Monday, February 25, 2013

Góp phần “giải mã” một thế hệ dấn thân

Góp phần “giải mã” một thế hệ dấn thân


Hà Sĩ Phu (Danlambao) - ...Bên cạnh chủ trương đối xử cứng rắn với giới dân chủ tiên phong là sự nới rộng có kiểm soát với giới trí thức cận thần, có cái mới vừa sáng tạo ra, có cái vốn cũ đang được dùng lại. Trong bối cảnh phân hóa đó, sự khác nhau tiềm ẩn trong quá khứ của giới “pro-Đảng” nay cần phải tách bạch... Việc “giải mã” cũng liên quan đến cả những người CS hiện nay đang được dư luận ca ngợi, tán thưởng (kể cả dư luận khó tính ở hải ngoại), như nghệ sĩ Kim Chi khước từ sự có mặt trong nhà ở của mình chữ ký của một kẻ cao cấp “hại nước hại dân” – vì chị tự hào mình là một người “Cộng sản chân chính”! Những đảng viên trong 72 vị khởi xướng đợt góp ý Hiến pháp hiện nay cũng vậy, chắc phần đông cũng là những người muốn hành xử như những người “Cộng sản chân chính” để phân biệt mình với loại “CS thoái hóa”. Vậy có thể tồn tại khái niệm “người CS chân chính” hay không, cũng là điều cần xác định cho rõ...
*
I- Đặt vấn đề
Sáng 19-2-2013 đọc báo mạng thấy trang Anhbasam có điểm hai bài tương phản Tiêu Dao Bảo Cự: Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân (Diễn Đàn). Blogger Caubay Thiem có bài phản biện lại bài này bên Facebook.
Mặc dù tôi mới ở bệnh viện về, tình trạng mắt được bác sĩ yêu cầu hết sức hạn chế đọc và viết, tôi vẫn phải “đánh liều” viết đôi điều ngắn gọn về chuyện “xung đột” âm ỉ từ lâu này (nếu có thể gọi như thế), giữa những người đáng kính, vì mấy lẽ sau đây:
- Thế hệ dấn thân theo con đường Cộng sản như nhà văn TDBC bao hàm nhiều người (ở miền Bắc còn nhiều hơn miền Nam), trong đó số đã thức tỉnh ở những mức độ khác nhau, đang cố gắng làm những điều nhằm sửa lại hay chống lại thực tại sai lầm của ĐCS cũng ngày càng nhiều thêm, nhưng việc tự đánh giá giai đoạn quá khứ của mình xem chừng chưa có gì nhất trí, ổn thỏa, thanh thoát, như có những tâm trạng uẩn khúc bên trong nên phải đặt vấn đề “giải mã”.
- Việc “giải mã” cũng liên quan đến cả những người CS hiện nay đang được dư luận ca ngợi, tán thưởng (kể cả dư luận khó tính ở hải ngoại), như nghệ sĩ Kim Chi khước từ sự có mặt trong nhà ở của mình chữ ký của một kẻ cao cấp “hại nước hại dân” - vì chị tự hào mình là một người “Cộng sản chân chính”! Những đảng viên trong 72 vị khởi xướng đợt góp ý Hiến pháp hiện nay cũng vậy, chắc phần đông cũng là những người muốn hành xử như những người “Cộng sản chân chính” để phân biệt mình với loại “CS thoái hóa”. Vậy có thể tồn tại khái niệm “người CS chân chính” hay không, cũng là điều cần xác định cho rõ.
- Trong hàng ngũ những bạn bè thân hữu đang nỗ lực góp phần mình vào công cuộc dân chủ hóa xã hội hiện nay cũng có hai “phe” với hai cách nhìn ngược nhau trong việc đánh giá quá khứ tham gia Cộng sản.
Tóm lại, tình hình khác nhau trong việc nhìn nhận giai đoạn quá khứ tham gia hoặc ủng hộ CS là điều tốt hay không tốt, là công hay tội, nên nhớ đến để tôn vinh hay nhắc đến chỉ thêm ân hận... là một thực tế rộng lớn, tuy không phải mâu thuẫn đến mức nặng nề nhưng vẫn âm ỉ như một chút gợn, một cái gai, hay một cái nhọt trong đội ngũ những người từng có nợ với quá khứ và đang phải băn khoăn về trách nhiệm với hiện tại và tương lai đất nước (còn những kẻ vô trách nhiệm, thờ ơ hay cố bám sự hủ bại thì không đáng bàn đến ở đây).
Khoảng một hai năm gần đây, khả năng lãnh đạo của đảng cầm quyền ngày càng sút kém, bất lực, những mâu thuẫn đối nội và đối ngoại thúc đẩy phải có những thay đổi, kéo theo đó là sự phân hóa phức tạp trong xã hội về nhân sự, tổ chức, phong trào, phe nhóm... Bên cạnh chủ trương đối xử cứng dắn với giới dân chủ tiên phong là sự nới rộng có kiểm soát với giới trí thức cận thần, có cái mới vừa sáng tạo ra, có cái vốn cũ đang được dùng lại. Trong bối cảnh phân hóa đó, sự khác nhau tiềm ẩn trong quá khứ của giới “pro-Đảng” nay cần phải tách bạch. Việc điểm tin hai bài ngược chiều nói trên của “nhật báo Basam”, mà tránh không bình luận, có lẽ cũng là một biểu hiện nhạy cảm và tế nhị. Những người nhạy cảm thấy đã đến lúc nên có sự trao đổi thẳng thắn với tư cách giữa những người được giả thiết là “chung một chiến hào”. Vướng một cái gai, anh chiến sĩ vẫn có thể chiến đấu, nhưng “giải quyết” được cái gai tất nhiên sức chiến đấu sẽ tốt hơn nhiều.
Suốt trong quá khứ tôi không dính dáng trực tiếp gì đến chính trị, nhưng bạn bè thuộc cả hai “phe” cũng có nhiều thân hữu. Trong điều kiện sức khỏe không thuận lợi, tôi không dám hy vọng có thể đề cập vấn đề một cách thấu đáo, chỉ xin đưa ra một vài ý chung, tản mạn, để góp phần gọi là “giải mã” một thực tiễn khá nhiều tế nhị.
II. Mấy điều cơ bản gợi ý có thể dùng trong lý giải
1/ Phải chăng sự hiểu biết lúc ấy chưa đủ tầm để sàng lọc?
Hiện tượng một chủ nghĩa ảo tưởng, phi lý và phản tiến hóa như chủ nghĩa CS lại rộ lên một thời rộng lớn, thu hút đám đông, trong đó có cả những trí thức lớn, nghịch lý quá lớn ấy khiến thiên hạ phải chiêm nghiệm mà đúc kết thành một quy luật, quy luật liên kết và hoán vị loại trừ lẫn nhau trong 3 thành tố, tạm gọi là luật “loại trừ một trong ba” hay luật “Hai khử một”.
Ba thành tố ấy là Tâm hồn Lương thiện, Trí tuệ Thông thái và Lập trường Cộng sản, liên kết và loại trừ nhau như sau:
- Đã Thông thái và Cộng sản thì không Lương thiện ( phải mưu mẹo, gian hùng)
- Đã Lương thiện và Cộng sản thì không Thông thái ( phải nhẹ dạ, nông cạn)
- Đã Lương thiện và đủ Thông thái thì không theo Cộng sản. [1]
Những ai tự nhận mình luôn lương thiện trong sáng và đã theo CS thì ứng với trường hợp thú hai, tức là trí tuệ nông cạn, không đủ tầm để sàng lọc trước một vấn đề ở tầm thời đại. Trước mắt mới nhìn bề ngoài tưởng là tốt thì theo thôi.
Xem ra nhiều đảng viên lương thiện không chịu nhận là lúc ấy mình ngu, cứ khẳng định khi ấy chỉ có theo đảng là thông minh nhất. Có vị còn khăng khăng rằng: Nếu bây giờ lịch sử lặp lại thì ông ta cũng lại chọn đúng con đường cũ chứ không thể khác (ghê thiệt!). Sở dĩ có sự tự ái như vậy do chưa hiểu sự “ngu đần” có thể là tầm của cả một dân tộc trong một thời kỳ chứ chẳng riêng ai, người viết những dòng này cũng đâu thoát khỏi mê cung ấy? Phê phán bạn cũng là phê phán mình. Chỉ cần so sánh với một dân tộc văn minh và khôn ngoan hơn sẽ thấy ngay sự kém cỏi, dân trí lạc hậu của cả dân tộc mình thì sẽ tránh được tâm lý tự ái cá nhân.
Hiện tượng có mấy nhà bác học nổi tiếng vẫn say mê CS cũng chẳng biện bạch được gì hơn vì có thể vị bác học ấy giầu lý tưởng, lý thuyết, hiểu biết chuyên môn nhưng rất ngây thơ, ảo tưởng, cũng dốt về chính trị-xã hội. Chấp làm gì những vị trí thức nọ trí thức kia mù quáng thân Cộng, khi “ông trùm CS” của nước mình là chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định theo con đường Cộng sản cũng chưa hiểu Cộng sản là gì kia mà?
Cú “nhích chân” của Nguyễn Ái Quốc từ Đảng Xã hội Pháp sang Quốc tế III của Lenin “chỉ vì Đệ Tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa, “Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản là gì, thì tôi (tức Nguyễn Ái Quốc) chưa hiểu”. Thậm chí Sơ thảo luận cương về các dân tộc và thuộc địa của Lenin đăng trên báo L’humanité ngày 16-6-1920 thì “ngay cả chữ nghĩa trong văn bản” ấy Nguyễn Ái Quốc”cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi” [2]
Nhà báo Bùi Tín thì nói kỹ hơn: “Do văn hóa thấp, mới học hết bậc tiểu học, lại còn quá trẻ nên khi đọc bài của Lenin về giải phóng dân tộc, ông đã nhẹ dạ theo ngay Mác, Lenin , rồi Stalin, rồi Mao cho đến suốt đời, cả sau khi chết... Đến khi chết ông vẫn hài lòng nghĩ mình là một lãnh tụ yêu nước và cứu nước. Theo tôi một nhà lãnh đạo dân tộc mà yêu nước kiểu như vậy thì bằng mười làm hại đất nước, dân tộc, thà ông không yêu nước thì có khi lại là may cho nhân dân. Hiện ta thua xa Thái Lan, Inđonesia, Singapore, Malaysia... là vì vậy” (bài của Bùi Tín cũng được giới thiệu trên trang Basam ngày 19-2-2013). Vẫn là Trí tuệ chưa đủ cho một cuộc sàng lọc ở tầm thế kỷ.
Nhưng cũng không chấp ông HCM làm gì, khi chính ông Mác ông Lê cũng “khái quát vội, khái quát nhầm” ít nhất là 9 điều căn bản [3] tức là cũng hụt hẫng về Trí tuệ khi cả gan nghĩ ra một chủ nghĩa mới toanh hòng cứu rỗi nhân loại nhưng vượt quá tầm Trí tuệ của mình (chủ nghĩa Xã hội khoa học ít nhất cũng có một khuyết điểm cơ bản là phi khoa học!), thì một đảng viên CS nhỏ bé có tự nhận là “Trí tuệ không đủ để sàng lọc” cũng chẳng có gì đáng phải băn khoăn.!
Vậy thì thôi, ta cứ yên trí nhận là trước đây ta theo CS vì chưa đủ thông thái để sàng lọc là ổn.
Nhưng mâu thuẫn vẫn chưa hết. Các bạn lại bảo: tôi theo CS không phải là yêu CS gì hết, chỉ vì yêu nước, yêu hòa bình-thống nhất, ghét Mỹ xâm lược. Nếu bạn chỉ mượn CS làm phương tiện như thế thì khi mục đích đã xong, Mỹ đã rút, đã có “hòa bình-thống nhất” thì bạn còn ôm cái “phương tiện” ấy làm gì, bạn phải chủ động rời bỏ nó ngay mới phải, như qua sông rồi thì bỏ con thuyền ở lại chứ?
Nếu bạn lại bảo: tôi chưa hiểu gì về chủ nghĩa CS nên hãy cứ theo xem sao? Vậy đến hôm nay bạn đã hiểu chưa? Với tư cách một đảng viên bạn có tìm hiểu mọi thông tin trên mạng và trên thực tế không, có biết nghị quyết 1481 của nghị viện châu Âu, biết nhân loại đã vứt một Chủ nghĩa ảo tưởng vào sọt rác lịch sử? Nếu có đủ thông tin thì chắc bạn không còn đủ dũng khí để tự hào là một đảng viên CS, vì tôi tin bạn là người có trí óc bình thường và còn dây “thần kinh xấu hổ”. Theo lô-gich của môn “liêm-sỉ-học” (liemsiology!) thì bạn phải hành xử như Trần Độ, như Phạm Đình Trọng, như Nguyễn Chí Đức... mới phải.
Nhưng chưa, bạn chưa đến chân tường, vì bạn còn một câu trả lời khả dĩ hữu lý: Tôi phải ở lại trong Đảng để “chiến đấu”, với tư cách “người CS chân chính” chống bè lũ “CS thoái hóa”. Vâng, vậy xin chuyển tiếp sang phần sau.
2/ Có hay không khái niệm gọi là “người Cộng sản chân chính”?
Những người tự hào là “CS chân chính” vì nghĩ rằng cái đảng mà mình gia nhập là một đảng chân chính, nay “một số không nhỏ” (tất nhiên nằm trong lãnh đạo tối cao) đã THOÁI HÓA và PHẢN BỘI, nên mình phải đấu tranh chống lại sự tha hóa để phục hồi một ĐCS chân chính, nghĩa là mình đấu tranh (chống những cán bộ lãnh đạo xấu) với tư thế của người “đòi nợ”, đòi cái món nợ mà đảng đã hứa (trong lời tuyên bố) trước nhân dân nhưng bây giờ họ “quỵt nợ, vỗ nợ”!
Phải công nhận , nếu như vậy thì trong 3 yếu tố Lương tâm, Trí tuệ và Cộng sản bạn đáp ứng đầy đủ hai yếu tố Lương tâm và Cộng sản nhưng quá yếu về Trí tuệ (theo đúng quy luật Hai khử một đã nói ở đoạn trên), nên trở thảnh duy cảm, thiếu duy lý. Sự THOÁI HÓA và PHẢN BỘI đã nằm sẵn trong mớ tín điều của chủ nghĩa, đã được “chương trình hóa” ngay từ khi khởi lập. Những biểu hiện thoái hóa và phản bội mà bạn nhìn thấy bây giờ thực ra đã được tiền định từ đầu (trước khi bạn gia nhập đảng rất lâu): không một ĐCS cầm quyền nào có thể thoát khỏi tình trạng thoái hóa và phản bội!
Về lý thuyết chính Mác đã tự chống lại mình, khi triết học Mác thì duy vật, chống duy tâm-duy ý chí nhưng chính trị Mác thì rất duy tâm, chủ quan, duy ý chí. Một lý thuyết ảo tưởng phi khoa học thì sẽ bị thực tế chống lại nên dần dần phải làm ngược lại hết, CS phải tự làm ngược lại những tín điều của mình mới mong tồn tại. Cuối cùng, ngày nay mỗi đảng viên đều phải chọn cho mình một sự giã từ, một sự “phản bội”: hoặc là trung thành với chủ nghĩa thì phản bội nhân dân, muốn trung thành với nước với dân thì phải phản lại chủ nghĩa![4]
Khi bạn trung thành với nước với dân, với nhân tâm, với chân lý phổ quát thì bạn là “con người chân chính”, rất chân chính, tôi yêu quý bạn, nhưng bạn không còn là “người CS chân chính” nữa đâu, âu cũng là lối tự hào do cảm tính, xin đừng nhầm lẫn!.
Bạn lại bảo: Tôi trung thành với chủ nghĩa CS là trung thành với lý tưởng cao đẹp của nó. Bạn lại nhầm rồi. Nhân tố chủ yếu làm nên một chủ nghĩa, phân biệt chủ nghĩa này với chủ nghĩa khác không phải ở mục đích mà nó tuyên bố, mà ở con đường mà nó vạch ra, vì mục đích sau cùng thì bao giờ chẳng tốt đẹp, căn bản đều phải hướng đến tự do-hạnh phúc cho con người. Nhưng khi con đường sai hoặc ảo tưởng thì không đến đích mong muốn hoặc chỉ đem đến kết quả ngược lại như trường hợp chủ nghĩa Mác-Lênin [5].
Ngoài ra, có cách đi đến đáp án đơn giản hơn nhiều:
Khi một chủ nghĩa ảo tưởng chỉ đem lại kết quả ngược với mong muốn thì chủ nghĩa ấy không thể coi là CHÂN CHÍNH được. Chủ nghĩa đã không CHÂN CHÍNH thì làm sao tín đồ của nó lại CHÂN CHÍNH được? Bạn chỉ có thể là một CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH vì thực ra bạn đã làm ngược tín điều của Chủ nghĩa rồi, chắc bạn là người nặng về duy cảm nên không nỡ hay không dám để cho bộ óc Duy lý được đứng trước gương mà phán xét đó thôi! Xin nói với nhau một lời thông cảm thực lòng như vậy.
III- Lấy đích Dân chủ-Độc lập-Phú cường làm sợi dây liên kết
Chỉ cần nhìn các nước quanh ta với một xuất phát “same-same” như nhau đủ thấy trong cuộc chạy đua thế kỷ, Việt Nam chúng ta là kẻ thua cuộc, là đoàn khách nhỡ tàu.
Chỉ nhìn kinh tế-kỹ thuật đã thấy thua các nước bạn trong khu vực vài chục năm nhưng sự thua kém về độc lập-tự do, về văn hóa-nhân phẩm còn đáng lo hơn nhiều.
Nay muốn đoàn kết để thực hiện dân chủ ắt phải chấp nhận đa dạng đã đành, nhưng ở một nước vừa trải qua mấy cuộc phân ly kinh khủng, lại đang bị ngự trị bởi một Ý thức hệ đoàn kết giả để phân ly thật thì lòng người ly tán là một trở ngại khổng lồ, nếu không biết chấp nhận sự khác biệt thì lấy đâu sức mạnh cho một sứ mệnh cũng khổng lồ tương xứng? (sứ mệnh lập lại một xã hội đã bị phá nát từ gốc, quay lại một con đường đã đi ngược trên nửa thế kỷ, chống lại một anh hàng xóm khổng lồ chỉ muốn kìm giữ Việt Nam yên vị như một con cừu Ý thức hệ vừa ngoan vừa chậm vừa ngu để hắn có thể ngoạm dần hết cơ thể con mổi trong cái áo choàng hữu nghị đểu).
- Muốn có khối đoàn kết toàn dân tộc, trước hết hãy tìm khả năng đoàn kết giữa các khối người tích cực mà họ đang rất khác nhau như trên đã nói. Hãy quý sự khác nhau ấy vì đó chẳng những là thực tiễn buộc phải chấp nhận, là tất yếu trong tinh thần dân chủ, mà còn là thuận lợi để diễn tiến xã hội đi lên một cách hòa bình. Nếu không có những “trí thức cận thần”, còn rất khác những người có tư duy triệt để (biết phải thay đổi cái cũ tận gốc), đồng thời lại có những người trung gian giữa hai thái cực ấy thì sao có thể nối với nhau thành những nhịp cầu chuyển hóa dần dần? Nối tiếp với nhau được nếu tất cả đều hướng về phía trước, dẫu kẻ trước người sau nhưng phải chống những kẻ ngược chiều hoặc mưu toan cơ hội trụ lại nửa chừng để chia hoa lợi!
Một ví dụ: trong những người đã có thời hăng hái theo đảng làm một cuộc gọi là “chống Mỹ cứu nước” có người không muốn nhắc lại “thành tích đáng buồn” cũ (như anh em Huỳnh Nhật Hải-Huỳnh Nhật Tấn) trong khi rất nhiều người vẫn muốn nhắc lại những kỷ niệm một thời tranh đấu “hào hùng”. Không sao, miễn là khi nhắc lại chuyện cũ phải nhìn dưới lăng kính mới, vượt trên cái cũ với óc phê phán để phục vụ cho cái mới. Chẳng hạn phải hiểu vì sao trong chế độ cũ (mà ta quyết đánh đổ) ta có thể ngang nhiên tranh đấu, tuyên bố hùng dũng, thậm chí lãng mạn bay bổng, thỏa chí tang bồng chống lại giới cầm quyền, còn trong chế độ mới (mà ta mơ ước) ta chỉ dám làm bằng 1 phần trăm thời xưa thôi mà đã phải rụt rè? Chẳng hạn ngày trước dưới cái nhìn bồng bột ta chỉ thấy cái gọi là “Mỹ Ngụy” là thấp hèn, tàn ác, đáng khinh ghét, nay dưới cái nhìn dân chủ và toàn cầu ta lại mong sao bây giờ được bằng cái mà ta đã quyết diệt [6], mong trở lại cơ hội cũ mà ta đánh mất, để rồi từ đó tiếp tục đi lên thì dễ dàng hơn.
Chẳng hạn ta nhận ra sự “hào hùng” cũ thật là “bi tráng” (như nhà văn TDBC nhận thấy), nhưng “bi” không ở chỗ bị kẻ thù tàn sát, thất bại đau đớn như cái bi hùng của phong trào Nguyễn Thái Học, mà ngược đời, “bi” lại ở chỗ muốn thắng cuộc thì nhất thời đã thắng, nhưng nghĩ lại, thà đừng thắng thì hơn! “Bi” ở chỗ cái “tinh hoa phẩm chất” của tuổi thanh niên (nhưng còn bồng bột, cảm tính, bị tuyên truyền), tương tự như cái vốn quý giá mà Dương Thu Hương gọi là “một khối vàng ròng”, nhưng đã bị lợi dụng, bị dùng nhầm, dùng phí phạm, đáng tiếc. Song cái “bi” ở đây cũng không hề “bi lụy” nếu ta quyết hồi sinh cái “tinh hoa phẩm chất” của tuổi trẻ ấy, với sự bổ khuyết rất cần thiết bằng các tri thức hiện đại, trưởng thành, để dùng vào công cuộc hôm nay, như để bù đắp cho điều đáng tiếc cũ, thì sự hồi tưởng như thế thật là hồi tưởng vô cùng tích cực.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng vậy, nghĩ lại thời đã qua để thấy trách nhiệm của mình. “Cả tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt, để đúc nên chính cỗ máy này”, cái cỗ máy của sự “đểu cáng lên ngôi”. Hồi ức chuyện cũ để mà hối tiếc cho nhiệt huyết của mình không đem lại kết quả mong muốn, và thấy trách nhiệm của mình trong hiện tại! Một khi cùng hướng về phía trước và hành động cụ thể là nhất định gặp nhau. (Không biết trong hàng ngũ của các anh có ai muốn ôn chuyện cũ để kể công, để che dấu cái hèn hiện tại, để lập một cái gì đó chung chiêng hay không thì tôi không rõ, tất nhiên không bàn).
- Hãy biết ơn những người tiên phong.
Nếu như trên mặt phẳng nằm ngang ta hình dung đoàn người nối tiếp nhau như cây cầu bắc từ chế độ độc tài toàn trị đến cuối cầu là chân trời Dân chủ-Độc lập-Phú cường, trong đó những tư tưởng tiên phong luôn dẫn đầu đi trước, thì đừng quên một đường dây thẳng đứng, người nọ đứng lên vai người kia, để đưa nhau từ đáy giếng lên bờ. Trên cái “chồng người” thẳng đứng ấy những người tiên phong đứng ở dưới cùng cho đồng đội được đứng lên vai. Những người tiên phong ấy sẽ lên bờ sau cùng hoặc lúc khải hoàn có thể không còn họ nữa.
Về Độc lập dân tộc nếu không có những anh hùng liệt nữ đã hy sinh liệu ngày nay ta có còn quốc gia không để mà tranh đấu? Chúng đã đứng trên vai họ để có hôm nay. Về Dân chủ-Tự do cũng vậy. Nếu không có những người dân chủ tiên phong như Nguyễn Mạnh Tường, như Hữu Loan, như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Cù Huy Hà Vũ, Dương Thu Hương, Hòa thượng Thích Quảng Độ, cha Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức... vân vân và vân vân... mà hầu hết họ đều bị tù đày, và biết bao tiếng nói dân chủ từ bên ngoài hỗ trợ thì làm sao có chút nền dân chủ cỏn con để có thể tồn tại những trang Web dân chủ trong nước như trang Bô-xít, trang Basam và các blogger? Rồi đến lượt, nếu không có những trang Web và blogger ấy làm chỗ tựa làm sao đoàn trí thức 16 vị có thể được đón tiếp để trao những kiến nghị và dự thảo Hiến pháp quá mạnh dạn kia, cũng như cá nhân tôi lúc này có thể công khai công bố những lời đóng góp thẳng thắn nhường này? Chúng ta đã được đứng trên vai họ, những người dân chủ tiên phong chịu nạn tù đày để giành lấy từng tý chút dân chủ cho ta tiếp tục. Hãy nhớ ơn họ!
Một chi tiết nhỏ thiết nghĩ cũng nên nói thẳng: GS Nguyễn Huệ Chi là chủ trang mạng Boxit Việt Nam, cũng là trang chủ đăng tải “Kiến nghị 72” và hộp thư thu thập chũ ký. Trong đoàn 16 người nếu có GS NHC thì sẽ đàng hoàng hơn, chính danh hơn, khiến cho cơ quan công quyền phải nể trọng hơn bởi sự đàng hoàng ấy.
Nói đến chuyện đứng trên vai nhau, tôi lại thầm hỏi mình: nếu không có đồng đội lấy vai cho mình đứng, lại không có một điểm tựa nào đó từ môi trường, dù là điểm tựa vô tình hay vô tri thì một cá nhân đơn độc làm sao có thể vượt qua cái vai của mình ? Tự mình vượt qua chính mình mới thật là điều khó lắm thay! Làm sao có thể tự thắng cái khối lượng ì ạch của bản thân với tất cả những sức cản nặng nề đã ràng buộc mình vào cuộc đời này?
Đoàn kết, dấn thân hết mình phải đi đôi với tỉnh táo sàng lọc chính là bài học lịch sử quý giá mà quá khứ từng dạy cho ta vậy.
Đà Lạt ngày 24-2-2013

_______________________________
[1] “Quy luật” tương tự này tôi đọc thấy đã lâu, gần đây thấy nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh và nhà báo Lê Diễn Đức nhắc tới. Tôi diễn đạt lại cho rõ hơn (HSP)
[2] Xưa nhích chân đi giờ nhích lại: HCM quyết định theo Quốc tế 3 khi chưa hiểu CS là gì ! Tư liệu trích từ:
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Nhà xuất bản Văn học, Hànội (in lần thứ tám), 1975, trang 44.
- Hồ Chí Minh: Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000, trang 126.
- Lữ Phương: Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, THƯ NHÀ xuất bản, Australia, 2002, trang 40.
[4] Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước (www.hasiphu.com/baivietmoi_40.html)
[5] Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ
[6]Nguyên Ngọc (S: Tôi nghĩ giá như trong cuộc chiến vừa qua, miền Nam thắng, thì có lẽ sẽ tốt hơn …). Huy Đức: “bên (cần) được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc”.

Sunday, February 24, 2013

Tiến tới một định nghĩa khác về xã hội dân sự

Tiến tới một định nghĩa khác về xã hội dân sự

Nguyễn Hưng Quốc

Lời tác giả:
Đây là bài cuối cùng trong loạt bài về “Xã hội dân sự”. Mỗi bài bàn về một khía cạnh khác nhau, khá độc lập, có thể tồn tại như một bài riêng. Tuy nhiên, để theo dõi trọn vẹn vấn đề cũng như mạch lý luận của tác giả, xin quý bạn đọc đọc lại các các bài đã đăng:

  1. Xã hội dân sự hay xã hội công dân?
  2. Xã hội dân sự như một phạm trù nhận thức
  3. Xã hội dân sự như một khu vực thứ ba
  4. Xã hội dân sự và tiến trình dân chủ hoá
  5. Xã hội dân sự tại Việt Nam: một bức tranh lệch lạc và dang dở
  6. Xã hội dân sự ở Việt Nam: Theo quan điểm của Gramsci
  7. Xã hội dân sự từ bên trong
  8. Xã hội dân sự và mạng lưới truyền thông
***

Cho đến nay, đã có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm xã hội dân sự. Nguyên nhân của những sự khác biệt ấy chủ yếu xuất phát từ ba điểm chính: Thứ nhất, từ những truyền thống và những khung lý thuyết mà người ta chấp nhận và ứng dụng: Những người theo quan điểm của Alexis de Tocqueville sẽ có những định nghĩa khác với những người theo quan điểm của Antonio Gramsci, chẳng hạn. Thứ hai, từ các khu vực được nghiên cứu: Đi từ những nơi đã có truyền thống dân chủ từ lâu đến những nơi dân chủ mới được thiết lập và cuối cùng, đến những nơi còn mờ mịt dưới các chế độ toàn trị, rất nhiều yếu tố vốn được xem là yếu tính của xã hội dân sự đã bị biến đổi, có khi không phải chỉ ở mức độ mà ngay từ bản chất. Thứ ba, từ phương pháp luận: Một số người hài lòng với phương pháp mô tả, dựa trên những gì họ quan sát được trong khi một số người khác lại đi theo hướng quy phạm (normative definition), định nghĩa xã hội dân sự theo những gì họ nghĩ là nó sẽ làm và nên làm.

Các định nghĩa khác nhau ấy không phải là một phủ định của ý niệm xã hội dân sự mà là một bằng chứng cho thấy tính chất đa dạng và phức tạp của vấn đề. Trước tính chất đa dạng và phức tạp ấy, giới nghiên cứu, một mặt, phải duy trì một số điểm chung nào đó để bảo đảm không lạc sang một vấn đề và một khái niệm khác; mặt khác, phải tôn trọng cái đối tượng đặc thù mà mình đang khảo sát.

Từ việc đối chiếu các xã hội dân sự từ Bắc Mỹ - Tây Âu đến Đông Âu - Nam Mỹ và Á châu, trong đó có Việt Nam, tôi đề nghị một định nghĩa khác về khái niệm xã hội dân sự:

Xã hội dân sự là một nơi chốn (arena), thực hoặc ảo, ở ngoài gia đình, nhà nước và thị trường, nơi các công dân tự nguyện tham gia để có một tiếng nói chung hoặc một hành động chung về những điều mọi người cùng quan tâm, trong đó, điều quan tâm lớn nhất là vấn đề dân chủ.

Xin giải thích một chút về định nghĩa trên.

Trước hết, tôi xem xã hội dân sự là một nơi chốn (arena) thay vì một tổ chức (organisation) như quan niệm quen thuộc ở Tây phương, một quan niệm vốn xuất phát và chỉ thích hợp với các xã hội đã có nền dân chủ vững chắc, ở đó, việc lập hội vừa hợp pháp vừa dễ dàng. Quan niệm xem xã hội dân sự như một nơi chốn này cũng đã được Carmen Melena và Volkhart Finn Heinrich nêu lên (1), và, trước đó, đã được tổ chức CIVICUS sử dụng (2). Có thể truy gốc gác của quan niệm này từ lý thuyết về không gian công cộng (public sphere) của Jurgen Habermas khi ông xem không gian công cộng như một nơi chốn mọi người có thể thảo luận về các vấn đề xã hội một cách tự do và bình đẳng (3). Tôi chỉ thêm một kích thước mới: nơi chốn ấy không nhất thiết phải ở ngoài đời thực. Nó có thể thuộc một không gian ảo. Với các trang mạng.

Quan niệm này có điểm lợi là nó có thể dung hợp quan điểm xem xã hội như một tiến trình của Joseph Hannah và quan điểm xem xã hội dân sự như một hành động của Jorg Wishermann: hành động hay tiến trình nào cũng diễn ra trong một nơi chốn cụ thể. Nhưng không nhất thiết phải gắn liền với một tổ chức. Cứ khăng khăng bám vào “tổ chức”, nhất là “tổ chức chính thức”, nghĩa là được đăng ký và có giấy phép hoạt động đàng hoàng, trong trường hợp của Việt Nam cũng như các chế độ toàn trị khác, chúng ta sẽ hoàn toàn tuyệt vọng: Nó sẽ không có, và không thể có, vì đó là một điều cấm kỵ. Nếu không tuyệt vọng thì chúng ta cũng sẽ bị lừa dối bởi những tổ chức xã hội dân sự giả vốn được nhà nước thành lập, lãnh đạo, điều khiển và kiểm soát chặt chẽ, như một tổ chức ngoại vi của đảng cầm quyền.

Cũng giống như Melena và Heinrich, thay cho khái niệm “tổ chức”, tôi nhấn mạnh vào tư cách “công dân”. Xã hội dân sự, dù hiểu theo nghĩa nào, cũng là xã hội của các công dân, nơi người ta hành xử, trước hết, với tư cách công dân. Tôi cho đó là nội dung quan trọng nhất của xã hội dân sự. Đã đành, bình thường mỗi người chúng ta ai cũng đồng thời là một công dân. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng sống và hành xử như một công dân. Trong gia đình, chúng ta chỉ là ông/bà/bố/mẹ/chồng/vợ/anh/chị/con/cháu… Ở chỗ làm, chúng ta chỉ là chủ hoặc nhân viên. Ở chợ hay các cửa hàng, chúng ta là người bán hoặc người mua. Ngay cả khi là công chức, chúng ta cũng chỉ có thể là hoặc lãnh đạo hoặc thuộc hạ. Ở Việt Nam, cơ hội để chúng ta làm công dân rất hiếm hoi: Thường, đó là những lúc chúng ta được cầm lá phiếu đi bầu cử. Hiếm hoi nhưng lại giả tạo: những lá phiếu ấy rất giới hạn (qua sự giới hạn số người ứng cử), bị kiểm soát chặt chẽ và luôn luôn có nguy cơ bị gian lận. Xã hội dân sự là cơ hội để các công dân sống với tư cách công dân của mình nhiều hơn và tích cực hơn: Họ đến với các công dân khác một cách tự nguyện và bình đẳng, ở đó, họ được tự do phát biểu ý kiến về những gì mình quan tâm để tranh đấu cho những điều quan tâm ấy biến thành hiện thực.

Trong câu vừa viết ở trên, với tôi, chữ quan trọng nhất là chữ “quan tâm”. Tôi cho cốt lõi của tư cách công dân nằm ở chỗ biết quan tâm đến những vấn đề chung của xã hội và đất nước. Những kẻ, nói theo chữ của Chế Lan Viên, chỉ biết “ngủ yên trong giường chiếu hẹp” với những “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” chắc chắn không phải là những công dân đúng nghĩa. Ở mặt nổi, công dân nào cũng phải có quyền, bổn phận và trách nhiệm đối với đất nước; nhưng ở chiều sâu, công dân nào cũng phải gắn bó mật thiết với cả cộng đồng: tất cả đều có một ký ức tập thể, một tưởng tượng tập thể, và đặc biệt, một sự quan tâm có tính tập thể. Các nhà nước toàn trị, một mặt, tìm mọi cách, chủ yếu là tuyên truyền, thậm chí, nhồi sọ, để tăng cường các ký ức và tưởng tượng tập thể nhưng lại tìm mọi cách, kể cả bằng bạo lực, để ngăn chận sự quan tâm chung. Với họ, ký ức tập thể và tưởng tượng tập thể chỉ có lợi: Chúng biến mọi người lại thành một khối, một cộng đồng. Nhưng sự quan tâm chung lại có hại: Với nó, người dân sẽ đòi hỏi quyền được biết, được bàn và được làm. Đó là lý do tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lúc nào cũng gạt dân chúng đi: “Để Đảng và nhà nước lo!” Một cộng đồng chỉ có ký ức tập thể, tưởng tượng tập thể nhưng lại không có mối quan tâm có tính tập thể chỉ là một bầy đàn.

Một tập thể có thể có nhiều mối quan tâm khác nhau, nhưng với tư cách một xã hội dân sự, mối quan tâm lớn nhất (dĩ nhiên không phải là duy nhất) là vấn đề dân chủ. Điều này, thật ra, rất dễ hiểu. Nó gắn liền với lý do hình thành và phát triển của xã hội dân sự. Cho đến nay, hầu như mọi lý thuyết gia đều cho bản chất của xã hội dân sự đều nằm trong quan hệ giữa nó và nhà nước: Với De Tocqueville, xã hội dân sự hạn chế nhà nước; với Hegel, nó là một giai đoạn cần thiết để hình thành nhà nước; với Marx, đó là nguồn quyền lực của nhà nước; với Gramsci, đó là nơi nhà nước xây dựng quyền lãnh đạo trong liên minh với giai cấp thống trị của mình (4); với các lý thuyết gia hiện nay, nó là điều kiện để cân bằng quyền lực giữa nhà nước và xã hội. Cân bằng, trong trường hợp này, đồng nghĩa với dân chủ: xã hội, ít nhất, cũng có thể tham dự hoặc giám sát các quyết định và cách thức thi hành các quyết định ấy của nhà nước. Bởi vậy, Bernhard mới khẳng định: “Dân chủ hiện đại chỉ có thể tồn tại trong mối liên hệ với xã hội dân sự” (5); Dorota I. Pietrzyk xem hai khái niệm xã hội và dân chủ, tuy có ý nghĩa khác nhau, vẫn trùng lấp lên nhau (6).

Với khái niệm “tiếng nói chung” hay “hành động chung”, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tính chất tập thể. Xã hội dân sự bao giờ cũng phải là một việc làm có tính tập thể. Không có tính tập thể vẫn có xã hội, nhưng không thể có xã hội dân sự.

***

Chú thích:

  1. Trong bài “Can We Measure Civil Society? A Proposed Methodology for International Comparative Research” in trên Development in Practice số 17, tháng 6 năm 2007, tr. 338-352.
  2. CIVICUS (2005), Civil Society Index – Shortened Assessment Tool (CSI-SAT), A Guide for CSI-SAT Implementation Agencies, Washington D.C.: CIVICUS.
  3. Jurgen Habermas (1989), The Structural Transformation of the Public Sphere: An Inquiry into a Category of Bourgeois Society, Thomas Burger và Frederick Lawrence dịch, Cambridge: Polity.
  4. Neera Chandhoke (2007) bài đã dẫn, tr. 609.
  5. Dẫn theo Gideon Baker, trong bài “The Taming of the Idea of Civil Society”, in trong Peter Burnell & Peter Calvert (biên tập) (2004), Civil Society in Democratization, London: Frank Cass, tr. 46.
  6. Dorota I. Pietrzyk, “Democracy or Civil Society?”, Politics số 23 (2003), tr. 41.

Chuyên đề Mậu Thân - Bài 7

Chuyên đề Mậu Thân - Bài 7 - "Khi năm Tuất đến, Huế vẫn còn khóc cho Tết năm Thân..."



Trần Quốc Việt (Danlambao) - Việt Cộng bắt ông về lại, chặt đứt lìa hai bàn chân của ông trước sự hiện diện của nhiều người tù khác, và rồi khi ông nằm lăn lộn trên mặt đất la thét vì đau đớn, họ giết ông bằng một viên đạn từ khẩu súng lục bắn vào miệng ông...
*
Hai câu chuyện sau đây kể về hai số phận của hai người trốn thoát cộng sản.
Người trốn thoát kể lại thảm sát ở Huế
HUẾ, Nam Việt Nam, 12 tháng Tư 1969 (AP) -Viên chức làng Phan Duy thoát chết trong vụ thảm sát ở cồn cát tại Huế trong lúc đội hành quyết của Việt Cộng đang đào mồ chôn ông.
Ít ai được may mắn như thế. Những người đào mồ sàng lọc thật kỹ ba hố chôn tập thể ở phía đông cố đô và đã tìm thấy xác của hơn 500 đàn ông, đàn bà và trẻ em. Tất cả nạn nhân đều bị kẻ thù đánh chết và bắn chết trong cuộc tấn công vào dịp Tết 1968.
Ông Duy, một viên chức quan trọng ở làng An Hạ cách Huế 11 cây số về phía đông, biết mình có tên trong danh sách hành quyết của Việt Cộng. Cho nên khi những người cộng sản Miền Bắc và những người kháng chiến Việt Cộng chiếm Huế vào tháng Hai 1968, ông đã rời làng đến trốn tại một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Huế với hy vọng tránh bị phát hiện trong dân chúng đông đúc hơn của thành phố Huế.
Ông trốn được suốt trong một tháng chiếm đóng của kẻ thù, nhưng khi quân đội Mỹ và quân đội Miền Nam tái chiếm Huế, kẻ thù rút quân ngang qua vùng ông đang trốn. Vào ngày 28 tháng Hai năm Việt Cộng bước vào nhà ông Duy.
Bị giải đến Cồn Cát
Sau khi trói tay ông, Việt Cộng giải ông đi mười một cây số về hướng nam tới một dãy nhà gần các cồn cát. Ông Duy kể họ đẩy ông vào một ngôi nhà nơi có bốn người tù khác.
Năm người bị nhốt trong nhà bảy ngày, chỉ được đi ra ngoài mỗi lần cần đi vệ sinh. Vào những dịp được ra khỏi nhà như thế ông Duy kể ông thấy hơn 100 người bị bắn ở những ngôi nhà khác.
Vào đêm thứ bảy, ông Duy và chín người khác, tất cả đều cùng bị trói chung vào một cọc tre, được bảo rằng họ sẽ được đưa đến một nơi khác để "học tập cộng sản".
Nhưng lần này họ bị giải đi chỉ được độ 300 mét. Tay của những người tù được mở trói rồi họ được lệnh cởi áo quần ra vì họ sắp sửa lội qua sông.
Khi ông Duy cởi áo quần ra ông nghe những lính canh tù nói chuyện với một nhóm lao công Việt Cộng.
"Các anh đào chiến hào xong chưa?" Họ hỏi.
"Chưa, chưa xong, có quá nhiều người nhưng không đủ thời gian." Những người lao công đáp.
Ba trong số sáu người lính canh tù nghe vậy bỏ đi để giúp đào hào, trong khi ba ngưòi lính còn lại trói lại tay của ông Duy và chín người bạn tù.
"Trời rất lạnh. Lúc ấy vào độ nửa đêm," ông Duy kể. "Tôi tìm cách cởi trói vì tôi biết trong vài phút nữa mình sẽ chết."
Ông Duy kể ông mở được sợi dây thừng và lao người về phía trước thì một người lính bắn theo độ hai mươi phát.
"Tôi chạy được độ 300 mét thì thấy một cái hồ nước," ông Duy kể. "Tôi nhảy xuống hồ và lấy cây sậy che kín người."
Hàng giờ sau ông mới ra khỏi hồ và đi về hướng ánh sáng ngọn đèn pha của tháp đài phát thanh Huế. Ông lảo đảo bước vào trụ sở quận Phú Vang và tường thuật lại tất cả mọi chuyện.
"Tôi nhớ vào ngày thứ hai tôi bị giam trong ngôi nhà ấy," ông nói, "có người cùng làng bảo tôi Việt Cộng đã vào nhà tôi và giết mẹ tôi. Khi tôi trở về tôi thấy xác mẹ tôi vẫn còn ở trong nhà. Tôi là người con duy nhất của bà."
Nguồn: Washington Post 13/4/1969
*
Chết nhiều lần trước khi lìa đời
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Ông Hương, một cựu binh sống với vợ và sáu con tại làng Bao Vinh thuộc ngoại ô Huế, bị một toán Việt Cộng vào nhà bắt vào ngày thứ ba của cuộc chiếm đóng. Họ tố cáo ông trước đây là lính, vì vậy ông phải "trả nợ cho tội ác chống lại nhân dân," rồi bắt ông đi đến nơi giam giữ nhiều người khác trong làng.
Mặc dù hai cánh tay ông Hương bị trói đằng sau lưng, ông vẫn lẻn trốn đi được, nhưng rồi bị bắt lại cách nơi giam giữ vài trăm mét.
Việt Cộng bắt ông về lại, chặt đứt lìa hai bàn chân của ông trước sự hiện diện của nhiều người tù khác, và rồi khi ông nằm lăn lộn trên mặt đất la thét vì đau đớn, họ giết ông bằng một viên đạn từ khẩu súng lục bắn vào miệng ông. (1)
(1) Theo Như Hà, "Khi năm Tuất đến, Huế vẫn còn khóc cho Tết năm Thân", nhật báo Chính Luận, phần 3 của chuyên đề 3 phần, ngày 1 tháng Hai 1970, trang 7. Một người hàng xóm chứng kiến vụ hành quyết đã kể lại cho vợ của nạn nhân.
Nguồn: Vietnam Center and Archive
Study of the Hue Massacre [March 1968], trang 49. Tựa đề của người dịch.
___________________________________

Dân Làm Báo- Họ tiếp tục hát trên những xác người, chối bỏ tội ác, đổ thừa tội phạm, chà đạp lịch sử để tự vinh danh những kẻ sát nhân lẫn một chế độ sát nhân. Và vì thế những tang thương quá khứ đành phải lật lại vì sự thật của lịch sử:

Saturday, February 23, 2013

Chuyên đề Mậu Thân - Bài 6

Chuyên đề Mậu Thân - Bài 6


Việt Cộng là ai?
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lệ Xá Tây, Nam Việt Nam, 12 tháng 11, 1969 (AP) - Dưới bóng cây nhiều mấu xù xì bà Phan Thị Dân lặng lẽ khóc chồng. Thỉnh thoảng bà vuốt ve tấm vài nhựa màu xanh đựng thi hài chồng được bó chặc bằng sợi dây ny lon - một vài cái xương, những mẩu vải áo quần còn sót lại, và chiếc sọ lộ rõ hai chiếc răng vàng còn nguyên vẹn.
"Việt Cộng?" bà đáp lại câu hỏi. "Chúng tôi cùng chung giòng giống, chúng tôi cùng chung màu tóc, chúng tôi cùng chung ngôn ngữ. Nhưng họ vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Và giờ đây chúng tôi biết rằng họ còn vô nhân đạo."
Lời phát biểu này không biểu lộ hận thù, càng không biểu lộ nhiều xúc cảm. Bà Dân, cô giáo 45 tuổi, suốt trong 21 tháng trời bà biết chồng bà chắc đã chết, một trong hơn 3.000 người bị các toán hành quyết Việt Cộng sát hại trong trận chiến ở Huế trong cuộc tấn công vào dịp Tết năm ngoái.
Nhiều người bị chôn sống
Tuần này là lần thứ 14 bà đến nơi những người lao động dính đầy bùn đất vất vả khai quật thi hài và những người tình nguyện trẻ xem xét và phân loại các thi hài một cách cẩn thận và tỉ mỉ để tìm ra những thông tin mà có thể giúp nhận diện các nạn nhân.
Bà Dân là một trong có lẽ độ 100 người phụ nữ đến từ một quận nằm hơi xa về hướng đông nam thành phố Huế. Trong hàng tháng trời họ đã chờ đợi và theo dõi khi các thi hài được khai quật ở những nơi mà Việt Cộng đã dẫn các nạn nhân đến, rồi giết họ bằng đạn và gậy hay chôn sống họ.
Bà trở thành người có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận diện những xác bị chôn đã lâu.
"Ta có thể biết được xác phụ nữ lớn tuổi nhờ hàm răng và xác của những phụ nữ trẻ nhờ mái tóc dài." bà giải thích.
Trong trường hợp đàn ông- đa số nạn nhân là đàn ông- việc nhận diện xác khó hơn rất nhiều. Đôi khi giấy căn cước, cái bật lửa hay một đồ vật mang tên nạn nhân nằm trong các hố chôn tập thể. Thông thường hơn hy vọng duy nhất là hàm răng, vụn vải áo quần hay chỉ nhờ linh tính của người vợ hay người mẹ.
Chồng bà Dân, công chức 50 tuổi, Tôn Thất Lang, là một trong số 150 người ở làng ông bị lùng bắt rồi bị giải đi vào ngày thứ tư của trận chiến. Bà không biết tại sao họ bắt ông.
Tuần qua thi hài của hơn 100 người đã được tìm thấy ở vài địa điểm. Nhiều xác chết nằm chồng lên nhau, chứng tỏ những kẻ hành quyết Việt Cộng đã bắt họ sắp hàng rồi bắn họ hay dùng gậy đánh họ để họ rơi vào những hố mới đào.
Những thi hài được chất lên chiếc thuyền máy để đưa về trụ sở quận Phú Thứ cách đấy hơn ba cây số. Những thi hài được đặt ở ngoài sân và người ta đọc trên loa bảng liệt kê những vết tích tìm được của mỗi thi hài.
Hàng chục người, đa phần phụ nữ, chen lấn lên để xem xét thật kỹ các thi hài. Nhưng ít người tìm được dấu tích của người thân.

Nguồn: New York Times 13/11/1969. Tựa đề của người dịch

Trần Quốc Việt

Wednesday, February 20, 2013

Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và ông Hồ Chí Minh (bài 2)

Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và ông Hồ Chí Minh (bài 2)



Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Để tiếp nối Phần 1 của Bản cáo trạng đã đăng tại Danlambao, tôi xin gửi đến bạn đọc bài số 2 này để bạn đọc tiếp tục tìm hiểu và góp ý về những sự thật cần phải cho thế giới thấy được tội ác cũng như bản chất tàn độc và dối trá của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đối với dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn 02/09/1945-02/09/1969:

I. Gây chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa là một nước có chủ quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận

Kính thưa quý vị!
Do bối cảnh lịch sử diễn ra sau thế chiến lần thứ 2 và sự trỗi dậy bành trướng của chủ nghĩa cộng sản nên tại Việt Nam chúng tôi tồn tại hai nước theo hiệp định Geneve 1954. Đó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam).
Việt Nam Cộng Hòa một quốc gia đã được thành lập và đó là một quốc gia độc lập được quốc tế công nhận. Điều này được minh chứng qua các bằng chứng lịch sử và tài liệu hết sức rõ nét và cụ thể sau đây:
a. Theo như tuyên bố của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) về sự độc lập và dân chủ của mình thì thực tế VNCH đã được 56 quốc gia trên thế giới công nhận trong khi đó thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) lúc đó chỉ được có 10 nước cộng sản công nhận. Hãy đọc đoạn sau:
“Những tổ chức dân chủ và các tiến bộ mà chính phủ chúng tôi đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, đã được cảm thông của cả thế giới. Đến ngày hôm nay đã có 56 quốc gia công nhận chính phủ chúng tôi, duy trì quan hệ ngoại giao với chúng tôi, hoặc đã đề nghị chúng tôi được gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nhà cầm quyền cộng sản ở miền Bắc chỉ được sự công nhận của khoảng 10 chính phủ cộng sản. Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Việt Nam Tự Do đã được tăng đáng kể: Nước chúng tôi hiện nay là thành viên của 33 tổ chức quốc tế và Sài Gòn được chọn là trụ sở của nhiều hội nghị quốc tế.” - (Tuyên Bố Của VNCH Về V/Đ Thống Nhất Đất Nước, Nguyễn Hội)
b. Trong cuốn sách “Chỉ dẫn lịch sử” của nhà xuất bản quốc gia Liên Xô do nhóm tác giả tại viện nghiên cứu lịch sư Liên Bang Xô Viết tại trang 42 có viết:
“Việt Nam Cộng Hòa là một Quốc Gia Hợp Pháp được công nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới qua Hiệp Định Genève 1954, đã từng có quy chế là một quốc gia quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 1954 cho đến năm 1975.”
Như vậy ta có thể thấy được rằng ngay người đàn anh cộng sản Liên Xô của cộng sản Việt Nam cũng phải công nhận tính chính danh và hợp pháp của nước Việt Nam Cộng Hòa mà bất cứ nước nào cũng không có quyền xâm phạm.
c. Trong tài liệu của Liên Hiệp Quốc lưu chiểu tháng 2/1998 có ghi tại danh sách thành viên mục 3 trang 236 về Việt Nam Cộng Hòa có đoạn: “84 quốc gia trên thế giới đã từng đặt nền tảng bang giao với Nước Việt Nam Cộng Hòa từ 1954-1975.”
d. Tác giả J. Leroy - một nhà hoạt động xã hội người Pháp và cũng là đảng viên đảng cộng sản Pháp - Trong cuốn sách của mình mang tên “Đối nghịch” ở trang 236 còn viết:
“Về cơ bản chính quyền nước Việt Nam Cộng Hòa là một chính quyền hợp hiến được Liên hợp quốc và đa phần các nước công nhận, tuy nhiên những nước thân Liên Xô và Trung Hoa không công nhận điều đó vì họ không muốn Việt Nam có bàn chân của Mỹ và đống minh...”

Thưa quý vị, đây chỉ là 4 trong vô vàn tài liệu mà chúng tôi cũng có thể cung cấp thêm để chứng minh Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia hợp hiến và đã được quốc tế công nhận.
Tuy nhiên đảng cộng sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh đã mượn vũ khí của Trung cộng và Liên Xô để tiến đánh xâm chiếm một quốc gia độc lập khác nhằm áp dụng tư tưởng cộng sản độc tài cho cả đất nước Việt Nam chúng tôi.
Điều này minh chứng bằng các luận chứng mà chúng tôi xin gửi tới quý vị ngay sau đây. Việc xâm chiếm một quốc gia độc lập có chủ quyền khác là vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và quy tắc ứng xử quốc tế. Đề nghị quý vị xem xét các luận chứng tôi nêu ra để có được sự công bình nhất cho nhân dân Việt Nam nói chung và trả lại sự thật cho lịch sử Việt Nam chúng tôi.
Kính thưa quý vị!
Ngoài việc VNCH được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập ra thì bản thân VNCH cũng không chủ trương tấn công VNDCCH mà tập trung vào việc xây dựng kinh tế và đời sống cho nhân dân.
Bằng chứng là đời sống nhân dân được nâng cao và cải thiện một cách đáng kể, mọi mặt từ chính trị, kinh tế, chính trị... được phát triển đáp ứng nhu cầu dân sinh trong nước. Quý vị có thể tham khảo những con số trích dẫn cụ thể về mọi mặt qua sự so sánh và liệt kê tại Danlambao: “Những sự thật cần phải biết - Bài 2 - VNCH nạn nhân của một chính sách ngậm máu phun người”
Kính thưa quý vị!
VNDCCH dưới sự chỉ đạo của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản không chấp nhận một thực tế là nhân dân Việt Nam cần phải được tự do lựa chọn thể chế chính trị cho mình. Chính vì muốn áp đặt chế độ cộng sản độc tài nên ông Hồ và đảng cộng sản đã theo lệnh và nhận sự chi viện của Trung cộng để gây chiến phi nghĩa nhằm xâm lược một quốc gia khác đó là VNCH.
1. Trong “Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 9 - Hồ Chí Minh và âm mưu Hán hóa VN” khi tôi đã giới thiệu về tác giả Trung cộng - Hà Cẩn (Viện Văn học Trung quốc) có một cuốn sách được in năm 1997 và tái bản năm 2000 với tiêu đề tạm dịch sang tiếng Việt: “Mao chủ tịch của tôi” bởi NXB Trung ương Trung quốc. Cuốn sách dày 438 trang có đoạn trang 198 nói về chiến Tranh Việt Nam. Đoạn đó tạm dịch như sau:
“Với sự chỉ đạo và giúp đỡ của Trung Hoa mà đứng đầu là Mao chủ tịch thì nhân dân miền Bắc đủ sức chi viện và lãnh đạo các cuộc đánh bom, gài mìn, nổi dậy tại Miền Nam của ông Diệm.”
Như vậy trên thực tế Trung cộng đã chỉ đạo và tài trợ cho VNDCCH vũ khí để họ tiếp tục “lãnh đạo” nhân dân Miền Nam “khủng bố” và nổi dậy thông qua các hành động đặt bom, cài mìn mà chính Hà Cẩn nêu đích danh.
Những hành động đó được gọi là gì? Là khủng bố chứ không thể khác. Một nhà nước đi kích động việc khủng bố và xâm lăng nước khác là hoàn toàn phi pháp. Đảng cộng sản Việt Nam biện hộ bằng luận điệu “Chống Mỹ cứu nước” nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Vì bằng các tài liệu ngay sau đây của chính phía cộng sản đã cho thấy điều này là mâu thuẫn.
2. Trên trang chính dư địa chí của tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tại links:
“Tháng 11/1957, Tỉnh ủy Thừa Thiên họp tại bản Ấp Rùng, xã Thượng Long miền Tây Thừa Thiên Huế. Hội nghị đã quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên Huế thành căn cứ cách mạng. Tỉnh ủy bố trí cán bộ từ đồng bằng lên, cùng với một số cán bộ đã cắm bản từ trước kiên trì bám trụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào nhanh chóng giác ngộ, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ bằng vũ khí thô sơ đã nảy sinh trong phong trào quần chúng.
Giữa lúc phong trào cách mạng miền núi Thừa Thiên Huế đang có bước chuyển biến quan trọng thì ánh sáng Nghị quyết 15 (1/1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về đường lối cách mạng miền Nam được truyền đến Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Tỉnh ủy khẩn trương tổ chức học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương. Một trong những nhiệm vụ chiến lược của Nghị quyết Trung ương 15 là việc mở đường 559 - đường Hồ Chí Minh. Miền núi Thừa Thiên Huế với con đường 559 nối liền mạch máu với cả nước từng bước trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc làm chỗ dựa cho đồng bằng.”
Cũng trên trang này ở bài viết khác có những đoạn:

“Sau năm 1963, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt nhằm đưa phong trào lên một thời kỳ mới, thời kỳ phá kìm, giành dân, đưa phong trào đồng bằng lên thế đấu tranh chính trị, quân sự, tiến công địch bằng cả ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.
Đầu năm 1964, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương: “Phát huy sức mạnh của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, lợi dụng sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn mà tổ chức lực lượng, tiến công mạnh mẽ, đều khắp, làm tan rã, tê liệt chính trị, tư tưởng và tổ chức, phá ấp chiến lược, chuẩn bị thiết thực cho việc phá thế kìm kẹp của địch”. Thực hiện chủ trương trên, nhân dân Thừa Thiên Huế bước vào phong trào đồng khởi đồng bằng năm 1964.
Đến mồng 5 rạng ngày 6/7/1964, phong trào đồng khởi diễn ra khắp vùng đồng bằng trong tỉnh. Ở phía Bắc tỉnh, nhân dân nhiều xã nổi dậy phối hợp với bộ đội và đội công tác võ trang tiến hành tấn công địch, phá ấp chiến lược, xóa bỏ ngụy quyền, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở cơ sở và chính quyền tự quản của nhân dân. Phong trào Đồng Khởi đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn gồm nhiều xã: Phong Sơn, Phong An, Phong Thái, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền), Phong Nhiêu, Quảng Thái (Quảng Điền) và Hương Vân, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thạnh (Hương Trà). Ở phía Nam, lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân tấn công và nổi dậy giải phóng các xã Phú Đa, Phú Hồ và một số thôn của Vinh Phú, Vinh Thái, Phú Xuân, Phú Lương (Phú Vang); Lộc An, Lộc Tụ (Phú Lộc); nhiều thôn xã của xã Thủy Bằng, Thủy Thanh, Thủy Phương (Hương Thủy)...”
Qua hai đoạn trích trên đây cho thấy xuyên suốt quá trình trước năm 1965 mặc dù chưa hề có quân Mỹ tại VNCH và đặc biệt là những chính sách của nền Đệ nhất Cộng hòa như “Người cày có ruộng” hay “Cải cách kinh tế” đã làm cho đời sống nhân dân đi dần vào ổn định thì hành động của đảng cộng sản chỉ đạo hoàn toàn là dùng bạo lực khủng bố nhân dân, chính quyền và xâm phạm quyền tụ chủ của đất nước khác. Những kích động bạo lực đó minh chứng cho chủ trương sắt máu của đảng cộng sản.
3. Cuốn sách “Lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam” của nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tái bản năm 2000 có những đoạn:
“Trong giai đoạn 1957-1959, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt cơ sở của ta bị chính quyền Ngô Đình Diệm phát hiện và bắt giữ. Tháng 1/1959, diễn ra hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam, đã quyết định cho phép lực lượng miền Nam sử dụng bạo lực để đánh đổ chính quyền Mỹ-Diệm.

Kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để lật đổ chính quyền Mỹ-Diệm, cao trào diễn ra ở các địa phương: Bắc Ái (02/1959), Trà Bồng (08/1959)... phong trào lan nhanh ra khắp miền Nam, đặc biệt là phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre.
Điều này cũng được chính quyền cộng sản hiện nay công nhận qua đoạn trích trên báo của chính quyền tỉnh Bến Tre:
“Tháng 12-1959, Hội nghị đại biểu các tỉnh miền Trung Nam Bộ được triệu tập để truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương và bàn chủ trương chuyển hướng phong trào. Đêm 2-1-1960, Hội nghị cán bộ lãnh đạo Bến Tre do Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày để truyền đạt nghị quyết của Trung ương và bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá thế kiềm kẹp của địch. Nghị quyết của hội nghị là phát động một tuần lễ nổi dậy đồng loạt trong tĩnh từ 17-1-1960 đến 25-1-1960. Ngày 17-1-1960, theo kế hoạch đã định, cuộc Đồng khởi nổ ra thắng lợi đúng như dự kiến tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày).”
http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=301&Itemid=47
Nhưng trên thực tế thì vào thời điểm đó, trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có bóng dáng người lính Mỹ tham chiến nào mà chỉ là những cố vấn quân sự để xây dựng quân đội một quốc gia mới thành lập cũng như các nhân viên của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở, y tê và giáo dục... Vậy mà người cộng sản đã có hành động là kích động khủng bố nhân dân nước Việt Nam Cộng Hòa và âm mưu gây chiến để có thể nhuộm đỏ đất nước. Để thực hiện âm mưu này người cộng sản thú nhận.
Để kết hợp với sự kiện “Đồng Khởi” được kích động bởi Trung ương đảng cộng sản của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì đảng cộng sản cũng tiến hành công cuộc xâm chiếm chủ quyền một nước khác một cách bất hợp pháp một cách có hệ thống. Họ cho thành lập đoàn 559 khi chưa có bóng dáng quân Mỹ tại Việt Nam Cộng Hòa với khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước”.
Đây là nguyên văn bài viết trên trang của ban tuyên giáo trung ương VNDCCH tại nguồn dẫn:http://www.tuyengiao.vn/Home/Viet-Lao/Tu-lieu-lich-su/46657/Duong-Ho-Chi-Minh-bieu-tuong-sinh-dong-cua-tinh-doan-ket-dac-biet-viet-lao
“Ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 ra đời, với nhiệm vụ mở đường, đưa đón cán bộ, bộ đội, vũ khí, đạn được, lương thực… từ miền Bắc vào miền Nam và vận chuyển vật chất giúp nước bạn Lào. Được khai sinh vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), đường mang tên "Đường Hồ Chí Minh".”
Như vậy đảng cộng sản đã chủ trương “đồng khởi” kết hợp với xâm chiếm VNCH - một quốc gia hợp pháp ngay từ khi quân Mỹ còn ở tận đâu đó bên nhà của họ. Trên thực tế người Mỹ trước năm 1965 chỉ vào VNCH dưới dạng cố vấn xây dựng quân đội cũng như hoạt động nhân đạo. (Xem “Những sự thật cần phải biết” – Bài 2 - VNCH - Nạn nhân của chính sách ngậm máu phun người).
Sự gây chiến xuất phát từ âm mưu nắm quyền cai trị nhân dân Việt Nam hết sức độc tài của đảng cộng sản Việt Nam là có âm mưu và hệ thống được sắp đặt tình vi. Bằng các biện pháp tuyên truyền mị dân mà nhân dân Việt Nam cho đến nay chúng tôi mới thấu hiểu hết được các âm mưu đó. Chính vì vậy chúng tôi tha thiết mong mỏi quý vị xem xét các bằng chứng tội ác cho thấy những gì đảng cộng sản và ông Hồ Chí Minh đã làm là hết sức độc ác, vô nhân đạo và vi phạm hiến chương quốc tế.
Cuộc chiến xuất phát từ những người cộng sản đem lại nhiều hậu quả tang thương cho nhân dân Việt Nam đến ngày nay. Những điều đó xin quý vị đọc lại những gì chúng tôi tổng hợp sơ bộ về các cuộc khủng bố nhằm vào nhân dân Việt Nam Cộng Hòa tại bài viết: Những sự thật cần phải biết - Nổi dậy hay khủng bố?
Bên cạnh đó, những con số về hậu quả của cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược một quốc gia có chủ quyền khác còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chính đảng cộng sản Việt Nam cũng đã thừa nhận việc Mỹ hoàn toàn không có khả năng can thiệp trực tiếp vào Việt Nam sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tại sao VNDCCH lại phải bán HS-TS cho Trung cộng (1958) để gây chiến? Vì đó thực chất là một cuộc chiến phi nghĩa gây đau thương cho dân tộc Việt Nam. Bằng chứng cho thấy đảng cộng sản công nhận trước 1965 thì Mỹ không có khả năng trực tiếp can thiệp quân sự vào Việt Nam được thể hiện trong cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” (NXb Sự thật - Cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) có viết:
“Sự thật là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương”
Kính thưa quý vị!
Thực chất người Mỹ chỉ vào Việt Nam sau khi cộng sản đã khai chiến và họ vào với mục đích bảo vệ quyền độc lập của VNCH đang tiến hành dân chủ hóa. Và chúng tôi cũng thấy rằng dù đảng cộng sản rêu rao “Mỹ xâm lược” Việt Nam nhưng chúng tôi không thấy Mỹ lấy một tấc đất, một hòn đảo, hay một cái mỏ Boxit nào như Trung cộng đang làm? Đó là minh chứng cho sự ngụy biện của đảng cộng sản cho sự hiếu chiến của họ.
Thứ nhất, trong bài “Những sự thật không thể chối bỏ - Phần 6 có đề cập đến 2 bức thư mà Hồ Chí Minh gửi Stalin để xin chỉ thị về Cải Cách Ruộng Đất và xin vũ khí. Hai bức thư được viết năm 1952 (đã post bản in và link kiểm chứng). Vấn đề được đặt ra khi là năm 1952 không có cuộc chiến nào lớn với Pháp và tại sao tôi khẳng định việc xin vũ khí này lại liên quan đến cuộc chiến sau này với VNCH thì xin được trình bày như sau:
Đầu tiên chúng ta đều biết rằng thời điểm 1952, Việt Minh chỉ đối đầu với Pháp tuy nhiên không có những cuộc chiến lớn xảy ra nhưng việc yêu cầu Liên Xô cấp vũ khí đơn thuần chỉ là để phục vụ cuộc chiến Việt-Pháp.
Nhưng phát hiện từ một tài liệu của Liên Xô đã chứng minh sự kiện xin vũ khí của ông Hồ không đơn giản chỉ là để đánh nhau với Pháp mà còn là chuẩn bị cho tình huống đánh nhau với Mỹ. Như chúng ta đã biết việc Trung cộng mong muốn có cuộc chiến Việt-Pháp nhằm triệt tiêu nội lực dân tộc (Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 10 - Triệt tiêu nội lực dân tộc) và lấy lại đất người Pháp dành cho Việt Nam (xem mục A). Nhưng ở bài 10 đã cho thấy Trung cộng không dám chắc về một cuộc chiến mà chiến thắng hoàn toàn thuộc về Việt Minh nên họ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến khác nếu Mỹ nhảy vào Việt Nam. Tài liệu của Liên Xô đăng trong cuốn sách có tên “Một bước đi lớn” - xuất bản năm 1999 bởi nhóm tác giả đã từng hoạt động tại KGB bởi nhà xuất bản quân đội Liên Bang Nga nói về hoạt động tình báo của Liên Xô có đoạn trang 126:
“Khả năng rất lớn là Mỹ sẽ có vai trò quan trọng trong việc thiết lập hòa bình ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Trung quốc cũng hiểu điều này. Chính vì thế Liên Xô phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là chủ nghĩa tư bản ngự trị tại nơi mà Liên Xô đang mong muốn xây dựng chủ nghĩa Xã hội...”
Như vậy thời điểm mà ông Hồ viết thư xin vũ khí 1952 thì Liên Xô đã tiên đoán Mỹ có khả năng phải can thiệp vào Việt Nam.
Và cuốn sách cũng nói lên sự kiện liên quan đến hai bức thư xin vũ khí của ông Hồ:
“Đồng Chí Stalin đã thông tin cho Việt Minh thông qua bộ ngoại giao Liên Xô để Việt Minh có đề xuất trong việc chuẩn bị tinh thần chiến đấu lâu dài và công việc chuẩn bị cho Cải cách ruộng đất...” (Trích trang 129).
Như vậy qua hai dẫn chứng cho thấy Liên Xô đã chỉ đạo cho ông Hồ phải chuẩn bị ngăn cản Mỹ bằng mọi cách nếu sau này xảy ra, và việc ông Hồ xin vũ khí cũng nằm trong kế hoạch đó. Và qua đây cho thấy sự hiếu chiến của phe cộng sản thông qua sự thể hiện của ông Hồ và đảng cộng sản để triệt tiêu ý thức hệ đối lập mà ý thức hệ đó lại là ý thức hệ tự do, dân chủ và nhân bản.
Thứ hai, thật ra, sau Hiệp ước Genève ngày 20-07-54, Việt Nam Cộng Hòa đã được hưởng vài năm thanh bình thịnh trị. Cuộc chiến chỉ bắt đầu tái phát với một quy mô khá rộng lớn vào ngày tỉnh Phước Thành (cũ) bị quân đội cộng sản tấn công với sự hy sinh của vị Thiếu tá Tỉnh trưởng và căn cứ Trảng Sụp của Trung đoàn 32, thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh bị VC tấn công vào đêm 25-01-60 với sự hy sinh của hơn 20 quân nhân VNCH và sự thất thoát trên 1,000 vũ khí (trích Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi (Hồi ký I), Văn Hóa, Houston, Texas 2002, tr. 349, 351.) (“Năm 1959, sư đoàn (SD) khinh chiến 13, đóng tại Bến Kéo, Tây Ninh và SĐ 11 đóng ở Hậu Giang được sáp nhập thành SĐ 21 dã chiến. Trung đoàn (TrĐ) 39 của SĐ 13 cũ sáp nhập vào TrĐ 32 của SĐ 11 thành TrĐ 32 của SĐ 21 tân lập”).
Chính vì vậy có thể tạm gọi cuộc nội chiến đó là “Cuộc Chiến 1955-1975” mà không là “Cuộc Chiến 1960-1975”? Sau Hiệp ước Genève, Việt Minh tiếp tục cuộc chiến một cách âm thầm bằng cách chôn dấu vũ khí, đạn dược và gài cán bộ, cán binh lại Miền Nam VNCH để tiếp tục cuộc chiến. Theo ước tính của Hoa Kỳ và Chính phủ Quốc gia, có khoảng từ 5000 đến 10000 người được huấn luyện và cài lại Miền Nam với tư cách cán bộ (trích trong cuốn sách của CIA và chính phủ Mỹ thuộc loại mật: The Pentagon Papers, Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5, “Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960”, Beacon Press, Boston, 1971, tr. 242-269).
Nhưng theo một tài liệu do đảng cộng sản ấn hành, Việt Minh đã để lại Miền Nam 60,000 đảng viên (trích trong Tổng Kết Cuộc Kháng Chống Thực Dân Pháp, Thắng Lợi và Bài Học, Hà Nội, 1996):
“Cán bộ và đảng viên được đặt dưới quyền lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ Ủy Nam Bộ. Vào ngày cuối cùng của thời hạn tập kết ở Cà Mau, sau khi chúng ta đánh lừa địch bằng cách giả bộ lên tàu tập kết, đồng chí Lê Duẩn đã tìm cách rời khỏi tàu vào lúc nửa đêm để ở lại”.
Như vậy, rõ ràng Miền Bắc đã chuẩn bị tấn công Miền Nam ngay khi Hiệp ước Genève chưa kịp ráo mực, chứ không phải vì Miền Nam không chấp nhận tổng tuyển cử vào năm 1956 hoặc vì có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Miền Nam mà đang cộng sản luôn tìm cách tuyên truyền mị dân.
Thứ ba, trong bộ môn lịch sử chương trình lớp 12, đảng cộng sản Việt Nam tuyên truyền:
“Mặt trận Giải phóng Miền Nam” thành lập ngày 20/12/1960 với mục tiêu “đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Nhưng thực chất thì sao? Năm 1961 khi ông Ngô Đình Diệm ký Hiệp ước quân sự với Mỹ, thì miền Nam lúc đó chỉ có các cố vấn Mỹ và một ít quân mang tính yểm trợ (US Support Troopes) với nhiệm vụ chính là xây dựng phi trường, cầu cống, đường sá...
Người Mỹ chỉ bắt đầu đưa quân vào miền Nam từ năm 1965, sau khi ông Ngô Đình Diệm qua đời do cương quyết từ chối không cho Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự. Điều này ai cũng biết cả. Quân Mỹ thực sự đổ quân vào miền Nam sau sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964 và để giúp VNCH chống lại cuộc chiến đang ngày càng leo thang của cộng sản ở miền Nam. Cho đến năm 1964 cả về quân số và trang bị quân sự của VNCH không thể bằng VNDCCH (xin xem lại - Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 3 - Bác, đảng đã bán những gì và để làm gì?). Vậy thì vào thời điểm 20/12/1960, làm gì có bóng dáng lính Mỹ nào ở Miền Nam, làm gì đã có ai xâm lược mà chống? Đảng cộng sản phải chống ai, chống cái gì vào năm 1960? Chính sự mâu thuẫn trong lời nói của cộng sản cũng cho thấy bản chất nói dối, lật lọng trong việc kích động chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.
Thứ tư, những dữ kiện trong cuốn sách “MAO: The Unknown Story” được phát hành năm 2005 do hai nhà xuất bản Anchor Books và Random House của tác giả Jung Chang và Jon Halliday. Jung Chang là một hồng vệ binh của Trung cộng, (xem lại bài viết của tác giả Truyền Tấn tại links: http://danlambaovn.blogspot.com/2012/07/ong-gop-them-su-that-cho-bai-viet-nhung. html#.UCICfYRZNWs). Xin phép được trích lại đoạn trong cuốn sách trang 470 trích:
“Có một nơi gần Trung Quốc, nơi đã có người Mỹ, đó là Việt Nam. Cuối năm 1963, miền Nam Việt Nam có khoảng 15000 cố vấn quân sự Mỹ. Kế hoạch của Mao là tạo tình huống làm cho Mỹ phải gởi thêm quân đội vào miền Nam, ngay cả có thể xâm chiếm miền Bắc giáp giới với Trung quốc. Được như vậy, nếu Mỹ oanh kích những căn cứ nguyên tử của ông ta, bộ binh Trung quốc sẽ tràn vào Việt Nam và bao trùm quân Mỹ như đã xảy ra ở chiến tranh Triều Tiên. Để thực hiện kế hoạch nầy, năm 1964 Mao thúc ép CSVN đẩy mạnh chiến tranh Đông Dương. Mao huấn thị Bắc Việt tránh đụng độ lớn, và cào xới khắp diện địa... biến thành cuộc chiến rộng lớn là tốt nhất. Mao bảo Bắc Việt phải đưa thêm Bộ Đội vào miền Nam, và đừng sợ sự can thiệp của Mỹ. Ông ta nói, cùng lắm là như chiến tranh Triều Tiên. Bộ đội Trung Cộng đã sẵn sàng. Nếu Mỹ tấn công Bắc Việt, Bộ Đội Trung Cộng sẽ tràn qua ngay, họ đang muốn có chiến tranh.”
Như vậy những phần trích dẫn quý vị sẽ thấy 2 điều chính Mao chỉ huy ông Hồ đưa quân gây chiến với Miền Nam và trên thực tế dẫn chứng thứ 4 của tôi ở trên đã chứng minh Mao đã đưa quân vào Việt Nam chiến đấu cho thấy: Hồ Chí Minh đã được lệnh của Mao đem quân gây chiến với miền Nam.
Kính thưa quý vị!
Chính vì theo đuổi chính sách khủng bố và chiến tranh leo thang nhiều năm nên con số thương vong cũng như tổn hại sau cuộc chiến xâm lược phi nghĩa của VNDCCH đối với VNCH là những con số khủng khiếp mà tôi xin gửi tới quý vị sau đây.
1. Quân đội VNDCCH dưới sự chỉ đạo của ông Hồ và đảng cộng sản đã gây ra các cuộc khủng bố, pháo kích gây thương vong cho dân thường mà hậu quả của nó là hết sức tàn khốc đối với nhân dân VNCH. Xin quý vị xem phần tổng kết trong bài viết “Những sự thật cần phải biết - Bài 3 - Nổi dậy hay khủng bố”.
2. Ngoài ra còn có cuộc tắm máu nhân dân vô tội trong cuộc chiến phi nghĩa mà VNDCCH gây ra đối với nhân dân VNCH trong tết Mậu Thân 1968 mà ở phần II sau đây tôi xin gửi tới quý vị tội ác của ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam.
3. Tổng kết cuộc chiến phi nghĩa mà ông Hồ và đảng cộng sản đã gây ra cho chúng ta những con số khủng khiếp mà tôi xin gửi tới để quý vị tham khảo sau đây.
Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 2 đến 5 triệu người Việt (tùy từng nguồn khác nhau). Trong số các nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa, người Mỹ có số thương vong cao nhất với hơn 58.000 người chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế). Vào khoảng từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ Hàn quốc bị chết; Úc có khoảng 500 chết và hơn 3.000 bị thương; New Zealand 38 chết và 187 bị thương; Thái Lan 351 chết và bị thương; còn Philippines vẫn chưa có con số thống kê cụ thể...

Số liệu chính thức về thương vong của phía Việt Nam được chính thức công bố gần đây nhất là: 1,1 triệu quân nhân chết; trong số đó có 300.000 quân nhân vẫn mất tích (chưa tìm được xác) 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh.
Theo tư liệu giải mã của Chính phủ Việt Nam năm 1995 cũng như sự xác nhận của các viên chức chính phủ từng tham gia vào cuộc chiến. Trong một phim tài liệu trình chiếu trên kênh truyền hình The History Channel, có rất nhiều viên chức của Việt Nam trong các cuộc phỏng vấn đã xác nhận con số gần đây từ tài liệu giải mã, và số chiến binh tử trận của Quân đội Nhân dân Việt Nam (hay còn gọi là quân Giải phóng Miền Nam) vào khoảng 1,1 triệu, bao gồm 300.000 mất tích. Cần lưu ý, số thiệt mạng không chỉ bao gồm số thiệt mạng trong chiến đấu, mà còn bao gồm số thiệt mạng do bệnh tật, tai nạn, kiệt sức..., và cũng không chỉ gồm lính chiến đấu mà còn gồm bộ phận không tham gia chiến đấu như cán bộ dân chính, cơ sở chính trị ngầm, tổ chức dân vận...
Quân đội Mỹ trước đây ước đoán hành động quân sự của họ đã giết chết khoảng 500.000 quân đối phương, trong lúc 400.000 bị tiêu diệt bởi các lực lượng đồng minh (900.000 tổng số)...

Quân lực VNCH cũng tổn thất 250.000-316.000 tử trận hoặc mất tích và 1.170.000 bị thương.
Con số 220.357 tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng hơn 250.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 316.000 tử trận.
Về dân sự 900.000 đến 4.000.000 chết: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đưa ra con số này vào ngày 3 tháng 4 năm 1995, hai triệu thường dân tại miền Bắc và hai triệu tại miền Nam đã chết khoảng giữa năm 1954 và 1975. Con số tổn thất dân sự của miền Bắc có thể là hậu quả của các chiến dịch không quân của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời.”


Thứ hai, theo tác giả Marc Leepson, ed, Webster's New World Dictionary of the Vietnam War. New York: Simon and Schuster, 1999. - thì cũng có khoảng 4,5 triệu người Việt cả hai miền bị chết cho thấy tính chất phi nghĩa của cuộc chiến mà VNDCCH đã gây ra tổn hại như thế nào với nhân dân chúng tôi.
Thứ ba, “Một bước đi lớn” - bởi nhóm tác giả đã từng hoạt động tại KGB và do NXB Quân đội Liên bang Nga xuất bản năm 1999 nói về hoạt động tình báo của Liên Xô ở trang 400 có viết:
“Hơn 4 triệu sinh mạng người Việt đã đổ xuống vì sự tranh giành cho địa vị của đảng cộng sản và chế độ do người Mỹ giúp sức...”
Thứ tư, trong bản tổng kết của đảng cộng sản Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam được thông qua bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Việt Nam ngày 23/09/1978 đã cho biết có khoảng 4,7 triệu người dân Việt chúng tôi nằm xuống trong cuộc chiến 10.000 ngày.
II. Tội ác tết Mậu Thân 1968 của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản

Kính thưa quý vị!
Một trong những tội ác thuộc loại diệt chủng mà đảng cộng sản Việt Nam và ông Hồ gây ra cho nhân dân chúng tôi đó là giết hại gần 5000 người dân một cách man rợ bằng cách chôn sống, chặt đầu...
Mời quý vị đọc các tài liệu mà chúng tôi đã trích dẫn trong bài viết “Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 14 - Ai làm cho Huế đau thương” để thấy tội ác của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam gây ra cho nhân dân Việt Nam là cực kỳ to lớn trong vô vàn tội ác chiến tranh mà tôi đã nêu lên ở trên.
1. Người dân Huế bị giết hại vô tội:
Đầu tiên, theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên hành chính ngoại giao của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970 trong cuốn sách "Vietcong Strategy of Terror":
"Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:

Tổng số dân sự tử vong: 7.600 - chết lẫn mất tích

Chiến trường: 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc

Nạn nhân của những vụ giết tập thể:
1.173 - số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968
809 - số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969
428 - số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9 năm 1969.
300 - số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969
100 - số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969
1946 - mất tích (tính đến năm 1970)".
Qua đó có thể thấy được tính chất dã man của cộng sản của nước VNDCCH đối với nhân dân VNCH. Tuy nhiên bên cạnh con số của Douglas Pikes cũng cần phải phân tích sự xuất hiện của hai ý kiến khác thuộc về phía những người Mỹ.
Theo Gareth Porter ("The 1968 'Hue Massacre”. Tạp chí Indochina Chronicle số 33, 24/6/1974.), một học giả Mỹ, các ước lượng ban đầu của Bộ Di dân và An sinh Xã hội Việt Nam Cộng hòa, số dân thường thiệt mạng do giao tranh và bom pháo là 3.776, trên tổng số dân thường bị thương, chết hoặc mất tích là 6.700 người[5], chứ không phải các con số 944 và 7.600 do Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đưa ra[6]. (Các con số 944 và 7.600 này đã được Pike Douglas dùng trong thống kê của mình.)

Về các con số cụ thể tại các địa điểm khai quật, Gareth Porter[4] viết:

"... tại địa điểm trường trung học Gia Hội, báo cáo chính thức của Mỹ, dựa trên thông tin cung cấp bởi Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10, đưa ra tổng số 22 mộ tập thể và 200 tử thi, với bình quân 9 tử thi mỗi mộ. Nhưng khi Steward Harris [phóng viên Thời báo Luân Đôn] được đưa đến địa điểm đó, người sĩ quan Việt Nam hộ tống nói với anh ta rằng mỗi ngôi mộ trong số 22 ngôi có từ 3 đến 7 xác, cho ra tổng trong khoảng từ 66 đến 150. Cũng khoảng trong thời gian đó, Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 xuất bản một cuốn sách nhỏ dành cho người đọc Việt Nam, trong đó nói rằng tại trường học có 14 mộ (chứ không phải 22), con số này còn làm giảm tổng số hơn nữa.".

Cũng theo Gareth Porter, Alje Vennema [7], một bác sỹ làm việc cho một đội y tế Canada tại bệnh viện Quảng Ngãi và đã tình cờ có mặt tại Bệnh viện Huế trong thời gian xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, nói tổng số tử thi tại bốn địa điểm chính được phát hiện ngay sau Tết là 68, chứ không phải con số 477 như đã được tuyên bố chính thức.
Nếu để lấy các con số của Gareth Porter và Alje Vennema để bào chữa cho tội ác của cộng sản thì cũng phải nhận thấy rằng: thực tế Porter và Vennema chỉ nói đến con số của 1 địa điểm là trường Trung học Gia Hội và bệnh Viện Huế. Cứ tạm coi con số đó là đúng đi chăng nữa thì với hàng chục điểm nhân dân bị chôn sống, chặt đầu đi thì con số lên tới hàng nghìn có đúng không? Có là tội ác không? Hơn thế nữa nhưng quan điểm của Porter và Vennema dựa trên những gì họ nhìn thấy ngay sau tết nên thống kê con số của họ không thể chính xác bằng Pikes khi anh này nắm những con số của chính phủ Mỹ và được thống kê tận cho đến năm 1970.
Thứ hai, phóng viên Thiện Giao của đài RFA qua bài “Huế, 25 ngày kinh hoàng của 40 năm trước” thì theo ông Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên Huế kể lại:
“Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2.326 sọ người. Sau tết, chúng tôi lập Hội Gia đình Nạn nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4.000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6.000 người. Có nhà báo ước tính 5.000 người. Chúng tôi cho con số 5.000 đến 6.000 là không sai lệch lắm đâu...”

“Đỉnh điểm là Khe Đá Mài, thuộc núi Đình Môn Kim Ngọc, tại đây khoảng 400 bộ hài cốt đã được tìm thấy. Những hài cốt tìm thấy tại Khe Đá Mài chính là của những người trú ẩn tại xứ đạo Phủ Cam, xã Thủy Phước, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.”

“Cộng Sản bắt đi trên 500 người, thanh niên từ 15-16 tuổi đến ông già 60-70 bị đưa đi giam ở chùa Từ Đàm. Đến đêm, họ bị dẫn đi lên đường núi và qua sông. Sau đó tàn sát hết mọi người trong tư thế bị trói”.
Như vậy con số gần 5000 nghìn người chết oan đã được nói tới cũng như thêm khẳng định một tội ác của đảng cộng sản.
Thứ ba, Theo ông Nguyễn Phúc Liên Thành khi trả lời phỏng vấn của RFA tháng 1-2008, thời điểm mậu thân 1968 tại Huế ông đang giữ cương vị Phó trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt lực lượng Cảnh sát Quốc gia tại Thừa Thiên thì:
“Những báo cáo của các cuộc Cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5.300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên”...
Và qua đây con số xoay quanh 5000 nạn nhân lại được đề cập đến như một sự khẳng định về tội ác của cộng sản.
Thứ tư, Theo phúc trình của chính phủ Hoa Kỳ tại cuốn sách có nội dung mật “The Pentagons papers” trang 128 có viết:

"Sự thật ước tính có khoảng từ 4600 đến 5200 người bị chặt đầu hoặc chôn sống trong thảm sát ở Huế năm 1968. Đa phần họ là nhân viên hành chính và dân thường...”

Lại thêm một tài liệu khẳng định số người lên đến hàng 4000-5000 người chết oan bởi bàn tay sắt máu của cộng sản độc tài.
Tuy nhiên nếu với chỉ 4 dẫn chứng trên thì chưa đủ sức nặng để khẳng định tội ác tày đình của đảng cộng sản. Họ sẽ cho rằng bài viết của tôi chỉ đưa ra những con số của phe “Chống cộng”. Vậy xin nêu ra đây những con số khủng khiếp mà “phe của họ” đã nói để thấy sự thật kinh khủng thế nào.
Thứ năm, trong cuốn sách có tên “Đối nghịch” của J. Leroy - một nhà hoạt động xã hội người Pháp và cũng là đảng viên đảng cộng sản Pháp - đã có những phân tích về tính chất đối lập của đảng cộng sản và các đảng phái khác. Cuốn sách có dẫn chứng về cuộc chiến Việt Nam như là một sự đối nghịch đỉnh điểm về ý thức hệ. Trong trang 237 của cuốn sách in năm 2000 tại Pháp có nội dung:
“Việc coi đối thủ về ý thức chính trị là kẻ thù đôi khi bị đẩy đi quá xa. Cuộc chiến ở Việt Nam là một minh chứng. Nói riêng về cuộc sự kiện thảm sát ở Huế - thành phố miền Trung Việt Nam năm 1968 là một nỗi đau lớn. Có khoảng 5000 nghìn người bị chết oan uổng dù họ chỉ là dân thường đi làm công ăn lương cho chính quyền cộng hòa. Người Miền Bắc coi những người cùng dòng máu này là những kẻ thù địch. Thật oan cho họ khi họ không phải là những người cầm súng hoặc tham gia gián tiếp vào các hành động quân sự...”
Vậy người cộng sản Pháp này nói gì? Ông ta đã nói đến con số khoảng 5000 người chết oan do cộng sản gây ra. Sự thật thật khủng khiếp.
Thứ 6, trở lại “Những Sự Thật Không Thể Chối Bỏ - Bài 9 - Hồ Chí Minh và âm mưu Hán hóa toàn diện VN” khi tôi đã giới thiệu về tác giả Trung cộng Hà Cẩn (Viện Văn học Trung quốc) có một cuốn sách được in năm 1997 và tái bản năm 2000 với tiêu đề tạm dịch sang tiếng Việt: “Mao chủ tịch của tôi” bởi nhà Xuất bản Trung ương Trung quốc. Cuốn sách dày 438 trang có đoạn trang 202 nói về chiến Tranh Việt Nam. Đoạn đó có đoạn tạm dịch như sau:
“Với khoảng 4.900 người bị chết oan trong cuộc tổng tiến công vào Huế mùa xuân năm 1968, uy tín của đảng cộng sản và mặt trận giải phóng Miền Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề. Việc đổ tội cho cấp dưới không đem lại hiệu quả cao...”
Lại một cuốn sách của người cộng sản Trung Quốc thân tín với đảng cộng sản Việt Nam vạch mặt chính những đồng chí của mình. Thật là khủng khiếp.
Thứ 7, trên tờ tạp chí Quân Đội - báo của quân đội cộng sản số 21, năm 1968 trang 03 có bài viết của tác giả Văn Bình ca ngợi chiến thắng của cộng sản trong tết Mậu Thân:
“Chúng ta đã đánh nhanh, thắng nhanh tiêu diệt được hàng nghìn tên địch để giải phóng Huế, Sài Gòn. Tại mặt trận Huế, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đưa ra xét xử công khai hàng nghìn tên có tội ác với nhân dân...”
Chúng ta thấy gì ở bài viết? Tác giả của đảng không dám viết thẳng về số người bị giết oan là bao nhiêu nhưng với con số hàng nghìn thì những nghi vấn và những con số khách quan trên kia là hoàn toàn có cơ sở vì cộng sản luôn giấu nhẹm tội ác của mình.
Thứ 8, rất nhiều tài liệu nước ngoài đã được giải mật và các tư liệu nước ngoài cho các quý vị và chúng tôi thấy những sự thật kinh hoàng mà cần có bàn tay can thiệp và lên án của cộng đồng quốc tế. Có nhiều tác giả đã viết về sự kiện này, xin gửi tới các quý vị các bài viết liên quan đến sự thật này các bài viết của nhiều tác giả đăng trên Danlambao:


Thứ 9, kính thưa quý vị! Chúng tôi còn nhận được tài liệu của Liên Xô đăng trong cuốn sách có tên “Một bước đi lớn” - bởi nhóm tác giả đã từng hoạt động tại KGB và do NXB Quân đội Liên bang Nga xuất bản năm 1999 nói về hoạt động tình báo của Liên Xô (đã giới thiệu ở bài “Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 13 -Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn!” có đoạn ở 333:
“Trong chiến dịch tấn công thử sức kháng cự của quân đội Miền Nam, đã có khoảng 5.500 người dân bị xử tử vì có liên quan đến chính quyền Sài Gòn mà sau đó người Mỹ và chính quyền Sài Gòn lấy đó làm khẩu hiệu để lên án quân đội VNDCCH...”
Như vậy rõ ràng tài liệu của phía Liên Xô cho thấy những người dân Huế vô tội bị phía VNDCCH dưới sự chỉ đạo của ông Hồ và đảng cộng sản giết hại.
Qua các dẫn chứng của các bên liên quan cho thấy con số từ 4000-5000 là con số người chết oan trong tết mậu thân 1968 ở Huế mà chúng tôi thông báo cho quý vị là một con số khủng khiếp mà cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thất có công lý cho những oan hồn đã khuất cũng như thân nhân của đồng bào chúng tôi.
Vấn đề con số chính xác đến từng người không phải là vấn đề quá quan trọng. Ở đây là dù với con số hàng nghìn, 4000 hay 5000 nghìn cũng cho thấy tội ác mà cộng sản đã gây ra cho nhân dân Huế vô tội. Đó là tội ác giết người cần phải được lên án.
2. Đảng cộng sản đã giết hại đồng bào vô tội:
Cần phải làm rõ hai việc ở đây đó là: Ai đã giết hại đồng bào Huế và giết bằng cách nào. Điều này phản bác lại luận điệu của cộng sản Việt Nam là đa phần nhân dân chết do đạn pháo, máy bay trực thăng bắn và lính của mặt trận GPMNVN được chôn cất chung với nhân dân. Chúng tôi xin khẳng định tội ác trong tết Mậu Thân tại Huế hoàn toàn là do những người cộng sản gây nên. Những người chết do tên bay đạn lạc không phải là không có. Nhưng xin đi sâu vào sự việc hàng nghìn người bị chôn sống và chặt đầu oan tại Huế.
Cho đến nay nhiều nhân chứng và người thân của những nạn nhân tại Huế còn sống để khẳng định điều này. Chúng tôi xin dùng nhiều tài liệu để chứng minh sự dã man của đảng cộng sản Việt Nam gây ra cho nhân dân Huế.
Thứ nhất, đọc hồi ký của Lê Minh, trong vai trò tư lệnh chiến trường Huế Tết Mậu Thân - Nguyên Bí thư Thừa Thiên Huế đã tâm sự trong Hồi Ký của mình trang 137:
“Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn. Về sự tang tóc trong biến cố Mậu Thân (…) còn lại một mặt của vấn đề, việc trừng trị những người có tội ác với nhân dân đã nổi dậy (...) Rốt cuộc là đã có những người bị xử oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. (...)”
Chúng ta thấy vị tư lệnh chiến trường của cộng sản này nói gì? Đó là những người bị xử oan mà ông ta đã thừa nhận. Cùng đó ông ta cũng nói đến những người bị cho là tội ác với nhân dân. Xin nhớ rằng những người đó chỉ là những người làm hành chính và cộng sản lại đỗ thừa cho sự “nổi dậy” của nhân dân giống như họ từng đổ tội cho bần nông trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Vậy xin hỏi những ủy ban mà người cộng sản lập ra để lam gì? Họ luôn tuyên truyền là lực lượng cách mạng đại diện cho nhân dân vậy sao lại để nhân dân làm bừa? Đó chỉ là một hành động đỗ thừa tội ác cho nhân dân của đảng cộng sản.
Thứ hai, xin quay lại nội dung cuộc phỏng vấn của Thụy Khuê với Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ông này đến Pháp (xem toàn bộ bài phỏng vấn ở đây: http://nghianhan.multiply.com/notes/item/53). Bài phỏng vấn có những đoạn:
TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xảy ra trong một trình tự như thế nào?

HPNT: Huế Mậu Thân đã xảy ra cách đây gần 30 năm. Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến, khá đầy đủ, có thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.

Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải một chính sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở những địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.”
Như vậy ta có thể thấy gì ở đoạn trích này. Đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thừa nhận chính những người cộng sản gây ra với nhân dân là oan sai cho nhiều người dân. Bỏ qua sự biện hộ đây chỉ là một sai lầm cục bộ vì kẻ giết người luôn tìm cách biện hộ cho mình bằng một lý do mơ hồ mà nhất là đảng cộng sản. Chúng ta thấy một sự thật là thêm một người phe đảng công nhận họ có giết người oan sai.
Thứ ba, theo hồi ký của Trương Như Tảng (cựu Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa miền Nam Việt Nam, về sau ly khai chính phủ và vượt biên sang sống lưu vong ở Pháp), thì:
"Trong cuộc chiếm đóng Huế, một số lớn người đã bị xử tử vì thuộc thành phần phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (viên chức, cảnh sát, sĩ quan, chính trị gia, địa phương quân...) nhưng cũng có người bị giết mặc dù không tham gia chiến trận".
Chúng ta thấy ở đây người cộng sản đã thừa nhận chính họ đã giết những người vô tội không tham gia chiến đấu hoặc viên chức chính trị. Đây là một bằng chứng cho thấy tội ác của đảng cộng sản với những người vô tội.
Thứ tư, tác giả Marilyn B. Young trong sách tựa đề The Vietnam Wars, 1945-1990 (New York: Harper Perennial, 1991) ghi lại:
"Trong những ngày đầu của cuộc chiếm đóng quả thực có những vụ xử tử công khai tại chỗ... khi trận chiến gần kết thúc bởi cuộc công pháo, lính miền Bắc trên đường rút lui xử tử những người họ đang giam giữ thay vì thả họ ra hay bắt theo làm tù binh - với con số người chết không nhiều như chính phủ Sài Gòn và Washington công bố, nhưng nhiều đủ để tạo những câu hỏi tang thương cho những người sống sót ở Huế..."
Lại thêm một bằng chứng cho thấy sự tà ác của đảng cộng sản dù cho họ có cho rằng con số ít thế này. Nhưng tội ác giết tù binh là không thể chấp nhận được. Ngoài ra là những vụ xử công khai những người chỉ làm hành chính.
Thứ năm, theo Douglas Pike, "Vietcong Strategy of Terror" thì có 3 giai đoạn đưa đến những vụ xử tử:
“Giai đoạn đầu là một loạt các cuộc xử án công cộng kéo dài khoảng 5-10 phút do giới chức trong quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng dựng lên. Bị cáo luôn bị kết án "có tội với nhân dân".

Giai đoạn nhì, khi họ cho rằng họ sẽ giữ được Huế lâu dài, quân Mặt trận Giải phóng bắt đầu tiến hành công tác giáo dục tư tưởng yêu nước cho quần chúng. Những ai bị tình nghi có thái độ chống cách mạng từ từ bị truy lùng trong giai đoạn này. Người theo đạo Công giáo, các nhà trí thức, thương gia, và đám người bị tội làm 'tay sai Đế quốc' bị chiếu cố để "tạo dựng xã hội mới".

Giai đoạn sau cùng, khi thấy rõ họ đang bị đánh bật ra khỏi Huế, quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng thi hành những vụ thủ tiêu nhân chứng - bất cứ ai biết mặt họ, nhìn thấy những tội ác trong lúc Huế bị chiếm đều bị giết và chôn mất xác."
Rõ ràng đây là một hành động tàn bạo của đảng cộng sản với cánh tay nối dài của mình là lực lượng MTDTGPMN đã gây ra với nhân dân vô tội tại Huế.
Thứ sáu, như trên chúng tôi đã giới thiệu cuốn sách "Đối nghịch" của J. Leroy thì ngoài việc ông ta khẳng định về số người chết oan trong sự kiện thảm sát tết Mậu Thân thì trong trang 240 ông cũng viết tiếp:
"Mấu chốt ở vấn đề của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam thi hành lệnh của ai trong vụ thảm sát. Họ nghe ai khi bản thân họ có chỉ huy là người của đảng cộng sản cử vào, số quân tham chiến từ miền bắc gửi vào cho đến năm 1970 chiếm hơn 80% Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam"
Vậy thì rõ ràng đảng cộng sản Việt Nam chính là kẻ gây nên tội ác với nhân dân Huế năm 1968. Trong bài “Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 13 - Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn!” tôi đã chứng minh ở luận điểm: Sau khi phân chia đất nước theo hiệp định Geneve thì đảng cộng sản liền ém quân và cán bộ đầu não ở lại chỉ đạo chống phá miền Nam từ những năm 1960 (khi Mỹ chưa đổ quân tham chiến vào Việt Nam). Vậy thì cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 chính là do chính sách của đảng cộng sản gây nên.
Thứ bảy, Tạp chí Time của Mỹ số ra ngày 31-10-1969, trong bài “The Massacre of Hue” (Cuộc thảm sát ở Huế) đã đặt câu hỏi: “Điều gì đã khiến Cộng Sản tàn sát?” Rồi tạp chí này trả lời:
“Nhiều người dân Huế tin rằng lệnh hành quyết được đưa thẳng từ Hồ Chí Minh xuống. Tuy nhiên, có lẽ chắc chắn hơn, đơn giản là Cộng Sản đã mất tinh thần. Họ đã bị nhồi sọ để tin tưởng rằng nhiều người dân miền Nam sẽ xuống đường tranh đấu cùng với họ trong cuộc tổng tấn công vào dịp Tết. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và khi trận chiến ở Huế bắt đầu nghiêng về phía quân đồng minh, Cộng Sản đã hoảng sợ và giết sạch các tù nhân.”
Như chúng ta đã biết tờ tạp chí Time được người cộng sản hết sức coi trọng và họ cho rằng đây là một tạp chí có thể “chấp nhận” được theo ý họ. Nhưng bài viết cho thấy sự thật là cộng sản rất tàn ác với nhân dân.
Thứ bảy, ngày 24-1-2008, ông Bùi Tín cũng đã đưa ra luận điệu tương tự khi trả lời phỏng vấn:
“Khi quân Mỹ đổ bộ lại từ Phủ Bài trở ra để lấy lại Huế thì anh em họ trói, di chuyển đi hàng mấy trăm tới hàng nghìn người. Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội cho nên do phần lớn do tự động các chỉ huy trung đội tới trung đoàn đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết”.
Bỏ qua luận điệu về sự tự phát theo cách nói của cộng sản thì hành động giết người với nhân dân là có thật và tội ác này chính là của các cán bộ đảng viên cộng sản gây nên (cán bộ chỉ huy trung đội tới trung đoàn đều là đảng viên cộng sản cao cấp). Tại sao khi họ tự phát gây ra sau này không bị kỷ luật nếu đảng cộng sản thực tâm không muốn giết dân? Đó chính là điểm mâu thuẫn của những lời bao biện cho tội ác của cộng sản. Với những hành vi giết người vô tội không theo chủ trương của đảng thì nếu ở Mỹ hay các nước dân chủ khác, các vị chỉ huy đó chắc hẳn ra toàn án binh thậm chí tử hình. Nhưng ở đây họ vô sự, thăng quan tiến chức. Chỉ có thể là: Đó là chủ trương của đảng cộng sản.
Thứ tám, khi tôi có cuộc tiếp xúc với một cán binh cộng sản trực tiếp vào một trong những vụ thảm sát tại Khe Đá Mài - Huế năm 1968 ông đã kể cho tôi nghe như sau:
“Khi trung đoàn của chú được lệnh tiến chiếm khu vực Khe Đá Mài thì đã được anh em du kích nội thành giao cho 23 người dân mà ban tuyên huấn liệt kê danh sách cho là có quan hệ với Mỹ - Ngụy. Có 9 người được cấp trên cho xe đến đón đi tới một nơi nào đó chú không rõ vì theo như anh giao liên cho biết họ là con em nhà sỹ quan “ngụy” cao cấp cần có cấp trên xử lý. Còn lại 14 người cấp trên ra lệnh cho trung đoàn phải có trách nhiệm thủ tiêu ngay vì có tội với nhân dân. Theo gợi ý của chính trị viên và trung đoàn trưởng, chú có trách nhiệm chọn 30 chiến sỹ đưa những người dân này trói lại rồi theo lệnh trên chôn sống để tiết kiệm đạn dược...”
Rồi ông còn nói với tôi:
“Chú là trung đội phó của trung đội tự vệ nhân dân. Chú đã thực hiện lệnh cấp trên tham gia xử chôn sống 14 người ở khe Đá Mài - Huế. Chú xin nhận trách nhiệm nếu phải ra tòa án làm chứng. Chú muốn chú sống quãng đời còn lại thanh thản và con cháu chú không bị quả báo...”
Kính thưa quý vị!
Vị cán binh cộng sản này đã sẵn sàng ra làm chứng tại Liên Hiệp Quốc nếu có thể để cùng nhân dân chúng tôi vạch trần tội ác của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản và cũng là để chuộc lại một phần lỗi lầm của những người như vị cán binh cộng sản này gây ra cho đồng bào Huế năm 1968.
Thứ chín, cuốn hồi ký của một nữ cán binh cộng sản tham gia chặt đầu nhân dân Huế đã ghi lại như sau:
“Mình không thể nhìn cảnh tượng anh em dùng cuốc và dao to bản để phang vào đầu người dân. Đêm đó mình không ngủ được vì ám ảnh. Rồi mình đã phải xin phép cấp trên cho nằm lại hầm 1 tuần. Khủng khiếp quá!...”
Kính thưa quý vị!

Tất cả nhân chứng đó còn ở Việt Nam và vì lý do an ninh của chúng tôi nên xin phép quý vị nếu có thể khi ra tòa án chúng tôi xin cung cấp đầy đủ bằng chứng và nhân chứng tới quý vị.
Qua nhiều dẫn chứng, chúng ta đã thấy chính những người cộng sản của nước VNDCCH và những người trung lập đã thừa nhận cuộc thảm sát là do đảng cộng sản với cánh tay nối dài của họ là MTGPMN gây ra cho quốc gia và người dân của VNCH. Những bao biện do bị tên bay đạn lạc không thể chấp nhận khi họ công khai thừa nhận những vụ việc xử tù nhân cả công khai lẫn thủ tiêu.
Như vậy tội ác của đảng cộng sản là hết sức rõ ràng. Nhưng ai là kẻ đứng đầu chỉ huy cuộc thảm sát ấy.
Xin được trình bày sau đây với quý vị!.
Từ lâu vài trò của đảng cộng sản là rõ rệt trong cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế. Nhưng ông Hồ thì sao? Trong loạt bài Những Sự Thật Không Thể Chối Bỏ tôi cũng đã chứng minh ông Hồ Chí Minh là thủ phạm, chủ mưu những đàn áp, tàn sát trong Nhân Văn Giai Phẩm hay Cải Cách Ruộng Đất. Sự việc thảm sát mậu thân Huế cũng nằm trong tầm tay của kẻ sát nhân này cũng không có gì là lạ. Chúng tôi xin trình bày thêm sau đây một sự thật đó là chính ông ta là kẻ chủ mưu trong cuộc thảm sát này. Xin được đưa ra bằng chứng cụ thể dưới đây.
Thứ nhất, trong bài Những sự thật không thể chối bỏ - Bài 2 - Hồ Chí Minh và vai trò trong công hàm 1958 tôi đã chứng minh đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức mà ông Hồ nắm quyền toàn bộ. Như vậy về cơ bản ông Hồ và đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc này.
Cũng cần nói thêm, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và sắt máu của cộng sản, không có một người nào dưới quyền đảng Cộng Sản mà không bị kiểm soát, không có một người nào dưới quyền cộng sản mà có thể tự ý làm bất cứ điều gì họ nghĩ. Nhất nhất họ đều phải theo chỉ thị của đảng bộ và của cấp trên. Do đó, việc tàn sát trong cuộc chiến Tết Mậu Thân hoàn toàn là chủ trương chính sách của đảng CSVN.
Đảng Cộng Sản là một đảng chính trị tổ chức chặt chẽ, rất có kỷ luật. Bất cứ đơn vị quân đội cộng sản nào cũng có một chính ủy (ủy viên chính trị) để điều khiển công việc, đứng trên và quyền hành hơn cả đơn vị trưởng. Do đó, không thể đổ lỗi cho các cán binh cộng sản rút lui nên mới tàn sát bừa bãi, và cũng không thể đổ lỗi cho các đơn vị địa phương hay tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã phạm sai lầm hoặc giết người để tự vệ.
Chắc chắn phải có kế hoạch chính sách do trung ương hoặc do các đảng ủy cộng sản quyết định, khi tiến thì làm gì, khi rút lui thì làm gì, các đơn vị thừa hành hoặc các cán binh mới dám tàn sát dân chúng một cách vô nhân đạo, tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử thế giới. Hiếu sát, giết người bừa bãi là một đặc tính căn bản của cán bộ cộng sản học được từ các lãnh tụ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Như thế, đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về việc tàn sát trong cuộc chiến tết Mậu Thân năm 1968. Và người đứng đầu không ai khác chính là ông Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tại “Nghị quyết của hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, in trong Văn kiện đảng toàn tập, Tập 24, 1963, (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003) có viết:
“Tháng Mười hai năm 1963, chỉ một tháng sau khi tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn luận và thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành. Nghị quyết này nhận định rằng “tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng”. Trung ương Đảng dự tính khả năng chiến thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng, trước khi Mỹ quyết định có nên điều các đội quân Mỹ tới cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa hay không. Vẫn duy trì đường hướng chung về việc tiến hành một cuộc “chiến đấu lâu dài” ở miền Nam, Nghị quyết 9 kêu gọi một nỗ lực đến mức tối đa nhằm “tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng, quyết tâm giành cho được những thắng lợi có tính chất quyết định trong mấy năm tới”.
Như vậy chúng ta có thể thấy được điều gì? Đó là cuộc tấn công vào Huế mà đỉnh điểm vụ thảm sát nêu trên đã được vạch kế hoạch ra từ thời điểm năm 1963. Thời điểm đó ông Hồ con chưa bị ông Lê Duẩn lấn át và cô lập. Vậy thì ông Hồ chính là kẻ vạch ra chủ trương tổng công kích và nổi dậy đẫm máu đó trong vai trò kẻ đứng đầu đảng cộng sản.
Thứ 3, như trong phần trước tôi đã chứng minh ông Hồ chính là kẻ làm tay sai bán nước cho Trung cộng, làm chư hầu và âm mưu làm suy yếu nội lực dân tộc. Và trước cuộc tổng công kích đẫm máu ông ta đã có liên hệ với Trung cộng.
Ngày 04/07/1967, 2 ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đã sang Trung Cộng để tường trình Bắc Kinh tình hình và chiến lược quân sự, bao gồm cuộc tổng tấn công này.
Phạm Văn Đồng đã báo cáo Chu Ân Lai như sau: "Một số chiến lược đang được áp dụng trên chiến trường miền Nam theo lời đề nghị khi trước của các đồng chí". Chiến tranh nhân dân là chiến lược đã được áp dụng trên chiến trường miền Nam. Chiến lược này do Mao Trạch Đông đề xướng, chủ yếu là "lấy nông thôn bao vây thành thị" và "vũ trang tổng tấn công và nổi dậy". Chiến lược này được sử dụng như kim chỉ nam cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Trong buổi họp, Chu Ân Lai than thở, ông và các đồng chí của ông đều đã trên dưới bảy mươi, và nhấn mạnh: "Mặc dù tôi đã già, tham vọng vẫn còn đó. Nếu chiến tranh ở miền Nam không chấm dứt vào năm tới, tôi sẽ thăm các đồng chí và tham quan". Năm tới mà Chu Ân Lai muốn nhấn mạnh là Mậu Thân 1968.
Những câu nói trên được trích trong cuốn “Biên niên sử đảng cộng sản Việt Nam” – NXB Quân đội năm 1983. Điều mà chúng ta cần đặt câu hỏi là khi ông Phạm Văn Đồng nói đã áp dụng chiến lược của các đồng chí. Đó là chiến lược gì? Đó chính là việc thực hiện tổng công kích đẫm máu mà tôi đã chứng minh Trung cộng muốn Việt Nam đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng.
Thứ tư, bản chất hiếu chiến giết người của ông Hồ còn được chính bản thân ông ta thể hiện qua bài thơ chúc tết trước cuộc tàn sát kinh hoàng Mậu Thân năm 1968. Bài thơ của ông ta như sau:
“... Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.”
của báo Người cao tuổi đảng cộng sản Việt Nam).
Bài thơ như một lời cổ động đánh nhau trong thời điểm mà người dân Việt Nam phải ăn tết cổ truyền. Đây là bằng chứng cho thấy tính hiếu chiến của ông Hồ. Thành ngữ Việt Nam có câu “Trời đánh tránh miếng ăn” - Nói rộng ra là tết cổ truyền là ngày ăn chơi của nhân dân dù Nam, dù Bắc, nhưng ông Hồ Chí Minh lại thúc giục đánh nhau cho thấy âm mưu chủ đạo của ông ta bằng bài thơ cổ vũ giết chóc.
Thứ năm, như đã giới thiệu về tác giả Hà Cẩn ở trên, trong trang 208 cuốn “Mao chủ tịch của tôi” có viết và được tạm dịch như sau:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cần phải thanh trừ bọn chống đối nhân dân khi các thành phố được giải phóng trong cuộc tổng nội dậy tết 1968, chúng không có lợi cho lực lượng cách mạng vào tiếp quản thành phố. Hồ Chù tịch đã học theo cách làm của Mao Chủ Tịch khi Trung quốc tiến hành Vạn lý Trường Chinh...”
Qua đây chúng ta thấy chính ông Hồ học theo sách lược của Mao để “thanh trừ” cái gọi là bọn chống đối nhân dân. Họ là những người làm hành chính, nhân dân vô tội như tôi đã chứng minh ở phần trên. Vậy mà ông Hồ đã học theo thầy ông ta là Mao để đem lại kết quả bi thương cho xấp xỉ 5000 người dân vô tội ở Huế.
Hồ Chí Minh và Vũ Kỳ
Thứ sáu, trong cuốn “Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy”, đăng trên Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998, tr. 4 do Vũ Kỳ là thư ký riêng thân tín và lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố có những đoạn:
“Sáng 25 tháng 12 năm 1967, thứ hai, 7 giờ 15 phút, Bác sang hội trường Ba đình, chủ tọa cuộc gặp mặt chúc mừng năm mới của Đoàn Ngoại giao ở Hà Nội. Bác rất vui, chúc năm mới Đoàn Ngoại giao. Tiếng Bác sang sảng và như trẻ ra...

Ngày 28 tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt ngay bên nhà Bác Hồ, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và nhiều tướng lĩnh đến báo cáo.

Từ sự phân tích và nhận định tình hình, Bộ Chính trị đề ra: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa đề giành thắng lợi quyết định”.
Như vậy đã rõ ràng ông Hồ là người tham gia cuộc họp vào giờ chót để chỉ đạo cuộc tổng công kích đẫm máu gây ra cho nhân dân Huế. Thậm chí ông Vũ Kỳ còn miêu tả ông Hồ như “trẻ ra”. Vậy thì ông ta hoàn toàn khỏe mạnh và tỉnh táo ra những quyết định chết người với nhân dân. Khác hẳn với những luận điệu cho rằng lúc đó ông Hồ ốm yếu, không tham gia chỉ đạo từ đầu để bao che cho ông Hồ về tội ác Mậu Thân năm 1968.
Ngoài ra, trong bài viết của mình ông Vũ Kỳ cũng nói thêm:
“Chiều 29 tháng 12, Bác Hồ mời Bác Tôn đến cùng ăn cơm. Ngắm hai cụ già thân mật đi bên nhau, thanh thản, ung dung, nói cười vui vẻ, ta cảm thấy cuộc đời đẹp biết bao, tưởng như đất nước thanh bình.

Ngày 30 tháng 12 thứ bảy, buổi sáng từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 30 Bác lại dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng, báo cáo thêm những diễn biến mới nhất của tình hình chiến sự miền Nam. Bác ngồi nghe, một tay giữ lấy kính, chăm chú nhìn vào bản đổ khổ lớn treo trên tường.

Buổi chiều từ 17 giờ đến 18 giờ, Bác tham dự phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ. Bác tặng mỗi người, từ Bộ trưởng đến nhân viên phục vụ một quả cam hái từ vườn Bác và một thiếp hồng chúc mừng năm mới. Nói chuyện trong phiên họp, Bác biểu dương những thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam Bắc, khen ngợi sự cố gắng của các Ngành, các Bộ...”
Như vậy càng có bằng chứng sự cầm đầu chỉ đạo của ông Hồ trong thảm sát Mậu Thân.
Cuối cùng ông Kỳ mô tả:
“Ngày chủ nhật 31-12-1967, ngày cuối cùng của một năm chiến đấu quyết liệt và chiến thắng vẻ vang trên khắp hai miền đất nước. Bảy giờ 30 sáng, Bác Hồ ung dung ra Phủ Chủ tịch để thu thanh chúc mừng năm mới Mậu Thân mà có lẽ Bác đã ngẫm nghĩ và trao đổi có lẽ đến 3 tháng ròng. Bài thơ “Toàn thắng ắt về ta” như bài hịch đã đi vào lịch sử... 2 giờ 30 phút chiều, Bộ Chính trị đến làm việc, Bác căn dặn công việc trước khi Bác lên đường tiếp tục đi nghỉ ở Trung quốc. Đó là quyết định của Bộ Chính trị và Hội đồng bác sĩ.

Thế trận đã dàn xong. Ba quân đã sẵn sàng. Lời hịch đã phát. Bác Hồ ra đi chuyến này an tâm hơn.

Ngoài liên lạc hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thay nhau đến Bắc Kinh, trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Bác.
Như vậy có thể thấy ở đây hai điều:
Điều đầu tiên là việc ông Hồ hàng ngày được báo cáo về tình hình từ liên lạc và từ chính các đệ tử của ông sang Bắc Kinh. Vậy thì không có lý do gì ông ta không biết và không chỉ đạo cuộc tổng công kích đẫm máu. Nhất là sau này hành động không xử những kẻ bị vu cáo là tự ý giết nhân dân cho thấy ông Hồ đã đồng tình hay nói cách khác là kẻ chỉ đạo giết người.
Điều thứ hai đó là như ông Vũ Kỳ miêu tả ông Hồ đâu có yếu đến mức phải lánh sang Bắc Kinh chữa bệnh giữa lúc đang xảy ra cuộc tổng công kích. Vậy tại sao ông Hồ phải đi Bắc Kinh? Chữa bệnh chỉ là cai cớ. Cái chính yếu là ông ta muốn tránh tiếng cuộc thảm sát mà ông ta biết trước như cách ông ta làm ở Cải Cách Ruộng Đất. Một kịch bản vũ như cẫn được lặp lại để tránh né tội ác.
Thứ bảy, cuốn sách của J. Leroy được tôi giới thiệu ở trên cũng có đoạn viết như sau tại trang 240 về cuộc tấn công vào Huế năm 1968:
“Quân đội của MTGPMN Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chính quyền VNDCCH đã gây được cú sốc với chính quyền VNCH. Người có vai trò quyết định là ông Hồ Chí Minh với tư tưởng của Stalin và Mao Trạch Đông. Họ đã thành công trong cả chiến thuật, chiến lược và đấu tranh giai cấp...”
Ở đây ta thấy ông Hồ đã thực hiện chỉ đạo của Mao và Stalin trong việc đánh Huế và đấu tranh giai cấp. Vậy đấu tranh giai cấp là gì? Đó chính là thủ tiêu người dân vô tội mà ta đã thấy trong Cải Cách Ruộng Đất hay Nhân Văn Giai Phẩm. Vậy thì ai là kẻ chỉ đạo thảm sát dân lành? Không ông Hồ thì còn là ai được.
Thứ tám, trên website của tỉnh Thanh Hóa có bài viết của Đinh Phong nói về cuốn sách “Mãi mãi theo con đường của Bác” của ông Hoàng Tùng - cán bộ lão thành cộng sản nhiều năm đi theo ông Hồ. Bài viết có đoạn:
“Tháng 2-1968, từ mặt trận Sài Gòn, chúng tôi trở về cơ quan, lòng nặng trĩu! Ta đã không thắng ngay trận đầu. Khi nói về quyết tâm của ta, một đồng chí lãnh đạo phổ biến: “Bác Hồ nóng lòng muốn về Nam để trực tiếp chỉ đạo trận đánh cuối cùng này. Bác đã tập đeo đá, đi bộ để chuẩn bị sức khỏe. Bộ Chính trị xin Bác yên lòng, sẽ quyết tâm chỉ đạo cách mạng miền Nam giành thắng lợi”.
Thêm một minh chứng ông Hồ hoàn toàn khỏe mạnh và ông ta muốn về Nam trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến năm 1968. Như vậy dù có đi Bắc Kinh nhưng ông Hồ rất quan tâm đến trận đánh nhằm giành thắng lợi trong công cuộc “đấu tranh giai cấp” như dẫn chứng thứ 7 ngay trên. Và với quyết tâm chỉ đạo như vậy không có lý do gì ông Hồ không phải là kẻ chỉ đạo sự kiện thảm sát mà đàn em của ông vô can.
Thứ tám, trên website: http://hosotulieu.wordpress.com/tag/tau-khong-số/ của đội ngũ hồng vệ binh đảng cộng sản có ca ngợi tướng Nguyễn Chí Thanh mang tên “Nguyễn Chí Thanh anh bộ đội cụ Hồ tiêu biểu” có viết:
“Bài viết “Năm bài học phản công chiến lược mùa khô” mang bút danh Trường Sơn của anh đã ngay lập tức trở thành tác phẩm có giá trị. Nó là vũ khí tư tưởng cho toàn đảng, toàn quân và toàn dân quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược. Nó gây ấn tượng mạnh mẽ và niềm tin cho bè bạn năm châu. Nó làm cho quân thù sửng sốt và lúng túng hoang mang. Và nó đã góp phần cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân – 1968 để thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Hồ Chủ tịch “Đánh cho Mỹ cút” một cách tin cậy.”
Phần tôi tô đậm chính là minh chứng cho sự chỉ đạo của ông Hồ Chí Minh trong một chuỗi tội ác mà ông ta gây ra cho nhân dân Huế năm 1968.
Thứ chín, trong cuốn sách “Việt Nam và những vụ án lịch sử” của Ban Nội chính Trung ương Liên Xô (Cũ) có tiết lộ tại trang 97:
“Để xảy ra sự kiện người dân ở thành Huế bị giết hại một cách vô tội vạ cũng là một trong những sai lầm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho dù thời điểm đó sức khỏe không được tốt nhưng chính Hồ chủ tịch đã là người ra quyết sách và nhấn nút cho cuộc tổng tấn công đó...”
Kính thưa quý vị!
Tội ác của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản gây ra cho nhân dân chúng tôi là cực kỳ to lớn, chúng tôi xin quý vị đọc kỹ từng phần của bản cáo trạng này như một lời thống thiết của dân tộc tôi mong muốn có tự do, hòa bình và công lý.
Lưu ý: Do một số lý do an toàn cho bản thân và cho cán bộ, người thân của cán bộ cộng sản trực tiếp tham gia tàn sát Mậu Thân nên những tài liệu và ghi chép về những sự kiện Mậu Thân sẽ được tôi gửi tới bạn đọc ở một dịp khác khi có thể.
20/02/2013
Đặng Chí Hùng