Tuesday, April 12, 2016

Cộng sản tàn sát đồng bào Huế

Cộng sản tàn sát đồng bào Huế

Trần Gia Phụng
Trong chiến tranh, chiến sĩ các bên lâm chiến bị thương vong là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng trong biến cố Mậu Thân (1968) tại Huế, rất nhiều nạn nhân bị cộng sản (CS) giết là thường dân, chỉ chạy tỵ nạn chiến tranh, và nhiều nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực VNCH đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu.
 
Cho đến nay, không ai có thể kiểm kê chính xác số thường dân cũng như số người không ở vị trí chiến đấu (đang nghỉ Tết) bị CS giết hại. Có tài liệu cho biết tổng quát số người bị giết như sau: 
 
"Về phía dân chúng, có 5,800 người chết, trong đó có 2,800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội "cường hào ác bá", 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số Phi Luật Tân." (Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642.)
 
Hai linh mục Pháp là Urbain, 52 tuổi và Guy 48 tuổi bị bắt ở tu viện Thiên An và bị dẫn đi ngày 25-2-1968. Về sau xác hai ông tìm được ở gần lăng Đồng Khánh. Đúng ra là bốn chứ không phải hai người Đức bị giết. Bốn người Đức bị giết là: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Ba bác sĩ Tây Đức nầy tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả bốn người đều bị bắt ngày 5-2-1968 tại cư xá giáo sư đại học, trên đường Lê Lợi, gần ga Huế. (Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập - tài liệu, in lần thứ 2, California: 1999, tt. 85-86, 94-99, 135-136.) 
 
Một tài liệu khác cho rằng tổng số thường dân thương vong: 7,500 người. Số bị thương vì chiến tranh: 1,900 người. Số thường dân bị tử nạn: 844 người. Số người mất tích: 1,946. (Douglas Pike, The Vietcong Strategy of Terror [Chiến lược khủng bố của Việt Cộng], bản trích dịch của điện báo Mặt Trận Quốc Gia, http://www.nufronliv.org/tailieu/tet68/mauthan3.htm)
 
Theo thống kê của một tài liệu đăng trong Encyclopedia of the Viet Nam War, tại Huế, số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2,810 người và hàng ngàn người mất tích. Trong khi đó, cũng tại Huế quân đội VNCH có 384 tử trận, 1,830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; TQLC Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội CSVN 5,000 tử trận, số bị thương không tính được. (David T. Zabecki, "Huê, Battle of (1968)", đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, California: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.)
 
Ngoài việc CS đánh đập bắn giết thông thường, điều đáng chú ý hơn cả là các cách thức cán binh CS tàn sát những người bị bắt rất dã man là tùng xẻo, giết hại trẻ em, phụ nữ, và chôn sống nạn nhân.
 
Tùng xẻo tức cắt từng bộ phận thân thể của nạn nhân, cho đến khi nạn nhân chết. Sau đây là một cảnh tùng xẻo người của CS: "Thiếu tá Từ Tôn Kháng, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba) Huế, trốn trong nhà đã ba bốn ngày. VC [Việt Cộng] vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Kháng không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà. Vì thế ông phải ra nộp mạng. VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man kinh hoàng." (Nguyễn Lý Tưởng, "Mậu Thân ở Huế", PTGDVNHN, sđd. tr. 89.).
 
Việc tùng xẻo người như thời Trung cổ cũng như việc giết hại phụ nữ và trẻ em do thân nhân các nạn nhân hoặc những người chứng kiến kể lại. Về việc giết hại phụ nữ và trẻ em, xem PTGDVNHN, sđd. tr. 205 (tin của Washington Post, ngày 9-3-1968), và tt. 250-254 (bài “Crescendo of Terror – Hue” của M. W. J. M. Broekmeijer.). Theo ước tính của M. W. J. M. Broekmeijer trong “Crescendo of Terror – Hue”, sđd. tr. 252, thì số bị chôn sống lên đến khoảng 600 người. 
 
Thống kê tóm tắt số hài cốt tìm được tại các mồ chôn tập thể sau khi CS rút lui được ghi lại trong sách của PTGDVNHN tt. 130-142. Sách nầy trích số liệu từ sách The Vietcong Massacre at Hue của bác sĩ Elje Vannema (New York: Nxb. Vintage Press, 1976). Bác sĩ Elje Vannema là người Canada, gốc Hòa Lan, có mặt tại Huế lúc xảy ra biến cố Mậu Thân, và viết lại những điều tai nghe mắt thấy.
 
 
Người ta biết được việc CS chôn sống các nạn nhân nhờ hai nguồn tin: Thứ nhứt là lời kể của những nạn nhân đã chứng kiến việc chôn sống rồi sau đó trốn thoát được. Thứ hai, trong các hầm mộ tập thể, lẫn lộn với xác những người bị đánh đập, trên thân thể có vết thương và vết máu, người ta còn tìm được những tử thi chỉ bị trói ké tay chân, thân thể toàn vẹn, không có vết bầm tím trầy truộc gì cả. Điều nầy có nghĩa là những người đó đã bị CS quăng xuống hố sau khi bị trói tay, để không có cách gì moi đất mà lên được.
 
Sau đây là lời tường thuật của một ký giả người Đức: “Có hàng trăm phụ nữ, đàn ông, trẻ nít trong hầm mộ đó, nhiều người bị thiêu cháy rõ ràng, nhiều người bị đập chết và nhiều người khác bị chôn sống, theo lời một sĩ quan VNCH. “Làm sao chúng ta biết họ bị chôn sống?”, tôi hỏi ông ta. “Chúng tôi tìm thấy địa điểm nầy khi phát hiện những bàn tay mới làm móng nhoi ra khỏi mặt đất, anh ta trả lời. Những phụ nữ nầy cố moi ra khỏi nấm mồ.” (UweSiemon-Netto, Đức - A repoter’s love for a wounded people, California: 2013, tr. 251.)
 
Vị trí mộ tập thể chung quanh Huế sau Tết Mậu Thân
(Nguồn: PTGDVNHN, sđd. tr. 131.)
 
Tại sao tàn sát?
 
Cho đến nay, chưa ai trả lời câu hỏi vì sao xảy ra cảnh tàn sát ở Huế trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của quân đội CS? Ngay cả đảng CSVN hiện nay vẫn tránh né vấn đề nầy. Để giải mã câu hỏi trên, có lẽ nên phân tách các loại tàn sát theo từng nguyên nhân khác nhau.
 
Giết người vì tư thù 
 
Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, ngoài chuyện chết chóc vì súng đạn, luôn luôn có những cuộc trả thù qua lại giữa những cá nhân trong các phe lâm chiến. Chắc chắn vụ Tết Mậu Thân ở Huế cũng không ra ngoài quy luật nầy. 
 
Huế là một nơi trải qua nhiều biến chuyển, "đổi đời", từ năm 1945 trở đi, đương nhiên có nhiều cọ xát, tranh chấp. Sau năm 1954, nhiều gia đình ở Huế có thân nhân tập kết ra Bắc, bị chính quyền miền Nam truy xét, nay những người nầy trở về tìm cách trả thù những kẻ đã đi tố cáo hay truy hỏi trước đây. Cần chú ý Huế là nơi xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo CS như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Hoàng Anh… 
 
Ngoài ra còn có nhiều hình thức tư thù nhỏ nhặt khác, như những người giúp việc đi tố cáo chủ nhà; những công nhân chỉ điểm các ông giám đốc; những người trước đây phạm pháp, bị bắt, bị phạt nay nhân cơ hội trả thù những nhân viên hành chánh, cảnh sát... 
 
Đặc biệt nhiều nhứt là những sinh viên học sinh tranh đấu, trước đây tham gia những cuộc biểu tình chống chính phủ bị đàn áp, phải thoát ly bỏ lên núi theo CS, nay trở về cầm súng thanh toán lại những người khác lập trường chính trị mà các sinh viên thoát ly gán "tội" cho họ là tay sai "Mỹ, Ngụy". 
 
Tàn sát theo kế hoạch, chính sách 
 
Phá hủy và làm rối loạn bộ máy cầm quyền VNCH: Khi chiếm đóng Huế, CS giăng ra một cạm bẫy. Cộng sản kêu gọi quân nhân công chức, cán bộ VNCH ra trình diện, học tập vài ngày rồi trở về. Lúc đầu, những người trình diện được tập trung tại một số địa điểm. Cộng sản tuyên truyền chính trị, cấp giấy chứng nhận học tập, rồi cho về. Những người về kể lại cho bạn bè biết. Lần thứ hai, số trình diện đông hơn, rồi cũng được thả về. Lần thứ ba, số người trình diện đông hơn nữa, thế là bị CS bắt giam hết. 
 
Ngày 26-1-1968, ba ngày trước Tết, đảng uỷ CS Thừa Thiên đưa ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa phía hữu ngạn Huế. Trong kế hoặch nầy, CS dự liệu rằng khó có thể giữ Huế lâu ngày, nên đã chỉ thị các uỷ viên phụ trách phải phá hoại tối đa các cơ chế vừa mới được ổn định của chính quyền Sài Gòn. (Don Oberdorfer, sđd. 206). 
 
Nói cách khác, chỉ thị trên ra lệnh tiêu diệt quân đội và nhân viên VNCH để bộ máy chính quyền VNCH khủng hoảng nhân sự, thiếu người làm việc, mất hiệu năng. Thành phần tử vong trong Tết Mậu Thân tại Huế do ông Nguyễn Trân đưa ra phản ảnh đúng chủ trương nầy, theo đó CS đã giết "790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội "cường hào ác bá", 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát." 
 
Sau đây là tài liệu do Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ bắt được ngày 12-6-1968 (sau Tết Mậu Thân) tại Thừa Thiên của một cán bộ quân sự CS. Viên cán bộ CS nầy ghi lại trong sổ tay: "Toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy từ xã tới tỉnh đã bị tiêu diệt hoặc gẫy đổ. Hơn 3.000 tên đã bị giết. Địch sẽ chẳng bao giờ tái lập lại được hệ thống cũ hoặc xoay chuyển được thất bại của chúng. Dù chúng có thể thay thế ngay bằng những nhân sự thiếu kinh nghiệm, bọn nầy cũng sẽ chẳng làm được gì." (Stephen Hosmer, "Tổng tấn công Tết và Huế", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tr.217.[Không đề tên người dịch]. Phần nầy trích lại trong sách của Stephen Hosmer, Vietcong Repression and its Implications for the Future, Nxb. Heath Lexington Books, Massachusetts, 1970.)
 
Tàn sát để khủng bố, cảnh cáo: Giết quân nhân, công chức và thường dân vô tội (mà CS tình nghi tiếp tay, làm tình báo, hay cộng tác với chính quyền VNCH), CS nhắm đe dọa dân chúng để từ đây đừng tòng quân cho quân lực VNCH, hoặc không được tham gia hay cộng tác với chính quyền VNCH, dưới bất cứ hình thức nào. 
 
Trong quá trình chính trị VNCH, Huế là nơi phát khởi nhiều xáo trộn, nhất là từ năm 1963 trở đi. Việc tàn sát của CS còn nhắm cảnh cáo dân chúng cố đô, từ đó cảnh cáo dân chúng toàn quốc, để dân chúng không dám lên tiếng tố cộng, dầu vẫn còn sống dưới chế độ Cộng Hòa; đồng thời CS chuẩn bị áp đặt một chế độ độc tài trong tương lai một khi họ đánh chiếm được toàn miền Nam. Đó là thông điệp đỏ mà CS muốn báo cho dân chúng Huế nói riêng và các thành phố miền Nam nói chung: với CS, biểu tình, chống đối là tử hình, chứ không dễ dãi như dưới chế độ Cộng Hòa.
 
Thông điệp đỏ nầy quả nhiên có hiệu quả trong việc áp chế dân chúng, vì sau năm 1975, chế độ CS Hà Nội độc tài tàn bạo, mà hầu như rất ít vụ đối kháng xảy ra, và dân chúng hoàn toàn không có biểu tình, tuyệt thực dễ dàng như dưới thời VNCH.
 
Tàn sát tín đồ Thiên Chúa giáo: Cộng sản luôn luôn kiếm cách chia rẽ, tiêu diệt có hệ thống và có kế hoạch các tôn giáo, nhứt là những tôn giáo có thế lực chính trị mạnh mẽ, có tổ chức quần chúng quy mô và kỷ luật, hoặc thân chính quyền. 
 
Tại Huế, từ khi ông Ngô Đình Diệm, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo gốc Quảng Bình, lớn lên tại làng Phú Cam (Huế), cầm quyền năm 1954, tín đồ Thiên Chúa giáo tại đây yểm trợ chính quyền mạnh mẽ. Ông Ngô Đình Cẩn, em ông Diệm, là người có sáng kiến tổ chức đoàn phản gián "Đặc vụ miền Trung" năm 1960 do ông Dương Văn Hiếu cầm đầu, đã gây thiệt hại nặng nề cho tình báo CS từ Bến Hải vào tới trong Nam. 
 
Do đó, trong kế hoạch đưa ra ngày 26-1 kể trên, đảng uỷ CS Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: "Bao vây và cô lập những tên phản động lợi dụng tín đồ Thiên Chúa giáo; phải chú ý đến khu vực Phú Cam, các trường Thiên Hựu và Bình Linh..."( Don Oberdorfer, sđd. tr. 206). 
 
Kế hoạch nầy còn được triển khai hết sức mưu mẹo kín đáo: Khi mới vào Gia Hội, cộng quân ra lệnh mọi nhà phải hạ cờ Quốc gia (đã được các nhà treo trong dịp Tết), treo cờ MTDTGPMNVN. Dân chúng không có cờ MTDTGP, nên cộng quân ra lệnh treo cờ Phật giáo (Don Oberdorfer, sđd. tr. 225). 
 
Đây là một âm mưu của CS: Cộng quân dư biết dân chúng sống dưới chế độ miền Nam không có cờ MTDTGP mà vẫn ra lệnh treo cờ mặt trận nầy, rồi lấy lý do dân chúng không có cờ MTDTGP, mới đổi qua yêu cầu treo cờ Phật giáo. 
 
Treo cờ Phật giáo, cộng quân sẽ biết nhà nào theo Thiên Chúa giáo, vì những gia đình theo đạo Thiên Chúa làm gì có cờ Phật giáo mà treo. Cộng quân muốn tỏ ra thân thiện với Phật giáo, để gieo tiếng oan cho Phật giáo là thân cộng và gây chia rẽ giữa hai tôn giáo lớn trong nước.
 
Một nhân chứng có mặt tại vùng Phú Cam (Huế) cho biết khoảng mồng 7 hay mồng 8 Tết, CS bắt trên 300 thanh niên ẩn núp trong nhà thờ Phú Cam, đem đi biệt tích. (Nguyễn Thế, "Nhớ về Mậu Thân", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tr. 199. Theo Don Orberdorfer, sđd. tr. 214, con số nầy lên đến 400 người.) 
 
Tại Huế, cộng quân còn giết hai linh mục người Việt là Hoàng Ngọc Bang và Lê Văn Hộ, và hai linh mục người Pháp dòng Benedicto Thiên An là Urbain và Guy, đồng thời đốt luôn nhà thờ Thiên An. (PTGDVNHN, sđd. tt. 135, 143.)
 
Tàn sát để gây tiếng vang trên thế giới: Trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, cộng quân đã thẳng tay tiêu diệt quân đội Đồng minh như Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, và giết luôn cả những thành phần dân sự ngoại quốc như các linh mục người Pháp kể trên, nhất là bốn người Đức ở Viện Đại học Huế: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Ba vị bác sĩ Tây Đức đều tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả bốn người nầy bị bắt ngày 5-2-1968. Về sau xác được tìm thấy ở gần khu vực chùa Tường Vân. 
 
