Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Nói về Cải cách ruộng đất thì đó là một cuộc thảm sát với phú nông, địa chủ… trong đó có phần lớn là oan sai. Nhưng nhắc đến Nhân văn Giai phẩm lại là câu chuyện khác. Lần này đến trí thức cũng bị tiêu diệt. Lý do rất đơn giản cho sự tiêu diệt đó là họ dám viết, dám nghĩ đúng với những gì họ nhận thấy được từ xã hội thối nát của cộng sản. Họ cần nghệ thuật gắn liền với tư tưởng tự do, dân chủ nhưng… đó là cái gai trong mắt cộng sản.
Bài viết này chỉ nhắc lại cho chúng ta những gì thuộc về sự thật, những sự thật đau đớn của một chế độ muốn ngu dân để cai trị. Một chế độ phi nhân tính với những sự thật đáng hổ thẹn cho muôn đời.
Sơ lược về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm
Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi tự do dân chủ của một số văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958.
Phong trào này có một tờ báo cho mình với tên gọi Nhân Văn, đây là một tờ báo chuyên về văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội. Đứng đầu tờ báo là ông Phan Khôi làm chủ nhiệm và ông Trần Duy làm thư kí tòa soạn. Ngoài ra nó còn cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm (NVGP).
Mục tiêu hoạt động của nhóm NVGP là giúp cho sự tự do suy nghĩ, tự do trong sáng tác của các văn nghệ sĩ. Họ muốn hướng tới một quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật thực sư. Nghệ thuật theo tiêu chí của nhóm này phải tách khỏi chủ trương tô hồng cách mạng giả dối của văn nô cộng sản. Xin nêu ra đây một số ví dụ nhỏ để thấy chủ trương hết sức hợp lý của nhóm NVGP trong vấn đề trung thực, dân chủ trong xã hội VNDCCH lúc đó.
Trong tạp chí Giai phẩm Mùa xuân được ấn hành tháng giêng năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, về sau bị tịch thu, có bài “Nhất định thắng” của nhà thơ Trần Dần, miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những ngày đầu đất nước chia cắt, tác giả bài thơ bị qui kết chống phá, "bôi đen" chế độ, với những câu thơ nổi tiếng:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Nhân văn số 3 ra ngày 15 tháng 10 đăng bài của ông Trần Đức Thảo về mở rộng dân chủ, phát triển phê bình trong nhân dân. Trần Duy cũng góp tiếng nói đấu tranh cho tự do dân chủ trong Nhân văn số 4 ra ngày 5 tháng 11 năm 1956. Trong số cuối cùng, số 5 báo Nhân văn, ông Nguyễn Hữu Đang nhận xét về những điều bảo đảm tự do dân chủ trong Hiến pháp Việt Nam 1946 và so sánh với tình hình thực tế lúc bấy giờ.
Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 không được in và phát hành. Tổng cộng Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải ngừng xuất bản.
Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị đưa đi học tập cải tạo về tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Một số bị treo bút một thời gian dài: Lê Đạt, Trần Dần, số khác không tiếp tục con đường sự nghiệp văn chương, thậm chí có người bị giam giữ trong một thời gian dài và tiếp tục bị giám sát trong nhiều năm sau khi mãn tù như trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung thường gọi đây là "Vụ án Nhân Văn–Giai Phẩm".
Trong số này đa phần là những nghệ sĩ nổi tiếng, là tinh túy của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Họ thực sự là những tri thức đáng kính với những tư tưởng tự do, dân chủ nhưng đã bị đảng cộng sản kìm kẹp và bức bách cả về tư tưởng lẫn thân thể. Ắt hẳn chúng ta không thể nào quên một Hữu Loan đằm thắm nhưng cương trực với “Màu tím hoa sim” bất hủ. Ấy vậy mà ông cũng như hàng chục văn nghệ sĩ ấy đã bị đảng cộng sản vu khống, chụp mũ cho tư tưởng chống đảng, phản động. Nhưng có thực sự họ có tội hay không? Tôi xin trình bày ở phần sau đây.
