Giai đoạn 1 và 2 Hội nghị Paris
Hội Nghị
Paris (Bài 2)
Hội nghị Paris
(1968-1973) có thể chia thành ba giai đoạn. Bài nầy xin trình bày hai giai đoạn
đầu của hội nghị Paris.
1.- GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT
(1968)
Giai đoạn nầy kéo dài
từ ngày 13-5-1968 đến ngày 30-10-1968, gồm 28 cuộc họp công khai tay đôi giữa
Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), (Paul Kerasis, sđd. tr. 2)
và 8 lần mật đàm riêng giữa lãnh đạo hai phái đoàn. Đây là khúc dạo đầu giữa hai
bên, thăm dò, tìm hiểu, tuyên truyền và tố cáo lẫn nhau. Hoa Kỳ đòi hỏi tái lập
vùng phi quân sự, Bắc Việt Nam (BVN) ngưng xâm nhập, rút quân về Bắc, xuống
thang chiến tranh, để cho dân chúng miền Nam tự quyết, tôn trọng nền trung lập
Lào. Bắc Việt Nam yêu sách Hoa Kỳ phải chấm dứt oanh tạc BVN vô điều kiện, chấm
dứt các hành động chiến tranh, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của người Việt
Nam.
Ngay từ đầu, Hoa Kỳ
đòi hỏi các cuộc họp phải có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau đó,
Hoa Kỳ đề nghị thêm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (MTDTGP) (Đã viết trong bài 1).
Trong giờ giải lao tại phiên họp công khai thứ 26 ngày 16-10-1968, Harriman trao
cho Xuân Thủy một thư trong đó có viết rằng khi nào BVN chịu họp với VNCH và
MTDTGP thì Hoa Kỳ sẽ ngưng ném bom BVN. Trong cuộc mật đàm ngày 26-10-1968, Xuân
Thủy trả lời rằng BVN đồng ý với đề nghị của Hoa Kỳ. (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh
Vũ, sđd. tt. 15-44. )
Giữ đúng lời hứa, ngày
31-10-1968 tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố chấm dứt chiến dịch Rolling
Thunder, ngưng ném bom BVN, và cuộc họp dự tính ngày 6-11-1968 sẽ có mặt
thêm đại diện hai phái đoàn VNCH và MTDTGP. Tuy nhiên, phía VNCH chưa chấp nhận
tham dự hội nghị. (Đoàn Thêm, 1968, sđd. tt. 355, 358), vì vậy cuộc họp
ngày 6-11-1968 phải đình hoãn.
Có tài liệu giải thích
rằng sở dĩ phái đoàn VNCH chưa tham dự hội nghị Paris vì chính phủ Nguyễn Văn
Thiệu muốn gây trở ngại cho nỗ lực vận động tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào
ngày 5-11-1968 của ứng cử viên đảng Dân Chủ là Hubert Humphrey, và ủng hộ ứng cử
viên đảng Cộng Hòa Richard Nixon. Người ta cho rằng theo tổng thống Thiệu, ứng
cử viên Richard Nixon tỏ ra cứng rắn đối với cộng sản hơn Humphrey. (Nguyễn Tiến
Hưng và Jerrold L. Schecter , Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C
& K Promotions, Inc., tt. 39-50.)
Ngang đây, các bên lại
tranh cãi về hình thức cái bàn ngồi họp trong gần ba tháng. Cuối cùng, các bên
đồng ý chọn bàn tròn bằng phẳng, không có cờ, phía sau mỗi bên, cách 0,45 m có
một bàn hình chữ nhật cho thư ký mỗi bên làm việc.
2.- GIAI ĐOẠN THỨ HAI
(1969-1972)
Ngày 25-1-1969 bắt đầu
các phiên họp hai/bốn bên, tùy theo cách gọi của mỗi bên, đến ngày 4-5-1972, kéo
dài, gần ba năm rưỡi, qua 149 phiên họp.
Sau khi đắc cử ngày
5-11-1968, tân tổng thống Richard Nixon cử Henry Cabot Lodge, một chính khách
đảng Cộng Hòa, làm trưởng đoàn Hoa Kỳ. Lodge cầm đầu phái đoàn cho đến cuối năm
1969. Đầu năm 1970, David K. E. Bruce thay. Qua năm 1971, William James Porter
làm trưởng đoàn Hoa Kỳ cho đến khi hội nghị chấm dứt. Thật ra, từ tháng 7-1969,
cố vấn An ninh Quốc gia của Nixon là Henry Kissinger đến Paris mật đàm với Xuân
Thủy và Lê Đức Thọ, và hầu như giữ vai trò chính trong phái đoàn Hoa
Kỳ.
Trong giai đoạn nầy,
các bên tiếp tục tranh cãi những vấn đề chung quanh chuyện đình chiến và tái lập
hòa bình. Phía CS cố tình kéo dài thời gian (theo kế hoạch Chu Ân Lai đã viết
trong bài 1), vừa đàm trên bàn họp, vừa đánh trên chiến trường, chờ đợi người Mỹ
rút quân dần dần theo chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Nixon.
Trong thời gian nầy, tại hòa hội Paris, các bên đưa thêm những kế hoạch mới, bổ
túc cho chính sách của mình.
Tại VNCH, ngày
7-4-1969, trong thông điệp đọc trước quốc hội, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trình
bày chương trình 6 điểm, còn được gọi là “Chính sách quốc gia hòa giải”: 1) CS
phải chấm dứt xâm lăng. 2) CS phải triệt thoái quân đội ra khỏi miền NVN. 3) CS
không được xâm lăng các nước láng giềng nhằm xâm nhập VNCH. 4) VNCH sẽ áp dụng
chính sách hòa giải và đại đoàn kết. 5) Thống nhất đất nước do toàn dân quyết
định. 6) Cần có hệ thống kiểm soát quốc tế hữu hiệu chống CS xâm lăng. (Đoàn
Thêm, 1969 (việc từng ngày), California, Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr.
119.)
Phía MTGPMN, sau “giải
pháp 5 điểm” đưa ra ngày 3-11-1968 (đã viết trong bài 1), trong phiên họp
hai/bốn bên thứ 16 ngày 8-5-1969, MTDTGP đưa thêm “Giải pháp toàn bộ 10 điểm”.
(Nguyễn Thị Bình, sđd. tr. 51.) Điểm chính yếu là đòi hỏi Hoa Kỳ rút quân
về nước, chuyện miền NVN để cho dân Việt Nam tự giải quyết.
Đáp lại, ngày
14-5-1969, tổng thống Nixon công bố kế hoạch 8 điểm: 1) Hoa Kỳ, đồng minh và BVN
rút quân ngay sau khi có thỏa hiệp. 2) Mười hai tháng sau, nếu chưa rút hết, sẽ
tới đóng ở những địa điểm được chỉ định và không tác chiến. 3) Sẽ rút song
phương tất cả cùng một lúc ra khỏi cả Miên và Lào. 4) Sẽ có cơ quan kiểm soát
quốc tế. 5) Cơ quan nầy sẽ hoạt động theo chương trình được hai bên thỏa hiệp.
6) Bắt đầu tổ chức tổng tuyển cử với sự kiểm soát quốc tế. 7) Trao đổi tù binh.
8) Hai bên cam kết tôn trọng các hiệp định Genève về Việt, Miên và Lào.
(Đoàn Thêm, 1969, sđd. tt. 161-162.) Tức thì, ngày 22-5-1969, phát ngôn
viên MTGPMN tuyên bố đề nghị của Nixon khác với giải pháp 10 điểm của MTDTGP như
ngày và đêm. (John S. Bowman, sdd. tr. 143.)
Trong khi các phái
đoàn VNCH và VNDCCH không có gì thay đổi, thì phái đoàn MTDTGP thay đổi danh
xưng và trưởng đoàn. Nguyên từ 1960 đến 1968, MTDTGP chưa thành lập chính phủ.
Để phái đoàn MTDTGP tương xứng với các phái đoàn khác, từ ngày 6 đến 8-6-1969,
MTDTGP họp cùng với Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt
Nam, tại mật khu gần biên giới Cao Miên trên quốc lộ 22, và bầu ra chính phủ lâm
thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), trong đó Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch,
Trần Bửu Kiếm làm bộ trưởng Phủ chủ tịch, Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng bộ Ngoại
giao. Phái đoàn CPLTCHMNVN do Nguyễn Thị Bình dẫn đầu thay thế phái đoàn MTDTGP
tại Paris từ phiên họp thứ 21 ngày 10-6-1969. (Nguyễn Thị Bình sđd. tt.
53-54.) (Liên Minh CLLDTDC là một hình thức mặt trận cũng do CS hậu thuẫn, kết
hợp thêm những thành phần thiên tả còn đứng ngoài MTDTGP.)
Tại cuộc họp ngày
10-6-1969, Nguyễn Thị Bình đưa ra “Chương trình hành động 12 điểm” của chính phủ
lâm thời CHMNVN. Chương trình nầy không khác giải pháp 10 điểm của MTDTGP. Theo
chương trình mới, MTDTGP là người tổ chức và lãnh đạo cuộc chống Mỹ “xâm lược”.
(John S. Bowman, sđd. tr. 145.)
Ngày 15-7-1969,
Richard Nixon gởi thư cho Hồ Chí Minh, nhờ Jean Sainteny, một người Pháp, chuyển
cho Xuân Thủy tại Paris. Trong thư, Nixon tỏ ý muốn tìm một nền hòa bình công
chính và hai bên nên hướng về hòa giải hơn là đối đầu và chiến tranh. Hồ Chí
Minh trả lời thư cho Nixon ngày 25-8-1969, nói rằng nếu Nixon thật sự muốn mưu
tìm hòa bình công chính, thì Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân
đội ra khỏi NVN, tôn trọng quyền của người miền Nam và của dân tộc Việt Nam tự
quyết định mà không có ảnh hưởng nước ngoài. (Richard Nixon, The Memoirs of
Richard Nixon, New York: Grosset & Dunlap, 1978, tt. 393, 397.) Thư nầy
ký tên Hồ Chí Minh ngày 25-8-1969. Lúc đó, Hồ Chí Minh đang bệnh và sau đó chết
ngày 2-9-1969.
Trong thời gian đàm
phán tại Paris, chính phủ Nixon bị áp lực nặng nề của giới phản chiến ở trong
nước Mỹ. Trong niên khóa 1969-1970, xảy ra 1,800 cuộc biểu tình, 7,500 bị bắt
giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương mà hai phần ba (2/3) là cảnh sát và 8
người chết. Nạn bạo động trở thành một bệnh dịch trên toàn quốc Hoa Kỳ. Từ tháng
1-1969 đến tháng 2-1970 có 40,000 vụ ném bom, hay âm mưu ném bom, hay đe dọa ném
bom liên hệ đến chiến tranh, gây thiệt hại 21 triệu Mỹ kim, hàng trăm người bị
thương và 43 người chết. (Richard Nixon, No more Vietnams, London: W. H.
Allen, 1986, tr. 126.)
Nhân phong trào
phản chiến lên cao tại Hoa Kỳ năm 1969, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN viết thư
gởi dân chúng Hoa Kỳ, hy vọng các cuộc phản đối sẽ buộc chính phủ Hoa Kỳ rút lui
hoàn toàn và vô điều kiện quân đội Hoa Kỳ về nước. (http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/index-1969.
html.) Quốc hội Hoa Kỳ liền đưa ra nghị quyết 275 ngày 15-10-1969 phản đối BVN đã can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng phê phán việc nầy. (U. S. Congressional Documents – 1969, HeinOnline, p. 1651.)
html.) Quốc hội Hoa Kỳ liền đưa ra nghị quyết 275 ngày 15-10-1969 phản đối BVN đã can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng phê phán việc nầy. (U. S. Congressional Documents – 1969, HeinOnline, p. 1651.)
Tháng 4-1970, liên
quân Việt Mỹ tiến qua Cao Miên, truy đuổi CSVN. Phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ
bùng lên mạnh mẽ. Ngày 2-5-1970, sinh viên các đại học Hoa Kỳ phát động biểu
tình rầm rộ, phản đối cuộc hành quân nầy. Tại đại học Kent, tiểu bang Ohio, ngày
4-5-1970, Vệ binh Quốc gia bắn chết bốn sinh viên biểu tình và làm bị thương
chín người khác. Sự kiện nầy khiến làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao trên
toàn nước Mỹ.
Sau biến cố trên,
thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp ngày 24-6-1970, ra quyết định bãi bỏ “Nghị
quyết vịnh Bắc Việt”, (John S. Bowman, sđd. tr. 166), giới hạn quyền hành
của tổng thống trong việc điều khiển chiến tranh ở nước ngoài.
Sự kiện nầy càng
khuyến khích CSVN kéo dài hội nghị Paris, vừa đàm vừa đánh, vừa đánh vừa đàm,
chờ đợi những đòi hỏi và áp lực càng ngày càng gia tăng của giới phản chiến đối
với chính phủ Nixon và chờ đợi Nixon rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam theo chủ
trương Việt Nam hóa chiến tranh. Quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam cuối năm 1968 là
536,100 người. Tháng 12-1969 số quân nầy giảm xuống còn 475,200; cuối năm 1970,
còn lại 334,600 quân và tháng 12-1971, còn 156,800 quân.
Từ cuối tháng 1 đầu
tháng 2-1971, VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào, với sự
giúp sức của Không quân Hoa Kỳ. Sinh viên và cựu chiến binh Hoa Kỳ trước đây
tham chiến ở Việt Nam lại tổ chức biểu tình rầm rộ vào tháng 4 và tháng 5-1971
tại Washington DC và nhiều nơi ở Mỹ.
Tại Paris, trong phiên
họp thứ 84 ngày 17-9-1970, Nguyễn Thị Bình đưa ra “8 điểm nói rõ thêm”, chủ yếu
là đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30-6-1971, sẵn sàng nói chuyện với một chính
quyền Sài Gòn không có Thiệu – Kỳ – Khiêm. Phía Hoa Kỳ đưa ra “Kế hoạch hòa bình
5 điểm” ngày 7-10-1970, rồi ngày 31-5-1971, trong cuộc mật đàm, Kissinger điều
chỉnh thành “đề nghị 7 điểm”. Đáp lại, ngày 26-6-1971, cũng mật đàm, Lê Đức Thọ
trình bày “Sáng kiến hòa bình 9 điểm của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.
Ngày 1-7-1971, trong phiên họp hai/bốn bên thứ 119 ngày 1-7-1971, Nguyễn Thị
Bình công bố “Sáng kiến mới gồm 7 điểm nhằm giải quyết hòa bình miền Nam Việt
Nam”. Ngày 11-10-197, Hoa Kỳ lại chuyển đến phía CVSN “Đề nghị 8 điểm” khác.
(Nguyễn Thị Bình, sđd. tt. 61-79.)
Cứ thế, trong hai năm
1970, 1971, trong các cuộc họp, các bên đưa ra những chương trình hay kế hoạch
mới, rồi tranh cãi, tố cáo và đòi hỏi liên tục, không đi vào mục đích cụ thể của
cuộc hòa đàm nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh. Chỉ có một thay đổi nhỏ
về chính trị năm 1970 là MTDTGP từ nay chấp nhận sự hiện diện của chính quyền
Sài Gòn không có Thiệu Kỳ Khiêm, và một thay đổi khác từ năm 1971 là hội nghị
Paris bắt đầu đề cập đến vấn đề tù binh mà Hoa Kỳ đang rất muốn giải quyết. Cũng
trong cuộc họp ngày 29-7-1971, Nguyễn Thị Bình đề nghị lập danh sách tù binh khi
nào Hoa Kỳ ấn định cụ thể thời biểu rút lui toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ. (John S.
Bowman, sđd. tr. 182.)
Khi bị dư luận Mỹ chỉ
trích là chính quyền không cố gắng hết sức để chấm dứt chiến tranh, ngày
25-1-1972, Nixon tiết lộ rằng từ 4-8-1969 đến 16-8-1971, cố vấn An ninh Quốc gia
Henry Kissinger đã mật đàm 12 lần với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy. Ngoài ra, ngày
11-10-1971, Kissinger đã đưa riêng cho phái đoàn BVN đề nghị 8 điểm, đại để như
sau: Rút hết quân đội Hoa Kỳ, quân đội Đồng minh và quân đội cộng sản ra khỏi
NVN, Lào và Cao Miên trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký hiệp định; cùng một lúc
thả tù quân và dân sự tất cả các bên; một Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến
việc thực thi hiệp định; các thành phần liên hệ kể cả MTDTGP phối hợp tổ chức và
kiểm soát cuộc bầu cử tổng thống; tổng thống Thiệu và phó tổng thống Hương từ
chức một tháng trước ngày bầu cử. Tuy nhiên những cố gắng nầy không thành công.
(John S. Bowman, sđd. tr. 188.)
Hôm sau, 26-1-1972,
Kissinger còn tiết lộ thêm rằng trong kế hoạch 9 điểm do CSVN mới đưa ra, có hai
điểm không thể chấp nhận được. Đó là CSVN đòi Hoa Kỳ ngưng ủng hộ chính phủ VNCH
và đòi Hoa Kỳ rút quân thì phải rút luôn võ khí, quân nhu, quân dụng mà Hoa Kỳ
cung cấp cho quân đội VNCH sử dụng. Làm như thế, chế độ VNCH sẽ sụp đổ. (John S.
Bowman, sđd. tr. 188.)
Bắc Việt Nam liền tố
cáo ngày 31-1-1972 rằng phía Hoa Kỳ đơn phương tiết lộ các cuộc mật đàm. Bắc
Việt Nam công bố “Sáng kiến hòa bình 9 điểm” của Lê Đức Thọ, “Sáng kiến 7 điểm”
của Nguyễn Thị Bình và “Đề nghị 7 điểm” của Kissinger đã được đưa ra tại Paris.
(Đã ghi ở trên.) Ngoài ra Hà Nội cũng công bố bản văn dự tính giao cho Kissinger
trong cuộc họp mật ngày 20-11-1971, nhưng cuộc họp nầy bị hủy bỏ. Theo bản văn
nầy, có hai điểm khác biệt chính giữa chủ trương của BVN và Hoa Kỳ: Hoa Kỳ muốn
rút tất cả lực lượng ngoại nhập khỏi Nam Việt Nam với sự thỏa thuận về nguyên
tắc cho một giải pháp cuối cùng. Trong khi BVN chỉ muốn Hoa Kỳ và Đồng minh rút
toàn bộ lực lượng ra khỏi Đông Dương không điều kiện. Hà Nội còn muốn chính phủ
Thiệu từ chức và cuộc bầu cử sẽ do một chính quyền ba thành phần là BVN, NVN và
MTDTGP đứng ra tổ chức. (John S. Bowman, sđd. tr. 189)
Trong cuộc thăm viếng
Trung Quốc vào tháng 2-1972, tổng thống Nixon chính thức công nhận chỉ có một
nước Trung Quốc, đồng thời Nixon cho các nhà lãnh đạo CS Trung Quốc biết rằng
Hoa Kỳ sẽ đơn phương rút quân khỏi Việt Nam. Được Chu Ân Lai báo lại cho biết
tin nầy, các lãnh tụ CSVN mở cuộc tấn công lớn trên toàn lãnh thổ VNCH từ cuối
tháng 3-1972.
Dầu chiến đấu đơn độc
sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về nước, quân đội VNCH đã đẩy lui quân CS trong “mùa
hè đỏ lửa” năm 1972 trên tất cả các mặt trận. Hoa Kỳ phản ứng đối với cuộc tấn
công của CS bằng hai cách: 1) Tại Paris, ngày 23-3-1972, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ
William Porter tuyên bố theo lệnh của tổng thống Nixon, ngưng hội đàm vô thời
hạn, đòi hỏi CS phải chấm dứt tấn công VNCH trước khi tiếp tục thương thuyết. 2)
Ngày 10-4-1972, phi cơ B-52 của Hoa Kỳ tái oanh kích BVN. Ngày 16-4-1972, B-52
thả bom ở cả hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, lần đầu tiên kể từ 01-11-1968.
Từ các hàng không mẫu hạm, hàng trăm phi cơ oanh kích các cơ sở quân sự quanh
hải cảng Hải Phòng và khoảng 60 phi cơ oanh kích các kho chứa nhiên liệu ở Hà
Nội. Người Mỹ còn báo cho biết sẽ bắn phá tất cả các cơ sở quân sự bất cứ nơi
đâu ở BVN. Tức thì, sinh viên tại khắp các tiểu bang lớn ở Hoa Kỳ biểu tình phản
đối chuyện ném bom.
Trước áp lực của Hoa
Kỳ, dầu vẫn bị ném bom liên tục, BVN và MTDTGP trở lại bàn hội nghị ngày
27-4-1972. Tuy nhiên, hội nghị vẫn không có gì tiến bộ nên trong cuộc họp
hai/bốn bên thứ 149 tại Paris ngày 4-5-1972, hai phái đoàn Hoa Kỳ và VNCH cùng
đồng ý tạm ngưng họp vô thời hạn. Nhiều cuộc mật đàm diễn ra để tìm cách giải
tỏa bế tắc, nhưng cũng chẳng đi đến đâu, vì bên nào cũng khư khư bảo thủ ý kiến
của mình.
Tạm ngưng họp ở Paris,
ngày 8-5-1972, tổng thống Nixon ra lệnh mở chiến dịch Linebacker, phong
tỏa và đặt mìn các hải cảng BVN, oanh tạc các cầu, đường vận chuyển võ khí từ
Trung Quốc sang BVN. Làn sóng phản đối chiến tranh lan rộng trong các trường Đại
học, mạnh nhất ở Boston, San Jose, Florida. Ngày 9-5-1972, các thượng nghị sĩ
đảng Dân Chủ thông qua một quyết nghị bác bỏ cuộc leo thang chiến tranh tại Việt
Nam.
Lúc đó, BVN không thể
chiến thắng quân đội VNCH trong “mùa hè đỏ lửa”, dầu lực lượng Hoa Kỳ giảm xuống
chỉ còn dưới 70,000 vào tháng 5-1972. Bắc Việt Nam còn bị thấm đòn oanh tạc nặng
nề của Không quân Hoa Kỳ, nên BVN thay đổi sách lược, trở lại bàn hội nghị, kiếm
cách thỏa hiệp với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ ngưng oanh tạc, nhanh chóng rời khỏi NVN,
như tổng thống Nixon đã báo trước cho các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc. Hội nghị
Paris bước qua giai đoạn thứ ba. (Còn tiếp) (Trích: Việt sử đại cương tập
7, sẽ xuất bản.)
(Toronto,
14-01-2013)
© Trần Gia
Phụng
No comments:
Post a Comment