Hội nghị Paris (Bài 4)
Hội nghị Paris: Bài 1 , Bài 2 , Bài 3
1.- TỔNG THỐNG NIXON
ĐE DỌA TỔNG THỐNG THIỆU
Khi Kissinger từ Paris
trở về Hoa Kỳ tường trình với tổng thống Nixon ngày 13-1-1973, thì ngày
14-1-1973 Nixon gởi tướng Alexander Haig đi Sài Gòn để thuyết phục tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu. Nói là thuyết phục, nhưng thực sự là phái đoàn Haig đến Sài
Gòn để đe dọa, áp đặt và tìm cách bắt buộc tổng thống Thiệu phải chấp nhận hiệp
định đình chiến do Hoa Kỳ và BVN soạn thảo.
Trong cuộc thảo luận
riêng với Henry Kissinger về việc áp đặt và bắt buộc tổng thống Thiệu phải ký
kết hiệp định theo ý Hoa Kỳ, tổng thống Nixon đã nói với Kissinger bằng những
lời lẽ chẳng ngoại giao tý nào: “Tôi không
biết rằng những lời đe dọa liệu có đủ hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì
cần thiết như là – hay sẽ cắt đầu ông ta nếu cần.” (Tin AFP, thứ Ba
23-6-2009. BBC thứ Tư 24-6-2009.)
“… Sẽ cắt đầu ông ta nếu cần...” cho thấy quyết
tâm của Nixon buộc tổng thống Thiệu phải ký hiệp định Paris do Mỹ và CSVN soạn
thảo. Trong hồi ký của mình, Nixon không nói chuyện cắt đầu, nhưng lối viết của
ông rõ ràng có tính cách đe dọa, dầu chỉ viết hồi ký để tự ghi lại những việc
mình làm: “Sự lựa chọn của Thiệu thật là đơn giản, ông ta hoặc là muốn tự tử,
hoặc chấp nhận sự sắp đặt có thể cứu nước ông và bản thân ông.”(Nixon,
sđd. tr. 750.)
Trong lá thư do
Alexander Haig cầm tay và giao cho tổng thống Thiệu trong cuộc gặp gỡ ngày
16-1-1973, Nixon nói rằng ông ta dứt khoát quyết định ký tắt hiệp định vào ngày
23-1-1973 và ký kết ngày 27-1-1973. Nếu tổng thống Thiệu từ chối hay cản trở,
Nixon viết tiếp: “ Trong trường hợp đó, tôi
sẽ giải thích công khai rằng chính quyền của Ngài cản trở hòa bình. Kết quả
không tránh khỏi là Hoa Kỳ lập tức chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự, mà
không thể tránh trước được bằng cách thay đổi nhân sự trong chính quyền của
Ngài. Dầu sao, tôi hy vọng sau những gì mà hai quốc gia chúng ta đã từng chia sẻ
và từng đau khổ với nhau trong cuộc tranh chấp [chiến tranh], chúng ta sẽ cùng
nhau bảo vệ hòa bình và hưởng phúc lợi hòa bình. Trong mục đích đó, tôi muốn
nhắc lại cho Ngài sự bảo đảm mà tôi đã đưa ra. Vào lúc hiệp định được ký kết,
tôi sẽ mạnh mẽ làm rõ rằng Hoa Kỳ thừa nhận chính quyền của Ngài là chính quyền
hợp pháp duy nhất tại miền Nam Việt Nam, rằng chúng tôi không thừa nhận quyền
của bất cứ quân đội nào tư bên ngoài hiện diện trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam
và rằng chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ việc vi phạm hiệp định. Cuối cùng, tôi xin
nhấn mạnh tôi không ngừng bảo vệ nền tự do và sự tiến bộ của Việt Nam Cộng Hòa.
Đó là ý định tôi cương quyết viện trợ kinh tế và quân sự đầy đủ…” (The
Memoirs of Richard Nixon, sđd. tt. 749-750.)
So với lá thư ngày 6-10-1972 đe dọa sinh mạng tổng thống
Thiệu, lời lẽ lá thư nầy của Nixon tuy lịch sự, nhưng cương quyết và cứng rắn,
ép tổng thống Thiệu vào tình thế hết sức khó khăn và tế nhị. Nếu tổng thống
Thiệu không chịu ký hiệp định, thì Hoa Kỳ “sẽ giải thích công khai rằng chính
quyền của Ngài [tổng thống Thiệu] cản trở hòa bình. Kết quả không tránh
khỏi là Hoa Kỳ lập tức chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự…” Khi đó, tổng
thống Thiệu chẳng những bị dư luận quốc tế công kích là cản trở hòa bình, mà ông
còn bị cả dân chúng NVN kết tội là đã làm mất đi nguồn viện trợ từ phía Hoa
Kỳ.
Cuối cùng, tổng thống Thiệu không còn cách chọn lựa nào
khác là đành phải chấp nhận hiệp định sắp xếp giữa Hoa Kỳ và BVN, Tuy nhiên,
tổng thống Thiệu còn cố gắng đòi hỏi thêm trong thư trả lời Nixon trao cho
Alexander Haig trong cuộc gặp ngày 17-1-1973, nhưng vô ích vì mọi thứ đã được ấn
định, chỉ còn chờ ngày ký kết. Nhiều người trách tổng thống Thiệu nhượng bộ vì
quá sợ bị ám sát, nhưng ở trong hoàn cảnh của tổng thống Thiệu lúc đó, thử hỏi
có cách nào làm gì khác hơn được?
Phiên họp công khai hai/bốn bên thứ 174, tức phiên họp
chót mở ra ngày 18-1-1973. Hai ngày sau, 20-1-1973 Richard Nixon tuyên thệ nhận
chức tổng thống lần thứ hai tại Washington D.C. Lúc đó, có tin cựu tổng thống
Lyndon Johnson từ trần ngày 22-1-1973.
Cuộc mật đàm cuối cùng
(lần thứ 24) bắt đầu lúc 9:35 sáng 23-1-1973. Lê Đức Thọ trở lại việc đòi hỏi
Hoa Kỳ viện trợ kinh tế cho Bắc Việt Nam sau chiến tranh, nhưng Kissinger lập
lại rằng sẽ bàn luận việc nầy sau khi hai bên ký kết hiệp định và sau khi quốc
hội Hoa Kỳ nghiên cứu và phê chuẩn hiệp định. (Henry Kissinger, sđd. tr.
1472.)
2.- VIỆC KÝ
KẾT
Cuối cùng, ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến
tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and
Restoring Peace in Vietnam), còn được gọi là Hiệp định Hòa bình Paris
(Paris Peace Accords) được ký kết tại nơi bắt đầu, tức Trung Tâm Hội Thảo Quốc
Tế (Centre de Conférences International), trong khách sạn Majestic, số 19 đường
Kléber, Paris.
Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều, có hai bản. Bản
thứ nhất giữa bốn bên VNCH, Hoa Kỳ và CHMNVN, VNDCCH. Bản thứ hai giữa hai bên
Hoa Kỳ và VNDCCH.
Hai bản chỉ khác nhau ở phần mở đầu và điều 23, còn
giống nhau từ điều 1 đến điều 22. Vì có hai bản, nên hiệp định Paris được ký kết
hai lần: Bốn bên VNCH, Hoa Kỳ, VNDCCH và CHMNVN ký kết vào buổi sáng 27-1-1973.
Hai bên Hoa Kỳ và VNDCCH ký kết vào buổi chiều 27-1-1973. Bộ trưởng Ngoại giao
bốn bên ký vào hiệp định Paris là: Trần Văn Lắm (VNCH), William Rogers (Hoa Kỳ),
Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH) và Nguyễn Thị Bình (CHMNVN). Đại diện hai bên Hoa Kỳ
và VNDCCH ký vào hiệp định chiều 27-1-1973 là: William Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn
Duy Trinh (VNDCCH). Hiệp định có hiệu lực từ 0 G. giờ quốc tế GMT đêm 27 rạng
28-1-1973, tức 8 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 28-1-1973.
Những điểm chính của
hiệp định Paris là: Ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Hoa Kỳ rút
quân đội và cố vấn còn lại (khoảng 23,700) trong 60 ngày; Hoa Kỳ triệt phá tất
cả các căn cứ trong 60 ngày; trao trả tù binh Hoa Kỳ và các tù binh khác trong
60 ngày; quân đội Bắc Việt tiếp tục đóng giữ tại chỗ ở Nam Việt Nam; rút tất cả
các lực lượng ngoại nhập tại Lào và Cao Miên; cấm lập căn cứ và chuyển quân qua
hai nước nầy; duy trì khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời cho
đến khi nào thống nhất đất nước bằng một giải pháp hòa bình; thành lập Ủy ban
Kiểm soát Quốc tế gồm có người các nước Canada, Hungary, Ba Lan và Indonesia với
1,160 thanh tra kiểm soát việc thi hành hiệp định; Nguyễn Văn Thiệu vẫn là tổng
thống miền Nam Việt Nam cho đến khi có bầu cử; Bắc Việt Nam tôn trọng quyền tự
quyết của dân chúng Nam Việt Nam; không chuyển quân qua khu phi quân sự; không
sử dụng võ lực để thống nhất đất nước. (John S. Bowman, sđd. tr.
210.)
3.- CÁC NGHỊ ĐỊNH THƯ VÀ ĐỊNH ƯỚC QUỐC TẾ
Nghị định thư là những thỏa thuận về một hay nhiều vấn
đề chuyên biệt, chưa quy định và đầy đủ trong hiệp định, nay được triển khai chi
tiết. Bên cạnh hiệp định Paris, có bốn nghị định thư sau đây, ký ngày 27-1-1973,
bằng hai thứ tiếng Anh và Việt:
* Nghị định thư về Ủy ban Quốc tế kiểm soát và Giám sát
của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 18 điều.
Bốn bên đều ký.
* Nghị định thư về việc trao trả nhân viên quân sự bị
bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam
giữ của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 14
điều. Bốn bên đều ký.
* Nghị định thư về
ngưng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban Liên hợp Quân sự của Hiệp định chấm
dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 19 điều. Bốn bên đều
ký.
* Nghị định thư về việc tháo gỡ và vô hiệu hóa mìn trên
các thủy lộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập
lại hòa bình ở Việt Nam, gồm 8 điều, ký kết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa.
Ngoài ra, điều 19 chương VI Hiệp định Hòa bình Paris quy
định rằng các bên thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế trong vòng
ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định nầy để ghi nhận các hiệp định đã được ký
kết, bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các
quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền
Nam Việt Nam, góp vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương.
Dựa vào điều nầy, HỘI NGHỊ QUỐC TẾ đã được triệu tập từ
26-2 đến 2-3-1973 tại Paris, gồm bốn bên trong hội nghị Paris, cùng bốn nước
trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến là Canada, Hungary, Indonesia, Poland
và bốn nước Anh, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Liên Xô và Pháp.
Hội nghị quốc tế gồm 12 thành viên trên đây đi đến ký
kết một văn bản được gọi là “Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam”, ngày
2-3-1973, gồm 9 điều, “nhằm mục đích ghi nhận các hiệp định đã được ký kết,
bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam…”. Đại diện các
bên tham chiến và đại diện chính phủ các nước trên đây đã ký vào bản định ước
nầy trước sự chứng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lúc đó là Kurd Waldheim
(người Áo, tổng thư ký LHQ từ 1972 đến 1981).
Dầu có sự chứng kiến của vị tổng thư ký LHQ và các cường
quốc trên thế giới cùng các thành viên Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến, chỉ
vài tháng sau khi hiệp định Paris được ký kết, CS vi phạm hiệp định, xua
quân tấn công VNCH.
KẾT LUẬN (TOÀN BÀI “HỘI NGHỊ PARIS”)
Như thế là hội nghị
Paris kéo dài trong bốn năm chín tháng, từ 13-5-1968 đến 27-1-1973, đưa đến
Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring
Peace in Vietnam), gọi tắt là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris
Peace Accords).
Hoa Kỳ đến NVN nhắm
mục đích giúp NVN ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS xuống NVN và Đông
Nam Á. Năm 1964, trước khi đem quân vào Việt Nam năm 1965, ngoại trưởng Hoa Kỳ
Dean Rusk qua Ottawa (Canada) gặp Blair Seaborn, trưởng đoàn đại diện Canada
trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, (International Control Commission), thông báo
cho Hà Nội biết là Hoa Kỳ không muốn lật đổ chế độ Hà Nội mà chỉ muốn hòa bình,
và thúc giục Hà Nội chấm dứt thù địch để đổi lấy viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ.
Seaborn đã tin cho Phạm Văn Đồng biết điều nầy trong cuộc gặp tại Hà Nội ngày
18-6-1964. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War, 1954-1965, New
York: Cambridge University Press, 2006, tr. 307.)
Chiến lược phòng thủ NVN (không đánh ta Bắc như ở Nam
Triều Tiên), dựa trên võ khí tối tân của Hoa Kỳ không phải là đối sách hữu hiệu
đối với chiến tranh du kích và khủng bố của CSVN trong bối cảnh địa lý rừng núi
NVN, nên quân đội Hoa Kỳ không thành công tại NVN. Muốn chiến thắng du kích CS ở
NVN, thì phải tận diệt nguồn gốc, hang ổ tiếp tế cho CS ở NVN. Đó chính là BVN.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ chủ trương không lật đổ chế độ Hà Nội, nên không đưa bộ binh
đánh BVN.
Dầu chưa thua trận nào từ cấp tiểu đoàn trở lên, nhưng
quân đội Hoa Kỳ tại NVN càng ngày càng hao mòn, số thương vong mỗi ngày mỗi ít,
cộng lại càng ngày càng cao nên dân chúng Hoa Kỳ càng ngày càng phản đối. Trong
khi đó, để mở đầu liên lạc với Trung Quốc, làm hòa với Liên Xô, Hoa Kỳ quyết
định thay đổi sách lược ngoại giao toàn cầu, quay qua bắt tay với Trung Quốc,
rút quân khỏi NVN, bỏ rơi VNCH.
Khi muốn rút quân ra khỏi NVN, Hoa Kỳ có thể tự động âm
thầm rút đi, nhưng vì bận tâm về những tù binh Hoa Kỳ trong tay CSVN, nên Hoa Kỳ
phải họp hội nghị Paris để gọi là tìm kiếm “một nền hòa bình trong danh dự”,
nhưng thật sự nhằm đưa tù binh Hoa Kỳ về nước.
Biết được chủ đích của
Hoa Kỳ, CSVN nhởn nhơ vừa đàm vừa đánh, cho đến khi đạt được đòi hỏi của CSVN.
Tại Paris, mỗi bên đặt lên bàn hội nghị một điều kiện tiên quyết. Hoa Kỳ đồng ý
rút quân nhưng đòi hỏi BVN phải cùng rút quân. Bắc Việt Nam rất mong đợi Hoa Kỳ
rút quân, nhưng đòi hỏi Hoa Kỳ phải giải thể chế độ Nguyễn Văn Thiệu trước khi
rút quân và chỉ muốn đình chiến tại chỗ, BVN không rút quân.
Để nhanh chóng đi đến
kết thúc, ký kết hiệp định trước ngày bầu cử tổng thống (7-11-1972), Henry
Kissinger nhượng bộ, bỏ điều kiên tiên quyết của Hoa Kỳ, nghĩa là bỏ ý định đòi
hỏi BVN rút quân. Khi đó, dưới áp lực của Liên Xô, phía BVN mới bỏ điều kiên
tiên quyết của BVN, không còn đòi Hoa Kỳ giải thể chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Sự
nhượng bộ của Kissinger bị chính những nhân viên trong phái đoàn của Hoa Kỳ phản
đối, nhưng Kissinger giải thích: “Các anh không hiểu. Tôi muốn nhận những
điều kiện của họ. Tôi muốn đạt thỏa thuận. Tôi muốn chấm dứt cuộc chiến nầy
trước kỳ bầu cử. Điều đó có thể làm được và sẽ được làm.” (Stanley Karnow,
Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr.
648.)
Nói cho cùng, Hoa Kỳ
ký hiệp định Paris để rút chân ra khỏi NVN và để lấy lại tù binh Hoa Kỳ từ tay
BVN, chứ Hoa Kỳ cũng dự tính trước rằng với tham vọng xâm lược của BVN, hiệp
định Paris sẽ bị CS vi phạm. Điều nầy sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì một khi BVN vi
phạm hiệp định Paris, thì không có lý do gì BVN đòi hỏi Hoa Kỳ phải tôn trọng
hiệp định Paris. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ khỏi phải viện trợ hậu chiến, một hình
thức bồi thường chiến tranh cho BVN theo điều 21 chương VIII hiệp định Paris.
Trong cuộc mật đàm ngày 11-1-1975, Lê Đức Thọ yêu cầu Hoa Kỳ đóng góp 5 tỷ Mỹ
kim để tái thiết BVN. (Đã chú thích ở trên.) Phải chăng chính trong tính toán
đó, Kissinger đã từng chỉ đường cho BVN tiếp tục tấn công NVN khi nói với Chu Ân
Lai ngày 22-6-1972: “Nếu chúng tôi có thể
sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, chúng tôi phải có khả năng chấp
nhận điều đó ở Đông Dương.”(Biên bản cuộc họp giữa Henry Kissinger và Chu Ân
Lai ngày 22-6-1972, được giải mật năm 2006.)
Chưa hết, sau đó khi
Đà Nẵng bị CSVN chiếm vào cuối tháng 3-1975, VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu, Henry
Kissinger đã thốt ra vào đầu tháng 4-1975: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho
rồi?” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 512.) Việt
Nam Cộng Hòa chết lẹ thì Hoa Kỳ sẽ chấm hết tất cả những ràng buộc về Việt Nam,
trong đó có cả việc thoát luôn khỏi bồi hoàn tái thiết cho BVN vì BVN xé bỏ hiệp
định Paris, xâm chiếm miền NVN, thì Hoa kỳ không có lý do gì để bồi hoàn
cho BVN.
Riêng đối với dân
chúng Hoa Kỳ, chính phủ Nixon đã thành công và làm tròn lời hứa, kết thúc chiến
tranh, rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam và đem tù binh về nước. Tuy nhiên,
đối với VNCH, Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh đã từng cùng Hoa Kỳ chiến đấu chống CS, và
lúc đó đang còn chiến đấu chống CS. Hoa Kỳ đến Việt Nam vì quyền lợi của Hoa Kỳ
thì cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ ra đi. Chẳng những Hoa Kỳ mà
tất cả các nước ngoài, dù CS hay tư bản đến giúp BVN hay NVN đều vì quyền lợi
của họ, chẳng có nước nào đế giúp vô vị lợi. Đây là một tấm gương luôn luôn cần
được ghi nhớ.
Đối với VNDCCH và công
cụ là MTDTGP, Hiệp định Hòa bình Paris, ngưng bắn tại chỗ, là một thắng
lợi lớn lao vì:
1) Trong khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi NVN, VNDCCH vẫn
đóng quân trên những vùng họ đã chiếm đóng thuộc lãnh thổ VNCH theo thế da beo.
2) Hoa Kỳ không còn dùng phi cơ để oanh kích BVN là cơ
hội cho CS tái thiết BVN, bổ sung quân số, chấn chỉnh lực lượng, và tăng cường
võ khí cho quân đội CS ở miền Nam. Như thế nghĩa là CS chỉ ký Hiệp định Hòa bình
Paris để tạm hưu chiến cho Hoa Kỳ lui quân, rồi CS sẽ tiếp tục tấn công một mình
VNCH, xâm chiếm NVN.
Đối với VNCH, Hiệp
định Hòa bình Paris là một thất bại chính trị quan trọng. Hiệp định nầy chỉ
chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ và VNDCCH, chứ không phải giữa VNCH và VNDCCH.
Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải tiếp tục tự vệ trước âm mưu xâm lăng của
VNDCCH.
Sau hội nghị Paris, cả
Hoa Kỳ lẫn CS đều tự cho là mình đã giành thắng lợi. Tuy nhiên, những tính toán
chính trị sâu xa và lâu dài trên bàn cờ chính trị thế giới mới là câu trả lời ai
là người thắng cuộc. Cho đến nay, sau khi khối CS Đông Âu sụp đổ năm 1990 và CS
Việt Nam trải thảm đỏ rước Hoa Kỳ trở lại Việt Nam năm 1995, đã cho thấy rõ ràng
rằng bên hiu hiu tự đắc thắng cuộc năm 1975 nay bị cả toàn dân Việt Nam lên án,
thế giới khinh thường, Trung Cộng hiếp đáp, là thắng hay thua?
Điểm đáng ghi nhận
thêm là nhờ Hội nghị Paris và nhờ hiệp định Paris mà ngày 16-10-1973,
Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải thưởng Hòa bình Nobel năm 1973. Lê
Đức Thọ không nhận vì với Lê Đức Thọ, hiệp định Paris chỉ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ
rút quân và CS tiếp tục xâm lăng VNCH. (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất
bản.)
© TRẦN GIA PHỤNG (Toronto,
26-01-2013)
No comments:
Post a Comment