Họ không phải là phản động
Nói là phản động thì đảng cộng sản là bậc thầy về chụp mũ và quy kết. Phải hiểu đúng từ phản động thế nào. Thực tế một xã hội muốn phát triển và tiến bộ thì phải không ngừng vận động. Phản động ở đây có nghĩa là đứng yên, không vận động, là chống lại sự tiến bộ đó. Phản động là một từ có nghĩa đen, không có nghĩa bóng, phản động mang một ý nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên bản thân các văn nghệ sĩ ở đây hoàn toàn hoạt động nghệ thuật theo tư tưởng ôn hòa, dân chủ, tự do. Đó không thể coi là phản động được. Bản thân sự phản ánh trung thực của họ là một sự có lợi cho tiến bộ xã hội. Nhưng đảng cộng sản đã đánh đồng khái niệm chống lại ách độc tài của họ với việc chống lại sự phát triển của xã hội. Đó là một sự vu khống vô cùng bẩn thỉu của đảng cộng sản Việt Nam.
1. Họ đã nói gì?
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ những người trí thức can đảm nhất ở miền Bắc Việt Nam trong thời đại của họ. Sau bài thuyết trình của Nguyễn Mạnh Tường, trong hai số báo Nhân Văn vào tháng 11 năm 1956, Nguyễn Hữu Đang đã hai lần nêu cao chủ trương phải thiết lập một chế độ pháp trị. Ông nêu ra những điều trong hiến pháp năm 1946 bảo đảm các công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do cư trú, tự do đi lại, vân vân. Điều 11 nói: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ giam cầm người công dân Việt Nam” nhưng ngay trong thời đó các nhà trí thức như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Đình Hưng cũng bị đi “cải tạo” không thời hạn; các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Tử Phác vô cớ bị bắt giam.
NVGP là một đợt bột phát trào lưu tư tưởng dân chủ ở miền Bắc Việt Nam có tiền đề ngay từ khi hình thành nhà nước VNDCCH lưỡng sinh giữa DCTS và toàn trị cộng sản tiến dần đến mô hình kiểu chủ nghĩa Mao, phát sinh trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nhưng mạnh mẽ nhất là lĩnh vực ngôn luận mà lực lượng hăng hái nhất là trí thức khoa học xã hội và văn nghệ sỹ, tập trung xung quanh hai ấn phẩm là báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm.
Có lẽ cần phải cho mọi người nghe ý kiến của ông Nguyễn Hữu Đang trả lời Thụy Khuê ngày tháng 9- 1995 khi bà hỏi thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì: "Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống, không phải chống đảng cộng sản đâu, mà là chống cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng- nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm… Nó gay gắt ghê lắm!"
Trên báo Giai Phẩm Mùa Thu, Nguyễn Hữu Đang đã mở cuộc phỏng vấn để các nhà trí thức khác có dịp lên tiếng: Trần Đức Thảo đòi phải có tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do phê bình. Ông Đặng Văn Ngữ viết: “Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do dân chủ?”. Đào Duy Anh kêu gọi giới trí thức phải “đấu tranh” cho tự do, quyết chống lại bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân; Phan Khôi viết “bàn về lãnh đạo văn nghệ” để phê bình toàn thể việc lãnh đạo xã hội. Ông Phan Khôi dám phơi bày sự thật đó là một chế độ cộng sản độc tài như thể một biến thể của chế độ phong kiến kiểu mới. Ông nêu ví dụ đám cầm đầu văn nghệ lúc đó đả kích thơ Trần Dần viết hoa chữ “Người” là phạm tội, vì chữ “Người” viết hoa chỉ được dùng để nói đến Hồ Chí Minh thôi. Việc này không khác gì việc Phạm húy trong tư tưởng phong kiến.
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chứng tỏ giới trí thức Việt Nam không bao giờ lãng quên trách nhiệm với lịch sử. Ngay từ đầu thời Pháp thuộc các Nho sĩ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Cao đã bảo vệ tiết tháo sáng ngời. Họ muốn dùng ngòi bút của mình để nhắc nhở cho nhân dân ta những yếu tố lịch sử trung thực của dân tộc. Họ xứng đáng tiếp nối truyền thống hào hùng của biết bao đời anh linh dân tộc.
Nhóm NVGP cũng cho thấy một điều những người trí thức Việt Nam không bao giờ quên nhiệm vụ của mình là tranh đấu cho tự do và cho sự thật. Trong báo Nhân Văn, Trần Đức Thảo viết “Người trí thức hoạt động văn hóa cần tự do như khí trời để thở.” Người trí thức phải đỏi hỏi các quyền tự do được phát triển vì đó là “nhiệm vụ số một của mình cũng như của toàn dân”. Ông Trần Dần đã viết: “Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực… Tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết… Nếu như sự thực ngược lại chính sách, chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thật vào (cho đúng) chính sách!”. Trần Dần đã viết những hàng trên trong bản dự thảo để trình bày trước một hội nghị giới văn nghệ trong quân đội năm 1955. Tất nhiên bản dự thảo đó không bao giờ được công bố, nhưng nó cho thấy Trần Dần đúng là một chiến sĩ. Lê Đạt đã dùng những câu thơ để lên án chế độ độc tài chuyên chế: “Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người – Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước!”.
Kết Luận 1: Qua phần kết luận đầu tiên ta có thể thấy xuyên suốt nhưng tác phẩm và tuyên bố của mình. Nhóm các tác giả trí thức trong NVGP đã cho thấy họ là nhưng người trung thực, can đảm và có tư tưởng dân chủ, tự do dựa trên lòng yêu nước nồng nàn, có trách nhiệm với dân tộc. Vậy họ không thể là những người phản động như các đảng cộng sản chụp mũ.
2. Những bằng chứng khách quan:
Để nhìn nhận các tác phẩm của các bên về sự thật nhóm NVGP có tội hay không chúng ta cần phải nhìn thẳng vào các bài báo, cuốn sách nói về NVGP một cách trung thực nhất từ nhiều phía.
Trước tiên là cuốn sách "Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam" (Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam) của Georges Boudarel. Georges Boudarel, nay đã qua đời, là nhà giáo, đảng viên cộng sản Pháp, 1947 sang Việt Nam với mục đích tranh đấu chống chính quyền thuộc địa. Sau hai năm dạy học tại Sài Gòn, Boudarel theo Việt Minh, đặc trách nhiệm vụ "cải tạo" tù nhân Pháp ở trại 113. Năm 1966, vì không còn đồng ý với chính quyền Hà Nội, ông trở về Pháp. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã gặp gỡ nhiều nhà văn nhà thơ, trong đó có những thành viên NVGP và Boudarel đã mang được về Pháp những tờ Nhân Văn, Giai Phẩm, và một số báo xuất bản ở Hà Nội trong thời kỳ này.
Cuối 1987 đầu 1988, trong bối cảnh "cởi trói văn nghệ" của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Georges Boudarel đã viết loạt bài tựa đề Dissidences intellectuelles au Viêt-Nam L'affaire Nhan Van-Giai Pham (Trí thức phản kháng tại Việt Nam, vụ Nhân Văn Giai Phẩm), in trên hai tập san Sudestasie (số 50 tháng 1/1988) và Politique Aujourd'hui en Europe (phụ bản tháng giêng năm 1989), sau tập hợp và đào sâu thành cuốn "Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam" (Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam) do Jacques Bertoin in năm 1991 tại Paris.
Trong cuốn "Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam" có đoạn tác giả đã viết về những người bị chính quyền cộng sản Việt Nam gán ghép cho tội danh chống đảng phản bội như sau: "Sự thật họ không phải là những kẻ hèn nhát. Họ đã dám nói thật những gì họ thấy và họ nghĩ. Họ xứng đáng là những trí thức can đảm". Đây là sự khẳng định cho sự trung thực và hết sức thẳng thắn của tác giả Pháp (đã từng theo cộng sản này) đối với sự thật về các nhân vật trong vụ án NVGP.
Để nói về sự tự do trong tư tưởng của nhóm này. Tác phẩm cũng có đoạn: "Họ là những nhà dân chủ về tư tưởng. Những ý thức đó dường như là quá xa xỉ với một chế độ độc đảng ở Việt Nam.". Điều này khẳng định nhóm NVGP không thể là phản động. Họ đơn thuần muốn có một sự tự do, dân chủ trong sáng tác nghệ thuật không theo khuôn mẫu của đảng cộng sản áp đặt.
Tiếp đến là cuốn sách của tác giả Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” (THĐNTĐB), do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản tại Sài Gòn, 1959. Trong tác phẩm của mình ông Hoàng Văn Chí cũng đã đánh giá về những trí thức từng là chỗ quen biết của mình hết sức sâu sắc. Ông khẳng đinh trong cuốn sách của mình về những trí thức như sau "Thật là bất công khi định tội họ phản bội tổ quốc, họ chỉ phản đối đảng mà thôi!"
Tác phẩm của Hoàng Văn Chí, cho đến nay vẫn là tác phẩm hoàn chỉnh nhất về phong trào NVGP. Phần lớn những thành viên khác đều có mặt trong cuốn sách này, với một tiểu sử khá đầy đủ, với những chi tiết đáng quý và những bài viết tiêu biểu của họ trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt tiểu sử Phan Khôi và Văn Cao, với những chi tiết mà hiện nay không tìm thấy ở đâu. Một phần vì Hoàng Văn Chí có liên hệ gia đình với Phan Khôi, nên một số dữ kiện chỉ ông biết, mà không tìm thấy ở những tư liệu khác.
Ngay khi tôi đang hoàn thiện bổ sung cho bài viết này thì ngày 28/06/2012 có một cuộc hội thảo về nhà thơ Phùng Cung do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tuyển tập thơ Xem đêm của ông. Cuộc tọa đàm này có sự có mặt của Nhà nghiên cứu Phạm Toàn, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Nhà văn Thái Kế Toại, Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Các bạn có thể tham khảo tại links sau:(http://bookaholicclub.com/?p=17034). Trong đoạn có đánh giá của Hoàng Cầm về những tác phẩm của Phùng Cung: "Nhìn chung ở tập Xem đêm, mối quan hệ giữa những người miền quê nghèo được Phùng Cung diễn tả chân thực đến mức không thể bỏ hoặc thay một từ nào.". Điều này càng thêm minh chứng cho bản chất của các tác phẩm trong NVGP chỉ đem lại sự thật chứ không hề có ý chống đối lại dân tộc. Đó là điều đảng cộng sản không mong muốn.
Bản thân cuốn sách "Điều đọng lại" in năm 1992 tại nhà xuất bản Văn Hóa của đảng cộng sản Việt Nam cũng đã khẳng định việc kìm kẹp và kết tội vô lý với những cá nhân trong NVGP là một sai lầm. Cuốn sách này có lưu trữ tại thư viên quốc gia Việt Nam có đoạn ở trang 173 "Sai lầm ở việc nóng vội kết tội NVGP là phản động dẫn đến những động thái xấu cho nền văn học cận đại ở Việt Nam. Họ không phải là những người chống lại dân tộc. Nhận định sai lầm về họ cũng là điều đáng suy ngẫm." Cũng cuốn này còn trích dẫn lời của ông Nguyễn Văn Linh - cựu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam trong việc đánh giá về sai lầm trong NVGP và cởi trói trong tư tưởng của nghệ sĩ trang 265 có viết “Hãy cởi trói cho văn nghệ sĩ để tránh những sự cố đáng tiếc lặp lại của Nhân văn giai phẩm”.
Kết luận 2: Qua các tác phẩm của các tác giả trung lập, lề dân hay lề đảng đều đánh giá sự thẳng ngay, trung thực của các tác giả, tác phẩm trong NVGP. Họ không có tội phản động như những gì đảng cộng sản đã ghép cho họ trong quá khứ.
Nhận xét: Từ kết luận một và hai có thể thấy từ tư tưởng, lời nói cho đến tác phẩm của các tác giả, tác phẩm trong NVGP là thực sự tiến bộ và can đảm. Họ đã được các tác phẩm nhiều phía đánh giá đúng về sự thật: NVGP Không phải phản động, không chống đảng. Họ chỉ nói lên sự thật của xã hội miền Bắc dưới ách độc tài của đảng cộng sản thông qua nghệ thuật chân chính, không chấp nhận làm văn nô.
Tội ác!
Tập tài liệu tựa đề “Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận” do Nxb Sự Thật (nay là Nxb Chính Trị Quốc Gia), in tháng 6, năm 1959, tại Hà Nội, là tài liệu đầu tiên, tập hợp những trích dẫn bài viết hoặc diễn văn tố cáo, lên án, buộc tội NVGP của đảng cộng sản Việt Nam. Trong phần cuối cuốn sách, có một chương nhỏ, trích "những lời thú tội" của các thành viên NVGP, còn hầu như toàn thể dành cho phía công tố "phát hiện tội", với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã ngay từ miệng, hoặc từ ngòi bút của giới được gọi là "trí thức văn nghệ sĩ" đối với các đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia NVGP.
Tập tư liệu dày 370 trang này - chứng tích một thời mà chữ nghĩa đã đạt tới đỉnh cao của sự bồi bút - còn hữu ích về mặt lịch sử và văn học sử, nó mở ra nhiều khía cạnh của vấn đề NVGP: về tầm vóc của phong trào, về không khí đàn áp thời đó, về mức độ khốc liệt của cuộc đấu tố. Đồng thời nó cũng gián tiếp trả lời những lập luận gần đây, cố tình hạ thấp hoặc thu gọn tầm vóc của phong trào NVGP thành một cuộc "đánh đấm nội bộ", tranh giành thế lực cá nhân, không liên hệ gì đến vấn đề tự do tư tưởng.
Trong cuốn sách đó có viết: "Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, thực tế là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân. Chúng đòi "tự do, độc lập" của văn nghệ, rêu rao "sứ mạng chống đối" của văn nghệ, thực ra chúng muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động.
Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên "con người" trừu tượng, thực ra chúng đòi văn nghệ trở về chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy.
Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" hằn học đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhất là văn nghệ Liên Xô, đả kích nền văn nghệ kháng chiến của ta. Thực ra, chúng phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng đòi đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa.
Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ", thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.”
Điều này cho thấy sự quy chụp táo tợn và trơ trẻn của đảng cộng sản với những văn nghệ sĩ thực thụ muốn dùng ngòi bút nghệ thuật vào đóng góp cho dân chủ. Hành động đánh phá và quy chụp này cho thấy đảng cộng sản độc tài chính là kẻ thù không đội trời chung của tự do, dân chủ.
Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là người dập tắt phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm. Trong cuốn “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hóa, 1958, mà ông là tác giả, Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau: "Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm;" (trg 9. Sđd).
Hay có đoạn: "Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ;". (trg 17. Sđd).
Báo cáo tổng kết vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm như sau:
“Những tư tưởng chính trị thù địch Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc sô-vanh chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản.”
Đến đây ta có thể thấy đội ngũ văn nô của đảng cộng sản đã cố tình nhào nặn lên một hình tượng ngược lại hoàn toàn với những gì được coi là sự thật về NVGP. Đảng cộng sản đã cố tình quy chụp một cách vô lý những trí thức dám nói thẳng thật về những nghịch lý trong xã hội độc tài cộng sản.
Đối với văn nghệ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Trường Chinh là người đã đưa các quan điểm văn nghệ của Mao Trạch Đông vào hoạt động Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943, kiên trì bảo vệ nó cho tới khi đổi mới, đã tạo ra rất nhiều vụ án văn nghệ khác nữa, là nhân tố chính làm cho nền văn nghệ Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền nhưng tụt hậu so với sự phát triển chung của văn nghệ nhân loại. Trường Chinh thì xuyên suốt các văn kiện từ khởi thủy cho đến sau này đều dựa trên các nguyên lý văn nghệ của Mao Trạch Đông: "bắt văn nghệ phục vụ chính trị, lấy mục tiêu sáng tạo văn nghệ là phục vụ công nông binh, phục vụ tuyên truyền như là một mệnh lệnh tuyệt đối cho văn nghệ sĩ". Chưa bao giờ thấy ông đưa ra các yếu tố tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do ngôn luận làm điều kiện cho sự thành công của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Ấy là chưa nói đến phương pháp lập luận của Trường Chinh đầy chất ngụy biện, giả dối, phản khoa học, thực dụng về chính trị. Rất nhiều mệnh đề của ông khi đưa vào vận hành quản lý văn nghệ đều đi ngược lại với tinh thần của nó. Và chính bản thân ông trong một số trường hợp cụ thể đối với một số tác phẩm đã thể hiện thái độ hẹp hòi, thiển cận, quy chụp, trù dập văn nghệ sĩ.
Ngược lại Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi quan niệm: "…để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để... Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào phong phú”.
Chính vì có sự khác biệt quá lớn về tư tưởng và những yếu tố chính trị trong việc tồn vong của đảng cộng sản trước những bài viết phơi bày sự thật, đảng cộng sản đã trả thù hèn hạ với những người thuộc nhóm NVGP.
Ngày 10- 12- 1959 Tòa án nhân dân Hà Nội khai mạc phiên tòa xử Vụ án gián điệp hoạt động phá hoại hiện hành. Nội dung bản án kết tội như sau: "Chúng là những tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành, hoạt động có tổ chức, thực hiện âm mưu của địch, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý đê hèn nhất, những hoạt động phá hoại thâm độc nhất, để cuối cùng lật đổ chế độ chúng ta ở miền Bắc."
Kết quả tuyên án như sau:
Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù.
Lưu Thị Yến tức Thụy An 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù,
Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức 10 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù.
Phan Tại 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Lê Nguyên Chí 5 năm tù giam, 3 năm quản chế......
Ngoài ra sau đó còn tiếp tục có những hoạt động là dư âm hậu quả của NVGP về sau này:
Năm 1960: Phùng Cung bị bắt. Lý do: Tiếp tục sáng tác các truyện ngắn có nội dung bất mãn, chống đối, phản động.
Năm 1968: Vụ án xét lại chống Đảng. Bắt giam Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Trần Minh Việt, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Lê Trọng Nghĩa, Huy Vân… Nhiều văn nghệ sĩ nhất là những người đi học ở Liên Xô về hoặc có quan hệ với Liên Xô bị đưa vào diện phân biệt đối xử.
Năm 1982: Hoàng Cầm bị bắt cùng Hoàng Hưng vì việc định đưa tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài. Hoàng Cầm bị giam 18 tháng, Hoàng Hưng bị giam 39 tháng.
Về sau này, các nhà trí thức trong NVGP khi viết hồi ký hoặc phát biểu về quãng đời trong tăm tối của mình trong lao tù cũng như trong cuộc sống thường nhật đã miêu tả rất rõ về những cái ác mà đảng cộng sản gây ra cho họ.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường qua bài phát biểu rất quan trọng trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội ngày 30-10-1956 đã phân tích những sai lầm của chính quyền đi từ sai lầm CCRĐ ở nông thôn sang sai lầm trong chế độ mậu dịch ở thị thành, tất cả nằm trong bản chất thiếu dân chủ. Ông chỉ ra nguồn gốc các sai lầm đó và trình bày những nguyên tắc để sửa sang lại bộ máy pháp luật, chính trị của đất nước. Ông phê phán khẩu hiệu: "Thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch không những quá tả một cách vô lý mà còn phản lại cách mạng". Năm 1992 tại Paris nhà xuất bản Quê mẹ của Võ Văn Ái in cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường Un Excommunie (Kẻ bị khai trừ) với tiểu tựa Hanoi 1954- 1991: Proces d ún intellectuel (Hà Nội 1954- 1991: Kết án một nhà trí thức). Cuốn sách nêu lên những sự thật khi bị o ép, theo dõi của đảng cộng sản với ông trong cuộc sống đói khổ, thiếu thốn.
Những sự việc bỉ ổi của đảng cộng sản còn thể hiện qua việc đối xử bất công với nhà thơ ưu tú Hữu Loan. Hay như một người nữ nghệ sỹ Thụy An đã phải chịu cảnh mù lòa, tàn tạ trong nhà tù cộng sản được miêu tả qua cuốn sách “Thép đen” của Đặng Chí Bình.
Ngoài ra Năm 2001 Nhà xuất bản Văn Nghệ California Hoa Kỳ xuất bản cuốn nhật kí của Trần Dần tên là “Trần Dần” ghi trích những ghi chép của Trần Dần trong hai thời kỳ CCRĐ và NVGP 1954- 1960. Đặc biệt đây là một cuốn sách thật nhất về NVGP, về cuộc sống thời kỳ này của dân tộc mà người ta không thể tìm thấy các hình ảnh rớm máu ấy trong các tác phẩm tuyên truyền công khai ở miền Bắc. Cùng với đó còn có một số cuốn khác đề cập đến NVGP như: “Hồi ký Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên do NXB Văn nghệ ở Hoa Kỳ….
Nhận xét: Với các nhà trí thức yêu nước hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì việc quy chụp họ phản động đã là một tội ác. Vì vũ khí chiến đấu cho công bằng dân chủ xã hội của họ chính là ngòi bút và tác phẩm. Kết luận vu khống của đảng cộng sản giành cho họ là một tội ác. Nhưng chưa dừng lại ở đó. Đảng cộng sản còn bắt họ vào tù, đày ải và hành hạ họ trong cuộc sống. Đó là một tội ác không thể chấp nhận được đối với trí thức.
Những kẻ chủ mưu:
Như đã nói ở trên, Trường Chinh và đảng cộng sản của ông ta chính là kẻ thù trực tiếp trong vụ án NVGP. Trường Chinh chủ trương áp đặt tu tưởng của đảng và của Mao cho các văn nghệ sĩ trí thức lúc đó. Đi cùng với Trường Chinh là đội ngũ văn nô như Tố Hữu, Đặng Thai Mai ra sức tuyên truyền và bôi nhọ nhóm NVGP như một "lũ phản động". Họ dùng đến cả tòa án của độc đảng để đẩy những con người vô tội vào tù.
Nhưng trên thực tế có một kẻ thủ ác giấu mặt hết sức nhan hiểm đó là ông Hồ Chí Minh. Như chúng ta đã biết tôi từng chứng minh về hệ thống chính trị trong đảng cộng sản Việt Nam trong các phần trước. Ông Hồ Chí Minh thực sự là kẻ chỉ đạo và viết ra chủ trương của các hành động của đảng cộng sản.
Trên thực tế, Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức Chủ Tịch Đảng và Tổng bí Thư từ (9/1956 đến 9/1960). Như vậy NVGP rõ ràng xảy ra trong thời kỳ ông Hồ phải là người có quyền lực chính trị cao nhất, lúc này Lê Duẩn cũng chưa có vai trò rõ rệt (Như đã chứng minh ở phần 2).Vậy ông Hồ không thể vô can trong sự việc này.
Trong hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (họp từ ngày 25/8/56 đến 24/9/56), Trường Chinh bị "nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm" trong công tác cải cách ruộng đất, phải tự kiểm thảo và xin từ chức. Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương, bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp Hành Trung ương Đảng. Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức Chủ Tịch Đảng và Tổng bí Thư từ (9/1956 đến 9/1960). Sau đó là thời kỳ Lê Duẩn làm Tổng Bí Thư (9/1960 đến 7/1986), xảy ra vụ Xét Lại Chống Đảng.
Vụ NVGP xảy ra dưới thời Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư
Tháng Giêng năm 1956, Giai Phẩm Mùa Xuân vừa ló dạng thể hiện tự do sáng tác, đã bị dập tắt ngay. Vậy có thể hiểu là Trường Chinh đã giao cho Tố Hữu, người có tư thù với Hoàng Cầm, Trần Dần và Lê Đạt trong việc phê bình tập thơ Việt Bắc, xử lý vụ Giai phẩm mùa xuân theo chỉ thị của Hồ Chí Minh.
Ngày 9/12/1956 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh báo chí. Đóng cửa Nhân Văn. Phong trào NVGP bị dập tắt lần thứ nhì, tháng12/56. Tháng 2/57 trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, họp từ 20 đến 28/2 tại Hà Nội, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát âm mưu phản động" của nhóm NVGP.
Như vậy ta có thể thấy Trong tháng 8 và 9 năm 1956, có hai sự kiện trùng hợp đáng kể:
Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư. Phong trào NVGP phát triển trở lại. Quyết định cho phép Hội văn nghệ tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày, theo đường lối Liên Xô, trong tháng 8/1956, rõ ràng không thể là của một Trường Chinh đã mất chức quyết định được. Người quyết định về việc này chỉ có thể là Hồ Chí Minh đứng đầu đảng và nhà nước chứ không thể là ai.
Cuối năm 57: Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Huy Cận và Hà Xuân Trường được cử đi học tập chính sách của Trung Quốc. Khi họ trở về, tháng 2/58 việc thanh trừng NVGP được tổ chức quy mô và toàn diện trong hai lớp đấu tranh Thái Hà.
Lần này nữa, trách nhiệm hẳn cũng đến từ từng cao nhất của cấp lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh vì tôi đã từng chứng minh ở các phần trước, ông Hồ luôn coi tư tưởng của Mao là kim chỉ nam cho hành động “Tư tưởng của Mao không thể sai.”
Trả lời câu hỏi chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm như thế nào về vụ NVGP, Nguyễn Hữu Đang tuyên bố: "Cái việc mà người ta cứ nói là việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ Hồ không thực tiễn làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc gì mà có dư luận kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng vào vị lãnh tụ mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh hóa cụ Hồ. Vì cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hóa trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc nào cụ cũng có uy tín với dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng, đối với những người lãnh đạo."
Ngoài ra ông Hồ Chí Minh còn là người viết cuốn: “truyện về chiến sĩ thi đua” nhằm đưa ra tư tưởng. Cuốn sách này đã tiến hành định hướng cho nền văn học nước nhà phải theo sự chỉ đạo của đảng, của ông Hồ trong viết thế nào và viết cái gì. Vậy ông ta chính là kẻ chủ trương cho trào lưu chống lại NVGP.
Trong cuốn “Điều đọng lại” in năm 1992 tại nhà xuất bản Văn Hóa của đảng cộng sản Việt Nam cũng có đoạn trang 121: “Bác Hồ đã chỉ đạo việc cách mạng trong các loại hình nghệ thuật. Không thể để cho việc ca tụng thói hư tật xấu của chủ nghĩa tồn tại trong xã hội chúng ta. Những kẻ chống đối lại đường lối của đảng cần phải nghiêm khắc xem xét lại”. Việc này cho thấy ông Hồ hoàn toàn ủng hộ và còn chỉ đạo cấp dưới về chủ trương xét lại với những nhóm có tư tưởng dân chủ như NVGP là một ví dụ.
Kết Luận: Ông Hồ Chí Minh đã dùng ảnh hưởng của mình để tiến hành viết sách định hướng cho nền nghệ thuật nước nhà, ông ta có một vai trò quyết định trong vấn đề chính sách và chủ trương trong hệ thống chính trị. Ông ta cũng phải chịu trách nhiệm lớn lao trong vụ việc NVGP. Đó là sự thực không thể chối bỏ.
Kết luận chung:
Trong khuôn khổ bài này tôi đã chứng minh việc kết tội NVGP phản động là một tội ác chính trị mà đảng cộng sản gây ra cho giới trí thức. Sau cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu thì hành động bức bách bỏ tù những nhà trí thức cũng là một hành động cho thấy chủ trương độc tài ngay từ trong tư tưởng của chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn không thể vô can đổ lỗi cho sai lầm trong NVGP. Họ đã cố tình chụp mũ để đẩy những con người can đảm nhưng trung thực này vào vòng lao lý do họ đặt ra. Ông Hồ là kẻ thủ tiêu tư tưởng dân chủ tự do dân tộc. Và đây là một tội ác của ông Hồ!. Có thể thấy: Trí thức cũng chẳng khá hơn đại bộ phận nhân dân dưới chế độ độc tài đảng trị của ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam!
Ngày 28/06/2012
No comments:
Post a Comment