Lời thề bốn không ngày 2-9
Trần
Gia Phụng (Danlambao) - Trong lễ ra mắt chính phủ Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh (HCM) đưa ra lời
thề hết sức long trọng. Trước khi đề cập đến lời thề ngày 2-9-1945 của HCM, xin
sơ lược tiến trình cướp chính quyền của HCM và Mặt trận Việt Minh
(VM).
1. Mặt trận Việt
Minh
Việt Minh là tên tắt của Việt Nam Độc
Lập Đồng Minh Hội do Hồ Học Lãm thành lập ở Trung Hoa năm 1936. Hồ Học Lãm có bí
danh là Hồ Chí Minh, già yếu, ít hoạt động nên nhóm cộng sản Việt Nam (CSVN) ở
Trung Hoa chiếm dụng danh xưng của hội nầy năm 1940. (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, hồi ký, Portland,
Oregan: Nhóm Tìm Hiểu Lịch Sử, 1991, tr. 134.)
Lúc đó, nhân cơ hội Quốc-Cộng Trung Hoa
liên kết lần thứ 2 từ 22-9-1937 để chống Nhật, đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH)
hoạt động công khai trở lại. Vào mùa thu 1938, Liên Xô gởi Nguyễn Ái Quốc (NAQ)
đến Diên An (Yan An), phía bắc tỉnh Thiểm Tây (Shaan Xi), nơi đặt bộ chỉ huy
đảng CSTH. (Qiang Zhai, China & Vietnam
Wars, 1950-1975, University of North Carolina Press, 2000, tr.
11.)
Đầu năm 1939, NAQ xuống Hoa Nam (miền
nam Trung Hoa) với bí danh mới là Hồ Quang. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập
II: 1925-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1993,tt. 176-178.) Từ đây, Hồ Quang
bắt liên lạc và hoạt động với cơ sở hải ngoại của đảng CSĐD do Phùng Chí Kiên
phụ trách. (Phùng Chí Kiên là bí danh của Mạch Văn Liệu.)
Năm 1941, Hồ Quang (NAQ), với bí danh
khác là Già Thu, về Việt Nam, sống ở Pắc Bó (Cao Bằng), tổ chức Hội nghị Ban
chấp hành Trung ương đảng CSĐD lần thứ 8 từ 10 đến 19-5-1941, lập Mặt trận Việt
Minh ở trong nước. Sau đó, Hồ Quang trở qua Trung Hoa, chiếm dụng luôn bí danh
Hồ Chí Minh của Hồ Học Lãm từ tháng 8-1942. Hồ Chí Minh (NAQ) bị bắt tại trấn
Thiên Bảo (Quảng Tây) ngày 29-8-1942 và được tha ngày 10-9-1943. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston:
Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 168, và Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại,
tập II, sđd. tt. 278,
283.)
Gốc là một điệp viên cộng sản quốc tế,
Hồ Chí Minh (NAQ, Hồ Quang) gia nhập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, gọi tắt
là Việt Cách, để do thám. Việt Cách là một tổ chức chính trị Việt Nam tại Trung
Hoa theo chủ nghĩa dân tộc, được chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ) hỗ
trợ. Với sự đồng ý và giúp đỡ của tướng Tiêu Văn (THQDĐ), Hồ Chí Minh (HCM) đem
22 cán bộ, rời Liễu Châu (Quảng Tây) ngày 8-9-1944, về tới Pắc Bó (châu Hà
Quảng, tỉnh Cao Bằng) vào gần cuối tháng đó. “Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên
là Đỗ Thị Lạc là người sau có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Về sau, thấy người ta
nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì
không chịu theo cộng sản." (Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn: Nxb. Vĩnh Sơn,
1969, tr. 75.) Tuy trở về với tư cách là thành viên của Việt Cách, HCM chỉ hoạt
động cho mục đích của VM cộng sản. Từ đây, HCM chỉ huy VM và trực tiếp chỉ huy
luôn đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD).
Một trong những việc làm đầu tiên của
HCM là ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng
Quân, và mở rộng lực lượng du kích VM ở các vùng rừng núi Việt Bắc. Đội nầy ra
mắt ngày 22-12-1944 tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 người. Đây là tổ
chức tiền thân của quân đội VM cộng sản. Hồ Chí Minh thông báo cho các đồng chí
của ông biết rằng thời cơ đang đến, nên gấp rút chuẩn bị hành
động.
Tháng 11-1944, một trung úy phi công Mỹ
lâm nạn ở biên giới Việt Hoa, bị VM bắt, và HCM đưa qua Côn Minh trả lại cho
quân đội Mỹ. Hồ Chí Minh bắt đầu làm quen với người Mỹ, và sau đó hợp tác với
nhân viên tình báo O.S.S. (Office of Strategic Services) của Mỹ từ đầu 1945.
Khoảng giữa tháng 4-1945, HCM cùng hai nhân viên vô tuyến của O.S.S. về vùng
viên giới Hoa Việt ở Cao Bằng. Tháng 5-1945, HCM chuyển đến hoạt động ở Tân
Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Từ đây, Tân Trào trở thành thủ phủ của
vùng VM. Ngày 16-7-1945, A. Patti gởi một toán tình báo hỗn hợp do thiếu tá
Allison K. Thomas chỉ huy, gồm 6 người (2 Mỹ, 2 Pháp và 2 Việt trong quân đội
Pháp), nhảy dù xuống làng Kim Lộng (Tân Trào, Tuyên Quang). (Archimedes L. A.
Patti, Why Viet Nam?, California:
University of California Press, Berkely, 1980, tr. 127.)
Do tin tức tình báo từ phía O.S.S. Mỹ và
cả phía CS, HCM biết chắc chắn Nhật sẽ sụp đổ sau khi bị Hoa Kỳ thả hai quả bom
nguyên tử ngày 6 và 9-8-1945, nên HCM triệu tập Đại hội đảng Cộng Sản Đông Dương
(CSĐD) ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, lập “Ủy Ban Khởi Nghĩa Toàn Quốc” và ra quân
lệnh số 1, phát động cuộc tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền ở khắp các tỉnh
trong nước.
Lúc đó, đảng CSĐD do HCM lãnh đạo, chưa
có Bộ chính trị, chỉ có Ban chấp hành trung ương đảng, khoảng dưới 20 người,
tổng bí thư là Đặng Xuân Khu, bí danh là Trường Chinh. Số đảng viên khoảng từ
2,000 đến 5,000 người. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952,
Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 182.)
Sau hội nghị của đảng CSĐD, HCM tổ chức
“Đại hội đại biểu quốc dân” ngày 16-8-1945, cũng tại Tân Trào, gồm khoảng 60 đại
biểu, mà VM nói là đại diện các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các sắc
dân trên toàn quốc. Do HCM sắp đặt, Đại hội tuyên bố tán thành chủ trương phát
động tổng khởi nghĩa của đảng CSĐD, và thành lập “Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam”, tự
xem là có tính cách như Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
2. Việt Minh cướp chính quyền ở Hà
Nội
Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày
14-8-1945. Tại Đông Dương, bộ tham mưu Quân đoàn 38 của Nhật đóng ở Hà Nội.
Người Nhật chủ trương rằng quân đội Nhật bại trận, nhưng sẽ không nhượng chỗ cho
quân Đồng minh thắng trận, mà chỉ nhượng cho những ai có khả năng tiếp tục nhiệm
vụ lịch sử của Nhật, là giải phóng châu Á ra khỏi tay thực dân da trắng.
(Philippe Devillers, sđd. tr. 136.) Vì
vậy, khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Nhật tại Đông Dương hạ võ khí, rút lui vào
các căn cứ quân sự, chờ ngày bị giải giới, để cho người Việt tự do hoạt động
trước khi quân Đồng minh có mặt.
Trong khi đó, chính phủ Trần Trọng Kim
(TTK) không có bộ Quốc phòng, không có lực lượng võ trang để giữ gìn an ninh,
trật tự và bảo vệ chế độ. Các cơ quan hành chánh theo truyền thống cũ từ thời
Pháp thuộc, chỉ có một số lính lệ hoặc bảo an binh giữ trật tự các cơ quan,
không được trang bị đầy đủ, có tính cách hình thức hoặc lễ
nghi.
Thời gian nầy không có lực lượng Pháp
hay Nhật, cũng không có lực lượng chính phủ, là cơ hội thuận tiện cho lực lượng
VM tung hoành, không bị ai ngăn chận. Đây là một trong những lý do giải thích vì
sao chỉ với một lực lượng nhỏ khoảng dưới 5,000 đảng viên, mà VM cướp được chính
quyền.
Trong lúc tình hình Hà Nội và miền Bắc
xáo trộn, chính phủ TTK ở Huế cử bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn ra Bắc, thay mặt chính
phủ giải quyết tại chỗ những vấn đề khẩn cấp. Sau khi gặp các yếu nhân Hà Nội,
Hoàng Xuân Hãn gởi điện về Huế, đề nghị lập một cơ cấu chính trị mới gọi là Ủy
ban Giám đốc Chính trị miền Bắc (Comité directeur de la politique du
Nord).
Ngày 16-8-1945, chính phủ TTK đề cử
thành phần Ủy ban nầy như sau: Nguyễn Xuân Chữ (chủ tịch) và bốn ủy viên là Phan
Kế Toại, Trần Văn Lai, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tường Long. Tuy nhiên, ngoài bác sĩ
Nguyễn Xuân Chữ, bốn ủy viên kia đều vắng mặt. (Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1996, tr.
280.) Lý do là vì VM đã tung cán bộ đe dọa từng người. Phan Kế Toại không xuất
hiện (có thể đã theo VM, con là Phan Kế Bảo, một cán bộ VM), Trần Văn Lai bận
việc ở tòa đô trưởng, Đặng Thai Mai hoàn toàn không ra mặt, Nguyễn Tường Long bị
bệnh chưa làm việc được.
Ngày 17-8-1945, Tổng Hội Công Chức do
chính quyền TTK thành lập, tổ chức cuộc mít-tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhằm
ủng hộ chính phủ TTK. Trong khi các diễn giả của Tổng Hội Công Chức đang nói
chuyện ở Nhà hát lớn, thì một người nào đó (chắc chắn là cán bộ VM) ở trên lầu
Nhà hát lớn quăng xuống một lá cờ đỏ sao vàng của VM. Thế là cán bộ VM chụp lấy
thời cơ, biến cuộc mít-tinh của Tổng Hội Công Chức thành cuộc biểu tình tuần
hành, quay qua ủng hộ mặt trận VM. (Theo lời kể của một số người ngày nay lớn
tuổi, đã từng tham dự cuộc mít-tinh ngày 17-8-1945 tại Hà
Nội.)
Ngày 19-8-1945, VM tiếp tục tổ chức biểu
tình, chiếm Bắc bộ phủ (phủ toàn quyền Pháp cũ), cướp chính quyền Hà Nội. Việt
Minh làm chủ được Hà Nội từ ngày 20-8-1945, nhưng những cuộc bạo động vẫn tiếp
diễn. Bạo động bắt nguồn từ cả hai phía: Bạo động của VM tiêu diệt những phần tử
đối kháng; bạo động của những đảng phái quốc gia đối lập chống lại
VM.
Ngày 21-8-1945, VM vận động các đoàn thể
họp mít-tinh tại Hà Nội, lập ra một kiến nghị gồm ba điểm: 1) Yêu cầu vua Bảo
Đại thoái vị và giao quyền cho một chính phủ lâm thời do Mặt trận VM thành lập.
2) Yêu cầu Mặt trận VM thảo luận với các đảng phái khác để thành lập chính phủ
lâm thời. 3) Yêu cầu tất cả các đảng phái, các tầng lớp dân chúng ủng hộ chính
phủ lâm thời để củng cố nền độc lập quốc gia. Bản kiến nghị nầy được chuyển bằng
điện tín về Huế. (Philippe Devillers, sđd. tr. 137.)
3. Vua Bảo Đại thoái
vị
Sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng và
VM lộng hành, đại sứ Nhật ở Huế là Massayuki Yokoyama đến gặp vua Bảo Đại, đề
nghị vua Bảo Đại dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt VM. Vua Bảo Đại từ chối đề
nghị nầy để tránh nội chiến có thể xảy ra. (Theo lời kể với người viết tại Sài
Gòn năm 1993 của ông Phan Văn Vỹ. Vào năm 1945, ông Vỹ là đệ nhị đẳng thị vệ của
vua Bảo Đại. Ông cho biết ông là người trực gác buổi tối khi Yokoyama đến gặp
vua Bảo Đại và chính ông đã đánh thức và báo tin với nhà vua, để nhà vua ra tiếp
khách.)
Người Nhật còn đề nghị với thủ tướng
TTK. Sau đây là lời trong hồi ký của TTK: “Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: “Quân
đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng minh đến thay. Nếu
chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể
giữ trật tự”. Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Đồng minh sắp đến, mình nhờ
quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng “cõng rắn cắn
gà nhà”. Tôi từ chối không nhận.” (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn,
1969, tr. 93.)
Vua Bảo Đại quay qua các nước Tây
phương, viết thư gởi tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman và thủ tướng lâm thời
Pháp là Charles de Gaulle, thống chế Tưởng Giới Thạch, quốc vương Anh, kêu gọi
trao trả độc lập lại cho Việt Nam, đừng tái lập nền cai trị Pháp dưới bất cứ một
hình thức nào. Các nước Tây phương chuẩn bị kế hoạch riêng nên đều im lặng và
không trả lời thư của vua Bảo Đại. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu,
1990, tt. 177-179; và David G. Marr, Vietnam
1945, The Quest for Power, University of California Press, 1995, tr.
361.)
Trong lúc vua Bảo Đại lúng túng, chính
phủ TTK xin từ chức ngày 20-8-1945. Ngày 21-8, vua Bảo Đại lại nhận được điện
tín từ Hà Nội của VM yêu cầu nhà vua từ chức. Trần Trọng Kim khuyên nhà vua giao
quyền cho VM. (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tt. 92-93.) Bên cạnh vua Bảo Đại, lúc
đó viên tổng lý văn phòng (thư ký của vua) là Phạm Khắc Hòe đã trở mặt với hoàng
gia, ngầm theo VM, hết sức hù dọa nhà vua và hoàng gia. Vua Bảo Đại cảm thấy vừa
lo sợ, vừa cô đơn và bị bỏ rơi (Bảo Đại, sđd. tr. 184.)
Vua Bảo Đại cô thế, lại không biết lai
lịch HCM và VM. Cũng như nhiều người Việt lúc đó, nhà vua lầm tưởng rằng HCM và
VM là những người yêu nước, được quần chúng ủng hộ, và được cả các nước Đồng
minh giúp đỡ (theo lời tuyên truyền của VM), nên cuối cùng nhà vua quyết định từ
chức, giao quyền cho HCM và VM.
Ngày 25-8-1945, vua Bảo Đại tuyên chiếu
thoái vị và thông báo cho đại diện VM ở Huế biết. Chiếu thoái vị được niêm yết ở
Phu Văn Lâu, nơi công bố các chiếu dụ, mệnh lệnh của nhà vua, kết quả thi Hội và
thi Đình. Sau đó lễ thoái vị diễn ra ngày 30-8 tại Ngọ môn, Huế. (Ngọ môn là cửa
chính nhìn về hướng nam của hoàng thành.) Nhà vua trao bảo kiếm và quốc ấn,
tượng trưng uy quyền của triều đình nhà Nguyễn, cho phái đoàn đại diện VM từ Hà
Nội vào là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận. Chiếc ấn mà vua Bảo
Đại trao lúc đó là “Hoàng đế chi bảo”, bằng vàng ròng, nặng khoảng 10,5 Kg. (Võ
Hương An, Trong ngõ ngách sử Việt,
California: Nxb. Nam Việt, 2014, tr. 171.)
4. Lời thề bốn
không
Sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế
ngày 30-8, thì tại Hà Nội, HCM gấp rút ra mắt chính phủ lâm thời VNDCCH ngày
2-9-1945, tại bãi Cột Cờ (Rond point Puginier), mới được chính phủ TTK đổi tên
thành công viên Ba Đình từ đầu tháng 8-1945. Hồ Chí Minh gấp rút ra mắt chính
phủ mới nhằm tạo thế hợp pháp chính thống liên tục từ chế độ cũ qua chế độ mới.
Hơn nữa, phải chăng HCM chọn ngày này vì 2-9, hiểu một nghĩa khác là ngày có 2
số 9, theo câu “cửu cửu càn khôn dĩ định” trong Sấm Trạng
Trình?
Mở đầu buổi lễ, HCM đọc bản “Tuyên
ngôn độc lập”, rồi HCM mạnh mẽ hô to các lời thề gồm có hai phần: “Lời thề của chính phủ Lâm thời nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa” và “Lời thề của Quốc dân”.
Sau đây là nguyên văn “Lời thề của
chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”: “Chúng tôi, Chính phủ Lâm
thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Quốc dân đại biểu đại hội cử lên,
xin thề rằng: Chúng tôi sẽ kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho
Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đang mang lại tự do, hạnh
phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn,
nguy hiểm dù phải hy sinh tính mệnh cũng không
từ.”
Lời thề của Quốc dân, cũng do Hồ Chí
Minh đọc: “Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam
xin thề: kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa, ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin thề! Chúng tôi xin thề cùng chính phủ giữ
quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết
cũng cam lòng. Xin thề! Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa thì chúng tôi xin thề:
không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp,
không đưa đường cho Pháp.” (Tô Tử Hạ và nhiều tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam [sách song ngữ
Việt-Anh], Hà Nội: Nxb.Thông Tấn, 2005, tr. 26.)
Tuy thề thốt quyết tử, “chúng tôi
quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm dù phải hy sinh tính mệnh cũng không
từ”, và cương quyết thực hiện bốn không: “không đi
lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa
đường cho Pháp”, nhưng khi Pháp đem quân từ Nam ra Bắc đe dọa, HCM sợ
Pháp tấn công và lật đổ thì HCM, VM và đảng CS chẳng những mất độc quyền chính
trị, mà có thể còn bị tiêu diệt, nên HCM vội vàng nuốt lời
thề.
Nguyên theo tối hậu thư Potsdam, sau khi
Nhật đầu hàng, quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng vào Đông Dương giải giới quân đội
Nhật ở bắc vĩ tuyến 16, còn quân Anh giải giới quân đội Nhật ở nam vĩ tuyến 16.
Pháp lợi dụng thời cơ tái chiếm Đông Dương.
Đầu tháng 10-1945, chính phủ Pháp bổ
nhiệm Jean Saiteny làm Đại diện chính phủ Pháp tại Bắc Kỳ. Sainteny gặp HCM lần
đầu ngày 15-10-1945 và lần thứ hai ngày 1-12-1945. Sau hai cuộc gặp mặt, người
Pháp bí mật giao cho HCM ngày 7-12-1945, một bản dự thảo hiệp ước giữa hai bên
để VM nghiên cứu.
Trong khi đó, đô đốc D'Argenlieu, cao uỷ
Pháp tại Đông Dương, đến Sài Gòn ngày 30-10-1945. Ngày 27-2-1946, đô đốc
D'Argenlieu phát động cuộc hành quân Bentré, chuyển 21,000 quân từ miền Nam ra
Hải Phòng, để tái chiếm Bắc Kỳ. Pháp muốn sớm chiếm lại Bắc Kỳ trước khi nhà cầm
quyền VM được củng cố và trước khi mùa mưa đến ở đất Bắc từ tháng 5 hằng năm.
(Stein Tonnesson, “La paix imposée par la Chine: l'accord Franco-vietnamien du 6
mars 1946”, Les Cahiers de l'Institut
D'Histoire Du Temps Présent, Paris: Charles-Robert Ageron và Philippe
Devillers chủ biên, số 34, tháng 6-1996, tt. 36-38.)
Tại Hà Nội, được tin hạm đội Pháp xuất
hiện ở ngoài khơi Hải Phòng vào chiều ngày 5-3-1946 và chuẩn bị đổ bộ vào sáng
ngày hôm sau (6-3-1946), HCM vội báo cho Jean Sainteny biết là ông ta đồng ý ký
hiệp ước với Pháp, mà Pháp đã bí mật giao bản dự thảo ngày 7-12-1945 (đã viết ở
trên).
Vào chiều ngày 6-3-1946, tại số 38 đường
Lý Thái Tổ, Hà Nội, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, HCM ký
thỏa ước Sơ bộ với Pháp. Cùng ký văn
kiện nầy, ngoài HCM, còn có Vũ Hồng Khanh (lãnh tụ VNQDĐ), phó chủ tịch Quân sự
ủy viên hội của chính phủ. Đại diện chính phủ Pháp là Jean
Sainteny.
Thỏa ước nầy gồm 2 điều chính: 1) Pháp
thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị
viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp
Pháp. 2) Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung
Hoa để giải giáp quân đội Nhật. Tuy HCM ký thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 với Jean
Sainteny ở Hà Nội, nhưng Jean Cédile, đại diện Pháp tại nam Đông Dương, tuyên bố
rằng thỏa ước nầy chỉ có giá trị ở miền bắc, và không có giá trị ở miền nam vĩ
tuyến 16. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu
1939-1975, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb Văn Hóa, 1996, tr. 319.) Điều đó
có nghĩa là lúc đó, Pháp chưa chịu để miền Nam tái sáp nhập vào Việt
Nam.
Ngoài ra, bên cạnh thỏa ước Sơ bộ, cũng trong ngày 6-3-1946, hai bên ký
một phụ ước quân sự, minh định hoạt động quân đội mỗi bên. Theo điều 1 của phụ
ước nầy, VM đồng ý để quân đội Pháp thay quân đội Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến
16, nghĩa là quân đội Trung Hoa sẽ rời khỏi Việt Nam, dầu Việt Nam không ký kết
thỏa ước với Trung Hoa. Lực lượng Pháp lên đến 15,000 quân.
Kết luận
Như thế HCM và VM không chống Pháp khi
Pháp trở lại Việt Nam như lời thề mạnh mẽ ngày 2-9, mà VM lại ký thỏa ước hợp
thức hóa chính thức sự hiện diện của quân đội Pháp tại Việt Nam. Hơn nữa, sợ
thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 chưa đủ
hiệu lực, cần phải được một cấp bậc cao hơn thừa nhận, HCM còn qua tận Paris,
xin ký thêm bản Tạm ước hay Đường lối sống (Modus Vivendi) ngày
14-9-1946 với bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại là Marius Moutet, gồm 14 điều khoản,
theo đó VM để cho Pháp tái tục các hoạt động kinh tế, tài chính, giao thông, văn
hóa trên toàn quốc Việt Nam, hai bên sẽ nghiên cứu về tương lai ngoại giao Việt
Nam và vấn đề Nam Kỳ,. Bản Tạm ước có
hiệu lực kể từ 30-10-1946.
Những hành động nầy phản bội hoàn toàn
lời thề bốn không của HCM, quyết liệt chống Pháp trong buổi lễ trình diện chính
phủ vào ngày 2-9-1945. Từ không nay thành có; chẳng những bốn có, mà Pháp có tất
cả những điều Pháp muốn khi trở lại Việt Nam. Hồ Chí Minh đúng là tên ĐẠI BỊP
CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM. Bịp ngay cả trong lời thề thiêng liêng trước Dân tộc và Tổ
quốc.
(Toronto,
02-09-2015)
No comments:
Post a Comment