Wednesday, July 11, 2012

Cuộc cách mạng của Sợ Hãi (phần 1)

Cuộc cách mạng của Sợ Hãi (phần 1)

Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách,
giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó,
mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội.
Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nhìn lại mấy mươi năm, lột da, rướm máu chính mình để thấy bóng ma sợ hãi chế ngự cả một dân tộc như thế nào. Để không trách nhau là hèn. Để đừng mắng nhau là nhát. Để biết sẽ khó mà có một cuộc cách mạng dân chủ nếu sự sợ hãi vẫn tiếp tục là bóng ma lởn vởn trên đầu. Để biết tại sao mọi lời kêu gọi chỉ có được vài trăm người hưởng ứng, không đủ để tạo thành cơn sóng đổi đời. Để biết mọi kế hoạch đều bất khả thi nếu bước chân con người vẫn rụt rè và chôn cứng trong bốn bức tường hãi sợ.
Gần nửa thế kỷ với căn bệnh trầm kha này, liều thuốc nào có thể chữa trị được cho chúng ta? Đã đến lúc chúng ta phải tập trung ngậm ngãi tìm trầm, đi tìm, đi kiếm để sớm chấm dứt tình trạng đứng bên này bờ ảo vọng bằng đôi chân run mà cứ ước mơ đội đá vá trời, để những lời kêu gọi tha thiết nhất không chỉ dội lại như những tiếng vọng từ vực sâu...
I. Từ Điện Biên Phủ đến Sài Gòn
Khi mùi thuốc súng không còn phảng phất trong không gian lòng chảo Mường Thanh, khi những tiếng hò vang chào đón đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô đã chìm lắng, khi những người nông dân tải gạo ra chiến trường đã về lại "xứ Đoài mây trắng lắm..., trở lại đồng Bương Cấn, về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng..." (1) thì những người lãnh đạo đảng Cộng sản đối diện với một thử thách mới, gay go gấp ngàn lần cuộc chiến Điện Biên: giữ quyền và điều hành, xây dựng, phát triển đất nước.
Những câu thơ "Trên đất nước, như huân chương trên ngực / Dân tộc ta, dân tộc anh hùng! / Điện Biên vời vợi nghìn trùng / Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta..." (2) không là những câu thần chú làm nên cơm áo.
Những "Chiến sỹ anh hùng / Đầu nung lửa sắt / Năm mươi sáu ngày đêm / Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng / Chí không mòn!" (2) không thừa trí tuệ để tự mình thảo nên một phương án thích nghi cho chính sách phát triển quốc gia.
Thiên tài quân sự của thời chiến không đương nhiên là lãnh đạo tài ba trong thời bình. Winston Churchill, Charles de Gaulle, Harry S. Truman - những người hùng ca khúc khải hoàng vào thời khắc sau cùng của Thế chiến thứ 2, trong thời bình chỉ để lại dấu ấn của những nhà lãnh đạo tầm thường. Vai trò của họ được lịch sử ghi nhận, nhưng thời của họ đã qua, nhường chỗ lại cho những người lãnh đạo tương lai, thích hợp cho bối cảnh và nhu cầu phát triển đất nước thời bình.
Tại Việt Nam, tham vọng cầm quyền vô thời hạn đã được thể hiện sau cuộc cướp chính quyền bằng những khẩu hiệu màu đỏ với những cụm từ "đời đời", "muôn năm", được bổ sung thêm bằng những "quang vinh", "vĩ đại". Tham vọng đó, nếu đặt trong nhu cầu xây dựng lại đất nước sau một thế kỷ mất độc lập, đã không thể đạt được bằng khả năng và trí tuệ của những người chỉ quen cầm súng, khoét núi, ngủ hầm, đào địa đạo và đầu óc chỉ được bồi dưỡng bằng giáo điều cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam phải bằng mọi cách để duy trì vai trò lãnh đạo lâu dài sau khi tiếng súng đã im hơi và tiếng óc ách từ bao tử đói của người dân đang trỗi dậy.
Từ đó, một cuộc chiến mới được dựng lên và trở thành sứ mạng của toàn đảng, được áp đặt lên toàn dân miền Bắc: Đấu tranh giai cấp. Kẻ thù không còn là những tên thực dân da trắng mà là những con người da vàng máu đỏ trong làng trong xóm. Phương án đã có sẵn, đã được tiến hành bởi những đồng chí đồng mộng đồng sàng từ phía "bên kia biên giới cũng là quê hương" (3). Những tên Hồng Vệ Binh một thời từng là thảo khấu trên con đường Vạn lý Trường chinh khi bị truy đuổi bởi Tưởng Giới Thạch được mời sang làm cố vấn. Ảnh Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch được song hành treo lên "Bác Hồ ta đó cũng là Bác Mao" (4).
Cải cách Ruộng đất bắt đầu...
Cuộc cách mạng long trời lỡ đất "Giết, giết nữa đi bàn tay không phút nghỉ / Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong / Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng / Thờ Mao chủ tịch, thờ Xì ta Lin bất diệt." (5) được lệnh xuất quân.
Cho đảng bền lâu...
Chiến dịch vĩ đại để cấy những con vi trùng SỢ HÃI vào tim não của mấy mươi triệu người dân được khởi xướng.
Cho đảng muôn năm...
Vũ khí là những cái loa và miếng vải đen bịt mắt.
Chiến sĩ diệt thù và kẻ thù đều mang cùng một màu da, một dòng máu, cùng chia sẻ với nhau một nơi chôn nhau cắt rốn: nhân dân.
Những thành phần có khả năng đe dọa đến vai trò lãnh đạo của đảng qua đó bị loại trừ.
Khả năng lãnh đạo đất nước của đảng vinh quang không đo đạt bằng mức độ tăng trưởng mà bằng thành tích bao nhiêu "kẻ thù" bị tiêu diệt.
Con số người bị tiêu diệt trong cuộc cách mạng "long trời lỡ đất" không ai biết đích xác nhưng chắc chắn một điều: gần như toàn bộ lòng can đảm của một nửa phần đất nước từ dòng sông Bến Hải trở lên, mới ngày nào làm nên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng, đã bị giết chết nội trong vòng 3 năm.
Từ đó, Đảng cộng sản xây dựng và củng cố guồng máy cai trị bằng những con vi trùng sợ hãi mỗi ngày một ăn sâu vào từng tế bào của người dân miền Bắc. Lởn vởn trên những cái đầu bấy giờ chỉ biết cúi xuống là những bóng ma...
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ... (6)
Hai mươi năm sau. Sài Gòn được "giải phóng". Nhà văn nữ Dương Thu Hương ngồi khóc bên lề đường khi nhận ra rằng "nền văn minh đã thua chế độ man rợ" (7). Những người cộng sản một lần nữa phải đối diện với bài toán của 20 năm trước. Thời kỳ toàn trị do đó được mở ra và cuộc cách mạng long trời lỡ đất ngày xưa được thay thế bằng những chiến dịch "Học tập cải tạo" không biết ngày về, chính sách đổi tiền, chiến dịch X1, X2 “Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa” mà vẫn được quen gọi là “Đánh tư sản mại bản”, xua dân đi kinh tế mới để lấy nhà và tài sản của dân. Chỉ vài năm sau, từ một trung tâm công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, toàn bộ nền sản xuất của Sài Gòn bị tê liệt. Người dân Sài Gòn 300 năm trước đó chưa bao giờ thiếu gạo, sau khi giải phóng xong thì cái dạ dày của người dân thành phố được giải phóng khỏi gạo. (8)
Gần 1 triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi, một cuộc di tản vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 4000 năm của một dân tộc có truyền thống bám lấy quê cha đất tổ. Những thành phần ưu tú nhất của xã hội miền Nam phải đành đoạn lìa bỏ quê hương.
Miền Nam, 20 năm sau đã cùng với đồng bào miền Bắc cúi đầu trong nỗi sợ hãi triền miên. Thống nhất!
II. Sợ hãi - căn bệnh ung thư và di truyền
Gần 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, bầy vi trùng sợ hãi đã đục khoét vào từng phế phủ của dân tộc Việt Nam. Sợ đảng, sợ cán bộ, sợ lẫn nhau và sợ ngay cả ý tưởng độc lập của chính mình. Nỗi sợ bám theo năm tháng làm cho người ta phải tự đánh mất chính mình để có thể yên thân sống.
Những người cha, người mẹ cũng đã truyền lại cho những đứa con của mình những con vi trùng độc hại ấy. Truyền lại bằng chính thái độ sống của họ mà con cái chứng kiến từ lúc lọt lòng cho đến trưởng thành. Truyền lại bằng những lời "dạy bảo" tóm gọn trong triết lý sống tiêu biểu của thời đại búa liềm "khôn sống, dại chết". Hậu quả là những thế hệ thứ hai, thứ ba sau Cải cách Ruộng đất, sau Cải tạo Tư sản Mại bản đã coi đó là lẽ thường tình, một lẽ sống không có lẽ khác.
Ngoài đảng thì thế. Ở trong đảng, đồng chí sợ nhau. Con người nhìn nhau trong ánh mắt xoi mói. Phê và tự phê trở thành "văn hóa" đảng. Người ta sợ ngay cả khi không có gì xấu xa để tự khai và để chứng minh sự thành khẩn. Kẻ thù thực dân, đế quốc đã cút; cường hào ác bá địa chủ đã được đảng tuyên bố "đào tận gốc, trốc tận rễ" thì đã có ngay một kẻ thù mới: thế lực thù địch và tự diễn biến. Kẻ thù này vô hình nhưng hiện hữu khắp nơi và bất cứ lúc nào. Theo chiếc đũa trừ ma huyền diệu của đảng, mọi tư tưởng, mọi hành động của mỗi người - hợp lòng dân nhưng không theo ý đảng - đều do bóng ma kẻ thù này kích động, xúi dục, giựt giây.
Dân sợ đảng, đảng viên sợ đồng chí, cả nước đội lên đầu bảng hiệu "Đảng là cuộc sống của tôi" với sự sợ hãi triền miên.
Và cứ thế, hơn nửa thế kỷ trôi theo mưa sa trên màu cờ đỏ, đảng đã thành công trong sứ mạng biến đại khối nhân dân thành những con người ngoan ngoãn nhất, biết cúi đầu, câm miệng trước dối trá, bất công và tội ác. Khi bộ não đã bị đảng chiếm đoạt, tư tưởng bị dẫn dắt, con người đã trở thành nạn nhân dễ dàng nhất cho những tiểu xảo tuyên truyền, chính sách nhồi sọ, bưng bít thông tin. Sợ hãi, tê liệt, nhiều người đã trở thành mù quáng với những giả-dối-tưởng-là-sự-thật. Stalin, Lenin, Mao, Castro, Kim, Hồ… tất cả trở thành những ông thánh trong cái thế giới mà “sự thật” nằm trong tay đảng, trong tay những kẻ có toàn quyền sở hữu những cái loa cũng như cái giẻ vô hình bịt miệng nhân dân. Trong thế giới ấy, ngày xưa, và bây giờ vẫn còn, những đám khóc vĩ đại với những giọt nước mắt mù khi lãnh chúa qua đời nhưng sự nghiệp vẫn đời đời sống mãi từ những cái loa và khẩu hiệu.
Trong cái thế giới tê liệt vì sợ ấy, người dân như những con cừu non được dàn lãnh đạo cáo nhào nặn tâm hồn để lớn lên trở thành con (bị) lừa và sau đó là một con (đi) lừa những chú cừu trẻ thơ khác. Cuối cùng cừu, lừa, cáo chung chạ và thành một loài mới: loài sản. Trong không gian độc trị của loài sản ấy, lằn ranh phân định giữa nạn nhân và kẻ thủ ác cũng dần dà bị xóa mờ. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ góp phần vào quyết định chọn lựa ngôi sao vàng nằm trên lá cờ màu máu do đảng bắt chước từ các đồng chí "bên kia biên giới là nhà" nhưng đã đứng nghiêm trang và sẵn sàng hy sinh trước mảnh vải đã trở thành biểu tượng quốc gia. Đối với nhiều người, những gì có được ngày hôm nay là nhờ ơn bác và đảng chứ không phải bằng mồ hôi và trí tuệ của mấy chục triệu người. Lãnh tụ của đảng đã trở thành cha già muôn vàn kính yêu của cả dân tộc và là thước đo, chuẩn mực đạo đức trên mọi ngôn từ và diễn văn.
Cũng có những người không đui mù, cũng chẳng ngu dại, nhưng nỗi sợ hãi thâm căn cố đế, cộng với tính tinh ranh của loài sóc khi phải sống đời với cáo, đã biến hoá tinh thông thành những mợ két hát theo thuần thục nhất, những chú khỉ đu dây lão luyện nhất. Họ mau mắn tung hô thủ lãnh của đảng khi các đồng chí thả cho vài cọng cỏ rơm và thiếu điều quên ngay chính đồng chí này là người bao năm nay vừa ăn cắp, ăn cướp vừa đốt rụi cánh đồng cỏ xanh mướt đáng lý là của họ.
Cũng có khi, chúng ta như những con cừu - thành lừa - thành sản một ngày nào đó soi gương và nhận ra mình vốn dĩ là một con cừu bị lừa. Những đêm khuya trằn trọc đau đớn có đến, lương tâm tưởng đã ngủ quên có choàng thức giữa canh thâu. Thế nhưng khi con gà cất tiếng gáy, tiếng loa đầu ngõ vang lên thì chúng ta lại lồm cồm ngồi dậy và sống y lại cuộc sống đong đầy nỗi sợ của ngày hôm qua. Nhìn ra ngoài khung cửa, chúng ta sợ những chiếc áo vàng thấp thoáng và tiếng leng keng hình số 8. Nhìn vào gương, chúng ta sợ làm thất vọng, sợ làm rách thêm cái lương tâm vốn đã bị đảng xé rách toang theo năm tháng cuộc đời.
Trong cuộc đời với lương tâm rách bươn vì sợ hãi đó, xuất hiện một thái độ sống mới: thờ ơ - hay mackeno, theo danh từ thời thượng đã quá mùa. Thái độ sống đó, chủ động có ý thức hay nằm trong tiềm thức của mỗi người, đều là hệ quả của sự sợ hãi đã truyền kiếp hay vốn đã thành bẩm sinh. Thờ ơ với tất cả, không quan tâm với mọi sự, con người tự chích cho mình mũi thuốc vô cảm để không còn cảm giác gì nữa đối với những điều tồi tệ chung quanh. Khi sự quan tâm bị đóng nút chai thì ý tưởng phản kháng sẽ không thể tiết phát. Và như vậy không còn gì để sợ hãi, không làm gì để phải sợ hãi. Đó là giai đoạn sau cùng của căn bệnh ung thư mãn tính - sống không còn cảm giác.
Và đó là điều mà đảng muốn; ý muốn của những người không có khả năng điều hành đất nước nhưng muốn độc quyền lãnh đạo muôn năm. Vai trò lãnh đạo đó đã được xây dựng bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ, của cả đảng viên lẫn không đảng viên để phát tán căn bệnh ung thư thời đại búa liềm: Sợ. Vai trò đó tồn tại đến ngày hôm nay, không tùy thuộc vào khả năng phát triển đất nước mà nhờ vào gần 90 triệu người dân đã và đang được "thuần".
*
Nhìn lại mấy mươi năm, lột da, rướm máu chính mình để thấy bóng ma sợ hãi nó chế ngự cả một dân tộc như thế nào. Để không trách nhau là hèn. Để đừng mắng nhau là nhát.
Để biết sẽ khó mà có một cuộc cách mạng dân chủ nếu sự sợ hãi vẫn tiếp tục là bóng ma lởn vởn trên đầu.
Để biết tại sao mọi lời kêu gọi chỉ có được vài trăm hoặc vài ngàn người hưởng ứng, không đủ để tạo thành cơn sóng đổi đời.
Để biết mọi kế hoạch đều bất khả thi nếu bước chân con người vẫn rụt rè và chôn cứng trong bốn bức tường hãi sợ.
Gần nửa thế kỷ với căn bệnh trầm kha này, liều thuốc nào có thể chữa trị được cho chúng ta? Đã đến lúc chúng ta phải tập trung ngậm ngãi tìm trầm, đi tìm, đi kiếm để sớm chấm dứt tình trạng đứng bên này bờ ảo vọng bằng đôi chân run mà cứ ước mơ đội đá vá trời, để những lời kêu gọi tha thiết nhất không chỉ dội lại như những tiếng vọng từ vực sâu.
(còn tiếp)
Vũ Đông Hà
(1) Thơ Tố Hữu - Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
(2) Thơ Quang Dũng - Đôi mắt người Sơn Tây
(3) Thơ Tố Hữu
(4) Thơ Chế Lan Viên
(5) Thơ Tố Hữu
(6) Thơ Trần Dần - Nhất định thắng
(7) Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ - http://www.vietthuc.org
(8) Giáo sư Đặng Phong - Những cơ hội bỏ lỡ và chặng đường phía trước http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/12/061226_dang_phong_interview.shtml

No comments: