ngày 11-4-1968, Hồ Thông Minh và Trương Đình Du được thả ra. Hồ Thông Minh bị trục xuất về Pháp, còn Trương Đình Du bị bắt lại ngày 1-5-1968. Việc “bảo vệ an ninh” cho các tu sĩ chấm dứt ngày 30-6-1968. (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, sđd. tr. 226.) 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara, từ chức từ ngày 29-11-1967, nhưng sau biến cố Tết Mậu Thân mới rời chức vụ ngày 29-2-1968, và được Clark Clifford thay thế. (Clifford làm việc đến khi tân tổng thống Richard Nixon nhận chức 20-1-1969.)

Trong cuộc họp báo ngày 22-3-1968, tổng thống Johnson tuyên bố hai sự thay đổi quan trọng: 1) Sẽ đưa đại tướng Westmoreland lên làm tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ từ ngày 2-7-1968 và đại tướng Creighton W. Abrams sẽ thay thế Westmoreland tại Việt Nam. 2) Đô đốc Ulysse Grant Sharp, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ giải ngũ trong tháng 7-1968 và đô đốc John McCain, Jr. sẽ lên thay. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 103.) 

Về phía CS, do MTDTGP thiệt hại nặng nề trong cuộc tổng tấn công. Lãnh đạo đảng LĐ ở Hà Nội nhân cơ hội nầy, đưa cán bộ và bộ đội từ BVN vào NVN điền thế, củng cố và điều khiển chặt chẽ MTDTGP. Nói cách khác, từ đây MTDTGP không còn những thành phần tuy đối kháng với chính thể NVN, nhưng chưa hoàn toàn quy phục Hà Nội. Cũng từ đây, CS Hà Nội nắm phần điều khiển 100% MTDTGPNVN.

Tuy CS thất bại về quân sự trong cuộc tổng tấn công, nhưng CS đã gây được tiếng vang trên thế giới và đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi đang diễn ra phong trào phản chiến, đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Việt Nam. Phong tào phản chiến Hoa Kỳ sẽ rất dữ đội trong năm sau, 1969.

Kết luận

Lúc đầu, đảng LĐ tức đảng CSVN tìm cách chối bỏ trách nhiệm về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của một ký giả Tây phương vào năm 1969, bộ trưởng bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chối rằng Hà Nội không tổ chức tổng tấn công Tết Mậu Thân: "Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó. Chuyện đó do Mặt trận [Dân tộc Giải phóng] thực hiện." (Don Oberdorfer, sđd. tr. 45. Nguyên văn: "We had nothing to do with it. The [National Liberation] Front put it on.") Tuy nhiên, theo những tài liệu càng ngày càng được phát hiện rõ ràng, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân hoàn toàn do đảng LĐ ở BVN chủ trương. 

Đảng LĐ bất kể truyền thống cổ truyền về ngày Tết dân tộc, không tôn trọng những cam kết về hưu chiến, bất ngờ tổng tấn công để giành lấy thắng lợi. Đảng LĐ không thành công trên chiến trường. Miền NVN vẫn đứng vững. Đảng LĐ không tổ chức được cuộc tổng khởi nghĩa. 

Dân chúng không hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa của CS, bỏ vùng CS tạm chiếm, chạy về phía quân đội VNCH. Dân chúng lại ghê sợ những sáng kiến giết người dã man của cán bộ CS, nhất là việc chôn sống người. Cuộc tổng tấn công và tàn sát của CS là một thông điệp đỏ gây khủng bố và khiếp sợ cho dân chúng thành phố NVN đối với CS. Từ đây, chẳng những dân chúng nông thôn mà cả dân chúng thành phố cũng rất hãi hùng bàn tay sắt máu của CS. Đó là lý do vì sao khi ra hải ngoại, một số người có thân nhân bị CS tàn sát, không dám lên tiếng tố cáo CS, vì sợ bà con trong nước bị CS giết tiếp. 

Nói chung, dầu thất bại về quân sự, CS Hà Nội đã đạt được các dự tính chính trị quan trọng qua biến cố Tết Mậu Thân, gây chấn động mạnh ở Hoa Kỳ khiến những cuộc biểu tình phản chiến càng ngày càng gay gắt. 

Một điểm cần ghi nhận thêm là để xóa dấu vết tội ác trong biến cố Mậu Thân tại Huế, sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, CS tuyên phong “liệt sĩ” cho một số người bị CS giết, đổ tội cho “Mỹ Ngụy” chứ không phải CS sát hại. Đểu đến thế là cùng. Gia đình những “liệt sĩ” nầy không dám từ chối sự phong tặng vì sợ CS tàn sát thêm lần nữa. 

Gần đây, vào cuối năm 2012, ở trong nước xuất hiện bộ phim tài liệu dài 12 tập, mỗi tập dài 30 phút, nhan đề là “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan do Trung Tân Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Đài Truyền Hình Việt Nam, phối hợp với hãng phim Truyền Hình Bản Sắc Việt Nam sản xuất, đã trắng trợn chối bỏ sự thật, thay trắng đổi đen, nhằm xóa bỏ tội ác CS trong vụ tàn sát Tết Mậu Thân. Dư luận dân chúng Huế đã lên án gay gắt bộ phim nầy. 

Dù CS luôn luôn chủ trương bóp méo lịch sử để chạy tội; dù những nấm mồ dưới lòng đất có thể đã bị tiêu hủy qua thời gian; nhưng những nấm mồ trong tim dân chúng Huế và dân chúng Nam Việt Nam vẫn còn đó. Lịch sử vẫn còn đó. Làm sao CS chạy tội được trước lịch sử! “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.” 

Hết


(Toronto, 17-4-2016)

Tuesday, April 12, 2016

Cộng sản tàn sát đồng bào Huế

Cộng sản tàn sát đồng bào Huế

Trần Gia Phụng
Trong chiến tranh, chiến sĩ các bên lâm chiến bị thương vong là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng trong biến cố Mậu Thân (1968) tại Huế, rất nhiều nạn nhân bị cộng sản (CS) giết là thường dân, chỉ chạy tỵ nạn chiến tranh, và nhiều nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực VNCH đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu.
 
Cho đến nay, không ai có thể kiểm kê chính xác số thường dân cũng như số người không ở vị trí chiến đấu (đang nghỉ Tết) bị CS giết hại. Có tài liệu cho biết tổng quát số người bị giết như sau: 
 
"Về phía dân chúng, có 5,800 người chết, trong đó có 2,800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội "cường hào ác bá", 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số Phi Luật Tân." (Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642.)
 
Hai linh mục Pháp là Urbain, 52 tuổi và Guy 48 tuổi bị bắt ở tu viện Thiên An và bị dẫn đi ngày 25-2-1968. Về sau xác hai ông tìm được ở gần lăng Đồng Khánh. Đúng ra là bốn chứ không phải hai người Đức bị giết. Bốn người Đức bị giết là: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Ba bác sĩ Tây Đức nầy tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả bốn người đều bị bắt ngày 5-2-1968 tại cư xá giáo sư đại học, trên đường Lê Lợi, gần ga Huế. (Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập - tài liệu, in lần thứ 2, California: 1999, tt. 85-86, 94-99, 135-136.) 
 
Một tài liệu khác cho rằng tổng số thường dân thương vong: 7,500 người. Số bị thương vì chiến tranh: 1,900 người. Số thường dân bị tử nạn: 844 người. Số người mất tích: 1,946. (Douglas Pike, The Vietcong Strategy of Terror [Chiến lược khủng bố của Việt Cộng], bản trích dịch của điện báo Mặt Trận Quốc Gia, http://www.nufronliv.org/tailieu/tet68/mauthan3.htm)
 
Theo thống kê của một tài liệu đăng trong Encyclopedia of the Viet Nam War, tại Huế, số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2,810 người và hàng ngàn người mất tích. Trong khi đó, cũng tại Huế quân đội VNCH có 384 tử trận, 1,830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; TQLC Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội CSVN 5,000 tử trận, số bị thương không tính được. (David T. Zabecki, "Huê, Battle of (1968)", đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, California: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.)
 
Ngoài việc CS đánh đập bắn giết thông thường, điều đáng chú ý hơn cả là các cách thức cán binh CS tàn sát những người bị bắt rất dã man là tùng xẻo, giết hại trẻ em, phụ nữ, và chôn sống nạn nhân.
 
Tùng xẻo tức cắt từng bộ phận thân thể của nạn nhân, cho đến khi nạn nhân chết. Sau đây là một cảnh tùng xẻo người của CS: "Thiếu tá Từ Tôn Kháng, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba) Huế, trốn trong nhà đã ba bốn ngày. VC [Việt Cộng] vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Kháng không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà. Vì thế ông phải ra nộp mạng. VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man kinh hoàng." (Nguyễn Lý Tưởng, "Mậu Thân ở Huế", PTGDVNHN, sđd. tr. 89.).
 
Việc tùng xẻo người như thời Trung cổ cũng như việc giết hại phụ nữ và trẻ em do thân nhân các nạn nhân hoặc những người chứng kiến kể lại. Về việc giết hại phụ nữ và trẻ em, xem PTGDVNHN, sđd. tr. 205 (tin của Washington Post, ngày 9-3-1968), và tt. 250-254 (bài “Crescendo of Terror – Hue” của M. W. J. M. Broekmeijer.). Theo ước tính của M. W. J. M. Broekmeijer trong “Crescendo of Terror – Hue”, sđd. tr. 252, thì số bị chôn sống lên đến khoảng 600 người. 
 
Thống kê tóm tắt số hài cốt tìm được tại các mồ chôn tập thể sau khi CS rút lui được ghi lại trong sách của PTGDVNHN tt. 130-142. Sách nầy trích số liệu từ sách The Vietcong Massacre at Hue của bác sĩ Elje Vannema (New York: Nxb. Vintage Press, 1976). Bác sĩ Elje Vannema là người Canada, gốc Hòa Lan, có mặt tại Huế lúc xảy ra biến cố Mậu Thân, và viết lại những điều tai nghe mắt thấy.
 
 
Người ta biết được việc CS chôn sống các nạn nhân nhờ hai nguồn tin: Thứ nhứt là lời kể của những nạn nhân đã chứng kiến việc chôn sống rồi sau đó trốn thoát được. Thứ hai, trong các hầm mộ tập thể, lẫn lộn với xác những người bị đánh đập, trên thân thể có vết thương và vết máu, người ta còn tìm được những tử thi chỉ bị trói ké tay chân, thân thể toàn vẹn, không có vết bầm tím trầy truộc gì cả. Điều nầy có nghĩa là những người đó đã bị CS quăng xuống hố sau khi bị trói tay, để không có cách gì moi đất mà lên được.
 
Sau đây là lời tường thuật của một ký giả người Đức: “Có hàng trăm phụ nữ, đàn ông, trẻ nít trong hầm mộ đó, nhiều người bị thiêu cháy rõ ràng, nhiều người bị đập chết và nhiều người khác bị chôn sống, theo lời một sĩ quan VNCH. “Làm sao chúng ta biết họ bị chôn sống?”, tôi hỏi ông ta. “Chúng tôi tìm thấy địa điểm nầy khi phát hiện những bàn tay mới làm móng nhoi ra khỏi mặt đất, anh ta trả lời. Những phụ nữ nầy cố moi ra khỏi nấm mồ.” (UweSiemon-Netto, Đức - A repoter’s love for a wounded people, California: 2013, tr. 251.)
 
Vị trí mộ tập thể chung quanh Huế sau Tết Mậu Thân
(Nguồn: PTGDVNHN, sđd. tr. 131.)
 
Tại sao tàn sát?
 
Cho đến nay, chưa ai trả lời câu hỏi vì sao xảy ra cảnh tàn sát ở Huế trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của quân đội CS? Ngay cả đảng CSVN hiện nay vẫn tránh né vấn đề nầy. Để giải mã câu hỏi trên, có lẽ nên phân tách các loại tàn sát theo từng nguyên nhân khác nhau.
 
Giết người vì tư thù 
 
Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, ngoài chuyện chết chóc vì súng đạn, luôn luôn có những cuộc trả thù qua lại giữa những cá nhân trong các phe lâm chiến. Chắc chắn vụ Tết Mậu Thân ở Huế cũng không ra ngoài quy luật nầy. 
 
Huế là một nơi trải qua nhiều biến chuyển, "đổi đời", từ năm 1945 trở đi, đương nhiên có nhiều cọ xát, tranh chấp. Sau năm 1954, nhiều gia đình ở Huế có thân nhân tập kết ra Bắc, bị chính quyền miền Nam truy xét, nay những người nầy trở về tìm cách trả thù những kẻ đã đi tố cáo hay truy hỏi trước đây. Cần chú ý Huế là nơi xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo CS như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Hoàng Anh… 
 
Ngoài ra còn có nhiều hình thức tư thù nhỏ nhặt khác, như những người giúp việc đi tố cáo chủ nhà; những công nhân chỉ điểm các ông giám đốc; những người trước đây phạm pháp, bị bắt, bị phạt nay nhân cơ hội trả thù những nhân viên hành chánh, cảnh sát... 
 
Đặc biệt nhiều nhứt là những sinh viên học sinh tranh đấu, trước đây tham gia những cuộc biểu tình chống chính phủ bị đàn áp, phải thoát ly bỏ lên núi theo CS, nay trở về cầm súng thanh toán lại những người khác lập trường chính trị mà các sinh viên thoát ly gán "tội" cho họ là tay sai "Mỹ, Ngụy". 
 
Tàn sát theo kế hoạch, chính sách 
 
Phá hủy và làm rối loạn bộ máy cầm quyền VNCH: Khi chiếm đóng Huế, CS giăng ra một cạm bẫy. Cộng sản kêu gọi quân nhân công chức, cán bộ VNCH ra trình diện, học tập vài ngày rồi trở về. Lúc đầu, những người trình diện được tập trung tại một số địa điểm. Cộng sản tuyên truyền chính trị, cấp giấy chứng nhận học tập, rồi cho về. Những người về kể lại cho bạn bè biết. Lần thứ hai, số trình diện đông hơn, rồi cũng được thả về. Lần thứ ba, số người trình diện đông hơn nữa, thế là bị CS bắt giam hết. 
 
Ngày 26-1-1968, ba ngày trước Tết, đảng uỷ CS Thừa Thiên đưa ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa phía hữu ngạn Huế. Trong kế hoặch nầy, CS dự liệu rằng khó có thể giữ Huế lâu ngày, nên đã chỉ thị các uỷ viên phụ trách phải phá hoại tối đa các cơ chế vừa mới được ổn định của chính quyền Sài Gòn. (Don Oberdorfer, sđd. 206). 
 
Nói cách khác, chỉ thị trên ra lệnh tiêu diệt quân đội và nhân viên VNCH để bộ máy chính quyền VNCH khủng hoảng nhân sự, thiếu người làm việc, mất hiệu năng. Thành phần tử vong trong Tết Mậu Thân tại Huế do ông Nguyễn Trân đưa ra phản ảnh đúng chủ trương nầy, theo đó CS đã giết "790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội "cường hào ác bá", 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát." 
 
Sau đây là tài liệu do Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ bắt được ngày 12-6-1968 (sau Tết Mậu Thân) tại Thừa Thiên của một cán bộ quân sự CS. Viên cán bộ CS nầy ghi lại trong sổ tay: "Toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy từ xã tới tỉnh đã bị tiêu diệt hoặc gẫy đổ. Hơn 3.000 tên đã bị giết. Địch sẽ chẳng bao giờ tái lập lại được hệ thống cũ hoặc xoay chuyển được thất bại của chúng. Dù chúng có thể thay thế ngay bằng những nhân sự thiếu kinh nghiệm, bọn nầy cũng sẽ chẳng làm được gì." (Stephen Hosmer, "Tổng tấn công Tết và Huế", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tr.217.[Không đề tên người dịch]. Phần nầy trích lại trong sách của Stephen Hosmer, Vietcong Repression and its Implications for the Future, Nxb. Heath Lexington Books, Massachusetts, 1970.)
 
Tàn sát để khủng bố, cảnh cáo: Giết quân nhân, công chức và thường dân vô tội (mà CS tình nghi tiếp tay, làm tình báo, hay cộng tác với chính quyền VNCH), CS nhắm đe dọa dân chúng để từ đây đừng tòng quân cho quân lực VNCH, hoặc không được tham gia hay cộng tác với chính quyền VNCH, dưới bất cứ hình thức nào. 
 
Trong quá trình chính trị VNCH, Huế là nơi phát khởi nhiều xáo trộn, nhất là từ năm 1963 trở đi. Việc tàn sát của CS còn nhắm cảnh cáo dân chúng cố đô, từ đó cảnh cáo dân chúng toàn quốc, để dân chúng không dám lên tiếng tố cộng, dầu vẫn còn sống dưới chế độ Cộng Hòa; đồng thời CS chuẩn bị áp đặt một chế độ độc tài trong tương lai một khi họ đánh chiếm được toàn miền Nam. Đó là thông điệp đỏ mà CS muốn báo cho dân chúng Huế nói riêng và các thành phố miền Nam nói chung: với CS, biểu tình, chống đối là tử hình, chứ không dễ dãi như dưới chế độ Cộng Hòa.
 
Thông điệp đỏ nầy quả nhiên có hiệu quả trong việc áp chế dân chúng, vì sau năm 1975, chế độ CS Hà Nội độc tài tàn bạo, mà hầu như rất ít vụ đối kháng xảy ra, và dân chúng hoàn toàn không có biểu tình, tuyệt thực dễ dàng như dưới thời VNCH.
 
Tàn sát tín đồ Thiên Chúa giáo: Cộng sản luôn luôn kiếm cách chia rẽ, tiêu diệt có hệ thống và có kế hoạch các tôn giáo, nhứt là những tôn giáo có thế lực chính trị mạnh mẽ, có tổ chức quần chúng quy mô và kỷ luật, hoặc thân chính quyền. 
 
Tại Huế, từ khi ông Ngô Đình Diệm, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo gốc Quảng Bình, lớn lên tại làng Phú Cam (Huế), cầm quyền năm 1954, tín đồ Thiên Chúa giáo tại đây yểm trợ chính quyền mạnh mẽ. Ông Ngô Đình Cẩn, em ông Diệm, là người có sáng kiến tổ chức đoàn phản gián "Đặc vụ miền Trung" năm 1960 do ông Dương Văn Hiếu cầm đầu, đã gây thiệt hại nặng nề cho tình báo CS từ Bến Hải vào tới trong Nam. 
 
Do đó, trong kế hoạch đưa ra ngày 26-1 kể trên, đảng uỷ CS Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: "Bao vây và cô lập những tên phản động lợi dụng tín đồ Thiên Chúa giáo; phải chú ý đến khu vực Phú Cam, các trường Thiên Hựu và Bình Linh..."( Don Oberdorfer, sđd. tr. 206). 
 
Kế hoạch nầy còn được triển khai hết sức mưu mẹo kín đáo: Khi mới vào Gia Hội, cộng quân ra lệnh mọi nhà phải hạ cờ Quốc gia (đã được các nhà treo trong dịp Tết), treo cờ MTDTGPMNVN. Dân chúng không có cờ MTDTGP, nên cộng quân ra lệnh treo cờ Phật giáo (Don Oberdorfer, sđd. tr. 225). 
 
Đây là một âm mưu của CS: Cộng quân dư biết dân chúng sống dưới chế độ miền Nam không có cờ MTDTGP mà vẫn ra lệnh treo cờ mặt trận nầy, rồi lấy lý do dân chúng không có cờ MTDTGP, mới đổi qua yêu cầu treo cờ Phật giáo. 
 
Treo cờ Phật giáo, cộng quân sẽ biết nhà nào theo Thiên Chúa giáo, vì những gia đình theo đạo Thiên Chúa làm gì có cờ Phật giáo mà treo. Cộng quân muốn tỏ ra thân thiện với Phật giáo, để gieo tiếng oan cho Phật giáo là thân cộng và gây chia rẽ giữa hai tôn giáo lớn trong nước.
 
Một nhân chứng có mặt tại vùng Phú Cam (Huế) cho biết khoảng mồng 7 hay mồng 8 Tết, CS bắt trên 300 thanh niên ẩn núp trong nhà thờ Phú Cam, đem đi biệt tích. (Nguyễn Thế, "Nhớ về Mậu Thân", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tr. 199. Theo Don Orberdorfer, sđd. tr. 214, con số nầy lên đến 400 người.) 
 
Tại Huế, cộng quân còn giết hai linh mục người Việt là Hoàng Ngọc Bang và Lê Văn Hộ, và hai linh mục người Pháp dòng Benedicto Thiên An là Urbain và Guy, đồng thời đốt luôn nhà thờ Thiên An. (PTGDVNHN, sđd. tt. 135, 143.)
 
Tàn sát để gây tiếng vang trên thế giới: Trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, cộng quân đã thẳng tay tiêu diệt quân đội Đồng minh như Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, và giết luôn cả những thành phần dân sự ngoại quốc như các linh mục người Pháp kể trên, nhất là bốn người Đức ở Viện Đại học Huế: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Ba vị bác sĩ Tây Đức đều tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả bốn người nầy bị bắt ngày 5-2-1968. Về sau xác được tìm thấy ở gần khu vực chùa Tường Vân. 
 
Huế là thành phố mang nhiều đặc tính di sản lịch sử, văn hóa và chính trị Việt Nam, nên rất được quốc tế chú ý. Chiếm đóng và tàn sát ở Huế dễ gây tiếng vang trên thế giới, để giành ưu thế trong hòa đàm, và nhất là để nhân dân Hoa Kỳ thúc giục chính quyền của họ sớm rút quân ra khỏi Việt Nam. 
 
Tàn sát để nhuộm đỏ tay chân: Sau thời gian tham gia tranh đấu năm 1966, khi bị chính phủ VNCH gởi quân ra dẹp yên, một số lãnh tụ sinh viên và trí thức Huế thoát ly, bỏ chạy lên chiến khu theo CS như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư trường Quốc Học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên, em của Tường), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên), Lê Văn Hảo (giáo sư Đại Học Văn Khoa), Nguyễn Đóa (cựu giám thị trường Quốc Học)... 
 
Ngoài nhóm thoát ly, còn có những người lừng khừng, gió chiều nào theo chiều đó. Sử dụng những người thoát ly cũng như lừng khừng, nhưng CS không tin cậy họ. Cộng sản dư biết rằng nhóm nầy thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản thành phố, thích biểu tình tranh đấu theo kiểu tự do dân chủ Tây phương. Họ đã từng sống dưới chế độ Quốc gia, thụ hưởng ân huệ chính quyền Quốc gia để ăn học thành tài mà còn phản bội Quốc gia, thì không biết lúc nào họ sẽ phản bội CS, vì CS chẳng có công nuôi nấng, đào tạo họ, và cộng sản lại độc tài đảng trị tuyệt đối, không thích chuyện biểu tình phản đối.
 
Những người theo phong trào tranh đấu Huế năm 1966 bỏ chạy theo CS, rồi trở về Huế hoạt động trong dịp Tết Mậu Thân, bị dân chúng và báo chí kết án là thủ phạm của những cuộc tàn sát là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân. Chẳng qua nhóm nầy là cũng chỉ những con rối phải thi hành mệnh lệnh và kế hoạch của CS. Nếu họ không thi hành, họ cũng sẽ bị cộng quân loại bỏ. Họ chỉ là những con chốt thí trong cuộc cờ của CS. 
 
Ai cũng biết rằng trong tổ chức CS, chỉ có đảng viên và nhất là đảng uỷ mới có quyền quyết định những chuyện hệ trọng. Còn những hạng tân tòng như Tường, Phan, Xuân chẳng có quyền hành gì để quyết định mạng sống của một số người lớn lao, trừ vài chuyện trả thù cá nhân mà thôi. Bằng chứng cụ thể là sau năm 1975, anh em Tường, Phan và Xuân chẳng được trọng dụng nữa. 
 
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là cơ hội để CS nhuộm đỏ những kẻ thoát ly và lừng khừng, làm cho họ không còn con đường nào quay về phía VNCH, dù họ có mặt hay không có mặt ở Huế, và dù họ giết người hay không giết người trong thời gian nầy. 
 
Phải nói rằng kế hoạch nhuộm đỏ của CS khá thành công, vì dù Xuân, Tường, Phan cố gắng hết sức thanh minh sau năm 1975, thì các đương sự cũng đều mang tiếng là đao phủ thủ của cố đô Huế năm 1968 và gắn liền với tên tuổi họ cho đến cuối đời, không sao có thể cởi bỏ được
 
Tàn sát khi rút lui
 
Nhìn vào bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể, một điểm nổi bật là tại Huế, khu phố Gia Hội và vùng phụ cận như Bãi Dâu là nơi duy nhứt có nhiều mồ chôn tập thể. Điều nầy cho thấy do CS chiếm giữ Gia Hội được lâu, nên có điều kiện bắt giết nhiều người tại chỗ. 
 
Ngoài Gia Hội, những nấm mộ tập thể khác nằm ở các vùng phụ cận chung quanh thành phố Huế. Khi rút lui, cộng quân đem theo những người bị bắt giữ, vừa làm phu khuân vác, vừa khỏi bị lộ bí mật, vừa làm con tin và bia đỡ đạn để tránh bị quân đội VNCH và Đồng minh pháo kích hay chận đánh. Số người bị cộng quân đem theo lên đến vài ngàn người. Đến khi cộng quân cần biến vào rừng, cộng quân giết tất cả những người nầy để khỏi lộ tung tích mà không cần phân loại. 
 
Cộng sản giải thích rằng như thế là "giết để tự vệ" (?). Phải có lệnh trên, cán binh CS địa phương mới dám giết người đông đảo và tàn bạo. Cộng sản không cần phân loại, một phần vì nguyên tắc của CS là "giết lầm hơn bỏ sót". Ngoài ra, sau một thời gian ngắn cùng sống với nhau, những nạn nhân con tin bị bắt đi theo biết rõ gốc gác, gia đình của các cán binh CS, kể cả CS nằm vùng, và nhất là những tội ác do CS gây ra. Cộng sản sợ rằng nếu để những người nầy sống sót, họ sẽ làm vỡ tất cả những tổ chức bí mật của CS, nhất là tố cáo tội ác của CS trước dư luận trong nước cũng như trên thế giới. Do đó, CS giết những con tin nầy để diệt khẩu, thủ tiêu nhân chứng, trừ hậu hoạn.
 
Cách giết người của CS khi rút lui cũng đặc biệt. Cộng quân ra lệnh cho những nạn nhân bị bắt, phải đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, hoặc để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy. Sau khi đào xong, cộng quân trói thúc ké tay chân những người nầy, quăng xuống hố, rồi lấp đất lại. Cộng quân chôn sống người, chứ không dùng súng bắn vì sợ gây tiếng động và lộ mục tiêu, dễ bị quân đội VNCH và Đồng minh phát hiện. (Elje Vannema, "Cố đô kinh hoàng", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tt. 124-142.)
 
Bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể cho thấy cộng quân rút lui theo hai hướng: 
 
(1) Hướng nam Huế, qua đường Nam Giao, đến lăng các vua Nguyễn, lên vùng núi. Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Khe Đá Mài (chứa 428 xác), cách thành phố Huế khoảng 40 cây số, thuộc quận Nam Hòa. 
 
(2) Hướng đông Huế, qua ngã Chợ Cống hoặc Dạ Lê. Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Vinh Thái (chứa 135 xác), cách Huế khoảng 40 cây số về phía đông nam, thuộc quận Phú Thứ. 
 
Theo bác sĩ Elje Vannema, người gốc Hòa Lan, quốc tịch Canada, có mặt ở Huế nhân dịp Tết Mậu Thân (1968), Huế có tất cả 19 khu vực chôn người tập thể được tìm thấy, và mỗi khu vực có nhiều nấm mộ tập thể khác nhau. (Elje Vannema, bài đã dẫn.) 
 
Ngoài những hầm mộ đã được phát hiện trên đây, chắc chắn còn nhiều hầm mộ tập thể khác vĩnh viễn bị khuất lấp trên vùng rừng núi chung quanh Huế, mà dân chúng chưa tìm ra được. 
 
(Còn tiếp bài 7: Tổng kết.)
 
Toronto, 10-4-2016
 
 
 
 
_____________________________________
 
Những phần đã đăng bởi Danlambao:
 
Bài 1: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/tong-quat-ve-bien-co-tet-mau-than-1968.html
Bài 2: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/lenh-tan-cong-tet-mau-than-cua-cong-san.html
Bài 3: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/cuoc-chien-mau-than-tren-toan-lanh-tho.html
Bài 4: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/cuoc-chien-tet-mau-than-o-sai-gon.html
Bài 5: danlambaovn.blogspot.com/2016/04/cuoc-chien-tet-mau-than-o-hue.html