Monday, November 9, 2015

Trò hề “Phát biểu trước Quốc Hội”

Trò hề “Phát biểu trước Quốc Hội”

Trần Trung Đạo  
Mấy ngày qua, việc Tập Cận Bình “phát biểu trước Quốc Hội” là một tin tức nóng. Không chỉ qua bộ máy tuyên truyền của đảng mà cả những người ngoài đảng hay thậm chí chống đảng cũng xem đó là một “sự kiện quan trọng”. Những trích dẫn, bình luận, phân tích được đăng đầy trên các báo ở Việt Nam. Người viết thấy không cần phải trích dẫn, đơn giản đó là luận điệu tuyên truyền quen thuộc của Tập Cận Bình.
 
Hôm 28 tháng 9 năm nay trong một diễn văn dài đọc tại Liên Hiệp Quốc, Tập Cận Bình cũng kêu gọi “gác qua quá khứ hận thù để hướng tới tương lai” và thậm chí còn nhắc đến dân chủ nhưng ngay trong lúc họ Tập phát biểu các phi đạo quân sự vẫn tiếp tục được xây trên quần đảo Trường Sa, các đảo nhân tạo dựng lên giữa vùng biển tranh chấp vẫn tiến hành theo kế hoạch. Và tuần này tại Thanh Hóa, Quảng Ngãi của Việt Nam, hàng ngàn ngư dân Việt Nam vẫn ra biển trong nỗi bất an. Họ thiếu thốn ngay cả những phương tiện thông tin tối thiểu để liên lạc nhau trong lúc hiểm nghèo khi “tàu lạ” đến.
 
Thật ra, đối với các lãnh đạo CS “phát biểu trước Quốc Hội” không phải là cơ hội để trình bày chính sách mà để tuyên truyền. Ngoài ra, đây chỉ là trò ăn cắp các thủ tục ngoại giao của các nước dân chủ chỉ để hợp thức hóa cơ quan đóng dấu gọi là quốc hội này và để che đậy bản chất toàn trị không hề thay đổi của CS. 
 
Quốc hội tại các nước CS
 
Cả thế giới đều biết trong chế độ Cộng Sản quốc hội chỉ là tấm bình phong để che mắt dư luận. Đảng mới là trung tâm quyền lực tuyệt đối điều khiển mọi hoạt động của đất nước. Một trăm phần trăm số đại biểu là đảng viên đảng Cộng Sản hay do các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản như Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu. Người dân không có một chọn lựa nào khác ngoài những tên tuổi đã được đảng đưa ra và “cử tri” chỉ đi bầu cho có. 
 
Suốt 74 năm tồn tại, mặc dù Liên Xô vẫn có quốc hội được gọi là Sô Viết Tối Cao, về mặt quốc tế, gần như không ai biết và cũng chẳng ai cần biết đến. Ngoại trừ khi các Tổng Bí Thư kiêm nhiệm luôn cả chức Chủ Tịch Sô Viết Tối Cao như trường hợp Leonid Brezhnev (sau 1977), Mikhail Gorbachev, chức vụ Chủ Tịch Sô Viết Tối Cao do người khác đảm nhiệm ít khi được nhắc đến trong các cuộc đàm phán hay bang giao quốc tế. 
 
Kliment Yefremovich Voroshilov là Chủ Tịch Sô Viết Tối Cao suốt bảy năm nhiều thay đổi của Liên Xô từ 1953 đến 1960, nhưng lãnh tụ thực sự của Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev. Tương tự, trước 1977, Nikolai Podgorny là Chủ Tịch Sô Viết Tối Cao nhưng Leonid Brezhnev mới thực sự là kẻ nắm quyền. Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược (SALT I) ký ngày 26 tháng 5, 1972 là giữa TT Richard Nixon ký với Leonid Brezhnev chứ không phải với Nikolai Podgorny.
 
Tại Trung Cộng, Quốc Hội được gọi là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và Đại hội này bầu ra Quốc Vụ Viện để lãnh đạo Trung Quốc. Trên giấy tờ, văn bản, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc quả thật đúng là quyền lực cao nhất nhưng, tương tự như tại Liên Xô trước đây, gần như không bao nhiêu người ở ngoài Trung Quốc biết Chủ tịch Quốc hội là ai. Tổng số đại biểu quốc hội Trung Cộng là 2987 người trong đó 2157 người là đảng viên CS và số còn lại do Mặt Trận Thống Nhất, một cơ cấu khác của đảng CSTQ giới thiệu. Như vậy có nghĩa là 100% đại biểu đều vào quốc hội qua cánh cửa của đảng CS.
 
Sau Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 12, Trương Đức Giang đảm nhiệm chức vụ Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức là người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc. Đồng thời y cũng là Ủy viên Bộ Chính trị và được xếp hàng thứ ba trong 7 người thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Quốc hội Việt Nam là bản sao của Trung Cộng về cơ cấu lãnh đạo nên việc đề cử, ứng cử, bầu cử đều chẳng khác gì Trung Cộng. Còn tệ hơn nữa, có một thời gian dài Việt Nam không có bầu quốc hội. Bằng chứng, sau lần “bầu cử” 1946, đảng CSVN không thấy cần có quốc hội nên suốt 14 năm sau đó, đảng chẳng màng nghĩ đến chuyện bầu bán làm gì cho tốn công tốn của. Đảng viện dẫn lý do không bầu là vì chiến tranh nhưng nếu đã là “Cơ quan quyền lực cao nhất” thì càng có chiến tranh cần phải bầu ra những người có tài để lãnh đạo quốc gia mới phải. Và cứ thế, hơn nửa thế kỷ dài dằng dặc từ khóa 1 đến khóa 13, văn minh nhân loại đã tiến quá xa mà trò hề “Cơ quan quyền lực cao nhất” vẫn không thay đổi và vẫn lừa gạt được người dân. 
 
Phát biểu trước Quốc Hội tại các quốc gia dân chủ
 
Tại các nước dân chủ, lấy Mỹ làm ví dụ trong bài này, phát biểu trước Quốc Hội là một thủ tục đặc biệt không chỉ dành cho các bậc quốc khách mà còn là quốc khách có thành tích, tư cách vượt trội hay vì nhu cầu chiến lược.
 
Tại Mỹ, Phát biểu trước Phiên họp Lưỡng viện Quốc Hội (Joint Meeting Addresses Before Congress) là một thủ tục ngoại giao cao nhất dành cho một lãnh tụ thế giới quan trọng như trường hợp Đức Giáo Hoàng phát biểu vào ngày 24 tháng 9, 2015 vừa qua, hay Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu ngày 29 tháng 4 trước đó. Lãnh tụ nhân quyền Nam Phi Nelson Mandela là người duy nhất được mời phát biểu hai lần trước phiên họp lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, lần thứ nhất (26 tháng 6, 1990) với tư cách lãnh tụ African National Congress, và lần thứ hai (6 tháng 10, 1994) với tư cách Tổng Thống Cộng Hòa Nam Phi. Phát biểu trước Phiên họp Lưỡng viện Quốc Hội còn là nơi để vinh danh các lãnh tụ đấu tranh nhân quyền dân chủ trên thế giới như trường hợp Vaclav Hável, Tổng thống Tiệp Khắc (21 tháng 1, 1990) hay Lech Walesa, lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan (15 tháng 11, 1989). 
 
Trong suốt lịch sử của phát biểu trước phiên họp Lưỡng viện Quốc hội Mỹ từ 1874 đến nay, chưa có một lãnh tụ CS nào được mời đọc diễn văn trước diễn đàn được trọng vọng nhất của Mỹ này.
 
Tư cách và khả năng của Đại biểu Quốc Hội CSVN
 
Tại các quốc gia dân chủ, trước khi được “chọn mặt gởi vàng”, một ứng cử viên Dân Biểu Hạ Viện hay Nghị Sĩ Thượng Viện phải trải qua những cuộc vận động chính trị gay go, tốn kém và sống sót sau những trận tranh luận công khai, hiểm hóc với các đối thủ của mình. Phần lớn ứng cử viên là những người có trình độ nhận thức, kiến thức chính trị vững vàng và nghị trình tranh cử cụ thể. 
 
Trong lúc đó tại Việt Nam, hầu hết Đại biểu Quốc Hội là những nô bộc của đảng CS. Họa hoằn lắm mới có một người nói vài câu nghe được còn phần lớn phát biểu rất ngu ngơ, dốt nát. 
 
Trường hợp ngu mới nhất là lời phát biểu của Đại biểu Quốc Hội Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc Hội. Khi nghe tin chiến hạm Mỹ tiến vào vùng Biển Đông tranh chấp họ Lê phán rằng: “Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam... Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông”.
 
Lê Việt Trường không biết rằng các hoạt động của Hải quân Mỹ cũng chỉ nhằm làm chậm bước chân bành trướng của Trung Cộng trong vùng Nam Thái Bình Dương chứ chẳng có đánh đấm thật sự nào. Y cũng không biết rằng mọi áp lực chống lại chính sách bành trướng của Trung Cộng tại Á Châu trong thời điểm này đều cần thiết. Từ cố TT Singapore Lý Quang Diệu cho đến TT Phi Benigno Aquino III cũng đều công nhận chỉ có Mỹ mới làm Trung Cộng lo ngại. Chẳng lẽ Lê Việt Trường tin rằng những tuyên ngôn, tuyên cáo đọc như học sinh trả bài suốt 30 năm nay của các phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN sẽ làm Tập Cận Bình chùn bước?
 
Lời tuyên bố của Lê Việt Trường chứng tỏ y không có một kiến thức căn bản về bang giao quốc tế mà chỉ bị nhồi sọ bởi các luận điệu tuyên truyền “Chống Mỹ cứu nước” của đảng vốn được đóng đinh quá sâu vào não bộ y. 
 
Tháng 6, 2014 cũng trong một buổi thảo luận về tranh chấp Biển Đông tại Quốc Hội, Nguyễn Bắc Việt, một Đại biểu Quốc Hội khác tuyên bố một câu còn bịnh hơn Lê Việt Trường: “Về vấn đề biển Đông, từ sáng tới giờ và những ngày qua trong phát biểu, tôi đồng tình với các ý kiến phát biểu ở một vế, đó là vế thể hiện lòng yêu nước. Nhưng còn một vế theo tôi là chúng ta chưa thực sự quan tâm, đó là yêu chế độ và lo cho con tàu Cộng sản và công nhân quốc tế… phải xác định cho rõ nguyên nhân, phải biết đau lòng với tình hình hiện nay của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi?”
 
Nói như Yuri Alexandrovich Bezmenov, môt nhân viên tình báo Liên Xô đào thoát sang Canada 1970: "Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin… cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người". 

Miệng lưỡi độc tài luôn ngọt ngào
 
Một số người lo xa, Tập Cận Bình sẽ dùng cơ hội “phát biểu trước quốc hội” để tuyên bố hợp thức hóa quyền sở hữu của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lo xa bao giờ cũng cần thiết nhưng không phải vậy đâu. Miệng lưỡi của các lãnh đạo CS bao giờ cũng rất ngọt ngào, thắm thiết chỉ có hành động của chúng mới vô cùng độc ác. 
 
Nhìn lại cách Trung Cộng nuốt chửng Tây Tạng để thấy kế hoạch của Mao vô cùng thâm độc. 
 
Ngày 7 tháng Mười 1950, 40 ngàn quân Trung Cộng vượt sông Jinsha. Hai tuần sau, Tây Tạng bị đánh bại. Nếu lúc đó, Mao chỉ thị tiến thẳng về thủ đô Lhasa và chiếm đóng Tây Tạng bằng vũ lực, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhân dân Tây Tạng và cả thế giới cũng chẳng làm gì được. Thay vì, Mao đổi giọng ngọt ngào và kêu gọi chính phủ Tây Tạng đàm phán một giải pháp hòa bình, hữu nghị. Hiệp ước 17 điểm, trong đó Trung Cộng xác định chủ quyền trên Tây Tạng và cho phép nước này được tồn tại trong khuôn khổ tự trị. Trước sự hiện diện của 40 ngàn quân Trung Cộng, phái đoàn Tây Tạng ký hiệp ước ngày 23 tháng 5, 1951. Đức Đạt Lai Lạt Ma đánh điện tín chấp nhận. 
 
Năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận ra bản thỏa hiệp chỉ là kế hoạch thâm độc của Mao để công khai cướp nước. Văn kiện đó thực tế là một tối hậu thư đầu hàng vì do Trung Cộng đưa ra trong cuộc đàm phán và phái đoàn Tây Tạng không được phép sửa đổi một điểm nào. Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố vô hiệu hóa hiệp ước, phát động cuộc nỗi dậy 1959 và sau đó lưu vong sang Ấn Độ cho tới hôm nay.
 
Cướp nước bằng văn bản không phải là sáng kiến độc đáo của riêng Mao mà đã được các lãnh đạo độc tài thực hiện nhiều lần trong lịch sử. Những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước phải học lịch sử Việt Nam và thế giới. Nhiều nhà phân tích tiên đoán tương lai của một quốc gia dựa trên các điều kiện kinh tế chính trị quân sự đang diễn ra. Tuy nhiên như lịch sử đã chứng minh, khi quyết định, phần lớn các lãnh tụ dù độc tài hay chân chính đều nhìn về quá khứ. Lý do, quá khứ đã được chứng nghiệm giúp cho họ yên tâm và xem đó nguồn bảo đảm cho quyết định của họ. Phương pháp Mao dùng để chiếm Tây Tạng cũng giống như cách Hitler dùng để chiếm Tiệp Khắc 1938.
 
Như người viết đã trình bày nhiều lần, dù một đảng lớn như đảng CS Trung Quốc hay nhỏ như đảng CS Lào, đều là những đảng độc tài tiếm danh chứ không phải là lãnh đạo chính danh của một quốc gia, đại diện cho một nước, và chúng làm tất cả những gì có thể làm để che đậy, lừa gạt và củng cố tính chính danh lãnh đạo của đảng. “Phát biểu trước Quốc Hội”, do đó, chỉ là một trò hề.
 
8/11/2015
 
Trần Trung Đạo

No comments: