Thursday, October 11, 2007

Mô Hình Xã Hội Dân Sự Quốc Doanh

(*) Mô Hình Xã Hội Dân Sự Quốc Doanh: Một Vài Sự Thật Khó Nuốt

Châu Lan

Ám ảnh lớn nhất của nhà cầm quyền CSVN là để cho những diễn biến kiểu Đông Âu xảy ra tại Việt Nam, kéo sụp chế độ trong một cuộc cách mạng "nhung" không đổ máu. Do đó trong nhiều năm qua, Hà Nội đã không ngừng đả phá hai ý niệm mà họ coi là những chiến lược thù địch của Tây phương và của người Việt hải ngoại để lật đổ họ:
(1) chủ trương diễn biến hòa bình,
(2) xã hội dân sự.
Thế nhưng trong thời gian gần đây, những sự công kích mà CSVN dành cho hai chủ trương này đã ngừng hẳn. Bạn có nhớ lần chót họ lên án diễn biến hoà bình hay không? Lâu lắm rồi phải không? Và mới đây, họ lại đưa ra những dấu hiệu cho thấy họ khá mặn mà với chủ trương xã hội dân sự.
Tại sao lại có sự xoay chiều như thế? Và có thật sự là một sự xoay chiều hay không? Muốn trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần xem xét hai chủ trương nói trên dưới con mắt của người CSVN, không phải dưới con mắt của chúng ta, những người yêu chuộng tự do dân chủ.
Trước hết về diễn biến hoà bình (DBHB). Dưới mắt CSVN, nguyên nhân sụp đổ của CS Đông Âu không phải là do những yếu tố nội tại - nạn nghèo đói tụt hậu, sự thiếu tự do hay tham nhũng - mà chính yếu là một âm mưu rộng lớn do phía Tây phương dựng lên, đã ru ngủ và làm hủ hoá ý thức đấu tranh chống tư bản của người dân Đông Âu bằng cách phô trương những thành quả của các nước dân chủ qua sự hợp tác. Khi Tây phương mở mang giao thương, xóa bỏ những hàng rào mậu dịch, đòi hỏi tự do báo chí, chủ trương toàn cầu hóa, đầu tư kinh doanh, thậm chí khi Tây phương "sáng chế" ra mạng lưới internet, những lý thuyết gia cằn cỗi của CS đã tưởng đó là những cái chiêu nằm chung trong một chương trình triệt hạ Xã hội Chủ nghĩa của Hoa Kỳ. Do đó suốt nhiều năm trời, Hà Nội đã quyết liệt chống lại DBHB mà họ coi là một cuộc chiến chống CS bằng những phương tiện "giả danh hoà bình".Thế nhưng trong những năm gần đây, CSVN học được một chân lý tuyệt vời: họ có thể nương vào DBHB để củng cố quyền lực của họ! Thật là dễ dàng. Thay vì ngăn chặn giao thương, nếu họ mở rộng hợp tác kinh tế với bên ngoài nhưng hướng tất cả những mối lợi vào Đảng CS và đảng viên CS, thì giai cấp của họ sẽ càng dễ bề thống trị, chế độ sẽ càng vững vàng chứ có mất mát gì đâu. Thay vì cấm đoán internet, nếu họ cho phép người xử dụng chỉ vào được những trang web mà họ muốn, thì sự tuyên truyền của họ chỉ càng thêm sắc xảo, hiệu nghiệm mà thôi. Họ đã hiểu được động cơ chính của Tây phương là kiếm tiền, chứ không phải lật đổ CS, và Tây phương có thể là một người bạn chứ không phải là kẻ thù. Từ đó trên những cái loa tuyên truyền cố hữu của họ, những lời đả kích DBHB đã vơi nguội dần xong biến mất hẳn. Chúng ta phải hiểu rõ: những cán bộ CS đang ăn trên ngồi chốc, vinh thân phì gia, là phần lớn nhờ vào... diễn biến hoà bình! Thật là oái oăm, nhưng đó là sự thật khó nuốt.
Qua tới xã hội dân sự, theo định nghĩa, XHDS là tất cả những tổ chức làm việc công ích cho xã hội nhưng độc lập với nhà nước, doanh nghiệp hay gia đình. Điển hình nhất là những tổ chức phi chính phủ, từ thiện, nghiệp đoàn, tôn giáo, văn hóa, những hội đoàn quần chúng tranh đấu hay phụng sự cho quyền lợi chung của nhiều người. Dĩ nhiên, nếu áp dụng đúng định nghĩa này thì CSVN phải sợ hãi XHDS ghê gớm mới phải, vì đó là một sức mạnh, tuy không liên kết, nhưng có tiềm năng quân bình lại quyền lực độc tôn của chế độ.Tuy nhiên gần đây Hà Nội đã tìm ra một chân lý tuyệt vời thứ hai: nếu biết xử dụng khéo léo, XHDS cũng có thể là một đồng minh quý giá để duy trì và củng cố chế độ. Nếu bạn chưa tin hẳn điều tôi vừa viết thì tôi xin đưa ra một vài bằng cớ.Cách đây vài tháng, một bản phúc trình đã được công bố rầm rộ bởi Viện Những Vấn đề Phát triển tại Hà Nội để đánh giá XHDS tại VN. Kết luận của bản phúc trình? Rằng VN đã có một XHDS mạnh mẽ rồi! Tiến sĩ Đặng Hữu, Chủ tịch Viện, nói: "Hàng loạt các tổ chức XHDS đã ra đời và phát triển mạnh, sự tham gia của người dân vào công cuộc phát triển ngày càng được thúc đẩy." Theo ông, phải "phát huy hơn nữa tính tích cực của người dân trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước". Hiểu nôm na theo kinh nghiệm diễn giải sắc bén của người dân VN, Tiến sĩ Hữu đại ý nói rằng: "Ai bảo là VN chưa có XHDS? Ai bảo là nhà nước VN chống lại XHDS? Các công đoàn, các tổ chức phụ nữ, thanh niên, nhà báo, nhà văn, giáo hội do nhà nước thiết lập đã có từ lâu và hoạt động rất mạnh rồi đó. Trong tương lai, chỉ cần phát huy thêm những tổ chức sẵn có mà thôi."Bạn có thể sẽ kết tội cho tôi là bẻ cong lời nói của ông, bởi vì các tổ chức do nhà nước lập ra thì đâu có đúng nghĩa là XHDS, tức là phải độc lập với nhà nước? Vậy thì tôi xin trích thêm, không phải từ Tiến sĩ Hữu, mà từ bà Tiến sĩ Irene Norlund, là điều phối viên quốc tế cho bản phúc trình quan trọng mà tôi vừa kể, một người đã cộng tác chặt chẽ nhiều năm với các giới chức CSVN và thấu hiểu căn bản suy nghĩ của họ. Bà nói gì? Xin trích cuộc phỏng vấn với đài RFA: - "XHDS là một khái niệm không được nhiều người biết đến ở VN, đồng thời lại còn bị hiểu lầm là phải có những thay đổi giống như Đông Âu khiến cho nhà cầm quyền không hài lòng." - Định nghĩa XHDS được áp dụng tại VN "không đòi hỏi phải có sự tách biệt giữa nhà nước và các tổ chức XHDS như định nghĩa được áp dụng ở Mỹ". - "Các tổ chức quần chúng chiếm một vị trí lịch sử rất đặc biệt ở VN, khởi thủy được thành lập với mục đích làm gạch nối giữa Đảng và nhân dân. Tại VN, chúng tôi ghi nhận có 5 tổ chức quần chúng cỡ lớn, như tổ chức phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn, quy tụ ba, bốn triệu hội viên, hoạt động giúp đỡ cho thành phần nghèo, cho những người không may. Dù được thành lập theo mục tiêu do Đảng đề ra, nhưng các cơ sở cấp thấp hoạt động chủ yếu là phục vụ cho phúc lợi của người dân ở địa phương. Rất nhiều chuyên gia Tây Phương không đồng ý quy các tổ chức như vậy vào XHDS, nhưng VN là điểm đầu tiên mà chúng tôi đã đánh giá rằng các tổ chức quần chúng dù do nhà nước thành lập cũng chiếm một vị trí quan trọng trong XHDS". - "Chúng ta đều biết VN là một nước đang phát triển, chính quyền không thể nào cáng đáng tất cả mọi chuyện được và chính nhà nước VN cũng công nhận điều này, kêu gọi người dân, các tổ chức tiếp sức để giải quyết những vấn đề cần giải quyết."Và thêm một lời tuyên bố, lần này của ông Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những Vấn đề Phát triển tại Hà Nội. Ông nói với đài RFA: "Ở Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức XHDS lớn nhất, bao gồm các đoàn thể, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân, v.v."Như vậy thì quá rõ. Chủ trương của CSVN về XHDS - mà tôi gọi là mô hình XHDS quốc doanh - gồm có năm điểm:1. Nếu XHDS không dẫn đến một biến cố kiểu Đông Âu, không đe doạ chế độ thì không có gì đáng lo, mà ngược lại phải đáng được khuyến khích.2. Những tổ chức XHDS trong mô hình VN có thể do chính nhà nước CSVN lập ra và kiểm soát.3. Việt Nam sẽ là nước đầu tiên áp dụng XHDS theo kiểu quốc doanh này.4. Mặt trận Tổ quốc là tổ chức XHDS chính yếu trong mô hình XHDS của Hà Nội.5. Nhà nước CSVN dùng các tổ chức XHDS để hợp tác với mình, làm những công việc mà mình không làm nổi.Những tổ chức nào được CSVN chấp nhận là XHDS? Trả lời: các tổ chức liên hiệp phụ nữ, thanh niên, nhà văn, nhà bào, trí thức, nông dân, các công đoàn, giáo hội quốc doanh, từ thiện, Việt kiều yêu nước, du sinh đoàn kết... do họ đẻ ra. Nói rộng hơn, đó là tất cả những nhóm, những tổ chức làm việc xã hội ở VN mà không gây bất cứ phiền hà chính trị nào cho họ, lại củng cố cho quyền lực của họ một cách khách quan hay gián tiếp.Hãy lấy ví dụ Phật giáo để chúng ta rõ ý. Giáo hội PGVN (quốc doanh) nằm gọn ghẽ trong mô hình XHDS của họ, còn Giáo hội PGVN Thống nhất thì nhất định không nằm trong đó cho nên bị họ bịt miệng, bức tử. Là một thành phần của xã hội nhưng GHPGVN Thống nhất không có quyền là thành phần của xã hội dân sự - thật không có gì nghịch lý hơn! Còn một vị như thiền sư Thích Nhất Hạnh? Dù được nhiều tín đồ tôn kính, nhưng thầy Nhất Hạnh từ ngày được phép gia nhập XHDS của Hà Nội đã phải trao đổi sự gia nhập đó bằng sự im hơi lặng tiếng trên toàn bộ những vấn đề nhân quyền, như tự do tín ngưỡng. Vấn đề của Phật giáo cũng là vấn đề của Công giáo và các tôn giáo lớn khác tại VN.Hiện giờ phong trào dân oan đang là một cái gai đối với chế độ bởi vì nó không nằm trong mô hình XHDS của họ. Chờ thêm một thời gian nữa, tôi sẽ không lấy làm lạ nếu một tổ chức "dân oan quốc doanh" sẽ được dựng lên, "bênh vực" cho dân oan nhưng lại không chỉ rõ nguyên nhân nỗi bất hạnh của dân oan là bản chất phản dân chủ của chế độ. Lúc đó cái gai sẽ hết là cái gai, nhưng chưa chắc dân oan sẽ được giải oan.Một ví dụ nữa là vấn đề chống tham nhũng. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là một độc quyền của chế độ. Không một tuần nào trôi qua mà người dân không được đọc về những quan chức bị nhà nước phát giác, bắt giữ, đưa ra tòa về tội tham nhũng. Thế nhưng khi một tổ chức đi ra từ quần chúng để chống lại mọi sự tham nhũng, kể cả tham nhũng của các đỉnh cao lãnh đạo, thì bị cấm đoán thẳng tay, chỉ vì tổ chức này không nằm trong mô hình XHDS quốc doanh.Hiểu được thế rồi, câu hỏi cần đặt ra ở đây là chúng ta, những người Việt mong muốn dân chủ, có nên hỗ trợ cho lập trường XHDS hay không? Một câu hỏi hốc búa đã được nhiều người đề cập đến nhưng chỉ trả lời vòng vo tam quốc. Chắc chắn rằng chủ trương XHDS của chúng ta, một XHDS đích thực như được áp dụng trong các xã hội dân chủ tân tiến, khác hẳn với mô hình XHDS quốc doanh của nhà cầm quyền CS, nơi đó tất cả những tổ chức XHDS phải chấp nhận luật chơi chung là không được động chạm đến cơ sở quyền lực cá nhân hay tập thể của những người cầm quyền. Như vậy, chúng ta chỉ có hai chọn lựa:- hoặc là chúng ta chơi trò chơi đó, gia nhập XHDS quốc doanh, im hơi lặng tiếng trên những vấn đề chính trị để được phép hoạt động - đại loại như GHPG quốc doanh đang làm - tức là gián tiếp hợp tác với chế độ và chấp nhận bản chất phản dân chủ của chế độ,- hoặc chúng ta không chấp nhận mô hình XHDS quốc doanh, giữ quyền tự do phát biểu và hành động của mình, đòi hỏi một XHDS chân chính, thì chúng ta sẽ bị đẩy ra ngoài XHDS, lại còn bị lên án là không tôn trọng luật chơi. GHPGVN Thống Nhất là một trường hợp điển hình như thế.Theo tôi, sự chọn lựa đầu có nghiã là chúng ta phản bội lại lý tưởng dân chủ. Chỉ còn lại chọn lựa thứ hai, và điều này có nghĩa là chúng ta phải kiên cường tranh đấu để thay đổi chế độ chính trị. Đã thẳng thắn với lý tưởng của mình thì không có một chọn lựa nào khác. Chúng ta sẽ thay đổi thể chế chính trị bằng cách hỗ trợ tất cả các tổ chức quần chúng nào không nằm trong mô hình XHDS quốc doanh.Cách đây không lâu, nhà trí thức Hà Sĩ Phu lên đài phát thanh đưa ra lập luận rằng việc nâng cao dân trí và phát triển XHDS phải đi trước, thay đổi chính trị phải đi sau. Như bạn đã thấy rõ, lập luận này mâu thuẫn ngay từ trong cốt lõi. Nói đến XHDS mà không đặt sự thay đổi chính trị lên ưu tiên hàng đầu, đó là phục vụ cho nguyện vọng thầm kín của CSVN. CSVN không mong muốn gì hơn là tiếp tục ngồi đó trường kỳ cai trị trong khi những tổ chức quốc doanh cùng với những tổ chức thuận quốc doanh lăng xăng lo lắng cho người dân, trám lỗ vào những công việc của đất nước mà CSVN không làm được hoặc không muốn làm.Một số nhà tranh đấu dân chủ đang cổ xúy cho chủ trương XHDS với lý luận rằng nếu có XHDS thì tự nhiên dân chủ sẽ tiếp nối theo sau. Họ tưởng rằng CSVN sẽ rơi vào cái tròng được bày ra, dại dột áp dụng XHDS một cách không kềm chế để rồi không thể cản nổi làn sóng dân chủ tràn tới tiếp theo sau. Nhưng biết đâu XHDS không lại là cái tròng mà những người yêu dân chủ như chúng ta có thể mắc vào, rồi bị lợi dụng để phải hợp tác, phục vụ cho chế độ dù một cách trực tiếp hay gián tiếp?Vào thời chiến tranh quốc-cộng cách đây hơn 30 năm, một cái tròng tương tự đã được tung ra khá thành công: lực lượng thứ ba! Vì quá sót xa cho dân tộc bị kiệt quệ trong cuộc chiến tương tàn mà bao nhiêu người miền Nam thương dân thương nước đã ủng hộ lực lượng thứ ba, đòi hỏi hòa bình để rồi hối không kịp. Lỗi lầm của họ là không hiểu bản chất phản hòa bình của CS, nói hòa bình mà lại không đặt việc chiến thắng CS lên ưu tiên hàng đầu. Lỗi lầm đó đã làm suy yếu miền Nam với kết quả mà chúng ta đều biết.

Châu Lan
October 6, 2007

No comments: