Lịch sử ít được biết đến về biểu tượng Swastika (卐)
Phạm Việt
Hưng
Người Việt gọi hai biểu tượng này bằng hai tên gọi khác nhau, nhưng
người Tây phương đều gọi là Swastika, vì cả hai có hình thức bề ngoài hoàn toàn
giống nhau.
Rất nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao chữ Vạn của Phật
giáo lại có hình thức trùng lặp với “chữ thập ngoặc” của Đức quốc xã. Gọi là
“chữ”, nhưng thực ra cả hai đều là những biểu tượng. Người Việt gọi hai biểu
tượng này bằng hai tên gọi khác nhau, nhưng người Tây phương đều gọi là
Swastika, vì cả hai có hình thức bề ngoài hoàn toàn giống nhau.
Một số tài liệu Phật giáo, thậm chí cả một số Bách khoa toàn thư,
đã cố gắng chứng minh rằng hai biểu tượng này có hình dạng khác nhau – khác nhau
về chiều quay và khác nhau về tư thế thẳng đứng hoặc nghiêng: Chữ Vạn quay thuận
chiều, “chữ thập ngoặc” quay ngược chiều; Chữ Vạn thẳng đứng, “chữ thập ngoặc”
đổ nghiêng. Nhưng thực tế không đúng như thế: Chữ “Vạn” của Phật giáo sử dụng cả
hai chiều quay trái ngược nhau, “chữ thập ngoặc” của Đức quốc xã sử dụng cả hình
đứng lẫn hình nghiêng. Tóm lại về hình thức bề ngoài, hai biểu tượng này hoàn
toàn giống nhau. Vì thế, cần tìm hiểu vì sao có sự “trùng lặp” khó hiểu như vậy.
Tuy nhiên, tìm hiểu lịch sử của Swastika chúng ta sẽ thấy rằng:
●
Swastika đã xuất hiện từ thời cổ đại, ngay từ đầu nó không chỉ là biểu tượng của
riêng Phật giáo, mà là biểu tượng của rất nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác
nhau.
●
Swastika của Đức quốc xã hoàn toàn không liên quan gì đến chữ Vạn của Phật giáo,
mà chỉ liên quan đến Swastika của người Aryan.
Vậy để tránh nhầm lẫn, bài viết này sẽ sử dụng tên gọi chung của
biểu tượng này là Swastika. Chữ Vạn sẽ chỉ được dùng khi đề cập đến Swastika của
Phật giáo.
Vậy Swastika có xuất xứ từ đâu? Ý nghĩa nguyên thuỷ của nó là gì?
Người Aryan là ai? Tại sao Hitler lại sử dụng Swastika của người Aryan? Đó là
những câu hỏi cần được trả lời.
PHẦN I: TỪ SWASTIKA ĐẾN
ARYAN
I.1-Hành trình và ý nghĩa nguyên thuỷ của
Swastika
Swastika là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất mà loài người đã
sử dụng. Nó đã được phát hiện trên những di chỉ khảo cổ có độ tuổi ít nhất hơn
3000 năm tại khu vực thung lũng nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris và một
số vùng trong thung lũng Indus. Swastika cũng xuất hiện trên các bình gốm và
những đồng xu cổ trên đống đổ nát của thành T’roa (Troy), chứng tỏ nó đã được sử
dụng ít nhất từ 1000 năm trước C.N.
Mặc dù chưa ai vẽ ra được một “lộ trình di cư” chính xác của
Swastika qua các thời đại, nhưng có thể biết chắc chắn rằng trải qua hàng ngàn
năm, Swastika đã có mặt ở hầu khắp các lục địa Á, Âu, Mỹ. Vì thế, Swastika có
rất nhiều tên gọi khác nhau. Tiếng Hán gọi là “wan” (Vạn), tiếng HyLạp –
tetraskelion, tiếng Pháp – croix gammé, tiếng Anh – fylfot, tiếng Đức –
hakenkreuz, tiếng Ý – croce uncinata, v.v… Nhưng tên gọi phổ biến nhất vẫn là
swastika, bắt nguồn từ chữ svastika (đọc là suastika) trong tiếng Sanscrit –
ngôn ngữ cổ Ấn Độ.
Trong tiếng Sanscrit: Sv, đọc là su, có nghĩa là tốt lành (good,
well); asti có nghĩa là tồn tại (to be); ka là một tiếp vĩ ngữ thể hiện một sự
vật hay sự việc nào đó. Vậy swastika là một sự vật hay một sự việc tồn tại tốt
lành, hoặc có trạng thái tốt lành (well-being).
Charles Messenger trong cuốn “Lịch sử Thế Chiến II bằng hình” (The
Pictorial History of World War II) nói rằng Swastika thể hiện sự phồn thịnh
(prosperity) và sáng tạo (creativity).
Swastika trong nghệ thuật của người Hindu có các dấu chấm trong các
cung phần tư, nhưng Swastika của Hindu giáo (Ấn Độ giáo) không có những dấu chấm
này.
Phật giáo là nơi khởi nguồn của biểu tượng Swastika tại Châu Á.
Trong các kinh Phật, Swastika thường xuất hiện ngay ở phần mở đầu. Trong tiếng
Hán, chữ Vạn (wan) biểu thị cái bao trùm tất cả (all) và sự vĩnh hằng
(eternity).
Cuốn “Phật Học Quần Nghi” xuất bản tại Đài Loan viết:
Theo truyền thuyết cổ Ấn Độ, phàm là thánh vương chuyển luân cai
trị thế giới đều có 32 tướng tốt. Phật là một thánh vương trong Pháp nên cũng có
32 tướng tốt. Điều này được ghi trong kinh Kim Cương Bát Nhã. Chữ Vạn là một
trong 32 tướng tốt của Phật. Theo kinh Trưòng A Hàm thì đó là tướng tốt thứ 16
nằm trước ngực của Phật.
Tại Nhật Bản, chữ Vạn của Phật giáo được gọi là manji, thể hiện
Dharma – sự hài hoà và cân bằng âm dương trong vũ trụ (giống tư tưởng của Dịch
và Lão học) – trong đó manji quay trái được gọi là một omote manji, thể hiện
tình yêu và lòng nhân từ, khoan dung; manji quay phải được gọi là ura manji, thể
hiện sức mạnh và trí thông minh.
Tại Nam Âu, khu vực tiếp giáp với châu Á, dấu vết Swastika cũng đã
được tìm thấy trong các công trình kiến trúc thuộc nền văn hoá Byzantine – nền
văn hoá thuộc khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải kéo dài từ thế kỷ thứ 7 trước CN
đến tận thời trung cổ.
Dấu vết Swastika cũng xuất hiện trong các đền đài thuộc nền văn hoá
Celtic (đọc là Seltic hoặc Keltic) – nền văn hoá đậm nét Âu châu phi Địa Trung
Hải, có xuất xứ từ Tây và Trung Âu từ khoảng 1000 năm trước CN kéo dài mãi đến
nhiều thế kỷ sau CN, ảnh hưởng sâu rộng khắp Âu châu. Chủ nhân của nền văn hoá
này là người Celt – người nói tiếng Celtic – những người nổi tiếng thông minh,
yêu tự do, dũng cảm trong chiến đấu.
Cần đặc biệt chú ý rằng ngôn ngữ Celtic là một bộ phận của một nhóm
ngôn ngữ rộng lớn hơn được gọi là ngôn ngữ Aryan hoặc ngôn ngữ Ấn-Âu. Vậy ngôn
ngữ Aryan và ngôn ngữ Ấn-Âu là gì?
I.2-Ngôn ngữ Aryan và người Aryan:
Những người ít quan tâm đến ngôn ngữ học có thể sẽ rất ngạc nhiên
khi biết rằng hầu hết các thứ tiếng Âu châu ngày nay hoá ra lại có chung một
thuỷ tổ với tiếng Hindi (tiếng Ấn Độ).
Thuỷ tổ ấy là ngôn ngữ Aryan, hoặc ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European
languages) – ngôn ngữ của những cư dân sinh sống từ xa xưa trên vùng cao nguyên
Iran ở Nam Á, giữa vùng biển Caspian và vùng núi Hindu Kush ngày nay. Những cư
dân này tự gọi mình là người Aryan.
Vào khoảng 1500 năm trước CN, người Aryan đã xâm chiếm vùng tây bắc
Ấn Độ. Họ mang theo một nhánh ngôn ngữ của họ đến đó, và trong suốt 1000 năm đầu
tiên tại Ấn, họ đã hoàn thiện ngôn ngữ này đến mức đã tìm ra cách để biểu thị
bằng chữ viết. Đó chính là ngôn ngữ Sanskrit mà ngày nay ta gọi là tiếng Ấn Độ
cổ. Tiếng Hindi, ngôn ngữ chính của Ấn Độ ngày nay, cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ
Sanskrit. Chính nhờ các văn bản cổ viết bằng tiếng Sanskrit vẫn còn được lưu giữ
trong các di tích tôn giáo và văn hoá của người Hindu nên ngày nay chúng ta mới
biết được lịch sử của người Aryan. Những văn bản này mô tả người Aryan có nước
da sáng mầu (fair-skinned), có máu mê chiến tranh (warlike), và bản thân chữ
Aryan trong tiếng Sanskrit có nghĩa là người phú quý (nobleman) hoặc chúa tể đất
đai (lords of land)!
Một nhánh khác của người Aryan đã di cư sang xâm chiếm Âu châu và
truyền bá ngôn ngữ của họ ở đó. Vì thế ngôn ngữ của phần lớn người Âu châu ngày
nay rất giống nhau – thực ra hầu hết người Âu đều nói một thứ ngôn ngữ có nguồn
gốc Aryan (trừ tiếng Thổ, Hung, xứ Basques, Phần Lan, LátVia, Estonia, và một
vài nhóm nhỏ ở Nga).
Vì
thế ngôn ngữ Aryan được gọi là ngôn ngữ Ấn-Âu, người Aryan được gọi là người
Ấn-Âu tiền sử (proto-Indo-European). Người Ấn ở miền bắc Ấn Độ còn được gọi là
người Ấn-Âu. Họ cao lớn, nước da sáng mầu, trong khi người Ấn ở miền nam có
nguồn gốc Dravidian, với vóc dáng nhỏ bé hơn, và nước da tối mầu
hơn.
Việc khám phá ra ngôn ngữ Aryan vào những năm 1790 được coi là một
trong những khám phá vĩ đại nhất của ngôn ngữ học. Người Âu châu thời đó đã sửng
sốt khi biết rằng không chỉ các dân tộc ở Âu châu, mà ngay cả một xứ “xa tít mù
tắp” vào thời đó như Bắc Ấn, hoá ra cũng có chung một nguồn gốc ngôn ngữ với họ,
thậm chí chung một tổ tiên với họ. Từ đó, các nhà khảo cổ học lao vào nghiên cứu
mối liên hệ giữa người Âu châu tiền sử với người Aryan cổ đại.
Trong bài “Lịch sử lần theo chữ Vạn” (đã dẫn), tôi đã đặt dấu hỏi:
“Dân tộc Iran ngày nay và người Aryan xưa kia có liên hệ gì với nhau không? Về
mặt âm ngữ, hai từ Iran và Aryan rất giống nhau. Về mặt lịch sử, chẳng lẽ người
Aryan đi chinh phục Ấn Độ và Âu châu hết mà không để lại một chi nhánh nào của
dòng họ ở nơi xuất xứ là cao nguyên Iran hay sao?”.
Và
tôi đã tìm thấy câu trả lời. Bách khoa toàn thư Wikipedia viết: “Vào khoảng nửa
đầu của thiên niên kỷ thứ nhất trước CN, người Aryan đã có mặt trên cao nguyên
Iran và tiểu lục địa Ấn Độ. Thực ra, thuật ngữ Iran là kết quả của thuật ngữ
Ariana (Airyana) có nghĩa là xứ sở của người Aryan. Nhóm ngôn ngữ Aryan có hai
nhánh chủ yếu: Ngôn ngữ Sanskrit và ngôn ngữ cổ-Iran… trong tiếng Ba-Tư thời
trung cổ, chúng ta thấy chữ Ariana được gọi là Eran, và cuối cùng trong tiếng
Ba-Tư hiện đại, được gọi là Iran”.
Nhà triết học nổi tiếng Hegel từng viết trong cuốn Triết học Lịch
sử (The Philosophy of history) rằng: “Lịch sử của loài người bắt đầu từ lịch sử
của Iran”. Các di chỉ khảo cổ tại Tây Nam Á cho thấy nền văn minh Iran có trước
nền văn minh Ai Cập quãng 3000 năm, khởi đầu ít nhất từ 12.000 năm trước
đây.
Tóm lại, người Aryan một phần đã chinh phục Bắc Ấn, một phần ở lại
Iran, và một phần đã di cư sang Âu châu và chinh phục hầu khắp Âu châu, lai tạp
với cư dân bản địa Âu châu cổ đại để dần dà trở thành người Âu Mỹ như ngày
nay.
Tuy nhiên, khái niệm “người Aryan” dần dần đã bị những kẻ theo chủ
nghĩa dân tộc biến tướng thành khái niệm “chủng tộc Aryan”, từ đó dẫn tới những
hậu quả chính trị xã hội vô cùng tệ hại.
I.3-Về cái gọi là “chủng tộc Aryan”:
Như độc giả đã thấy, các văn bản đã cổ gắng mô tả người Aryan là
những người có những “ưu điểm vượt trội”: những người “phú quý” hoặc “chúa tể
đất đai”! Trong thực tế, người Aryan đã chinh phục một dải đất vô cùng rộng lớn
từ Á sang Âu!
“Thành tích vượt trội” của người Aryan đã làm nức lòng những kẻ
theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Trong con mắt của
họ, “người Aryan” đồng nghĩa với “chủng tộc Aryan” (Aryan race) – một “chủng tộc
ưu tú hơn” (superior race) so với bất kỳ chủng tộc nào khác. Ngay từ thời đó, tư
tưởng này đã bị phê phán. Nhà Sanskrit học lỗi lạc Max Muller từng nhấn mạnh:
“Khi tôi nói đến chữ Aryan, tôi không hề có ý định đề cập đến những khái niệm
liên quan đến hộp sọ”. Nói cách khác, theo những tiêu chuẩn của chủng tộc học,
không hề có cái gọi là “chủng tộc Aryan”, mà chỉ có người Aryan mà thôi. Nhưng
bất chấp mọi giải thích, những kẻ có đầu óc dân tộc tiếp tục truyền bá khái niệm
“chủng tộc Aryan” như một sự thật lịch sử và khoa học.
Đến những năm 1920, chủ nghĩa quốc xã Đức đã nâng lý thuyết “chủng
tộc Aryan lên đến mức cực kỳ phản động: “Chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng
đẳng (master race) có quyền thống trị thế giới”. Lý thuyết này dựa trên nền tảng
của một học thuyết được coi là “khoa học” vào thời đó: Học thuyết Đác-uyn-xã-hội
(Social-Darwinist Ideology) – một học thuyết chủ trương áp dụng nguyên lý đấu
tranh sinh tồn của Darwin vào trong xã hội loài người.
Nhưng tại sao Đức quốc xã lại chọn Swastika làm biểu tượng của
chúng?
Trước khi biết rõ bối cảnh nào đã dẫn Hitler tới chỗ đích thân hắn
chọn Swastika làm biểu tượng cho đảng quốc xã, đọc giả cần biết rõ sự kiện sau
đây:
Cuối thế kỷ 19, nhà khảo cổ học nổi tiếng Heinrich Schliemann,
người đã khám phá ra Swastika trên đống đổ nát của thành T’roa, trong một công
trình nghiên cứu công phu kết hợp khảo cổ học với Sanscrit học, đã đi đến một
kết luận vô cùng quan trọng rằng Swastika là một biểu tượng đặc trưng Ấn-Âu. Nói
cách khác:
Swastika là biểu tượng đặc trưng của người Aryan!
PHẦN II –TỪ HỌC THUYẾT BỆNH HOẠN
ĐẾN SWASTIKA CỦA QUỶ DỮ
Lý
thuyết “chủng tộc thượng đẳng” (master race) của chủ nghĩa quốc xã (nazism) là
một quái thai trong lịch sử loài người, nhưng quái thai ấy không phải là một
hiện tượng ngẫu nhiên. Nó là con đẻ của một “bà mẹ bệnh hoạn” – Học thuyết
Đác-uyn-xã-hội (Social-Darwinist Ideology) – và một “ông bố điên rồ” – Tư tưởng
phục thù (Feeling of Revenge) trong xã hội Đức sau Thế Chiến I.
Khi đã có Học thuyết Đác-uyn-xã-hội làm cơ sở “khoa học” để suy tôn
“chủng tộc Đức” thành “chủng tộc thượng đẳng có quyền thống trị thế giới”, chủ
nghĩa quốc xã chỉ còn thiếu một lá cờ với biểu tượng thích hợp. Nhưng đích thân
Hitler đã tìm thấy biểu tượng đó: Swastika của người Aryan!
Vậy trước hết hãy tìm hiểu xem Học thuyết Đác-uyn-xã-hội là
gì?
II.1-Học thuyết Đác-uyn-xã-hội:
Học thuyết Đác-uyn-xã-hội là lý thuyết cho rằng xã hội loài người
tiến hoá thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, trong đó chủng tộc nào thông
minh hơn, khoẻ mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có
quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ
bị đào thải. Đây là kết quả của việc áp dụng một cách máy móc Thuyết tiến hoá
của Darwin vào trong xã hội loài người.
Không phải ngẫu nhiên mà có sự áp dụng máy móc đó. Đây là hệ quả
của việc áp dụng tràn lan chủ nghĩa thực chứng (positivism) vào trong xã hội
học.
Chủ nghĩa thực chứng do Auguste Comte (1798-1887) nêu lên từ những
thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19, trong đó cho rằng một hệ thống lý thuyết chỉ trở
thành khoa học thực sự khi nó có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm trong thực
tế.
Với thắng lợi trong khoa học tự nhiên, chủ nghĩa thực chứng đã tạo
ra tinh thần lạc quan mạnh mẽ trong thế kỷ 19, thúc đẩy các nhà xã hội học tìm
cách giải thích hành vi của số đông (en masse behaviour) bằng những quy luật của
tự nhiên.
Đúng lúc đó, Thuyết tiến hoá của Darwin ra đời. Những kẻ có đầu óc
chủng tộc lập tức áp dụng Thuyết tiến hoá của Darwin để giải thích sự tiến hoá
của xã hội loài người, khẳng định rằng về cơ bản xã hội loại người cũng phải
tiến hoá theo quy luật của sinh giới nói chung. Đó chính là Học thuyết
Đác-uyn-xã-hội.
Học thuyết Đác-uyn-xã-hội có liên quan gì đến cá nhân Darwin
không?
Trước đây tôi luôn luôn nghĩ rằng Darwin chỉ nêu lên quy luật tiến
hoá trong xã hội loài vật mà thôi. Việc đem lý thuyết của ông áp dụng một cách
máy móc vào xã hội loài người là việc làm của những kẻ có đầu óc kỳ thị chủng
tộc. Nhưng gần đây, tôi phải suy nghĩ rất nhiều khi đọc bài báo “What Darwin
taught Hitler?” (Darwin đã dạy Hitler cái gì?) của Grenville Kent, trên tạp chí
SIGNS of the Times ở Úc, số tháng 10 năm 1996, trong đó tác giả đã trích nguyên
văn một phát biểu của Darwin như sau:
Có
thật Darwin đã nói như thế hay không? Trong bài báo nói trên, Kent nói rõ rằng
câu nói này nằm trong cuốn On the Origin of Species (Về nguồn gốc các loài), tác
phẩm nổi tiếng nhất của Darwin. Nếu đúng như thế thì không thể trách tại sao ở
Phương Tây hiện nay, một nửa giới khoa học chống lại Darwin. Liệu một lý thuyết
thực sự khoa học có thể bị một nửa thế giới chống lại nó hay không? Điều này
chúng ta không hề thấy ở các học thuyết khác, như Cơ học Newton, Thuyết tương
đối của Einstein, Cơ học lượng tử của Bohr-Heisenberg, v.v.
Ngay từ năm 1934, Lý Tôn Ngô đã viết trong cuốn “Hậu Hắc Học” rằng
“Đác-Uyn phát minh (ra học thuyết) sinh vật tiến hoá cũng như Niu-tơn phát minh
ra “Sức hút của quả đất”, là những công thần lớn của giới học thuật, điều ông
nói “Muốn sinh tồn phải cạnh tranh mạnh được yếu thua” là một điều không khỏi
lệch lạc, và cần uốn nắn lại”.
Than ôi, nhân loại chưa kịp uốn nắn thì đã xảy ra cuộc Đại
chiến thế giới lần thứ hai thảm khốc chưa từng có – một cuộc chiến tranh bắt
nguồn trực tiếp từ một đầu óc bệnh hoạn về đấu tranh sinh tồn dựa trên học
thuyết Darwin!
Những người quen sùng bái Darwin như ông thánh sẽ giẫy nẩy lên khi
thấy ông thánh của mình bị kết tội, nhưng chắc chắn họ không thể tranh cãi với
Kent khi ông đặt dấu hỏi chua chát “Nếu Darwin đúng thì tại sao Hitler lại không
được bào chữa về mặt khoa học?”. Theo Kent, chủ nghĩa quốc xã Đức đã từng lý
luận rằng “Nếu chúng ta xuất thân từ động vật thì tại sao chúng ta không hành
động theo quy luật (đấu tranh sinh tồn) đó?”. Thế đấy, dưới con mắt của chủ
nghĩa quốc xã, con người trước hết là một động vật, do đó mọi hành vi trước hết
phải tuân theo quy luật đấu tranh sinh tồn – một quy luật bất khả kháng của tự
nhiên (!!!). Nếu Darwin đúng và nếu con người là một bộ phận của thế giới động
vật thì cớ gì con người không tuân thủ những “định luật tiến hoá” của Darwin? Đó
là một câu hỏi quá khó đối với tư duy khoa học logic máy móc – kiểu tư duy chủ
yếu đến nay vẫn thống trị trong thế giới khoa học!
Ngày nay, khi Học thuyết Đác-uyn-xã-hội đã lộ nguyên hình là một
học thuyết bệnh hoạn, không ai có thể chấp nhận sự vay mượn tư tưởng từ một học
thuyết thuần tuý sinh học để đem áp dụng vào xã hội loài người một cách thô
thiển và đơn giản đến như thế. Nhưng than ôi, đó lại là một sự thật đã diễn ra
vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, chúng ta không thể được phép
quên!
Thật vậy, vào đầu thế kỷ 20, trường Đại học tổng hợp Berlin chật
cứng sinh viên ngồi nghe các giáo sư trình bầy Học thuyết Đác-uyn-xã-hội. Trong
đám thính giả có rất nhiều nhà ngoại giao, nhà quân sự, thương gia và các lãnh
tụ của nhà nước Đức. Một trong số đó là Heinrich Himmler, kẻ sau này trở thành
cánh tay phải của Hitler, đứng đầu bộ máy SS – bộ máy tàn sát chủng tộc khét
tiếng của Nazi.
Bối cảnh ấy thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phục
thù ở Đức phát triển mạnh mẽ, tạo nên một cơ sở xã hội để đảng quốc xã thắng thế
vào cuối những năm 1920, đầu 1930, dẫn tới sự ra đời của Đế chế Thứ III (The
Third Reich) với việc Adolf Hitler lên cầm quyền ở Đức năm 1933, thực hành một
chính sách chủng tộc thảm khốc chưa từng có trong lịch sử.
II.2-Chủ nghĩa chủng tộc và phục thù:
Bước vào thế kỷ 19, trong khi các nước như Anh, Pháp đã trở thành
những đế quốc lớn, hùng mạnh, thì Đức lúc đó vẫn bao gồm các tiểu vương quốc rời
rạc. Mãi đến năm 1871 mới thống nhất thành một quốc gia. Sự tụt hậu này tạo cho
giới trẻ Đức thời đó một cảm giác tủi hổ, bất mãn. Từ đó nước Đức có xu thế muốn
vươn lên, chứng tỏ cho thế giới thấy mình không những không thua kém ai, mà còn
vượt trội so với kẻ khác. Xu thế ấy là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc
Thế Chiến I. Nhưng thất bại thảm hại của Đức trong cuộc thế chiến này lại càng
đẩy thanh niên Đức lún sâu vào tâm trạng tủi hổ và bất mãn sâu sắc hơn
nữa.
Để
chống lại căn bệnh tủi hổ này, những nhà lý luận có đầu óc chủng tộc đã cố gắng
xới lên những học thuyết đề cao chủng tộc Đức, trong khi các nhà chính trị theo
chủ nghĩa dân tộc lại tuyên truyền cho chủ nghĩa phục thù, hứa hẹn sẽ lấy lại
sức mạnh cho nước Đức, đưa nước Đức lên vị trí lãnh đạo thế giới.
Trong bối cảnh ấy, lịch sử người Aryan và Swastika cùng với Học
thuyết Đác-uyn-xã-hội đã trở thành “những nguyên liệu quý giá” để những nhà lý
thuyết và chính trị theo chủ nghĩa chủng tộc ở Đức chế biến nên một chủ thuyết
chủng tộc trong đó khẳng định rằng người Aryan chính là thuỷ tổ của người Đức,
người Đức chính là hậu duệ thuần chủng nhất và tinh tuý nhất của người Aryan, và
do đó xứng đáng để lãnh đạo thế giới.
Một trong những kẻ đi tiên phong trong học thuyết này là Alfred
Rosenberg. Rosenberg coi “chủng tộc Aryan là chủng tộc nằm ở bậc thang cao nhất
trong “hệ thống các bậc thang chủng tộc” (racial hierarchy), trong khi “chung
tộc Do Thái” nằm ở tầng dưới cùng và là một mối đe doạ đến “nền văn minh thuần
nhất Aryan của Đức”, do đó cần phải bị đào thải. Hơn thế nữa, “chủng tộc Aryan”
là chủng tộc duy nhất có khả năng sáng tạo nên những nền văn hoá và văn minh
đích thực, trong khi các chủng tộc khác chỉ có khả năng giữ gìn hoặc phá hoại
những nền văn hoá đó mà thôi. Rosenberg sau này đã trở thành cánh tay phải của
Hitler về tuyền truyền và giáo dục tư tưởng quốc xã, đồng thời làm bộ trưởng
quốc xã phụ trách khu vực chiếm đóng ở Liên Xô, cuối cùng bị đồng minh bắt năm
1945, bị xử tử hình tại toà án tội phạm chiến tranh Nuremberg ngày
16-10-1946.
Từ
điển Lịch sử thế giới (Dictionary of World History) do Chambers của Anh xuất bản
năm 1994 viết: “Nước Đức đã ôm lấy cái khái niệm phi khoa học về chủng tộc Đức
như là bộ phận tinh tuý nhất trong chủng tộc Aryan, trong số những người cùng
nói thứ ngôn ngữ Ấn-Âu, và rằng họ có trách nhiệm với tiến bộ của nhân loại
(trang 60)… Chủ nghĩa quốc xã khẳng định rằng thế giới được chia thành một hệ
thống nhiều thang bậc chủng tộc: Người Aryan, trong đó người Đức là đại diện
thuần chủng nhất, là chủng tộc thượng đẳng về văn hoá, trong khi người Do Thái
là thấp kém nhất. Điều đó cũng có nghĩa là người Do Thái sẽ bị người Aryan tiêu
diệt loại bỏ khỏi thế giới… (trang 661)”.
Một khi đã tự nhận mình là hậu dệ tinh tuý nhất của người Aryan thì
đương nhiên, những kẻ theo chủ thuyết chủng tộc Đức cũng sẽ tự nhận Swastika là
biểu tượng của họ, bởi như chúng ta đã biết: Nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann
đã khám phá ra rằng Swastika là một biểu tượng đặc trưng Ấn-Âu, tức đặc trưng
của người Aryan. Đó là lý do để chủ nghĩa quốc xã đã chộp lấy Swastika để biến
thành biểu tượng của chúng.
II.3-Swastika rơi vào tay quỷ dữ:
Bách khoa toàn thư Wikipedia cho biết:
Cuối thế kỷ 19, Swastika của người Aryan đã xuất hiện trong tạp chí
về chủng tộc xuất bản định kỳ của những người Đức theo chủ nghĩa quốc gia và là
biểu tượng chính thức của những vận động viên thể thao Đức.
Đầu thế kỷ 20, Swastika của người Aryan đã trở thành một biểu tượng
chung của chủ nghĩa dân tộc Đức (German nationalism) và có thể tìm thấy ở nhiều
nơi như biểu tượng của Wandervogelb – một phong trào tuổi trẻ Đức; trên tạp chí
Ostarra, một tạp chí định kỳ bài Do Thái của Joerg Lanz von Liebenfels; trên
nhiều đơn vị Freikorps khác nhau; và như một biểu tượng của Hội
Thule.
Nhưng Swastika chỉ chính thức trở thành biểu tượng của quỷ dữ kể từ
khi Hitler chính thức sử dụng biểu tượng đó.
Sau hai lần thi trượt vào Đại học Mỹ thuật vì bị phê là “thiếu tài
năng”, Hitler rất hậm hực bất mãn. Năm 1909, Hitler rơi vào cảnh nghèo túng,
nhưng được một người Do Thái là Hanisch giúp kiếm sống bằng cách vẽ bưu ảnh để
bán cho du khách (tổng cộng trước Thế Chiến I, hắn đã bán được 2000 bưu thiếp).
Trớ trêu thay, chẳng bao lâu sau Hitler đã phản bội lại người giúp đỡ mình khi
hắn say mê với những lý thuyết về chủng tộc Aryan, coi người Do Thái là kẻ thù
của người Aryan và phải chịu trách nhiệm về những khủng hoảng trong nền kinh tế
Đức.
Đến những năm 1920, khi Hitler trở thành lãnh tụ đảng quốc xã, hắn
thấy đảng này cần phải có một lá cờ và biểu tượng riêng của nó.
Năm 1923, Hitler bị phạt tù 5 năm vì một hành động chống chính phủ.
Trong tù, hắn viết tác phẩm “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi), trong đó
viết: “Lá cờ mới phải là một biểu tượng của cuộc đấu tranh riêng của chúng ta,
đồng thời có hiệu quả cao như một áp-phích tuyên truyền”. Không những thế, vốn
xuất thân là một thợ vẽ, Hitler còn thiết kế ra hình ảnh cụ thể của lá cờ đó,
trong đó Swastika của người Aryan được đặt chính giữa trên một hình tròn mầu
trắng. Hắn viết trong Mein Kampf: “Mầu trắng thể hiện tư tưởng dân tộc, biểu
tượng Sawstika thể hiện sứ mạng đấu tranh vì thắng lợi của người Aryan, đồng
thời nói lên sự chiến thắng của tinh thần sáng tạo, một tinh thần đã và sẽ mãi
mãi chống lại bọn Do Thái”.
Chẳng bao lâu sau, Mein Kampf đã nhanh chóng trở thành cuốn “kinh
thánh” của đảng quốc xã, chứa đựng tất cả các giáo điều của chủ nghĩa quốc xã,
bao gồm cả những kỹ thuật tuyên truyền và kế hoạch làm thế nào để trước tiên
chiếm lĩnh nước Đức, sau đó là chiếm lĩnh châu Âu.
II.4-Kết:
Đến đây
độc giả thấy rõ chính đích thân Hitler đã chọn Swastika của người Aryan làm biểu
tượng cho đảng quốc xã. Từ năm 1933, khi đảng quốc xã thắng cử ở Đức, Hitler trở
thành quốc trưởng của Đế Chế Thứ III, thì Swastika trở thành biểu tượng của cả
nhà nước quốc xã và quân đội quốc xã. Kể từ đó, Swastika bị coi là biểu tượng
của quỷ dữ. Sau Thế Chiến II, Swastika bị cấm phô bầy tại rất nhiều nước Âu
châu.
Trong
thời đại hiện nay, khi sự giao lưu trao đổi văn hoá giữa các quốc gia, các sắc
tộc, các vùng địa lý, các truyền thống văn hoá khác nhau ngày một phát triển,
thì hai nhận thức khác nhau về Swastika đã gây nên những hiểu lầm và va chạm rất
đáng tiếc, thậm chí có nơi đã xẩy ra xung đột. Chỉ có một cách duy nhất thanh
toán sự hiểu lầm và xung đột này là mọi người phải biết rõ lịch sử của Swastika,
để có thể phân biệt được đâu là Swastika của cái Thiện, đâu là Swastika của quỷ
dữ. Vì thế, lịch sử là một khoa học rất cần thiết đối với nhận thức nói
chung
Phạm Việt
Hưng
No comments:
Post a Comment