Huế là thành phố mang nhiều đặc tính di sản lịch sử, văn hóa và chính trị Việt Nam, nên rất được quốc tế chú ý. Chiếm đóng và tàn sát ở Huế dễ gây tiếng vang trên thế giới, để giành ưu thế trong hòa đàm, và nhất là để nhân dân Hoa Kỳ thúc giục chính quyền của họ sớm rút quân ra khỏi Việt Nam. 
 
Tàn sát để nhuộm đỏ tay chân: Sau thời gian tham gia tranh đấu năm 1966, khi bị chính phủ VNCH gởi quân ra dẹp yên, một số lãnh tụ sinh viên và trí thức Huế thoát ly, bỏ chạy lên chiến khu theo CS như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư trường Quốc Học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên, em của Tường), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên), Lê Văn Hảo (giáo sư Đại Học Văn Khoa), Nguyễn Đóa (cựu giám thị trường Quốc Học)... 
 
Ngoài nhóm thoát ly, còn có những người lừng khừng, gió chiều nào theo chiều đó. Sử dụng những người thoát ly cũng như lừng khừng, nhưng CS không tin cậy họ. Cộng sản dư biết rằng nhóm nầy thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản thành phố, thích biểu tình tranh đấu theo kiểu tự do dân chủ Tây phương. Họ đã từng sống dưới chế độ Quốc gia, thụ hưởng ân huệ chính quyền Quốc gia để ăn học thành tài mà còn phản bội Quốc gia, thì không biết lúc nào họ sẽ phản bội CS, vì CS chẳng có công nuôi nấng, đào tạo họ, và cộng sản lại độc tài đảng trị tuyệt đối, không thích chuyện biểu tình phản đối.
 
Những người theo phong trào tranh đấu Huế năm 1966 bỏ chạy theo CS, rồi trở về Huế hoạt động trong dịp Tết Mậu Thân, bị dân chúng và báo chí kết án là thủ phạm của những cuộc tàn sát là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân. Chẳng qua nhóm nầy là cũng chỉ những con rối phải thi hành mệnh lệnh và kế hoạch của CS. Nếu họ không thi hành, họ cũng sẽ bị cộng quân loại bỏ. Họ chỉ là những con chốt thí trong cuộc cờ của CS. 
 
Ai cũng biết rằng trong tổ chức CS, chỉ có đảng viên và nhất là đảng uỷ mới có quyền quyết định những chuyện hệ trọng. Còn những hạng tân tòng như Tường, Phan, Xuân chẳng có quyền hành gì để quyết định mạng sống của một số người lớn lao, trừ vài chuyện trả thù cá nhân mà thôi. Bằng chứng cụ thể là sau năm 1975, anh em Tường, Phan và Xuân chẳng được trọng dụng nữa. 
 
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là cơ hội để CS nhuộm đỏ những kẻ thoát ly và lừng khừng, làm cho họ không còn con đường nào quay về phía VNCH, dù họ có mặt hay không có mặt ở Huế, và dù họ giết người hay không giết người trong thời gian nầy. 
 
Phải nói rằng kế hoạch nhuộm đỏ của CS khá thành công, vì dù Xuân, Tường, Phan cố gắng hết sức thanh minh sau năm 1975, thì các đương sự cũng đều mang tiếng là đao phủ thủ của cố đô Huế năm 1968 và gắn liền với tên tuổi họ cho đến cuối đời, không sao có thể cởi bỏ được
 
Tàn sát khi rút lui
 
Nhìn vào bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể, một điểm nổi bật là tại Huế, khu phố Gia Hội và vùng phụ cận như Bãi Dâu là nơi duy nhứt có nhiều mồ chôn tập thể. Điều nầy cho thấy do CS chiếm giữ Gia Hội được lâu, nên có điều kiện bắt giết nhiều người tại chỗ. 
 
Ngoài Gia Hội, những nấm mộ tập thể khác nằm ở các vùng phụ cận chung quanh thành phố Huế. Khi rút lui, cộng quân đem theo những người bị bắt giữ, vừa làm phu khuân vác, vừa khỏi bị lộ bí mật, vừa làm con tin và bia đỡ đạn để tránh bị quân đội VNCH và Đồng minh pháo kích hay chận đánh. Số người bị cộng quân đem theo lên đến vài ngàn người. Đến khi cộng quân cần biến vào rừng, cộng quân giết tất cả những người nầy để khỏi lộ tung tích mà không cần phân loại. 
 
Cộng sản giải thích rằng như thế là "giết để tự vệ" (?). Phải có lệnh trên, cán binh CS địa phương mới dám giết người đông đảo và tàn bạo. Cộng sản không cần phân loại, một phần vì nguyên tắc của CS là "giết lầm hơn bỏ sót". Ngoài ra, sau một thời gian ngắn cùng sống với nhau, những nạn nhân con tin bị bắt đi theo biết rõ gốc gác, gia đình của các cán binh CS, kể cả CS nằm vùng, và nhất là những tội ác do CS gây ra. Cộng sản sợ rằng nếu để những người nầy sống sót, họ sẽ làm vỡ tất cả những tổ chức bí mật của CS, nhất là tố cáo tội ác của CS trước dư luận trong nước cũng như trên thế giới. Do đó, CS giết những con tin nầy để diệt khẩu, thủ tiêu nhân chứng, trừ hậu hoạn.
 
Cách giết người của CS khi rút lui cũng đặc biệt. Cộng quân ra lệnh cho những nạn nhân bị bắt, phải đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn tránh bom đạn, hoặc để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy. Sau khi đào xong, cộng quân trói thúc ké tay chân những người nầy, quăng xuống hố, rồi lấp đất lại. Cộng quân chôn sống người, chứ không dùng súng bắn vì sợ gây tiếng động và lộ mục tiêu, dễ bị quân đội VNCH và Đồng minh phát hiện. (Elje Vannema, "Cố đô kinh hoàng", đăng trong PTGDVNHN, sđd. tt. 124-142.)
 
Bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể cho thấy cộng quân rút lui theo hai hướng: 
 
(1) Hướng nam Huế, qua đường Nam Giao, đến lăng các vua Nguyễn, lên vùng núi. Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Khe Đá Mài (chứa 428 xác), cách thành phố Huế khoảng 40 cây số, thuộc quận Nam Hòa. 
 
(2) Hướng đông Huế, qua ngã Chợ Cống hoặc Dạ Lê. Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Vinh Thái (chứa 135 xác), cách Huế khoảng 40 cây số về phía đông nam, thuộc quận Phú Thứ. 
 
Theo bác sĩ Elje Vannema, người gốc Hòa Lan, quốc tịch Canada, có mặt ở Huế nhân dịp Tết Mậu Thân (1968), Huế có tất cả 19 khu vực chôn người tập thể được tìm thấy, và mỗi khu vực có nhiều nấm mộ tập thể khác nhau. (Elje Vannema, bài đã dẫn.) 
 
Ngoài những hầm mộ đã được phát hiện trên đây, chắc chắn còn nhiều hầm mộ tập thể khác vĩnh viễn bị khuất lấp trên vùng rừng núi chung quanh Huế, mà dân chúng chưa tìm ra được. 
 
(Còn tiếp bài 7: Tổng kết.)
 
Toronto, 10-4-2016
 
 
 
 
_____________________________________
 
Những phần đã đăng bởi Danlambao:
 
Bài 1: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/tong-quat-ve-bien-co-tet-mau-than-1968.html
Bài 2: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/lenh-tan-cong-tet-mau-than-cua-cong-san.html
Bài 3: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/cuoc-chien-mau-than-tren-toan-lanh-tho.html
Bài 4: danlambaovn.blogspot.com/2016/03/cuoc-chien-tet-mau-than-o-sai-gon.html
Bài 5: danlambaovn.blogspot.com/2016/04/cuoc-chien-tet-mau-than-o-hue.html

No comments: