Saturday, November 28, 2015

Hiểm họa Trung Quốc và bài học Thổ Nhĩ Kỳ

Hiểm họa Trung Quốc và bài học Thổ Nhĩ Kỳ

Trần Trung Đạo
Chiến tranh sẽ đến. Không cần phải là nhà tiên tri hay nhà khoa học xã hội cũng có thể đoán được. Lịch sử loài người đã chứng minh chiến tranh và hòa bình là hai mặt biện chứng trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Vegetius trong tác phẩm nổi tiếng Quan tâm về các vấn đề quân sự (De Re Militari) xuất bản vào thế kỷ thứ năm đã viết “Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Từ chiến tranh bộ lạc sang chiến tranh thuộc địa, chiến tranh khu vực, chiến tranh thế giới, chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh lạnh, chiến tranh giữa những người cùng chủng tộc, trong từng giờ, từng phút máu của nhân loại đã và đang đổ xuống tại nhiều nơi trên trái địa cầu ngày càng chật hẹp này.
Trong lúc chiến tranh là một sự kiện khó thể tránh khỏi, trong đó, nhiều nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát và quyết định của giới lãnh đạo và nhân dân các quốc gia nạn nhân, những nhà lãnh đạo khôn ngoan, có tầm nhìn xa, biết chọn đúng thế đứng chính trị, không những tránh được chiến tranh mà còn vận dụng các xung đột quốc tế để đem về các lợi ích lâu dài cho quốc gia họ.
Mustafa Kemal Atatürk nhìn về tương lai Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Atatürk từ năm 1923 đến năm 1938 và các chính phủ về sau là một bài học lớn cho nhiều quốc gia vừa thoát khỏi chế độ phong kiến và thuộc địa. Trong số đó, hai bài học quan trọng:
1. Sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa của dân tộc và hướng phát triển dân chủ của thời đại.
2. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa và khi cần phải biết chọn lựa dứt khoát một thế đứng trong bang giao quốc tế có lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Mustafa Kemal Atatürk, thường được gọi tắt Mustafa Kemal, sinh năm 1881 tại Salonika trong một gia đình theo Hồi Giáo, thuộc Đế Chế Ottoman. Ông vào trường chuyên quân sự khi tuổi mới 12. Mustafa Kemal được nhận vào học viện quân sự năm 1902 và tốt nghiệp đại học quân sự năm 1905. Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, Đế Chế Ottoman liên minh với Đức và Hung. Mustafa Kemal chỉ huy sư đoàn 19 thuộc binh đoàn 2 và đưa quân vào hành lang Đông Âu. Ông là một sĩ quan xuất sắc, dạn dày trận mạc, chiến đấu dũng cảm và được tặng thưởng 24 huân chương chiến công. Mặc dù những năm cuối của thế chiến thứ nhất, liên quân Đức-Hung thua nhiều trận lớn nhưng binh đoàn 16 dưới quyền Mustafa Kemal đã liên tục đánh bại quân Nga. Khi Cách Mạng Cộng Sản 1917 bùng nổ, Nga rút quân.
Sau thế chiến thứ nhất, Đế Chế Ottoman sụp đổ, lãnh thổ bị chia cắt và phần Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay bị đồng minh dưới quyền của Anh chiếm đóng. Tướng Mustafa Kemal thoát ly khỏi chế độ Ottoman để phát động một phong trào võ trang đòi độc lập cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù bị kết án tử hình vắng mặt, Mustafa Kemal vẫn được bầu vào quốc hội Ottoman. Khi quốc hội này bị Anh giải tán, Mustafa Kemal kêu gọi bầu quốc hội khác và đặt trụ sở tại bản doanh của phong trào độc lập ở Ankara. Quốc hội mới được bầu ra qua danh xưng Đại Nghị Quốc Gia (Grand National Assembly) gọi tắt là GNA. Ngày 5 tháng 8 năm 1921, Mustafa Kemal được GNA phong làm tổng tư lịnh quân đội phong trào giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ. Quân khởi nghĩa dưới quyền Mustafa Kemal đánh bại liên quân Anh, Pháp, Ý, Hy Lạp tại nhiều nơi. Kết quả, hiệp ước Lausanne ra đời ngày 24 tháng 7 năm 1923 công nhận nền độc lập của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Tức khắc sau khi trở thành tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa non trẻ, Mustafa Kemal đặt mục tiêu hiện đại hóa đất nước lên hàng đầu. Trung tâm quyền lực chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn này là GNA trong đó đảng Cộng Hòa Nhân Dân do Mustafa Kemal thành lập giữ gần như đa số tuyệt đối. Hiện đại hóa không chỉ được tiến hành trong lãnh vực kinh tế nhưng quan trọng hơn trong chính trị, văn hóa, giáo dục. Trong suốt thời gian lãnh đạo quốc gia, Mustafa Kemal thực hiện hàng loạt các biện pháp cấp tiến bao gồm việc giải tán các cơ sở giáo dục Hồi Giáo, bỏ tiếng Á Rập và thay bằng ngôn ngữ Thổ dùng mẫu tự La Tinh, thành lập các ủy ban nghiên cứu sự thành công của hệ thống kinh tế Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Thụy Điển để áp dụng một cách hữu hiệu vào điều kiện một quốc gia Hồi Giáo như Thổ. Mùa hè 1924, Mustafa Kemal còn mời nhà giáo dục Mỹ John Frederick Dewey thuộc trường đại học Columbia, đến Thổ để cố vấn chính phủ về cải cách giáo dục.
Cơ sở lý luận Kemal
Để định hướng lâu dài cho đất nước, Mustafa Kemal xây dựng cơ sở lý luận Kemal (Kemalism) đặt căn bản trên ba thành tố chính: Cộng Hòa (Republicanism), Dân Túy (Populism) và Thế Tục (Secularism). Về thành tố Cộng Hòa, Mustafa Kemal thay thế các nguyên tắc lãnh đạo quân chủ bằng các nguyên tắc dân chủ pháp trị trong đó các quyền dân sự do chính nhân dân quyết định qua hình thức dân chủ đại diện. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và được bầu lên qua một cuộc đầu phiếu phổ thông. Về thành tố Dân Túy (Populism), Mustafa Kemal quan niệm cách mạng dân tộc dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc cách mạng xã hội nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn dân. Ông đề cao các giá trị văn hóa lịch sử Thổ và xem đó như hành trang lên đường hướng tới một tương lai sáng lạng cho dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Về thành tố Thế Tục (Secularism ), Mustafa Kemal chủ trương tách tôn giáo ra khỏi nhà nước. Ngay cả câu “Nền tảng tôn giáo của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ là Hồi Giáo” trước đó được xem như là tự nhiên trong một nước với 99.8% dân số theo đạo Hồi, cũng bị gạch bỏ khỏi hiến pháp. Thái độ dứt khoát của Mustafa Kemal về tôn giáo không nhằm xóa bỏ tôn giáo hay thù địch tôn giáo nhưng nhằm mở rộng tự do tư tưởng và nâng cao vai trò độc lập của chính phủ trong một xã hội vốn đã bị ảnh hưởng tôn giáo đè nặng suốt sáu thế kỷ dưới thời Đế Chế Ottoman.
Chính sách Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến thứ hai
Về đối ngoại, vài năm trước khi qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 1938, Mustafa Kemal tìm cách cải thiện mối quan hệ ngoại giao với Anh để cân bằng cán cân ảnh hưởng với Liên Xô.
Tổng thống thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa İsmet İnönü, người kế vị Mustafa Kemal ý thức sự chịu đựng của nhân dân Thổ trong suốt 14 năm chiến tranh từ 1908 đến 1922 nên quyết tâm bằng mọi cách tránh đưa đất nước vào vòng chiến một lần nữa. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, Mustafa İsmet İnönü tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ trung lập. Nhờ thế, trong lúc phần lớn châu Âu chìm trong biển lửa, Thổ Nhĩ Kỳ dù là vị trí trái độn giữa hai khối, không bị ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, cuối tháng 2 năm 1945, khi số phận của khối trục chỉ còn tính bằng ngày, Tổng thống Mustafa İsmet İnönü đã khôn khéo chọn lựa đứng về phía đồng minh. Dù không có một người lính Thổ nào ra trận, theo quyết định của hội nghị Yalta, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được xem là quốc gia đồng minh và là một trong những hội viên thành lập đầu tiên của Liên Hiệp Quốc. Cả Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill đều muốn Thổ Nhĩ Kỹ, quốc gia có vị trí chiến lược ngay sân sau của Liên Xô, đứng về phía họ nên đã khuyến khích Thổ tham gia phe đồng minh. Tương tự, Joseph Stalin cũng đánh giá cao vị trí chiến lược của Thổ và mặc dù không tin tưởng hẳn, y vẫn nghĩ chính phủ Thổ sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách đối ngoại của Liên Xô như trước đây nên đã đồng ý đề nghị của Thủ tướng Churchill.
Liên Xô tham vọng độc chiếm Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ
Ngay sau khi thế chiến thứ hai vừa chấm dứt, tham vọng bành trướng về phía đông của Stalin đang trên đà chiến thắng lộ rõ nhất là qua xung đột Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ (The Turkish Straits) gồm hai eo biển Bosphorus và Dardanelles nằm giữa Bắc Hải và Địa Trung Hải. Eo biển Thổ là nguồn hải lưu huyết mạch và là chiếc cầu biển nối hai châu Âu và Á. Eo biển là trái tim của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất cứ quốc gia nào làm chủ Eo biển sẽ giữ vị trí quân sự và chính trị quyết định trong toàn vùng Biển Bắc và khu vực Balkans.
Ngày 19 tháng Ba năm 1945, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav M. Molotov thông báo cho đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Xô biết Liên Xô đơn phương hủy bỏ Hiệp Ước Cam Kết Không Xâm Lược (Non-Aggression Pact) giữa Liên Xô và Thổ được ký kết ngày 17 tháng Giêng năm 1925. Tham vọng bành trướng của Liên Xô không phải chỉ là chính sách riêng của Stalin nhưng là một bước kế tục truyền thống khống chế các nước nhỏ chung quanh đã có từ thời các Sa Hoàng Nga.
Khi chính phủ Thổ tìm cách làm dịu mối quan hệ, Liên Xô đưa ra hàng loạt điều kiện bao gồm việc chia quyền điều hành Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng quân Liên Xô có trách nhiệm bảo vệ an ninh Eo biển, và ngoài ra, Thổ phải trao trả cho Liên Xô hai vùng đất Kars và Ardahan đang thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ chối.
Thổ Nhĩ Kỳ chọn gia nhập NATO
Trước sự đe dọa của Liên Xô và sự phân cực rõ nét của chính trị thế giới sau thế chiến thứ hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa İsmet İnönü ý thức rằng để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và hiện đại hóa đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ chính sách đối ngoại hợp tác theo kiểu bình đẳng cùng có lợi với mọi quốc gia để đứng về một phía có triển vọng phục vụ tốt nhất cho quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của Thổ. Thổ Nhĩ Kỳ dứt khoát đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô.
Ngày 22 tháng 5 năm 1947, Tổng thống Truman ký quyết định viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Năm 1948, các cố vấn quân sự Mỹ bắt đầu giúp đỡ chính phủ Thổ tái trang bị và hiện đại hóa quân đội.
Mỹ và Anh muốn dùng đất Thổ như một tiền đồn và quân đội Thổ như một đơn vị tiền phương để làm chậm sức tấn công của bộ binh Liên Xô một khi chiến tranh giữa hai khối bùng nổ trong lúc chờ đợi không lực Anh Mỹ mở các cuộc phản công phát xuất từ các căn cứ không quân đặt tại Ai Cập. Dĩ nhiên, chính phủ Thổ biết rõ thâm ý của Anh và Mỹ nhưng đó là cái giá phải chọn vì nền an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia Thổ.
Theo tổng kết được ghi lại trong tài liệu Tương lai chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ (The future of Turkish Foreign Policy) của hai tác giả Lenore G. Martin và Dimitris Keridis, trong năm 1948, Mỹ viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 180 phi cơ chiến đấu F-47, 30 phi cơ oanh tạc B-26 và 86 phi cơ vận tải C-47. Trong thời điểm 1948, đó là một viện trợ quân sự lớn. Với số vũ khí mới, quân đội Thổ không những có thể ngăn chặn mà nếu cần còn có khả năng oanh tạc các nguồn dầu khí của Liên Xô tại Romania và trong vùng Caucasus.
Tuy nhiên súng đạn không phải chỉ là những gì Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhưng quan trọng hơn là sự bảo đảm bằng một liên minh quân sự quốc tế. Nói rõ hơn, Thổ muốn trở thành hội viên chính thức của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Mustafa İsmet İnönü tin tưởng hỏa lực hùng hậu của NATO và Hạm đội Địa Trung Hải của Mỹ là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Liên Xô xâm lược. Để chứng tỏ thiện chí, Thổ Nhĩ Kỳ gởi quân tham chiến bên cạnh các lực lượng Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên.
Ngày 18 tháng 2 năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành hội viên của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ sau khi gia nhập NATO
Sau khi gia nhập khối dân chủ tây phương, Thổ Nhĩ Kỳ phát triển một cách nhanh chóng trong mọi lãnh vực. Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế lớn hạng thứ 17 thế giới với lợi tức bình quân đầu người trên 10 ngàn đô la và là thành viên của G-20. Từ một nước phải chịu nhún nhường trước Liên Xô và sau đó lệ thuộc vào vũ khí của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một quốc gia tự sản xuất và xuất cảng võ khí tối tân. Không quân Thổ là một trong những lực lượng không quân lớn nhất của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong năm quốc thành viên của Chính Sách Sử Dụng Nguyên Tử trực thuộc NATO. Hiện nay có 90 bom nguyên tử loại B61 được đặt tại căn cứ quân sự Incirlik trên đất Thổ. Nếu có một chiến tranh nguyên tử, không lực Thổ Nhĩ Kỳ với sự chấp thuận của NATO có quyền sử dụng các vũ khí nguyên tử đó. Các phi đoàn chiến đấu F-16C tối tân của không quân Thổ Nhĩ Kỳ do chính công ty Công Nghiệp Không Gian Thổ (Turkish Aerospace Industries) sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ còn là thành viên của chương trình sản xuất phi cơ chiến đấu F-35, một trong những đề án kỹ thuật cao cấp và đắc giá nhất.
Trước các thành tựu về kinh tế, chính trị và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, không cần phải phân tích, mọi người đều có thể hiểu, chính hạt mầm dân chủ quý giá mà những người thành lập cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ gieo trên mảnh đất đầy phân hóa vì độc tài phong kiến đã lớn lên thành cây xanh, trái ngọt cho các thế hệ Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay. Mười năm sau ngày độc lập, Tổng thống Mustafa Kemal đã phát biểu “Cộng hòa có nghĩa lãnh đạo một quốc gia dân chủ. Chúng ta thành lập chế độ Cộng Hòa đã mười năm, nó phải thỏa mãn các đòi hỏi của một chế độ dân chủ khi cần đến.”
Sự chọn lựa nào mà chẳng có hy sinh. Con đường dẫn đến dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ không phải bằng phẳng. Với một quốc gia mang truyền thống quân sự từ thời Đế Chế Ottoman, trong suốt mười năm đầu sau độc lập, nước Thổ vẫn còn chịu đựng nhiều biến cố đảo chánh, ám sát, lật đổ, treo cổ, tranh chấp giữa chính quyền dân sự và các tướng lãnh, nhưng tất cả đều không rung chuyển được nền tảng dân chủ tại Thổ.
Và cũng không cần phải phân tích nhiều, mọi người đều hiểu sự chọn lựa dứt khoát của cấp lãnh đạo Thổ sau thế chiến thứ hai đã có ảnh hưởng quyết định trong việc đưa đất nước vượt qua hẳn quá khứ chậm tiến lạc hậu để trở thành một quốc gia dân chủ tiến bộ duy nhất trong khối các quốc gia Hồi Giáo. Thật vậy, nếu 1945, các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận các yêu sách của Stalin và trở thành một chư hầu không Cộng Sản của Liên Xô, nước Thổ vẫn là một nước Hồi Giáo nghèo nàn, lạc hậu và yếu kém như nhiều quốc gia Hồi Giáo Á Phi khác hiện nay.
Trung Quốc muốn gì ở Việt Nam?
Mặc dù có những thay đổi chiến thuật trong từng thời kỳ, về căn bản, mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc từ khi bắt đầu can dự vào cuộc chiến Việt Nam đến nay vẫn không thay đổi. Một cách vắn tắt như đã viết trong các bài trước, Trung Quốc muốn Việt Nam:
1. Hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc về chế độ chính trị.
2. Một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Quốc.
3. Trung Quốc độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.
Về mặt chính trị. Hai nỗi lo lớn của giới lãnh đạo CS Trung Quốc là sợ bị bao vây từ bên ngoài và diễn biến hòa bình bên trong nội bộ Trung Quốc. Nhìn quanh, họ chỉ thấy kẻ thù. Thật vậy, hầu hết các quốc gia dân chủ trong vùng từ Ấn Độ đến Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, tuy mức độ khác nhau nhưng đều là các quốc gia đang có những mâu thuẫn căn bản với Trung Quốc, không những về quyền lợi kinh tế mà cả chế độ chính trị. Mặc dù không công khai tuyên bố, giới lãnh đạo CS Trung Quốc cũng biết hiện nay chỉ còn năm quốc gia theo một loại chủ nghĩa mà giáo sư sử học Roderick Macfarquhar, thuộc đại học Harvard, gọi là chủ nghĩa Lê Nin không có Mác, tức một nhà nước chuyên chính sắc máu nhưng không còn dựa trên nền tảng triết lý duy vật. Hai cơ chế chính trị Cộng Sản Trung Quốc và CSVN có một mối quan hệ hữu cơ mật thiết với các yếu tố tương quan và phụ thuộc vào nhau. Sự lệ thuộc về chính trị của Việt Nam vào Trung Quốc không chỉ giúp giữ an toàn phòng tuyến phía nam mà còn tránh sự sụp đổ dây chuyền trong trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra trước. Không giống như điều kiện chính trị thời điểm hội nghị Thành Đô, các phát triển chính trị và quân sự vùng Á Châu và Thái Bình Dương đang diễn ra cho thấy cuộc cách mạng dân chủ có nhiều khả năng diễn ra tại Việt Nam sớm hơn Trung Quốc.
Về mặt kinh tế. Hơn ai hết, giới lãnh đạo CS Trung Quốc biết chế độ CS như người đi trên dây, ngồi trên lưỡi dao cạo. Sự ổn định tại Trung Quốc hiện nay chỉ là sự ổn định tạm thời vì cơ chế chính trị Trung Quốc vốn được xây dựng trên một nền tảng bất ổn. Trong suốt 40 năm từ khi chương trình hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình ra đời, các thế hệ lãnh đạo đảng đã tập trung vào việc phát triển kinh tế để vừa thỏa mãn nhu cầu vật chất của người dân và vừa hợp thức hóa vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Hai yếu tố hàng đầu của một nền kinh tế sản xuất là lao động và nguyên liệu. Lợi thế của Trung Quốc là nguồn lao động rẻ nhưng trong điều kiện một quốc gia có mức độ lãng phí nguyên vật liệu cao trong các nước đang phát triển như Trung Quốc, việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho một nền kinh tế khổng lồ nhưng lạc hậu về quản trị là một thách thức lớn cho giới lãnh đạo.
Hàng hóa của Trung Quốc xuất cảng phần lớn là hàng hóa tiêu dùng nhưng đây cũng là những loại sản phẩm mà quốc gia nào cũng có thể sản xuất được. Sự lớn mạnh của khối được gọi là các Nền Kinh Tế Đang Hứa Hẹn (Emerging Economies) trong đó Ấn Độ, với dân số 1.2 tỉ và mức xuất cảng cùng loại hàng hóa như Trung Quốc tăng 100 phần trăm trong vòng 10 năm qua là mối đe dọa lớn cho hàng hóa Trung Quốc. Để duy trì giá thành sản phẩm thấp, Trung Quốc không thể mua nguyên liệu theo giá trên các thị trường quốc tế London, New York hay nhập từ các nước châu Âu nên đã tìm cách khai thác các nguồn nguyên liệu rẻ qua chính sách thực dân đỏ bất nhân đang diễn ra tại các nước châu Phi, như trường hợp Congo.
Riêng với Á châu, khu vực này không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Miếng mồi ngon nhất, hấp dẫn nhất, đủ tiêu chuẩn kinh tế, chính trị, quân sự nhất không đâu khác hơn là Việt Nam. Chủ trương muốn Việt Nam là phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược châu Á của Trung Quốc quá rõ ràng, không cần phải một nhà phân tích chính trị cỡ Carlyle Thayer mới thấy mà ngay trong tác phẩm Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc Trong 30 Năm Qua Nxb Sự Thật, Hà Nội tháng 10, 1979, giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng đã tự thú điều này “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ”.
Điểm giống nhau và khác nhau giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ
Về mặt địa lý chính trị và quân sự, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm giống nhau. Tham vọng thiên triều của các triều đại phong kiến Trung Hoa đối với các quốc gia nhỏ vùng Đông Nam Á, đặc biệt với Việt Nam, thâm độc không khác gì truyền thống nước lớn của các Sa Hoàng Nga đối với các nước Đông Âu. Hoàng Sa và Trường Sa, đôi mắt của Việt Nam nhìn ra Thái Bình Dương quan trọng không kém gì Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, trái tim Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng Địa Trung Hải. Khát vọng của dân tộc Việt Nam mong được sống trong tự do, thanh bình, thịnh vượng sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá cũng sâu thẳm như ước vọng tự do, dân chủ và thịnh vượng của dân tộc Thổ sau nhiều năm chiến tranh dưới thời Đế Chế Ottoman, thế chiến thứ nhất và chiến tranh giành độc lập.
Sau thế chiến thứ hai và nhất là sau sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản, lục địa châu Âu hiện nay được xem là ổn định. Hầu hết các quốc gia vừa thoát khỏi chế độ Cộng Sản, kể cả Nga, vẫn còn trên đường phục hồi kinh tế, chính trị và phục hưng các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc họ. Xung đột thế giới tới đây được các nhà phân tích kinh tế chính trị nhận xét sẽ là xung đột Á Châu, nơi đang tồn tại các hệ thống chính trị đối nghịch, các quyền lợi kinh tế đối nghịch và các chính sách phát triển đối nghịch. Vì lý do địa lý chính trị, Việt Nam được xem là một trong những điểm nóng nhất và có thể sẽ là ngòi nổ của cuộc xung đột châu Á và Thái Bình Dương.
Liệu Việt Nam có thoát khỏi chiến tranh châu Á như Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng bên ngoài biển lửa châu Âu?
Liệu giới lãnh đạo CSVN có khả năng hóa giải các nguồn ngoại lực và biết vận dụng vị trí chiến lược của bán đảo Việt Nam một cách khôn ngoan để phục vụ cho lợi ích lâu dài của đất nước như các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm?
Trước mắt, không có dấu hiệu gì cho thấy giới lãnh đạo CSVN có một nhận thức chính trị quốc tế sáng suốt và cũng không có khả năng nào cho thấy họ có thể từ bỏ các quyền lợi của đảng Cộng Sản vì sự sống còn của dân tộc như các lãnh đạo đảng Cộng Hòa Nhân Dân Thổ. Những chờ đợi mỏi mòn, những van xin tha thiết, những thỉnh nguyện thư trang trải hết ruột gan đều không mềm lòng những kẻ mà tham vọng quyền lực và quyền lợi đã thấm vào máu, ăn sâu vào xương tủy.
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận viện trợ của Liên Xô để tái thiết đất nước trong những năm đầu sau độc lập, Tổng thống Mustafa Kemal cũng đã công khai cam kết với nhân dân Thổ: “Quan hệ hữu nghị với Liên Xô không có nghĩa là chấp nhận ý thức hệ Cộng Sản. Chủ nghĩa Cộng Sản là một vấn đề xã hội. Các điều kiện xã hội, tôn giáo và truyền thống dân tộc của đất nước chúng ta khẳng định chủ nghĩa Cộng Sản không thể áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Việt Nam thì khác, từ ngày thành lập đảng, mặc cho bao đổi thay trên thế giới, các cấp lãnh đạo CSVN vẫn suốt ngày ra rả “Chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu” và quan hệ giữa hai đảng CS Việt Nam và CS Trung Quốc vẫn là quan hệ “như môi với răng”, “vừa là đồng chí vừa là anh em” như những năm trước 1975.
Còn lại gì hôm nay?
Giống như Adolf Hitler lợi dụng chính sách đối ngoại Nhân nhượng (Appeasement) của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain trước thế chiến thứ hai để chiếm đoạt Sudetenland, lãnh thổ chiến lược và giàu tài nguyên nhất của Cộng Hòa Tiệp Khắc, Trung Quốc cũng đang lợi dụng sự bất ổn kinh tế thế giới và chính sách đối ngoại Nhân nhượng của Barack Obama để củng cố bộ máy quân sự và mở rộng ảnh hưởng tại Á Châu. Dân tộc Việt Nam phải đối diện với thách thức về cả hai mặt, bên trong, một giới lãnh đạo tham quyền cố vị, ươn hèn, và bên ngoài, một chủ nghĩa xâm lược dã man nhất trong lịch sử loài người.
Yếu tố duy nhất còn lại là sức mạnh tổng hợp của các thành phần dân tộc. Chính các thành phần dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước là lực duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát của hai đảng Cộng Sản và cũng là lực duy nhất có khả năng đưa Việt Nam ra khỏi bờ vực chiến tranh và đưa đất nước tới một tương lai sáng lạng cho con cháu mai sau. Các thành phần dân tộc không chỉ là những người đang công khai chống đảng, những người đứng ngoài cơ chế lãnh đạo, những người không Cộng Sản nhưng là bất cứ ai nhận thức được manh tâm của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, bản chất sai lầm trong cơ chế độc tài đang thống trị Việt Nam và chọn lựa dứt khoát đứng về phía dân tộc. Thấy được con đường dân tộc phải đi và dâng hiến tình yêu cho đất nước không bao giờ quá trễ. Không ai chiêu hồi ai. Không ai tha tội ai. Không ai sách động ai. Hành trang là tinh thần độc lập, tự chủ của tổ tiên giòng giống Việt. Chọn lựa của thời đại không chỉ là chọn lựa giữa dân chủ hay độc tài nhưng quan trọng hơn thế nữa, là mất hay còn, tồn tại hay diệt vong của một dân tộc.
Từ vùng Balkans cho đến châu Phi, lịch sử nhân loại để lại vô số bài học, chỉ vì giới lãnh đạo sai lầm và thiển cận, chỉ vì dân tộc chia rẽ và phân hóa mà nhiều quốc gia, vương quốc, đế quốc, một thời hưng thịnh đã vĩnh viễn bị xóa tên. Tất cả sẽ trở thành vô nghĩa khi Việt Nam không còn có mặt trên bản đồ thế giới. Nhạc sĩ Việt Khang đặt ra một câu hỏi nhức nhối không phải cho bộ máy công an đang giam cầm em, cho lãnh đạo đảng Cộng Sản mà cho toàn dân tộc .“Cội nguồn ở đâu, khi thế giới nay đã không còn Việt Nam?”
Trần Trung Đạo

Tuesday, November 24, 2015

ISIS Khủng Bố & VC Khủng Bố

ISIS Khủng Bố & VC Khủng Bố

Giáo Già  - ...Tội ác của ISIS khủng bố Paris ngày 13-11-2015 vừa qua quá nhỏ so với tội ác của Việt cộng khủng bố dân tộc Việt Nam hơn 70 năm qua, mà Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hải Bình... những kẻ thừa kế khủng bố...; và còn đang tiếp tục khủng bố tuổi trẻ đang đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam. Vậy mà bọn chúng đang được thế giới dành cho sự trọng vọng, đón nghe lời phân ưu và lời phát ngôn lếu láo...

*

Ngày Thứ Sáu, 13-11-2015, 6 cuộc khúng bố diễn ra trên khắp Thủ Đô Paris của nước Pháp, khiến hơn 120 người chết và 25 người bị thương. Sáu địa điểm bị bọn khủng bố ISIS tấn công gồm: 

1. Phòng hòa nhạc Bataclan, 50 đại lộ Voltaire, quận 11, bị tấn công bằng súng và bắt giữ con tin; 

2. Bar Le Carillon, 18 đường Alibert, quận 10, bị tấn công bằng súng; 

3. Nhà hàng Le Petit Cambodge, 20 đường Alibert, quận 10, bị tấn công bằng súng; 

4. La Belle Equipe, 92 đường Charonne, quận 11, bị tấn công bằng súng; 

5. Sân vận động Stade de France, đường Denis, phía bắc Paris, bị đánh bom liều chết, trong lúc trận banh Pháp - Đức đang diễn ra; 

6. Nhà hàng La Casa Nostra, đường Fontaine, quận 11. 


Các nhân viên cứu cấp làm việc ở trước một nhà hàng Paris 
bị khủng bố đêm 13-11-2015. REUTERS / Philippe Wojazer] 

Ngay sau đó, từ Hoa Kỳ đến Iran, từ Đức, Nga sang Trung Quốc..., các nước trên toàn thế giới đồng thanh lên án các vụ khủng bố chưa từng thấy đó. Nó làm dấy lên một làn sóng kinh hoàng và phẫn nộ.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng sớm nhất. Ông tuyên bố: “Các vụ khủng bố này không chỉ tấn công vào Paris mà còn tấn công vào nhân loại và các giá trị toàn cầu của chúng ta”. Ông dẫn ra bằng tiếng Pháp câu khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” và khẳng định rằng đây cũng là châm ngôn của nhân dân Mỹ.

- Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tố cáo đây là “các vụ tấn công khủng bố đáng khinh bỉ” và cho biết ông “sát cánh cùng chính phủ và dân tộc Pháp”. 

- Trong một tuyên bố được đồng loạt thông qua, toàn bộ 15 quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc “cực lực lên án các vụ tấn công khủng bố hèn nhát và man rợ” này.

- Từ Vatican, Tòa Thánh bày tỏ sự xúc động về “vụ tấn công vào hòa bình của toàn nhân loại, cần có phản ứng dứt khoát và mang tính liên đới từ phía chúng ta”.

- Tại châu Âu, các chính phủ Anh, Đức, Ý họp khẩn các nguyên thủ châu Âu và bày tỏ thái độ kiên quyết. 

- Thủ tướng Anh David Cameron tố cáo đây là các vụ khủng bố kinh hoàng và ghê tởm. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ đến và cầu nguyện cho dân tộc Pháp. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ”.

- Thủ tướng Đức cũng cho biết bà bị sốc nặng nề. Bà nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để giúp đỡ, đồng thời truy lùng các thủ phạm và những kẻ chủ mưu, để cùng tiến hành cuộc chiến chống bọn khủng bố bên cạnh nước Pháp”.

- Tương tự, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, bà Federica Mogherini, khẳng định: “Châu Âu ở bên cạnh nước Pháp và dân tộc Pháp”.

- Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố: “Hiện nay tất cả chúng ta đều là nước Pháp”.

- Tại Ý, Thủ tướng Matteo Renzi tuyên bố: “Cũng như mọi người dân Ý, tôi biết rằng bọn khủng bố không thể chiến thắng. Tự do luôn mạnh mẽ hơn sự tàn bạo, và lòng can đảm mạnh hơn nỗi sợ hãi”.

- Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev kêu gọi cộng đồng quốc tế “đoàn kết lại chống chủ nghĩa cực đoan và có lời đáp trả kiên quyết trước các hành động khủng bố”. 

- Trong khi loạt khủng bố này được cho là do quân thánh chiến tiến hành, giáo sĩ Ahmed Al Tayeb của đền thờ Al Azhar, định chế uy tín nhất của Hồi giáo Sunni, lên án các vụ tấn công ghê tởm và kêu gọi “toàn thế giới đoàn kết lại để đối phó với con quái vật khủng bố”.

- Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel Al Jubeir cho rằng các hành động khủng bố “xâm phạm mọi đạo đức và tín ngưỡng”. 

- Các quốc gia vùng Vịnh khác như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Koweit, Qatar, Bahrein… đều đồng thanh lên án. 

- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: “Israel bên cạnh Tổng thống François Hollande và dân tộc Pháp trong cuộc chiến đấu chung chống lại chủ nghĩa khủng bố”.

- Ở châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “phẫn nộ” và “cực lực lên án” các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris tối qua. 

- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tố cáo một cách mạnh mẽ nhất các hành động tàn bạo này. 

- Philippines cam kết sẽ tăng cường an ninh đối với nguyên thủ các nước đến dự Thượng đỉnh APEC ở Manila tuần tới. 

- Cột ăng-ten của tòa tháp World Trade Center ở New York được xây dựng trên nền công trình cũ sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 đã được chiếu sáng với màu cờ Pháp. Tháp CN (Canadien National) khổng lồ ở trung tâm Toronto, nhà hát Opera hình con sò nổi tiếng ở Sydney… cũng sáng rực ba màu xanh, trắng, đỏ của quốc kỳ Pháp. 

- Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong các ngành nghệ thuật, thể thao đều bày tỏ tình tương thân tương ái trên các mạng xã hội.

Về hùa với các lãnh đạo các quốc gia tự do trên thế giới, CSVN cũng “làm trò” lên tiếng. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Pháp Francois Hollande, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Pháp Manuel Valls.

Đồng thời, hôm sau, 14/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CS Việt Nam Lê Hải Bình cũng lên tiếng nói:

“Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra ngày 13/11 tại Pháp khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà Chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực mà Chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng”.

Sự hấp tấp “làm trò” của Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng, cũng như mau lẹ lên tiếng của Lê Hải Bình, khiến Giáo Già nhớ ngay tới vô số trường hợp khủng bố của CSVN, trong suốt cuộc chiến “khủng bố dân Việt” của Việt Cộng, hơn 70 năm qua, đặc biệt là trong cuộc chiến xâm lăng Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt.

Giáo Già xin “bắt chước” Lê Hải Bình lên tiếng nói về chuyện Việt cộng khủng bố dân Việt, rằng: 

“Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra trên đất nước Việt Nam, không phải chỉ khiến hơn 120 người chết và 25 người bị thương như ở Paris, mà đã khiến nhiều triệu người bị thiệt mạng và bị thương. Cộng Đồng Người Quốc Gia Việt Nam xin nghiêng mình tưởng niệm những đau thương, mất mát to lớn mà dân tộc Việt Nam cũng như gia đình những nạn nhân đã phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” của dân tộc Việt Nam sớm hoàn mãn, để dân tộc Việt Nam có được tự do, dân chủ pháp trị; bọn gian ác “làm trò” như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hải Bình và những kẻ khủng bố dân tộc Việt Nam phải bị trừng trị đích đáng”. 

Để minh chứng cụ thể chuyện Việt cộng khủng bố, Giáo Già xin ghi lại đây một số trường hợp CSVN khủng bố giết hại dân Việt đã viết thành những trang sử đẫm máu đau thương của dân tộc Việt Nam:

1. Ngày Quốc Khánh 26 tháng Mười năm 1962, Việt cộng gài bom hẹn giờ tại Sài Gòn, khủng bố, khiến 7 người chết và làm bị thương 47 người.

Thi thể của hai thiếu niên trai và một người đàn ông nằm trên 
đường phố trong vụ VC tung lựu đạn trước Tòa Đô Chính Sài Gòn.

2. Ngày 23/06/1965: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn bị đặt bom làm 41 người thiệt mạng, và 80 người bị thương.


Lối đi vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh từ Bến Bạch Đằng sau khi VC giật quả mìn Claymore thứ nhì để giết hại thêm thực khách từ nhà hàng chạy lên sau vụ nổ trước. Xác người nằm vung vải quanh lối vào nhà hàng. Phần lớn số người chết là từ trái bom thứ hai nổ ngay cổng vào nhà hàng, những người bị kẹt sau khi trái bom đầu tiên phát nổ. Trong số người chết có 27 người Việt Nam, 12 người Mỹ, 1 người Đức, và 1 người Phi Luật Tân. Ảnh: Bettman / CORBRIS].

3. Ngày 30-3-1965 Việt Cộng đặt chất nổ khủng bố tại đại lộ Hàm Nghi, trung tâm Sài Gòn:


4. Ngày 5 tháng 12, 1967: Một trong những vụ VC khủng bố tồi tệ nhất gây tiếng vang lớn là cuộc thảm sát ở Dak Son tỉnh Phước Long. Người Mỹ ví nó như vụ thảm sát làng Lidice ở Tiệp Khắc dưới thời nước này bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Dak Son là một làng người Thượng với khoảng 2,000 dân. Vì ngôi làng này gần một căn cứ quân đội Mỹ và được dân làng có thiện cảm, VC căm thù muốn tiêu diệt. Hơn 300 VC trang bị 60 súng phun lửa đang đêm tấn công định thiêu sống tất cả người già trẻ lớn bé, gia súc, thực phẩm, nhà cửa… Sáng hôm sau, một cảnh hoang tàn với từng đống thây người chết cháy thành than cùng với mọi vật. Tổng cộng có 252 người chết, hai phần ba là phụ nữ và trẻ em. 200 người bị bắt đi và không bao giờ trở lại. Số người còn sống sót là vì cư trú trong các dãy nhà khác và VC đã xài cạn hết súng phun lửa.

Ấp tân sinh Đak Son bị VC dùng súng phun lửa hủy diệt - AP Photo]. 

5. Năm 1968, VC vi phạm thỏa thuận ngưng bắn Tết Mậu Thân, cho bộ đội và khủng bố tấn công khắp các tỉnh thành ở Miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Huế, khiến cho nhiều ngàn người chết và bị thương, xác người bị chúng chôn tập thể trong các hố… Các kẻ nhúng tay khủng bố được biết đích danh là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh… Chúng đã hành động vô cùng dã man như lời tường thuật được đăng trên báo Chính Luận ngày 12-4-1969 


6. Ngày 8 tháng 5, 1969, khủng bố VC đặt bom trong trụ sở Bưu Điện Sài Gòn làm 4 thường dân chết và 19 người bị thương:

Cảnh đổ nát bên trong Bưu Điện Sài Gòn do VC đặt bom ngày 8-5-1969 

7. Đến năm 1973, sau khi Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, hay gọi tắt là Hiệp định Paris, được Việt cộng ký kết ngày 27/1/1973. Nhưng sau đó VC đã tức khắc vi phạm, mở những cuộc tấn công Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trên nhiều địa phương, và tiến hành nhiều cuộc khủng bố dã man.


Điển hình là Việt cộng đã pháo kích đạn cối 82mm vào trường tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Lúc 2:55 trưa, ngày 9 tháng 3 năm 1974, đúng ngay lúc các em đang trong giờ ra chơi, giết chết 32 em học sinh và 55 học sinh khác bị thương [xem hình]. Trước đó vào năm 1972, Việt cộng khủng bố cũng đã pháo kích vào Trường Tiểu Học Cộng Đồng Song Phú, quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long (gần Chi Khu Biệt Lập Ba Càng) giết chết nhiều em học sinh thơ dại.


Trong sân Trường Tiểu học Cai Lậy có tấm bia đá kể tội ác Việt cộng đã sát hại những em học sinh vô tội. Nhưng, sau ngày 30/4/1975, VC đã đập phá, thủ tiêu chứng tích tấm bia lịch sử này. Hiện nay được biết còn 3 người là nhân chứng đã tận mắt chứng kiến cuộc pháo kích thảm sát của VC sáng ngày 9/3/1974 tại Trường Tiểu Học Cộng Đồng Cai Lậy. Chính ba người này đã đích thân bồng các em bị thương đầy máu me lên xe cứu thương chở về Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa tỉnh Định Tường cấp cứu. Cả ba người này, 2 người hiện đang sống ở Westminster, California, Hoa Kỳ; 1 người hiện sống tại Jacksonville, Florida, Hoa Kỳ. 

Như vậy, tội ác của ISIS khủng bố Paris ngày 13-11-2015 vừa qua quá nhỏ so với tội ác của Việt cộng khủng bố dân tộc Việt Nam hơn 70 năm qua, mà Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hải Bình... những kẻ thừa kế khủng bố...; và còn đang tiếp tục khủng bố tuổi trẻ đang đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam. Vậy mà bọn chúng đang được thế giới dành cho sự trọng vọng, đón nghe lời phân ưu và lời phát ngôn lếu láo…

Viết tới đây Giáo Già nhận được email của Trịnh Việt Anh kể lại Tội Ác Của Cộng Sản. Xin được ghi lại đây để cùng chiêm nghiệm.

Tội Ác Của Cộng Sản

Tội ác ghê gớm nhất của chế độ cộng sản ở Việt Nam:

- Chưa phải là chuyện bán những nhà cách mạng khả kính để kiếm tiền;

- Chưa phải là chuyện ám sát hàng loạt những nhà yêu nước không theo cộng sản;

- Chưa phải là chuyện đấu tố và giết oan hàng chục vạn người;

- Chưa phải là chuyện lừa gạt cả dân tộc vì "cách mạng" và những thứ hoang tưởng, rỗng tuếch;

- Chưa phải là chuyện nướng hàng chục vạn đến hàng triệu binh lính trong những trận đánh vô nghĩa;

- Chưa phải là chuyện đặt mìn, ném lựu đạn, pháo kích vào thành phố, bệnh viện, trường học với danh nghĩa "giải phóng miền nam";

- Chưa phải là chuyện làm tan nát cả miền nam, ở nơi đã từng đầy văn hoá, nhân bản, trù phú và bình yên;

- Chưa phải là bắt hàng chục vạn người "làm việc cho chế độ cũ" phải "học tập cải tạo" và vùi xác ở đồi hoang núi lạnh;

- Chưa phải là "đánh tư sản" để cưỡng đoạt nhà cửa, tài sản và đẩy hàng triệu người dân "chế độ cũ" lên những vùng ma thiêng nước độc;

- Chưa phải là việc dồn hàng triệu người dân đi đến chỗ đường cùng phải bỏ quê hương ra đi;

- Chưa phải là chuyện biến những người dân Việt trở nên lưu vong với số lượng khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại (và chưa hề có trong lịch sử Việt Nam);

- Chưa phải là chuyện tạo nên một mảng đen khủng khiếp trong lịch sử…

Mà là chuyện

- Biến những con người Việt Nam thành những con người không còn biết tử tế, không còn biết liêm sỉ, càng lúc càng tham lam, tàn bạo, thủ đoạn;

- Biến người Việt thành một loại người cực kỳ xấu xa trong con mắt của thế giới loài người, chỉ chuyên trộm cắp, cướp giật và làm những chuyện xấu xa mà không có một dân tộc nào sánh bằng;

- Biến xã hội Việt Nam thành xã hội suy đồi và giả dối đến mức chưa từng có từ trước tới nay trong văn hoá Việt;

- Biến nước Việt thành một nơi chất độc huỷ hoại không những đến thứ để ăn, để uống, để hít thở mà còn huỷ hoại đến tận ý chí, tinh thần và đạo làm người; một nơi không còn một chút nội lực, một nơi con người thờ ơ với hiểm hoạ diệt vong ngay trước mắt.

Chưa hết

- Cái tội ác tày trời của cộng sản Việt Nam là biến đổi ngôn ngữ Việt Nam, từ chỗ trong sáng, minh bạch đến chỗ lai căng, kỳ quặc; viết sửa lại văn thơ... Cộng sản làm chuyện bứng gốc văn hoá, con người Việt Nam. Chính những người Việt Nam không bị nhiễm độc cộng sản cũng thấy xa lạ, sợ hãi với chính người Việt của mình.

Xin cảm tạ Trịnh Việt Anh


Giáo Già

Bảy mươi năm khủng bố

Bảy mươi năm khủng bố

Trần Gia Phụng
Khi CSVN cai trị đất nước theo luật rừng, CS sử dụng khủng bố để trấn áp quần chúng, bảo vệ quyền lực. Cộng sản dùng tất cả các phương tiện để khủng bố, kể cả việc thiết lập và nuôi dưỡng các băng đảng lưu manh côn đồ làm tay sai để khủng bố dân chúng, không khác gì những tổ chức cướp bóc phi pháp, mà nổi tiếng nhất là MAFIA...
 
*
 
Vào giữa tháng 11-2015, cả thế giới xúc động về tin khủng bố tối Thứ Sáu 13-11-2015 tại các địa điểm giải trí ở Paris. Trong toàn cảnh Âu Châu thanh bình từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt năm 1945 cho đến nay, tin tức và hình ảnh khủng bố dồn dập trên truyền hình, gây xôn xao dư luận khắp nơi, kể cả ở Bắc Mỹ vì Bắc Mỹ cũng là một trong những mục tiêu mà khủng bố đã từng nhắm tới. 
 
Xem cảnh khủng bố trên truyền hình, những người Việt Nam lớn tuổi liên tưởng ngay đến những chuyện khủng bố ở quê nhà trước đây. Thảm cảnh khủng bố diễn ra khắp nơi ở Việt Nam cũng từ năm 1945; qua nhiều hình thức khác nhau, hoặc ám sát, hoặc thủ tiêu, hoặc đặt chất nổ, hoặc quăng lựu đạn, hoặc pháo kích, hoặc phá đường, giựt sập cầu cống, phá đường “rầy” xe lửa, hăm dọa tống tiền...
 
Khủng bố ở Việt Nam và khủng bố Âu Mỹ đều nhắm gây sợ hãi trong quần chúng nơi bị khủng bố, quấy phá đời sống xã hội, nhưng hai bên có những điểm khác nhau khá rõ rệt.
 
Khủng bố nội địa
 
Các cuộc khủng bố ở Âu Mỹ đều do những phần tử Hồi giáo cực đoan chủ trương, được sự hỗ trợ của những tổ chức Hồi giáo quá khích giàu có ở Trung Đông, chính yếu nhờ tài nguyên dầu hỏa. Như thế, những cuộc khủng bố ở Âu Mỹ do người nước ngoài thực hiện, đa số đến từ các nước vùng Trung Đông, hoạt động khủng bố ở những vùng, những nước không phải là quê hương của họ và dân chúng không phải là đồng bào ruột thịt của họ. Khủng bố chỉ tấn công những nước mà họ xem là địch thủ, muốn đe dọa hay trả thù như Hoa Kỳ (vụ 11-9-2001), Pháp (vụ 13-11-2015)… 
 
Khủng bố ở Việt Nam từ năm 1945 cho đến nay, hoàn toàn do đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và chế độ CSVN thực hiện. Các chế độ CS trên thế giới chủ trương đấu tranh giai cấp, tranh cướp chính quyền, vận dụng mọi nguồn tài lực chiến đấu giữ vững thành quả cách mạng, tiêu diệt tất cả những thành phần bị xem là nguy hại cho chế độ CS. 
 
Riêng tại Việt Nam, CSVN từ khi cướp được chính quyền ngày 2-9-1945 cho đến ngày nay, thường xuyên tổ chức, chỉ huy những cuộc khủng bố, ám sát chính trị, giết hại dân chúng, đồng bào trên quê hương mình. Như thế có nghĩa là chính một thành phần người Việt theo chủ nghĩa CS, khủng bố toàn dân Việt, để phát triển chủ nghĩa CS hoặc để bảo vệ chế độ CS. 
 
Đây là một loại khủng bố nội địa hiếm thấy trên thế giới. Cộng sản Việt Nam không từ bỏ bất cứ hành động dã man nào khủng bố người đồng chủng, nên CSVN cũng chính là những kẻ diệt chủng. Một nhà báo Pháp, Jean Lacouture cho rằng những chế độ độc tài bóc lột dân mình như là những nước thực dân ngoại lai, nên gọi đó là “autocolonisation”, tạm dịch là “thực dân nội địa” hay “tự thực dân”. Chế độ CSVN được sắp vào loại nầy. Nay CSVN lại thêm thành tích là “khủng bố nội địa” đối với dân Việt.
 
Mục đích khủng bố
 
Mục đích khủng bố nhắm phá hoại đời sống, gây sợ hãi, đe dọa các đối tượng mà khủng bố nhắm đến. Quân Hồi giáo quá khích đại đa số là người Ả rập, khủng bố nhắm mục đích trả thù những điều mà họ cho rằng khiêu khích tôn giáo (như vụ báo Charlie Hebdo ở Paris ngày 7-1-2015), hoặc trả thù những điều mà họ cho là những vụ án bất công đối với những người Hồi giáo, hoặc vỉ các căn cứ Hồi giáo hay các nước Hồi giáo ở Trung Đông bị tấn công. Quân khủng bố quá khích Hồi giáo còn tin rằng khi khủng bố tự sát là họ hy sinh để được đấng Allah cứu rỗi, lên thiên đường. Nói cách khác, quân Hồi giáo cực đoan khủng bố theo niềm tin tôn giáo, hy sinh cho một cuộc thánh chiến, hoặc hy sinh vì lý tưởng quốc gia Hồi giáo mà họ mong muốn xây dựng. Niềm tin tôn giáo dựa trên Hồi giáo, một tôn giáo, xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 ở Saudi Arabia, là nền tảng văn hóa của người Ả-rập ở Trung Đông. Từ nhiều thế kỷ trước, do những mâu thuẫn về chính trị, văn hóa và tôn giáo giữa người Ả-rập và người Tây phương với niềm tin Ky-tô giáo, phát sinh những tranh chấp và chiến tranh qua lại, tạo nên hận thù “truyền kiếp”, mà cho đến nay vẫn còn tồn đọng lại ở những thành phần Hồi giáo Ả-rập cực đoan. 
 
Trong khi người Ả-rập cực đoan chiến đấu, khủng bố các nước khác vì lý tưởng Ả-rập, vì tôn giáo Ả-rập, thì khủng bố ở Việt Nam do CSVN chủ trương, chỉ khủng bố, giết hại người Việt Nam vì chủ nghĩa Mác-xít ngoại lai. Chủ nghĩa Mác-xít phát xuất từ Âu Châu, là nền tảng tư tưởng của các chế độ CS ở Liên Xô và ở Trung Cộng, hoàn toàn ngược lại với văn hóa dân tộc Việt Nam. Chủ trương của các chế độ CS là độc tài toàn trị, chỉ nhắm mục đích bành trướng chủ nghĩa, thâu tóm quyền lực. Hồ Chí Minh do Liên Xô huấn luyện và tài trợ để lập đảng CS, và nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Cộng, cướp chính quyền ngày 2-9-1945. Từ đó, HCM và đảng CS luôn luôn làm tay sai cho Liên Xô và cho Trung Cộng, hành động theo mệnh lệnh của Liên Xô và Trung Cộng. Quân khủng bố CSVN hoạt động theo mệnh lệnh của đảng CSVN, vì quyền lợi của đảng CSVN và CS quốc tế mà thôi. 
 
Chuyện khủng bố ở Pháp hay ở Âu Mỹ khá hiếm hoi, lâu lâu mới xảy ra, nên khi xảy ra, liền làm cho mọi người kinh hoàng. Người Việt Nam chạm mặt hằng ngày với khủng bố từ khi đảng Cộng Sản Đông Dương, mặt trận Việt Minh (VM) do Hồ Chí Minh lãnh đạo, cướp được chính quyền ngày 2-9-1945. Khủng bố xảy ra thường xuyên “như cơm bữa”, liên tục và dày đặc khắp nước, từ năm 1945, xuyên suốt qua hai cuộc chiến 1946-1954 và 1960-1975, sau đó tiếp diễn cho đến ngày nay. 
 
Mức độ tàn ác
 
Nói chung, khủng bố bạo lực, gây thương tích, giết người, cướp sự sống của người khác đều là tàn ác. Khủng bố nào cũng tàn ác. Tuy nhiên mức độ tàn ác khủng bố của các tổ chức ở Trung Đông khác với khủng bố CSVN.
 
Ví dụ rõ nét nhứt là trong chiến tranh, khủng bố Hồi giáo quá khích thi hành án tử hình nạn nhân bằng cách chặt đầu, làm cho nạn nhân nhanh chóng chết liền tại chỗ. Trái lại, trong hoàn cảnh không có chiến tranh, chỉ do Cải cách ruộng đất, CSVN chôn nạn nhân xuống tận cổ, chừa cái đầu ở trên mặt đất, rồi buộc nông dân kéo bừa qua lại, răng bừa móc miệng, móc mắt, móc đầu nạn nhân đau đớn cho đến chết. Hoặc CSVN cho dìm nước nạn nhân, sặc sụa rồi kéo lên, cho tỉnh lại, xong rồi dìm xuống nước trở lại. Sau nhiều lần chết đi sống lại, nạn nhân mới chết. Thảm cảnh CCRĐ không sách vở nào tả hết được. 
 
Sau những cái chết bi thảm vì khủng bố thời Cải cách ruộng đất, đến thời kỳ Mậu Thân Huế đầu năm 1968. Cộng sản tùng xẻo nạn nhân Từ Tôn Kháng cho đến chết ở Gia Hội. (Nguyễn Lý Tưởng, “Mậu Thân ở Huế”, đăng trong tuyển tập Thảm sát Mậu Thân ở Huế, Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại, California 1998, tr. 89.) Còn chuyện chôn sống là chuyện rõ ràng trong biến cố Mậu Thân ở Huế, không cần chứng minh. 
 
Trước Mậu Thân hơn 20 năm, tại Quảng Ngãi cũng xảy ra chuyện CS tùng xẻo, chôn sống năm 1945 mà lúc đó ít người biết. Riêng trong ba tuần lễ kể từ 19-8-1945 tại Quảng Ngãi, VM giết hại 2,791 người vừa chức sắc, chức việc, tín hữu đạo Cao Đài, kể cả phụ nữ, trẻ em và giết bằng nhiều cách như chém đầu, chôn sống, thả biển, và tùng xẻo như thời Trung cổ. (Theo Bạch thư Cao Đài Giáo ngày 9-9-1999, do vị đại diện đạo Cao Đài là Ngọc Sách Thanh, từ San Bernadino, California, gởi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Ủy Ban Quốc tế Nhân Quyền.)
 
Phải nói rằng CSVN khát máu và giết hại người Việt đồng chủng một cách tàn bạo, dã man không thể tưởng tượng nổi. Mức độ khủng bố tàn ác khiếp đảm đến nỗi, có lần nhà văn Nguyễn Tuân vừa khóc, vừa tâm sự với anh em văn nghệ sĩ: “Tao còn sống đến bây giờ là còn biết sợ.” (Nhiều tác giả, tuyển tập Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, Nxb. Lê Trần, California, 1990, tr. 79.)
 
Hãy nghe Tố Hữu, một nhân vật cộng sản cấp Bộ chính trị trung ương đảng, kêu gọi cán bộ CS:
 
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng.
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt.”
 
Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ”, thật khát máu còn hơn lời kêu gọi của các lãnh tụ Hồi giáo khủng bố hô hào trong các video do quân khủng bố phát tán. Hơn nữa, giết đồng bào Việt Nam không gớm tay chỉ để “Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt.” Thật là hết nước nói!
 
Mục tiêu khủng bố
 
Những cuộc đánh bom, đặt chất nổ của nhóm quá khích Hồi giáo nhắm mục đích trả thù hoặc gây sợ hãi nơi các nước địch thủ, không có chủ đích giết riêng một người nào, nhất là trẻ em và phụ nữ. Ngược lại, CSVN có chủ đích rõ ràng theo từng giai đoạn khi khủng bố.
 
Lúc mới nắm được quyền lực năm 1945, CSVN tìm giết những lãnh tụ chính trị trên toàn quốc không theo CS, khiến những lãnh tụ khác sợ hãi phải trốn tránh hoặc bỏ ra nước ngoài, để CSVN độc quyền chính trị. Ở các địa phương từ tỉnh, xuống huyện, xã, CS khủng bố và giết hại một cách bừa bãi và dễ dàng tất cả mọi người, chỉ cần quy chụp là Việt gian, tay sai thực dân Pháp là giết ngay. Rất nhiều chuyện khủng bố ngoài trí tưởng tượng của người đời nay, kể lại có thể có người không tin. Số người bị CS khủng bố giết lúc đó tổng cộng trên toàn quốc lúc đó có thể lên đến trên 200,000 người. 
 
Sau năm 1954, cai trị đất Bắc, CS khủng bố bằng những kế hoạch đổi tiền, công tư hợp doanh ở thành phố, và Cải cách ruộng đất ở nông thôn. Cuộc CCRĐ lần nầy giết hại khoảng 172,000 người, chưa kể thảm cảnh của gia đình nạn nhân. Sau cuộc CCRĐ, nông thôn Bắc Việt Nam hoàn toàn bình lặng và thần phục mệnh lệnh của CSVN, để CSVN tấn công Nam Việt Nam.
 
Ở Nam Việt Nam, sau năm 1954, CSVN tiếp tục ứng dụng các phương pháp khủng bố giống thời kỳ trước năm 1954, như ám sát, đặt chất nổ, phá đường, đắp mô, giựt sập cầu cống, quăng lựu đạn, tấn công các đồn bót nhỏ lẻ tẻ, bắn sẻ và đặc biệt có một loại khủng bố mới là pháo kích vào các thành phố.
 
Trong chiến tranh, pháo kích và đặt chất nổ tấn công địch thủ là chuyện thường xảy ra. Cộng sản pháo kích và đặt chất nổ các căn cứ quân sự Hoa Kỳ cũng là chuyện bình thường, nhưng ít hơn các cuộc khủng bố dân Việt. Hầu như tất cả các thành phố Nam Việt Nam đều bị pháo kích và hầu như người dân Nam Việt Nam nào cũng từng có lần nghe tiếng đạn pháo kích vào thành phố. Ngoài các các căn cứ quân sự, các nơi đóng quân, CSVN còn cố tình pháo kích vào các bệnh viện, các trường học, các khu dân cư để đe dọa dân chúng. 
 
Tháng 1-1972, CSVN đặt chất đổ tại Trại họp bạn đầu năm của học sinh các trường Quy Nhơn tại Sân vận động thành phố, giết hại nhiều giáo sư và học sinh tập họp vui chơi đón Tết. Rồi tháng 3-1974, CSVN pháo kích Trường Tiểu học Cai Lậy vào buổi sáng, trong giờ học, giết hại 33 học sinh và làm bị thương 55 học sinh. Đặt chất nổ trong lúc học sinh cắm trại trong sân vận động, hoặc pháo kích ban ngày vào trường học trong giờ học, không thể nói là lầm lẫn mà rõ ràng là một vụ khủng bố cố ý đánh vào học sinh. Những học sinh non trẻ tội tình gì mà CS khủng bố, giết hại?
 
Khủng bố Trường Tiểu học Cai Lậy ngày 9-3-1974
 
Người Việt Nam, nhất là người miền Trung không bao giờ quên chuyện CSVN khủng bố thường dân trong Tết Mậu Thân ở Huế, tùng xẻo người sống ở Gia Hội, bắt giết các tu sĩ, các giáo sư bác sĩ ngoại quốc đến dạy Đại học Y khoa Huế, chôn sống nạn nhân trong các nấm mồ tập thể...
 
Do hoàn cảnh chính trị thế giới, cuối cùng chiến tranh chấm dứt ngày 30-4-1975, nghiêng thắng lợi về phía CSVN, mà một thượng nghị sĩ Mỹ, ông John Mc Cain (đảng Cộng Hòa, Arizona), đã phát biểu tại Sài Gòn ngày 29-4-2000 rằng “những kẻ xấu đã thắng cuộc chiến Việt Nam”. (Nguyên văn: "wrong guys" had won the Vietnam War...) (Los Angeles Times, April 29, 2000, David Lamb, Times Staff Writer, “'Wrong Guys' Won War, McCain Tells His Stunned Vietnamese Hosts”.) 
 
Khủng bố tập thể
 
Sau năm 1975, dân chúng Việt Nam tưởng rằng nạn khủng bố đã qua, nay có thể sống một cách thanh bình, thoải mái làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, chế độ CS vẫn không để yên, tiếp tục chính sách khủng bố, mà lần nầy xuất hiện một hình thức khủng bố mới là “khủng bố tập thể”, tức không chỉ khủng bố cá nhân như trước, mà khủng bố thường trực toàn bộ dân chúng miền Nam Việt Nam.
 
Đầu tiên, nhà nước CS phỉnh phờ những công chức, sĩ quan chế độ cũ đi học tập cải tạo từ một tuần đến một tháng, nhưng rồi bắt giam vô thời hạn trong các trại tập trung trên rừng thiêng nước độc, không biết ngày về. Cộng sản vừa muốn giải tán hệ thống tổ chức của chế độ cũ, vừa khủng bố nặng nề tinh thần công chức, sĩ quan chế độ cũ, và khủng bố tinh thần gia đình công chức và sĩ quan, răn đe mọi người hãy ở yên, không được vọng động, phải thi hành mệnh lệnh của nhà cầm quyền CS, thì thân nhân mới được sớm về đoàn tụ gia đình, nếu không thân nhân sẽ đi học tập vô thời hạn. Giam người trong tù chẳng những để khủng bố tù nhân mà còn để khủng bố thân nhân.
 
Cách khủng bố tập thể thứ hai của CSVN là khủng bố kinh tế bằng các chiến dịch đánh tư sản mại bản (comprador) là những nhà kinh doanh lớn buôn bán với ngước ngoài (xuất nhập cảng), rồi đánh tư sản dân tộc, đến tiểu tư sản, tịch thu tài sản, nhà cửa. Song song với việc đánh tư sản, CSVN ra lệnh đổi tiền ngày 22-9-2975, 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi được 1 đồng mới, và mỗi gia đình chỉ đổi được 200 đồng mới. Cũng là một hình thức khủng bố tài chánh. (Sau đó, CSVN đổi tiền lần thứ hai ngày 3-5-1978, và lần thứ ba ngày 14-9-1985.) 
 
Trong khi đó, CS đưa ra chương trình kinh tế mới, buộc gia đình có thân nhân học tập cải tạo đi kinh tế mới với lời hứa hẹn là đi kinh tế mới thì thân nhân sẽ về đoàn tụ gia đình sớm. Vì thương con, thương chồng, nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa ở thành phố, đến lập nghiệp ở những vùng hoang dã, tự lo sản xuất để sinh sống, trong khi CS cướp nhà của họ ở thành phố. 
 
Kế hoạch khủng bố tập thể còn được thực hiện dưới chủ trương chính sách kinh tế chỉ huy, ngăn sông cấm chợ, ai ở đâu chỉ được mua bán tại chỗ và tất cả đều phải vào Hợp tác xã do nhà nước quản lý và phân phối hàng hóa bằng tem phiếu. Bất cứ cá nhân nào muốn mua gì đều phải xin tem phiếu của nhà cầm quyền mới được mua. Trong đời sống, cứ vài ngày, công an khu vực đến thăm nhà dân một lần, dò hỏi đủ thứ việc, kể cả chuyện ăn uống trong gia đình để dò xem mức độ giàu có của mỗi gia đình. Công an khu vực thường xuyên dòm ngó gây phiền hà và làm cho dân chúng lo ngại không ít, là một thứ khủng bố tinh thần mới xảy ra với người Việt khi CS cầm quyền. 
 
Cuộc khủng bố tập thể trên đây đã làm cho Việt Nam suy sụp, đưa đến nguy cơ chính đảng CSVN cũng bị sụp đổ, nên sau 10 năm khủng bố, CSVN thay đổi sách lược, bắt đầu cởi trói kinh tế, quay lại chính sách kinh tế thị trường, nhưng theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, CSVN vẫn không từ bỏ chủ trương khủng bố để bảo vệ chế độ đảng trị toàn trị.
 
Khủng bố lòng yêu nước
 
Trong thời gian chiến tranh, Hồ Chí Minh và CSVN cầu khẩn Trung Cộng viện trợ. Sau năm 1975, CSVN muốn trốn nợ Trung Cộng và thân thiện hơn với Liên Xô. Tuy nhiên, khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, CSVN phải quay qua cầu cứu Trung Cộng và càng ngày càng lệ thuộc Bắc Kinh.
 
Dân tộc Việt Nam vốn yêu nước và có tinh thần chống ngoại xâm, rất lo ngại một thời kỳ Hán thuộc mới trên đất nước chúng ta. Những cuộc mít-tinh hay biểu tình chống Trung Cộng bắt đầu diễn ra, và đều bị nhà cầm quyền CS chận đứng. 
 
Nhà nước CSVN bắt giam ngay tất cả những ai biểu lộ thái độ chống Trung Cộng, mở đầu là luật sư Lê Chí Quang. Tháng 10-2001, luật sư Quang phổ biến bài viết “Hãy cảnh giác với Bắc triều”, chỉ trích nhà nước CS nhượng bộ Trung Cộng trong các hiệp ước về biên giới và lãnh hải, liền bị bị bắt ngày 21-2-2002 vì bị vu cáo tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, và bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản thúc.
 
Từ đây, càng ngày càng diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống đối Trung Cộng. Tất cả cuộc tập họp lớn nhỏ, tất cả những ai viết báo, viết blog, dù hoạt động ôn hòa, bất bạo động, mà tỏ ý chống Trung Cộng, đều bị CSVN hành hung và bắt giam ngay. 
 
Nổi tiếng trong nhóm nầy là vụ nhà báo Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị bắt năm 2008, blogger Tạ Phong Tần, chủ blog “Công lý và Sự thật”, bị bắt năm 2011. Điều đáng nói thêm ở đây là thân mẫu bà Tạ Phong Tần là Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu ngày 30-7-2012 để phản đối nhà nước CSVN đã bắt giam trái phép con bà.
 
Trước và sau Điếu Cày, Tạ Phong Tần còn nhiều vụ đối kháng chống nhà cầm quyền CSVN làm tay sai cho Trung Cộng. Danh sách đưa ra sẽ khá dài. Ở đây chỉ xin nhắc lại vụ sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên bị kết án tại phiên tòa Long An ngày 16-5-2013 chỉ vì sinh viên trẻ tuổi nầy đã dùng máu của mình viết hai câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” và “Đảng cộng sản chết đi”. Ngoài ra cũng không thể quên một cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc vào tháng 5-2014, đã bị đàn áp mạnh mẽ vì gây thiệt hại nặng cho các công ty Trung Cộng và một số công ty bị hiểu lầm là của Trung Cộng.
 
Như thế, chỉ vì muốn chạy theo Trung Cộng để bảo vệ quyền lực, CSVN quyết tâm tiêu diệt lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Tiêu diệt lòng yêu nước là một tội khủng bố phản quốc chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ. Hãy thử tưởng tượng, một dân tộc không còn lòng yêu nước sẽ chắc chắn là một dân tộc bạc nhược, mất gốc và dần dần tiêu vong!
 
Khủng bố những hoạt động bất bạo động
 
Việt Nam là một nước tham nhũng nổi tiếng trên thế giới. Tham nhũng trong tất cả các ngành nghề, và đặc biệt có một loại tham nhũng gây ồn áo nhứt là chuyện cướp đất, cướp nhà thường xuyên xảy ra khắp nước. Dân oan bị cướp nhà cướp đất đi khiếu nại kiện tụng (khiếu kiện), chẳng những không được nhà cầm quyền CS xét xử, mà còn bị CS khủng bố bằng nhiều cách, nhất là cho côn đồ tấn lưu manh công đánh đập những người khiếu kiện. 
 
Trước tình cảnh nầy, nhiều người cảm thấy nhân quyền và dân quyền bị xúc phạm nặng nề liền lên tiếng trình bày sự thật trên các blog, trên facbook, trên Internet, và từ đó đòi hỏi công lý, tự do, dân chủ, cũng bị khủng bố tiếp. Danh sách những nhà hoạt động dân chủ bất bạo động bị đàn áp càng ngày càng nhiều, và điều đặc biệt là càng bị khủng bố đàn áp, thì càng có nhiều người tham gia hoạt động bất bạo động đòi hỏi dân chủ tự do. Hoạt động bất bạo động bị khủng bố đến độ những công tác từ thiện, cứu trợ cho dân nghèo bị lụt lội, bão tố cũng bị đàn áp luôn.
 
Nhà cầm quyền CS khủng bố càng ngày càng nặng tay, đánh đập những người bị bắt tạm giam đưa đến nhiều cái chết thương tâm. Có tài liệu ghi nhận rằng trong các năm gần đây, có trên 20 trường hợp bị bắt vào đồn công an thì “vào sinh ra tử” (vào sống ra chết). 
 
Trường hợp mới nhất lại càng đặc biệt hơn nữa là trường hợp em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi bị công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội bắt giam vì nghi ngờ trộm cắp khoảng 1,5 triệu đồng Việt Nam (khoảng 70 USD). Em bị giữ ở trại giam số 3 và bị đánh đến chết ngày 10-10-2015. Đặc biệt là vì ngày 3-11-2015, hai luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam đến nhà mẹ của nạn nhân là bà Đô Thị Mai ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để thảo luận về việc bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân. Khi ra về, hai luật sư bị 8 tên côn đồ chận đường, hành hung, gây thương tích khá nặng. Điều nầy chứng tỏ nhà nước CS không đủ khả năng giải quyết nên phải nhờ bọn du côn lưu manh hành hung ngăn cản luật sư. 
 
Kết luận
 
So sánh khủng bố của nhóm cực đoan Hồi giáo và khủng bố của CSVN, khác biệt căn bản là: một bên là khủng bố quốc tế và một bên là khủng bố nội địa. Khủng bố quốc tế tấn công ở những nước mà họ cho là thù nghịch; trong khi khủng bố nội địa lại giết hại những người đồng chủng ở trong nước.
 
Chế độ CSVN là một chế độ độc tài toàn trị, là một thứ tự thực dân trên quê hương Việt Nam. Người Việt liên tục đứng lên đòi hỏi công lý, tự do dân chủ, chống lại chuyện làm tay sai cho ngoại bang. Chế độ CSVN có hiến pháp, có pháp luật, nhưng điều 4 Hiến pháp 1992, quy định rằng đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; nghĩa là đảng CSVN không cai trị theo hiến pháp và pháp luật mà cai trị theo nghị quyết của đảng CS, theo ý muốn từng giai đoạn của đảng, tức CS đánh võ tự do trong luật pháp, hay đánh võ rừng, theo luật rừng. 
 
Khi CSVN cai trị đất nước theo luật rừng, CS sử dụng khủng bố để trấn áp quần chúng, bảo vệ quyền lực. Cộng sản dùng tất cả các phương tiện để khủng bố, kể cả việc thiết lập và nuôi dưỡng các băng đảng lưu manh côn đồ làm tay sai để khủng bố dân chúng, không khác gì những tổ chức cướp bóc phi pháp, mà nổi tiếng nhất là MAFIA.
 
Vì chỉ khủng bố nội địa, người Việt khủng bố người Việt, nên khủng bố CSVN ít bị quốc tế chú ý hay lên án, vì chẳng liên quan đến họ hay đến quyền lợi của họ. Và cứ thế, tính đến nay, người Việt Nam trải qua 70 năm trường kỳ khủng bố (1945-2015). Chưa hết đâu, Việt Nam còn CS thì chắc chắn còn khủng bố.
 
(Toronto, 22-11-2015)
 
Trần Gia Phụng